Đại Kỷ Nguyên

Dự án tham vọng nhất chiến tranh Lạnh: Đưa bom nguyên tử bay tới Mặt trăng

Các tài liệu giải mật vào cuối thập niên 1990 cho thấy cả Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết đều bí mật lên kế hoạch cho nổ bom nguyên tử trên Mặt trăng nhằm phô trương sức mạnh quân sự và gây thêm danh tiếng trong cuộc đua chinh phục không gian.

Vào cuối những năm 1950, thời điểm giữa của cuộc Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã phát triển một kế hoạch siêu bí mật được gọi là Dự án A119, liên quan đến Trung tâm Vũ khí Đặc biệt dành cho lực lượng không quân của nước này. Điều mà dự án này hướng tới là phóng một quả bom hạt nhân đến mặt trăng. Liên Xô khi đó cũng ấp ủ một dự án tương tự.

 

A119 là một trong các dự án tham vọng nhất chiến tranh Lạnh (Video: dkn.tv)

Nguồn gốc dự án A119

Hoa Kỳ không vui khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik, điều mà người Mỹ trước đây đã không thành công. Chính bởi vậy, họ thấy cần phải làm một sự kiện gì đó nổi bật để lấy lại thanh thế và đẩy mạnh tốc độ trong cuộc đua không gian.

Việc Liên Xô đưa thành công vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo khiến người Mỹ nóng mặt (Ảnh: Fine Art America)

Màn trình diễn quyền lực trước đó của họ – quả bom hạt nhân – đã hoạt động hoàn hảo tại Nhật Bản nên ý tưởng nảy ra là tại sao không đặt nó ở đâu đó, nơi mà mọi người đều có thể nhìn thấy khi vụ nổ xảy ra? Cuối cùng họ đã chọn Mặt trăng, một nơi không thể thích hợp hơn bởi đưa một quả bom lên Mặt Trăng là điều không hề đơn giản và một vụ nổ xảy ra trên đó có thể được quan sát bởi hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

Mặt khác, theo báo cáo vào cuối năm 1957, một nguồn tin giấu tên đã được tiết lộ cho một điệp viên mật của Hoa Kỳ rằng Liên Xô lên kế hoạch kỷ niệm cuộc cách mạng tháng 10 bằng cách gây ra vụ nổ hạt nhân trên Mặt trăng trùng với nhật thực vào ngày 7 tháng 11. Nếu điều này là sự thật, đó thực sự là một “cú tát” mạnh vào danh dự của người Mỹ.

Thành công từ dự án chế tạo bom nguyên tử Mahattan, người Mỹ quyết định sẽ cho nổ bom trên Mặt trăng (Ảnh: pinterest.com)

Không để điều đó xảy ra, các nhà khoa học Mỹ tăng cường nỗ lực và nhanh chóng bắt tay vào công việc. Leonard Reiffel, giám đốc điều hành của NASA dẫn đầu một nhóm 10 chuyên gia ở Chicago để tìm ra chính xác điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ tiếp tục với kế hoạch của mình. Làm thế nào để nó có thể được nhìn thấy từ trái đất? Liệu có hậu quả nguy hiểm nào trong không gian hay không và sẽ ra sao nếu nó ảnh hưởng trở lại Trái đất? Nó có giá trị gì với các nhà khoa học? Thậm chí còn có một đội đặc biệt để tìm hiểu xem đám mây bụi mà quả bom tạo ra sẽ lớn đến mức nào.

Lúc đầu, một quả bom hydro được xem xét, vì đó là những gì người Mỹ tin rằng Liên Xô sắp triển khai. Tuy nhiên, Không quân đã không thông qua ý tưởng này vì họ thấy một quả bom hydro là quá nặng để phóng vào không gian. Cuối cùng một quả bom hạt nhân cỡ nhỏ W25 được thống nhất sử dụng. Quả bom có đương lượng nổ cỡ 1,7 kilotons (tương đương 1700 tấn thuốc nổ TNT) bằng 1/10 so quả bom ném xuống Hiroshima năm 1945 (18 kilotons).

