Đại Kỷ Nguyên

Điểm danh 4 nhà khoa học từng tuyên bố phát hiện ‘sự sống ngoài Trái Đất’

Một buổi họp báo của NASA. (Ảnh: Internet)

Chưa ai từng có thể thuyết phục tất cả mọi người trong cộng đồng khoa học rằng sự sống ngoài Trái Đất tồn tại. Nhưng từ khi kỷ nguyên khám phá không gian bắt đầu, nhiều nghiên cứu xuất hiện đã cho thấy dấu hiệu của sự sống trên các thiên thạch hay trên sao Hỏa.

Một số nhà sinh học vũ trụ của NASA và các nhà nghiên cứu khác từng nói rằng họ đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục về sự sống ngoài hành tinh. Dưới đây là 5 nghiên cứu khá thú vị.

1. Richard Hoover: Hóa thạch trên thiên thạch

Richard Hoover, nhà sinh học vũ trụ của NASA, từng nói rằng ông đã tìm thấy bằng chứng hóa thạch của vi khuẩn lam (cyanobacteria) trên các thiên thạch. Đây là một ngành vi khuẩn có khả năng quang hợp.

Vi khuẩn lam dưới kính hiển vi. Đây là một ngành vi khuẩn có khả năng quang hợp. (Ảnh: Internet)

Trong một bài đăng trên trang web của NASA vào năm 2007, ông Hoover đã viết: “Có thể kết luận rằng các sợi hóa thạch được bảo quản tốt cùng các thảm sinh vật dày đặc bên trong [thiên thạch Orgueil đại diện tàn tích của một cộng đồng thảm vi khuẩn lam thủy sinh phức tạp ở tầng đáy – vốn sinh trưởng trên phần chính của một thiên thạch trước khi tiến vào bầu khí quyển Trái Đất”.

Các nhà hoài nghi cho rằng nghiên cứu của ông Hoover là đáng chất vấn, vì vi khuẩn lam sống dưới nước và cần ánh sáng Mặt Trời để sinh trưởng—một hoàn cảnh không thể có trên các sao chổi.

Richard Hoover, nhà sinh học vũ trụ của NASA, từng nói rằng ông đã tìm thấy cái có thể là bằng chứng của sự sống ngoài Trái Đất. (Ảnh: NASA)

2. TS David McKay: Kết quả nghiên cứu thiên thạch gây tranh cãi được ủng hộ

Theo Tiến sĩ David McKay và các đồng nghiệp của ông tại NASA, đây rất có thể là những “hóa thạch vi mô” còn sót lại, bằng chứng tiềm năng của sự sống được mang đến bởi các thiên thạch từ Sao Hỏa. (Ảnh: NASA)

Năm 1996, TS David McKay, nhà sinh học vũ trụ chính của NASA, đã tuyên bố phát hiện ra sự sống vi mô từ Sao Hỏa. Bill Clinton, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, đã khen ngợi khám phá này và nó đã nhận được nhiều sự chú ý của dư luận trước khi bị đặt câu hỏi. Tuy nhiên, đến năm 2011, với công nghệ mới trong tay, các nhà nghiên cứu của NASA đã tìm thấy bằng chứng mới củng cố thêm cho lý thuyết của TS McKay.

“Chúng tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết rằng Sao Hỏa có lẽ đã từng là, và vẫn có thể là, nơi trú ngụ của sự sống”, TS McKay nói trong một hội thảo về ngành sinh học vũ trụ được tài trợ bởi NASA vào năm 2011, theo trang Daily Galaxy.

Năm 1996, TS McKay đã đưa ra giả thuyết cho rằng khí Mêtan và các chất liệu khác được tìm thấy trong các thiên thạch có lẽ đã được sản sinh bởi các vi sinh vật. Số khác thì cho rằng các chất liệu này có thể đã được sản sinh bởi nhiệt lượng hoặc sự phân hủy đột xuất các vật chất vô cơ.

Nhóm nghiên cứu của NASA đã kiểm chứng các giả thuyết này và đi đến kết luận rằng các quặng sắt từ magnetit (Fe3O4) hầu như không thể được sản sinh theo những cách này. Giả thuyết cho rằng chúng được sinh ra bởi các sinh vật sống vẫn là trường hợp thuyết phục nhất.

TS McKay đã qua đời vào năm 2013 ở cái tuổi 77.

