Đau là một trải nghiệm phức tạp có liên hệ đến các nhân tố cảm giác và cảm xúc: Đây không chỉ là nỗi đau trên thân thể, mà còn là tác động lên cảm xúc. Và chính những cảm giác khó chịu này đã gây ra nỗi khổ mà con người chúng ta liên hệ tới sự đau đớn.

Khoa học về cơn đau đã được ghi chép khá đầy đủ trong cuốn sách cùng tên của tác giả Patrick Wall. Chúng ta biết chắc rằng động vật có thể cảm nhận được cơn đau thể xác, nhưng điều chưa rõ ràng là việc liệu chúng cũng trải nghiệm nỗi đau tinh thần giống như con người hay không. Và nếu có, thì ta sẽ đo lường nỗi đau đó như thế nào?

Như một cảm xúc chủ quan, chúng ta có thể trải nghiệm nỗi đau ngay cả khi không có tổn thương mô thực thể, và mức độ cảm nhận phụ thuộc vào những cảm xúc khác, bao gồm sự sợ hãi, ký ức và căng thẳng. Sự đau đớn cũng có những phương diện khác nhau—nó thường được mô tả trên phương diện cường độ, nhưng nó cũng có “đặc tính” của mình. Lấy ví dụ, sự đau đớn khi bị kim đâm là rất khác với khi bị đau răng, thoát vị đĩa đệm hay đau đẻ. Hầu như tất cả chúng ta đều đã từng trải qua đau khổ trong cuộc sống, nhưng trải nghiệm đối với mỗi người là khá đặc thù.


(Ảnh: IvonneW/iStock)

Để thấu hiểu hoặc cảm thông với nỗi đau của người khác, chúng ta hầu như phải dựa trên những gì họ chia sẻ. Nhưng có nhiều người không thể diễn tả nỗi đau của mình qua lời nói, chẳng hạn như em bé, hoặc diễn tả nhưng không hiệu quả, như trong trường hợp của những người bị mất trí hay khiếm khuyết khả năng học tập. Trong các tình huống này, những người khác phải dựa trên một loạt các yếu tố nhất định để đánh giá sự hiện hữu của cơn đau và tác động của nó lên cá nhân.

Đau không phải là một cảm giác hoàn toàn tiêu cực—nó đóng vai trò phòng vệ: giúp chúng ta tránh thêm nguy hiểm, giúp chúng ta chữa lành, ví như ngăn chúng ta dồn trọng lượng lên một mắt cá chân bị bong gân. Nhưng, nếu không được kiểm soát một cách hiệu quả, cơn đau có thể mang đến một tác động tiêu cực lớn tới cuộc sống của chúng ta bằng cách thúc đẩy nỗi sợ hãi, sự giận dữ, nỗi lo âu hay sự trầm cảm—tất cả những cảm xúc đó lại có thể làm trầm trọng thêm cơn đau. Và các cơn đau kinh niên là mối lo ngại chủ yếu đối với hàng triệu người và các cộng đồng trên toàn thế giới.

Nỗi đau ở động vật

Bản chất của nỗi đau ở động vật có lẽ còn phức tạp hơn. Cách thức cảm nhận nỗi đau và các quá trình vật lý đằng sau nó là vô cùng tương đồng, nhất là các loài động vật có vú và con người.

Ngoài ra còn có nhiều điểm tương đồng trong hành vi biểu thị nỗi đau giữa các loài, ví như chúng có thể ngừng tiếp xúc với người và/hoặc với các loài động vật khác, chúng có thể ăn ít hơn, chúng có thể phát ra nhiều âm thanh hơn, và nhịp tim của chúng có thể nhanh hơn. Mức độ và khả năng chịu đau của động vật – một loài động vật có tri giác – đã được thiết lập rõ ràng và bao hàm trong bộ luật ở nhiều quốc gia (để tùy mức độ nặng nhẹ của các trường hợp bạo hành cụ thể mà xác định hình phạt phù hợp,…); tuy nhiên, chúng ta không hiểu rõ chúng thực sự cảm thụ nỗi đau như thế nào.

Một vài khía cạnh của trải nghiệm và biểu hiện của nỗi đau có lẽ không giống như ở con người. Bởi vì, thứ nhất, động vật không thể truyền đạt nỗi đau qua lời nói. Loài chó có thể kêu ăng ẳng và bạn có thể nhận ra sự thay đổi trong hành vi của chúng, nhưng còn những loài thú cưng khác của bạn như thỏ, mèo, rùa hay ngựa thì sao? Động vật phụ thuộc vào người quan sát để nhận ra nỗi đau và đánh giá mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của nó. Nếu chúng không thể hiểu được khi chúng ta an ủi nhằm giải thích cho chúng rằng nếu tiến hành phẫu thuật điều trị gãy xương, cơn đau của chúng sẽ được kiểm soát (hi vọng thế) và giảm bớt, thì các loài động vật có thể cảm nhận đau đớn còn hơn chúng ta.