Vụ nổ được tính toán sao cho có thể nhìn thấy từ Trái Đất bằng mắt thường (Ảnh: ExtremeTech)

Một tên lửa sẽ mang bom đến mặt tối của mặt trăng và sau đó nổ tung ngay khi đáp xuống. Dự án đã được lên kế hoạch rất cẩn thận sao cho quả bom sẽ nổ tung ở đúng chỗ để được chiếu sáng bởi ánh mặt trời, gây ra khả năng hiển thị cao và thu hút sự chú ý nhiều nhất từ ​​trái đất.

Ngày tàn của dự án A119

Mọi việc tưởng trừng đâu vào đó thì tháng 1/1959, quân đội bất ngờ đổi ý. Họ nhận ra phản ứng của công chúng đối với vụ nổ, đặc biệt nếu có bất cứ điều gì không may như việc quả bom rơi xuống Trái đất. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bụi phóng xạ hạt nhân có thể gây ra hậu quả nếu Mỹ muốn định cư trên mặt trăng sau này. Kết quả dự án bị hủy bỏ.

Sau khi dự án bị hủy bỏ, người ta phát hiện rằng Liên Xô xác thực cùng thời điểm cũng thảm bại trong một kế hoạch tương tự vào năm 1958. Kế hoạch chính thức của Liên Xô khác với kịch bản được báo chí đề cập. Dự án với tên mã là “E” bắt đầu vào tháng 1 năm 1958 chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn E-1 đòi hỏi kế hoạch để tiếp cận Mặt trăng, trong khi các dự án E-2 và E-3 liên quan đến việc gửi một đầu dò xung quanh phía mặt tối của Mặt trăng để chụp một loạt các bức ảnh bề mặt của nó. Giai đoạn cuối cùng của dự án, E-4, là tạo ra một vụ nổ hạt nhân trên Mặt trăng để phô trương thanh thế. Dự án đã được thực hiện một phần nhưng sau đó cũng nhanh chóng tạm dừng vì nhiều lý do tương tự như Mỹ.

Tranh biếm họa về dự án A119 của Mỹ (Ảnh: Jack Brummet)

Năm 1963 và 1967 hai hiệp ước đã được ký kết, ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào nữa trong việc gửi bom hạt nhân lên mặt trăng.

Thay vào đó, một kế hoạch khác được triển khai. Thay vì một quả bom nguyên tử, người Mỹ đã quyết định đưa một phi hành gia lên mặt trăng – một kế hoạch dễ dàng hơn nhiều khi không có nhiều rủi ro, được sự đồng thuận bởi công chúng và cũng ấn tượng hơn theo nhiều cách khác nhau.

Chương trình được sự hậu thuẫn đặc biệt của Tổng thống John F. Kennedy với tuyên bố sẽ đưa con người lên Mặt trăng vào cuối thập niên 1960. Và kết quả như chúng ta đã thấy, năm 1969, mục tiêu này được hoàn thành khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, khơi dậy niềm tự hào và lấy lại vị thế cho người Mỹ trong cuộc đua chinh phục không gian.

Người Mỹ cuối cùng cũng đã thành công trong việc đưa người lên Mặt Trăng vào năm 1969 (Ảnh: Corbis)

Mọi chuyện tưởng chừng sẽ đi vào quên lãng nhưng hơn 20 năm sau, vào năm 2000, sự tồn tại của dự án Mỹ đã được tiết lộ bởi cựu giám đốc điều hành của NASA, Leonard Reiffel , người đã lãnh đạo dự án vào năm 1958. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ chính thức thừa nhận. Hầu hết các hồ sơ và giấy tờ về dự án này đã bị phá hủy. Nếu kế hoạch của 2 cường quốc được thực hiện, thật khó có thể hình dung được hậu quả sẽ đáng sợ như thế nào.

Nhật Quang

 

Exit mobile version