Nhà sinh học vũ trụ quá cố của NASA, TS David McKay. (Ảnh: NASA)

3. Gilbert Levin: Tàu thăm dò Viking Lander đã tìm thấy sự sống trên Sao Hỏa

Năm 1976, tàu đổ bộ lên Sao Hỏa Viking Lander có vẻ đã phát hiện được các vi sinh vật sống trong lớp đất của hành tinh đỏ. TS Gilbert Levin đã phát triển một thí nghiệm “labeled-release” (dán nhãn-kiểm tra khí hơi thoát ra từ mẫu đất) Cho NASA. Đây là cách thức tiến hành thí nghiệm, như được miêu tả chi tiết trên tạp chí của trường Đại học John Hopkins:

1. Các con tàu đổ bộ thu thập mẫu đất trên Sao Hỏa.

2. Mẫu đất đã được niêm phong trong một cái hộp có gắn máy dò phóng xạ để đo lường phóng xạ cơ sở (cường độ phóng xạ ban đầu trước khi tiến hành thí nghiệm).

3. Các chất dinh dưỡng đã được bơm vào đất thành từng liều. Giả thuyết đặt ra là, nếu đất chứa các vi sinh vật này là giống với vi sinh vật trên Trái Đất, thì chúng sẽ cần hấp thụ chất dinh dưỡng và thực hiện chức năng hô hấp (hút khí và thải khí), và những khí này sẽ được máy dò phóng xạ phát hiện ra.

4. Như một mẫu đối chứng, một mẫu đất khác đã được thu thập và nung nóng tới mức nhiệt có khả năng tiêu diệt bất kỳ vi sinh vật nào; và quá trình tương tự cũng đã được áp dụng với mẫu đất này.

5. TS Levin nói rằng sự khác biệt trong cường độ phóng xạ giữa hai mẫu đất sẽ cho thấy liệu có tồn tại sự sống trên Sao Hỏa hay không.

6. Thí nghiệm trên thực tế đã cho thấy sự phát xuất phóng xạ từ mẫu đất – chứng tỏ có sự sống, còn mẫu đất được nung nóng lại không thấy xuất hiện hiện tượng phát xuất phóng xạ như vậy.

Carl Sagan và mô hình con tàu đổ bộ Sao Hỏa Viking Lander. (Ảnh: Wikimedia)

NASA đã tiến hành một thí nghiệm khác với một phương pháp khác được phát triển bởi MIT nhưng không phát hiện được sự sống ở trong đất. Thí nghiệm này đã sử dụng một máy sắc ký khí ghép khối phổ (gas chromatograph-mass spectrometer – GC-MS), nhưng đã không thể phát hiện được các hợp chất hữu cơ, có nghĩa là mẫu đất này không thể chứa đựng sự sống như cách hiểu thông thường của chúng ta về sự sống trên Trái Đất.

NASA cho rằng thí nghiệm của TS Levin chắc hẳn là không chính xác—rằng sự khác biệt của thành phần hóa học trong đất hẳn phải là nguyên nhân đằng sau các kết quả này. Tuy rằng TS Levin đã tuyên bố công khai rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa, vì nguyên nhân có thể là do mẫu đất, bằng cách nào đó, đã mô phỏng chức năng hô hấp sinh học (ở động thực vật), nhưng cá nhân ông vẫn cảm thấy rằng chỉ có các chức năng sinh học (và không phải yếu tố hóa học) mới có thể giải thích cho các kết quả thí nghiệm thu được của tàu Viking lander.

Năm 2002, TS Levin đã trao đổi với tạp chí của Đại học John Hopkins rằng bản thân ông tin rằng thí nghiệm này đã phát hiện được sự sống trên Sao Hỏa vào năm 1976.

4. TS Rudolph Schild: Sự sống ngoài Trái Đất đến từ các sao chổi

Một hạt vô cơ lớn chứa các sợi sinh học, được các nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield ở Anh nhìn nhận là sự sống ngoài hành tinh. (Ảnh chụp màn hình/Tạp chí Vũ trụ học)
Bốn thực thể sinh học được thu thập ở tầng bình lưu bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield. (Ảnh chụp màn hình/Tạp chí Vũ trụ học)

Vào tháng 7/2013, một thiết bị lấy mẫu đã được phóng vào tầng bình lưu của Trái Đất bởi các nhà nghiên cứu ở Anh, và nó đã trở lại với cái họ cho là bằng chứng của sự sống ngoài Trái Đất được đem tới trên các sao chổi.  