Chúng ta biết chắc rằng động vật có thể cảm nhận được cơn đau thể xác, nhưng điều chưa rõ ràng là việc liệu chúng cũng trải nghiệm nỗi đau tinh thần giống như con người hay không. (Ảnh: shelleypaulson.com)

Cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề khả năng trải nghiệm và chịu đựng đau đớn của động vật đã nổ ra vào thế kỷ 20. Chúng ta hiểu biết nhiều hơn về sự đau đớn và nghiên cứu tác động của nó trên các khía cạnh trong đời sống động vật mà chúng ta có thể đo lường. Nhờ đó các bác sĩ phẫu thuật thú y chúng tôi, cùng với nhiều nhà khoa học hành vi và động vật, đã công nhận tác động to lớn của vết thương chưa được điều trị, và hiện nay chúng tôi tin rằng trải nghiệm này đã khiến chúng phải chịu đựng đau đớn.

Lấy ví dụ, chúng ta biết rằng các loài động vật và các loài chim có dấu hiệu đau đớn lâm sàng (khập khiễng) sẽ chọn ăn thực phẩm có chứa thuốc giảm đau (analgesics) thay vì thức ăn không có tác dụng điều trị, và thông qua những biện pháp hành vi, chúng sẽ trở nên khá hơn.

Tương tự, nhiều nghiên cứu về một loạt các loài động vật nuôi trong nhà đã chỉ ra rằng những động vật được tiến hành phẫu thuật nhưng chưa được cung cấp đủ lượng thuốc giảm đau sẽ xuất hiện các biểu hiện phản ánh sự đau đớn, và các biểu hiện này sẽ được xoa dịu khi chúng được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau như mooc-phin .

Chúng ta cũng biết rằng không chỉ chó và mèo mới có thể cảm nhận được cơn đau—mà còn có một cơ sở bằng chứng mạnh mẽ tương tự cho thấy sự tồn tại và tác động tiêu cực của cơn đau ở cừu, gia súc, lợnngựa… Tuy nhiên, việc phát hiện ra cơn đau ở những chủng loài khác nhau như vậy là một phần cơ chế phức tạp có liên hệ đến nỗi đau của động vật. Kiểm soát cơn đau ở những loài động vật nuôi lấy thịt và ở động vật nuôi làm cảnh đều có mức độ khó khăn tương đương.


Một chú chó sục Bun Staffordshire vô gia cư tại một trung tâm cứu hộ động vật. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)

Một vài biểu hiện của cơn đau có thể được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Một tài liệu gần đây cho thấy tính tương đồng ở một số đặc điểm biểu cảm trên khuôn mặt trong những trải nghiệm đau cấp tính ở một số loài động vật và con người.

Để điều trị và kiểm soát cơn đau hiệu quả, chúng ta phải đo lường được cơn đau.

Có một nhu cầu rất lớn dành cho những loại công cụ này. Thang đo lường cơn đau Glasgow, một công cụ đơn giản ra đời vào năm 2007 để đo đạc cơn đau cấp tính ở chó, đã được phiên dịch ra 6 thứ tiếng. Thang đo này  được sử dụng trong công tác thú y để đo lường mức độ cơn đau nhằm điều trị một cách hiệu quả.

Thang đo cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các loại thuốc giảm đau mới hiện đang được phát triển ở các công ty sức khỏe thú y. Các công cụ dùng để đo lường tác động của cơn đau mãn tính (như bệnh viêm khớp xương mãn tính) tới chất lượng cuộc sống của các loài chó giờ đã có mặt trên thị trường, và là một bước tiến đáng kể trong việc kiểm soát các chứng bệnh mãn tính.

Hiện đang có một nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về cảm nhận cơn đau của động vật. Gần đây Hiệp hội Thú y Động vật nhỏ Thế giới (WSAVA) đã lập ra Hội đồng Nghiên cứu Cơn đau Toàn cầu và xuất bản một luận văn cho cán bộ thú y và những người nuôi động vật trên toàn thế giới để thúc đẩy nhận thức về cơn đau, các biện pháp đo lường và cách điều trị.

Chó có thể là người bạn tốt nhất của con người, nhưng đối với tất cả những ai có động vật để chăm sóc và bầu bạn, họ cần thấu hiểu cách chúng cảm nhận cơn đau để nâng cao chất lượng cuộc sống cho chúng.

Andrea Nolan là hiệu trưởng trường Đại học Edinburgh Napier, Vương quốc Anh.

Bài báo này được xuất bản lần trước trên trang TheConversation.com
Tác giả: Andrea Nolan, Đại học Edinburgh Napier

Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Xem thêm: