Trong thời hiện đại ngày nay chúng ta thật sự cần đến danh từ “đồng phương tương tính [1]” hơn bao giờ hết.
Nhà tâm thần học Carl Jung (1875–1961) đã xác định khái niệm đồng phương tương tính và đặt cho nó cái tên này, nhưng “đồng phương tương tính” thật sự đã là một phần rất tự nhiên trong cuộc sống của nhân loại xuyên suốt chiều dài lịch sử nên không cần đến một cái tên. Tiến sĩ Richard Tarnas, nhà tâm lý học và tâm thần học tại Viện Nghiên cứu Tổng hợp California (California Institute of Integral Studies) đã phân tích tại sao khái niệm này lại có thể tiến nhập vào xã hội Tây phương lúc đó và tại sao nó lại trở nên vô cùng quan trọng đối với ý thức hiện đại.
Tiến sĩ Richard Tarnas (Ảnh: Goethean/Wikipedia/CC BY-SA)
“Tôi đã dần dần ngừng tin tưởng vào bất cứ điều gì. Nhưng tôi tin tưởng vào thuyết đồng phương tương tính”, Tiến sĩ Jeffrey Kripal, trưởng khoa nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Rice, từng chia sẻ với TS Tarnas. TS Tarnas nhìn nhận hiện tượng đồng phương tương tính như một cách thức để tái kết nối với thế giới xung quanh chúng ta, để tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống hậu hiện đại.
Tôi đã dần dần ngừng tin tưởng vào bất cứ điều gì. Nhưng tôi tin tưởng vào thuyết đồng phương tương tính
– TS Jeffrey Kripal, Đại học Rice
Ông đã định nghĩa khái niệm đồng phương tương tính trong một buổi thảo luận được ghi âm tại hội nghị “Đồng phương tương tính: Hội nghị Chuyên đề Vật chất & Tinh thần” năm ngoái: “Đồng phương tương tính miêu tả các hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên được quan sát, trong đó hai hoặc nhiều hơn các sự kiện độc lập không có mối liên hệ nhân quả rõ ràng dường như lại hình thành nên một mô thức có ý nghĩa”.
Trong thế giới quan thời xưa, TS Tarnas nói, con người nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh họ là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông minh họa điều này bằng một bức tranh trong đó có một vòng tròn nằm bên trong vòng tròn khác. Vòng tròn bên trong biểu thị cái tôi, hay tự ngã. Vòng tròn bên ngoài biểu thị thế giới xung quanh. Hàng rào ngăn cách giữa chúng có thể được lọt qua. Tuy nhiên, trong thế giới quan hiện đại, cái tôi được vẽ phân cách với thế giới bên ngoài bằng một đường kẻ liền.
Trong quá khứ, nếu một người nghĩ đến ai đó anh ta chưa gặp hay thậm chí chưa nghĩ đến trong nhiều năm và tình cờ người đó xuất hiện, thì người ta thường giả định rằng ý nghĩ và sự kiện là có liên hệ với nhau. Ngày nay, nếu điều đó xảy ra, thì nó sẽ chỉ thường được nhìn nhận đơn thuần là “hiện tượng ngẫu nhiên”. Lối suy nghĩ hiện đại thường không giả định rằng bằng cách thức nào đó tâm trí một người lại có thể có liên kết với thế giới bên ngoài theo một cách cho phép người đó trực cảm được sự xuất hiện của một người bạn đã lâu không gặp.
Một thế giới quan theo kiểu Đề-các (đặt theo tên nhà triết học từ thế kỷ 17 René Descartes, nổi tiếng với câu nói “Tôi nghi ngờ, tức là tôi tư duy, tôi tư duy, vậy là tôi tồn tại”) là khá phổ biến, trong đó cái tôi là tách biệt với thế giới bên ngoài, TS Tarnas nói. Cái tôi hàm chứa ý nghĩa, nhưng thế giới xung quanh nó lại khuyết nghĩa. Thế giới xung quanh là mang tính khách quan.
Nói cách khác, trong quá khứ, đồng phương tương tính được coi là một chuyện đương nhiên. Thế giới nội tại của con người và thế giới xung quanh đang luân chuyển và không có gì là lạ nếu thứ gì đó ở thế giới xung quanh lại có thể có liên hệ với tư tưởng của một người. Người ta cũng tự nhiên thừa nhận rằng Chúa hay Đấng Tối Cao hay các thế lực khác bên ngoài thế giới con người đang kiểm soát các sự kiện mang tính may rủi. Tuy nhiên, ngày nay, các hiện tượng đồng phương tương tính thường bị nhìn nhận là các sự kiện mang tính may rủi “thuần túy”.
