Đại Kỷ Nguyên

Dự án “soi chụp” kim tự tháp Ai Cập và tiềm năng tìm hiểu những bí ẩn cuối cùng

Các nhà khoa học đang tìm cách khám phá các căn phòng ngầm ẩn giấu và bí mật cổ đại khác của kim tự tháp Ai Cập nhờ sử dụng công nghệ chụp quét mạnh mẽ mới nhất.

Trang Ahram Online báo cáo rằng dự án quốc tế với tên gọi Quét kim tự tháp (Scan Pyramids) này nhằm mục đích khám phá những khoang, hốc sâu nhất của các kim tự tháp Ai Cập, theo Bộ trưởng Bộ Di sản Mamdouh Eldamaty tại một buổi họp báo ngày 25/10 vừa qua.

Các kiến trúc sư từ Ai Cập, Canada, Pháp và Nhật Bản sẽ tiến hành chụp quét phần bên trong của bốn kim tự tháp Ai Cập, sử dụng công nghệ tia hồng ngoại tiên tiến và các tia bức xạ vũ trụ. Những công nghệ chụp quét này được miêu tả là các phương pháp khảo sát “xâm nhập, nhưng không phá hủy”, giúp các di chỉ cổ đại không bị hư hại trong khi vẫn có thể cho ra các phát hiện mới.

Ông Eldamaty đã tiết lộ mục đích căn bản của dự án, khi nói:

“Nhóm chuyên gia đặc biệt này sẽ tiến hành nghiên cứu những kim tự tháp để xem liệu có bất kỳ căn phòng ngầm ẩn giấu hay các bí mật nào khác hay không. Những kỹ sư và kiến trúc sư này sẽ tiến hành khảo sát bằng các biện pháp không phá hủy để tránh gây hư hại cho các kim tự tháp”.

Các kim tự tháp Ai Cập đang được các nhà khoa học lên kế hoạch chụp quét. (Ảnh: © Ad Meskens / Wikimedia Commons)

Công nghệ chụp quét cực kỳ tân tiến sẽ hé lộ tất cả

Tuy công nghệ chụp quét ảnh đã từng được sử dụng để nhìn vào bên trong các kim tự tháp cổ đại ở Nam Mỹ, tờ Ahram Online đã lưu ý rằng đây “là lần đầu tiên một phòng thí nghiệm tia bức xạ vũ trụ như vậy được thiết lập bên ngoài Nhật Bản và sẽ là cái thứ hai duy nhất trên thế giới”.

Các tia bức xạ vũ trụ là tia bức xạ năng lượng cao phát xuất chủ yếu từ bên ngoài hệ Mặt Trời. Các hệ thống dò hạt hiện đang được sử dụng ở Nhật Bản để phát hiện và cảnh báo sớm tình trạng động đất và núi lửa phun trào tiềm tàng, và nhìn vào bên trong khu vực thảm họa hạt nhân tại Trạm năng lượng Fukushima Daiichi ở Nhật Bản.

Các chuyên gia sẽ lập rabản đồ nhiệt các kim tự tháp sử dụng kỹ thuật chụp ảnh nhiệt tia hồng ngoại, nhằm xác định khoảng trống bất kỳ đằng sau các bức tường kim tự tháp. Kỹ thuật chụp ảnh tia vũ trụ sẽ giúp phát hiện các cấu trúc chưa được xác định bên trong các công trình cổ đại. Các máy bay không người lái và máy quét tia laser cũng sẽ được sử dụng nhằm dựng nên những mô hình 3D của cao nguyên Giza và nghĩa địa Dashur.

Các chuyên gia sẽ lập ra một bản đồ nhiệt các kim tự tháp sử dụng kỹ thuật chụp ảnh nhiệt tia hồng ngoại, nhằm xác định bất kỳ khoảng trống nào đằng sau các bức tường kim tự tháp. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)

Mục tiêu sau cùng của dự án chụp quét này là thu thập nhiều thông tin nhất có thể. Hany Helal, giáo sư Đại học Cairo, người điều phối dự án và trưởng đại diện Khoa Kỹ thuật tại Đại học Cairo đã lưu ý rằng các nhà khoa học đang trong một nhiệm vụ tìm kiếm thông tin. Trong một thông cáo báo chi ông đã nói, “Rất nhiều lý thuyết đã được đề xuất, nhằm giải thích công trình của họ hay những điểm kỳ dị của công trình, nhưng chúng tôi là các nhà vật lý và kỹ sư, chứ không phải nhà khảo cổ học”, ông nhấn mạnh. “Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng các kỹ thuật để cho ra các kết quả chắc chắn. Rồi các nhà Ai Cập học sẽ phân tích chúng sau”.

Hé lộ bên trong và bên ngoài các công trình cổ đại

Dự án với quy mô lớn chưa từng có này, theo như miêu tả trong một thông cáo báo chí của Bộ Di sản Ai Cập, sẽ đối mặt với bốn bí ẩn thiên niên kỷ.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành chụp quét “kim tự tháp phía Nam, được gọi là Bent, và kim tự tháp phía Bắc, được gọi là Đỏ, vốn đều được quốc vương Snefru (2575 – 2551 TCN) xây dựng. Trên cao nguyên Giza cách Cairo 20 km, nhóm sẽ nghiên cứu các kim tự tháp Khufu và Khafre, được xây bởi con trai và cháu trai của quốc vương Snefru”.

Tờ IBTimes báo cáo rằng “Kim tự tháp Bent ở Dahshur sẽ là mục tiêu đầu tiên, theo sau bởi Kim tự tháp Đỏ, và tiếp theo nữa sẽ đến hai đại kim tự tháp Giza Cheops và Chephren”.

Người ta cho rằng Kim tự tháp Bent, cách Cairo 40 km về phía nam, có thể ẩn giấu hai căn phòng ngầm được xây bởi Pha-ra-ông Snefru.

Mehdi Tayoubi, đồng sáng lập Viện Đổi mới Bảo tồn Di sản HIP Institute có trụ sở tại Paris (Pháp), và là một thành viên trong nhóm nghiên cứu đã nói: “Ý tưởng là tìm kiếm giải pháp cho bí ẩn của các kim tự tháp. Một nỗ lực tương tự đã được thực hiện 30 năm về trước, nhưng đây là dự án đầu tiên với quy mô toàn cầu có sử dụng đến các công nghệ tối tân để nhìn vào bên trong các kim tự tháp”.

Kim tự tháp Bent của Pha-ra-ông Snefru ở nghĩa trang Dahshur, Ai Cập. (Ảnh: Ivrienen)

Dự án đã được khởi động vào đầu tháng 11 năm nay sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2016. Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về dự án này tại trang web www.ScanPyramids.org

Hy vọng rằng các phát hiện sẽ cho chúng ta biết không chỉ các bí ẩn bên dưới bờ cát vàng, mà còn hé lộ cách thức các công trình cổ đại được xây dựng lúc ban đầu, và mục đích nguyên gốc của chúng – bí ẩn vẫn tiếp tục làm các chuyên gia bối rối cho đến ngày nay.

Video giới thiệu dự án:

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version