Theo một báo cáo được đăng trên Tạp chí Vũ trụ học (Journal of Cosmology), các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Sheffield ở Anh tuyên bố rằng thiết bị đã mang trở về các thực thể sinh học “quá lớn để có thể được chuyên chở từ Trái Đất”.

“Do đó, chúng tôi đi đến kết luận rằng các thực thể sinh học này đã đến từ không gian, có lẽ từ các sao chổi”.

Thiết bị cũng đã mang trở lại ba thực thể sinh học khác khác với bất cứ thứ gì được nhìn thấy trước đây. Một trong số đó được miêu tả là một “bề mặt bẳng phẳng có đường vân trông giống một tế bào”. Cái khác thì được miêu tả là một “cấu trúc giống khiên chắn”. Và cái còn lại thì là một “cấu trúc hình ống dài với kết cấu hình sợi bên trong”.

Tạp chí Vũ trụ học đã bị chỉ trích bởi một số người hoài nghi. Tạp chí này tự miêu tả bản thân là một ấn bản bình duyệt được xây dụng với “một chính sách biên tập khác với tất cả các tạp chí khoa học khác, vì nó giữ một thái độ cởi mở đối với tất cả các quan điểm khoa học, thậm chí cả những quan điểm mà các biên tập viên không đồng tình cũng như những quan điểm thách thức các lý thuyết dòng chính hiện nay”. Tổng biên tập của tạp chí là nhà sinh học vũ trụ tại Trung tâm Sinh học Vũ trụ Harvard-Smithsonian, TS Rudolph Schild.

Xem thêm:

5. Mưa đỏ

Các bức ảnh chụp trong nghiên cứu về mưa đỏ ở Kerala, Ấn Độ. (Ảnh: Wikimedia)

Trong số những thành phần được phát hiện trong tầng bình lưu theo miêu tả bên trên, có một thứ trông giống với một tế bào mưa đỏ, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield. Các tế bào mưa đỏ cũng là đối tượng của một nghiên cứu gây tranh cãi khi tuyên bố có tồn tại sự sống ngoài hành tinh.

Nhiều khu vực ở bang Kerala, Ấn Độ, đã xuất hiện hiện tượng mưa màu đỏ vào năm 2001.

Mưa đỏ ở Kerala, Ấn Độ vào năm 2001. (Ảnh: Internet)

Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Trái Đất Ấn Độ đã quy trận mưa màu đỏ này cho “các bào tử tảo hình thành địa y màu đỏ có nguồn gốc địa phương”.

Năm 2003, các nhà khoa học tại Trung tâm Không gian Vikram Sarabhai đã quy hiện tượng mưa đỏ này cho một đám mây bụi có màu sắc di chuyển từ Vịnh Ba Tư đến Ấn Độ, theo một bản tin vào thời đó trên tờ Thời báo Ấn Độ.

Năm 2006, hai nhà vật lý Santhosh Kumar và Godfrey Louis từ Đại học Mahatma Gandhi ở Kerala đã đề xuất một mối liên hệ giữa các hạt phần tử màu đỏ với một sự kiện sao băng phát nổ trên không trung.

Họ đã tìm thấy các tế bào sinh học trong nước mưa; tuy nhiên, các tế bào này rất kỳ lạ khi không chứa DNA. Họ lập luận rằng có khả năng các mảnh vụn sao chổi này có nguồn gốc ngoài Trái Đất.

Xem thêm:

Cũng xem thêm: Tồn tại sự sống trên Sao Hỏa? NASA điều tra ‘hòn đá’ bí ẩn

An object found on Mars (left) and Apothecia, a type of fungus, on Earth (right). Rhawn Gabriel Joseph, Ph.D., says the object on Mars may be fungus.(left: NASA, right: Wikimedia Commons)
Vật thể được phát hiện trên Sao Hỏa (trái) và Apothecia, một loại nấm, trên Trái Đất (phải). Tiến sĩ Rhawn Gabriel Joseph nhận định rằng vật thể trên bề mặt Sao Hỏa có thể là một loại nấm. (Trái: NASA, phải: Wikimedia)

Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version