Hạt giống của chủ nghĩa giản lược được gieo xuống trong cuộc cách mạng khoa học từ thế kỷ 16 đã trở nên “vô cùng mạnh mẽ” vào thế kỷ 19, theo TS Tarnas. Do đó nhà tâm thần học Carl Jung đã mang vào thế giới quan tiêu trầm của phương Tây khái niệm về sự đồng phương tương tính tại một thời điểm khá then chốt.
Đồng phương tương tính hé mở những mối liên hệ có ý nghĩa giữa thế giới khách quan và chủ quan.
— Carl Jung
“Đồng phương tương tính hé mở những mối liên hệ có ý nghĩa giữa thế giới khách quan và chủ quan,” Connie Beyer đã trích dẫn câu nói trên của Carl Jung trong cuốn sách “Mọi thứ đều mang tính cá nhân (Everything is personal)”: “Đồng phương tương tính là một thực tại luôn luôn hiện hữu đối với những ai có thể quan sát”.
TS Tarnas đã kể lại một sự kiện đồng phương tương tính xảy ra với chính bản thân ông, một trong rất nhiều các sự kiện ông từng chứng kiến. Người bạn tốt Charles Harvey của ông, nguyên chủ tịch Hiệp hội Chiêm tinh Anh quốc, đã qua đời ở Anh. Một số thành viên trong gia đình của ông ở Mỹ quốc đã tập hợp lại cùng nhau tại một đài tưởng niệm ở Presidio, một công viên gần Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) tại khu vực vùng Bay Area ở thành phố San Francisco. Họ đã nghĩ đến một tòa nhà trong đầu, nhưng sau đó phát hiện rằng chỗ này đã chật ních người.
TS Tarnas nghĩ ra một nhà nguyện nhỏ gần đó và đề xuất mọi người đến đó. Nơi đó là một địa điểm tuyệt vời.
Chị dâu của Harvey đứng đó nói một vài lời về Harvey, nhưng đôi mắt của bà đột nhiên mở to ra trong sự kinh ngạc đến nỗi không thốt lên lời. TS Tarnas và những người khác nhìn theo bà và phát hiện thấy một tấm bia màu vàng trên một bức tường nhà nguyện, bên trên có dòng chữ: “Tưởng nhớ đến Trung tướng Charles Harvey (1845–1910)”.
Một buổi tưởng niệm nhỏ không ngờ đã tìm đường đến một địa điểm khắc ghi đúng tên của người quá cố.
Giáo sư Victor Mansfield, một nhà vật lý tại Đại học Cornell, tác giả cuốn sách “Đồng phương tương tính, khoa học, và chế tạo linh hồn”, đã nói rằng đồng phương tương tính đặt ra các vấn đề to lớn đối với thế giới hiện đại trên phương diện tâm lý học và triết học, TS Tarnas lưu ý. GS Mansfield đã chứng kiến quá nhiều các trường hợp đồng phương tương tính trong cuộc sống của cá nhân ông cũng như của người khác và ông không thể phủ nhận chúng như các “sự trùng hợp đơn thuần”.
GS Mansfield nói: “Chúng là các trải nghiệm đặc biệt khó khăn đối với tôi trong vai trò một nhà vật lý được giáo dục trong chủ nghĩa duy vật khoa học”.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Chú thích của người dịch:
[1] Đồng phương tương tính (hay đồng thời tương ứng) vốn là một danh từ được dùng bởi nhà bác sĩ phân tâm học Carl Jung để ám chỉ các hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên rất lý thú trong cuộc sống.
Chúng ta ai cũng từng biết những chuyện trùng hợp thông thường, thí dụ như:
- Hễ ngày nào chúng ta giặt chăn mền để phơi, là hầu như ngày đó trời sẽ mưa.
- Lúc còn nhỏ, những bữa ta học thuộc bài thì thầy không ngó tới mình, còn hôm nào mà quên học bài thì thế nào hôm đó cũng sẽ bị thầy kêu lên khảo.
- Nhiều khi ta mới đang bàn chuyện về một người nào đó, thì đột nhiên thấy chính người đó từ bên ngoài bước vào.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: