Chiếc điện thoại của người Peru, một kỳ tích của nền văn minh cổ đại, được cho là đã được chế tạo ra cách đây từ 1.200 đến 1.400 năm, đã khiến hầu hết những ai từng nghe kể về nó đều phải chấn động. Được phát hiện tại khu tàn tích Chan Chan, Peru, thiết bị liên lạc tinh xảo này được biết đến là mẫu công nghệ điện thoại sớm nhất ở Tây bán cầu.
Món đồ tạo tác dường như lạc chỗ này là bằng chứng cho thấy một sáng kiến ấn tượng của tộc người vùng duyên hải Chimu ở thung lũng Río Moche, miền Bắc Peru.
Ramiro Matos, người quản lí, tổ chức triển lãm của bảo tàng đã chia sẻ với Tạp chí Smithsonian rằng: “Món đồ này là độc nhất vô nhị. Người ta chỉ phát hiện được duy nhất một chiếc như vậy. Ý tưởng về một chiếc điện thoại như vậy có lẽ đã bắt nguồn từ một tộc người bản địa không có ngôn ngữ viết”.
“Chiếc điện thoại” nguyên thủy này có thể là một thiết bị truyền âm thô sơ, rất giống với “điện thoại ống bơ” đã được biết đến trong hàng trăm năm nay và đã trở nên khá thịnh hành vào thế kỷ 19. “Điện thoại ống bơ” thường được cấu tạo từ hai lon thiếc nối với nhau bằng một sợi dây, và thường được xem như là một thiết bị mới lạ.
Thiết bị cổ đại này của người Chimu được làm từ hai đầu của trái bầu khô, nối với nhau bằng một sợi dây.
Mỗi quả bầu có chiều dài 8,9 cm, được tẩm nhựa cây bên ngoài, và đóng vai trò như thiết bị phát và tiếp nhận âm thanh. Xung quanh phần đáy mỗi quả bầu là lớp màng rung bằng da động vật kéo căng. Đoạn dây dài 22,8 m kết nối hai đầu quả bầu được làm bằng các sợi cotton bện lại với nhau.
Sự đơn giản của thiết bị này đã che giấu đi những tiềm năng của nó.
Hiện vật có một không hai này, đã xuất hiện được hơn một nghìn năm trước khi nghiên cứu sớm nhất về điện thoại (bắt đầu với những thiết bị có dây, không dùng điện) được tiến hành vào năm 1833.
Thiết bị bao gồm dây và quả bầu này là quá mỏng manh, khó có thể tiến hành phân tích vật lý, nhưng các nhà nghiên cứu có thể tổng kết ra các nguyên lý hoạt động của nó. Tuy nhiên, điều mà họ vẫn phải tiếp tục phỏng đoán là người Chimu đã sử dụng chiếc điện thoại cổ đại này như thế nào: mục đích của nó là gì?
Vì tộc người Chimu được biết đến là một xã hội phân thứ bậc, nên hiển nhiên chỉ có tầng lớp quý tộc hoặc giáo sĩ mới có thể sở hữu một thiết bị quý giá như vậy, Ông Matos nhận định.
Chiếc điện thoại quý giá này, với khả năng truyền âm qua không gian trực tiếp tới tai người nghe, là “một công cụ được thiết kế cho một cuộc giao tiếp trong xã hội thượng tầng”, Ông Matos nói.
Thiết bị này có thể được sử dụng trong giao tiếp giữa những người tập sự hoặc những người phụ tá với thành phần bậc cao hơn họ thông qua các buồng hoặc phòng chờ. Để giữ bí mật về thân thế người tham gia và bảo đảm tính an toàn, sẽ không cần đến hình thức giao tiếp trực diện.
Giống với nhiều tuyệt tác cổ đại khác, đây cũng có thể là một thiết bị có khả năng làm những tín đồ sùng đạo phải chấn động.
Những giọng nói không rõ nguồn gốc phát ra từ một vật cầm tay có thể làm chấn động và thuyết phục mọi người về tầm quan trọng và địa vị của tầng lớp quý tộc hoặc giáo sĩ.
Xem thêm:
Hoặc, có một số người đã coi vật thể bằng trái bầu khô và sợi dây bện này chỉ đơn thuần là một món đồ chơi của trẻ con.
Hiện vật này đã từng thuộc quyền sở hữu của Nam tước Walram V. Von Schoeler, một nhà quý tộc người Phổ, được miêu tả như “một nhà thám hiểm kiểu Indiana Jones (một nhân vật điện ảnh nổi tiếng trong bộ phim cùng tên)”. Ông đã tham gia rất nhiều cuộc khai quật ở Peru vào những năm 1930, và có thể đã tự mình đào được hiện vật này từ khu vực tàn tích Chan Chan.
Ông đã phân bổ bộ sưu tập của mình cho nhiều bảo tàng khác nhau, và món đồ này cuối cùng đã an vị tại kho lưu trữ của Bảo tàng Thổ dân da đỏ Quốc gia ở bang Maryland, Mỹ, nơi nó được giữ gìn một cách cẩn thận, và bảo quản trong một môi trường kiểm soát nhiệt độ như một trong những báu vật quý giá nhất của bảo tàng.
Chimu: Một xã hội có trình độ khoa học kỹ thuật cao
Ramiro Matos, một nhà nhân chủng học và khảo cổ học chuyên nghiên cứu khu vực miền Trung Andes đã đưa ra cách giải thích như sau: “Chimu là một dân tộc sáng tạo và khéo léo”. Họ từng sở hữu một nền khoa học kỹ thuật ấn tượng. Điều này thể hiện trong hệ thống kênh đào dẫn nước tưới tiêu, và các tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại cùng những món đồ tạo tác hết sức tỉ mỉ, tinh xảo.
Người Chimu là thần dân của Vương quốc Chimor, và kinh đô tráng lệ của họ là Chan Chan (Tạm dịch là Sun Sun – Mặt Trời), một quần thể công trình rộng lớn được xây bằng gạch bùn—công trình được xây bằng gạch bùn lớn nhất trên thế giới—và đây là thành phố lớn nhất ở Nam Mỹ thời tiền Columbus (Cô-lôm-bô). Chan Chan có diện tích khoảng 20 km2. Thành phố này đã từng là nơi cư trú của khoảng 100.000 người trong thời kỳ đỉnh cao của nó vào khoảng năm 1200 sau Công Nguyên.
Toàn bộ thành phố được xây bằng bùn phơi nắng tạo hình theo khuôn, và được trang trí tinh xảo bằng những các tác phẩm điêu khắc, phù điêu và hoa văn chạm trổ trên hầu hết các bề mặt.
Nền văn hóa Chimu xuất hiện vào khoảng năm 900 SCN, nhưng đã bị Đế quốc Inca xâm lược vào khoảng năm 1470 SCN.
Điện thoại của người Chimu, và rất nhiều các công nghệ cổ đại đáng kinh ngạc khác, đã nhắc nhở chúng ta rằng những nền văn minh cổ đại có khả năng tạo ra những phát minh, ý tưởng và sự sáng tạo kỳ diệu từ rất lâu trước khi những xã hội hiện đại “tinh vi” có thể phát minh ra chúng (đôi lúc là phát minh lại lần thứ hai).
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch
Xem thêm: