Đại Kỷ Nguyên

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thuyết Tiến Hóa không trả lời được câu hỏi ‘Sự Sống là gì?’

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thuyết Tiến Hóa không trả lời được câu hỏi 'Sự Sống là gì?'

Ảnh: ĐKN

Trong cuốn “Vũ trụ trong một Nguyên tử”, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng thực thể sống khác hẳn cái không sống chủ yếu bởi nó có ý thức. Nói cách khác, ý thức là chìa khóa của sự sống. Vì thế bất kỳ lý thuyết nào dựa trên quan điểm vật chất thuần túy cũng không thể giải thích được nguồn gốc và bản chất sự sống.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, sách báo được xuất bản tràn lan, nhưng tìm được những cuốn sách thực sự bổ ích vẫn rất khó. Ấy thế mà gần như tại cùng một lúc, tôi ngẫu nhiên gặp hai cuốn sách tuyệt vời ─ tuyệt vời đến mức tôi cho rằng nếu chưa thấm nhuần tư tưởng trong hai cuốn này thì nhận thức về thế giới có thể bị khiếm khuyết đáng kể. Đó là cuốn “Bên ngoài khoa học” do NXB Khoa học và Kỹ thuật Hanoi xuất bản năm 2004 và cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đức Đạt Lai Lạt Ma, do Công ty Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế Giới xuất bản năm 2016.

Nhiều người có tư duy sâu sắc trong cả khoa học lẫn đời thường nhiều lúc cảm thấy có một số hiện tượng bề ngoài là ngẫu nhiên nhưng thực ra ẩn chứa một thông điệp quan trọng nào đó từ những thế giới xa lạ mà khoa học chưa với tới. Đó chính là trường hợp hai cuốn sách nói trên ngẫu nhiên đến với tôi gần như cùng một lúc và “ngẫu nhiên” cùng đề cập đến bản chất hạn chế của khoa học, và khuyến khích khoa học chắp cánh bay lên những tầng cao hơn của thế giới hiện thực, đặng tiếp cận tới một thế giới phi vật chất ở bên ngoài hoặc bên trên thế giới của chúng ta .

Thật vậy, hai cuốn sách này có thể xem như một cặp bài trùng bổ sung rất hữu hiệu cho nhau. Cuốn thứ nhất, Bên ngoài khoa học , đã được giới thiệu trong bài Last Step of Reason / Bước cuối cùng của lý lẽ trên PVHg’s Home ngày 06/06/2017 . Cuốn thứ hai, Vũ trụ trong một nguyên tử là chủ đề câu chuyện của tôi hôm nay.

 Quý độc giả lưu ý:

Loạt bài về thuyết tiến hóa trên Đại Kỷ Nguyên được phân thành 2 mục chính sau:

Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo.

1/ Vai trò của ý thức đối với sự sống

Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma vì trí tuệ, thế giới quan, nhân sinh quan lẫn tính cách thấm đẫm chất nhân văn của ngài. Nay đọc sách của ngài, sự ngưỡng mộ đó càng tăng thêm, mặc dù không phải tất cả mọi ý kiến của ngài trong sách này tôi đều tán thành.

Bài học lớn nhất tôi học được từ cuốn này là vấn đề bản chất của Ý THỨC ─ chừng nào con người chưa hiểu rõ bản chất của ý thức là gì thì chừng ấy con người chưa hiểu rõ chính mình, chưa hiểu rõ bản chất của sự sống, chưa hiểu rõ thế giới, và do đó khó tìm thấy con đường giải thoát đích thực.

Ảnh: viethungpham.com

Nếu cố thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru từng phàn nàn với Albert Einstein rằng “khoa học rất vô trách nhiệm với các vấn đề đạo đức” (1) thì Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có cách nhìn cho rằng khoa học, nếu nó thực sự xứng đáng được trân trọng như một trong những con đường dẫn tới chân lý, thì nó không thể chỉ là cỗ máy sản xuất vật chất mà còn phải đóng góp vào tiến trình giải thoát con người, tức là phải mang lại hạnh phúc đích thực cho con người ─ một hạnh phúc không chỉ dựa trên sự đầy đủ tiện nghi và thừa thãi vật chất, mà còn phải mang lại một đời sống tinh thần và tâm linh phong phú và có ý nghĩa hơn. Chính vì thế, đối tượng nghiên cứu quan trọng bậc nhất của mọi dạng nhận thức, bao gồm cả khoa học, triết học, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo,… phải là vấn đề bản chất của ý thức. Vấn đề ý thức phải nằm ở trung tâm của khoa học lẫn triết học, tâm lý học, sinh học, thần học, đạo học.

Theo Đức ĐLLM, tức là theo quan điểm của Phật giáo, ý thức mới là yếu tố quyết định sự sống, chứ không phải sự kết hợp của các nguyên tử, phân tử ở một cấp độ phức tạp như thuyết tiến hóa của Darwin quan niệm. Nói cách khác, ranh giới quyết định để phân biệt sự sống với cái không sống là ở ý thức chứ không ở những tầng cấp khác biệt về vật chất. Một thực thể dù có cấu tạo vật chất phức tạp đến mấy cũng chưa thể coi là một thực thể sống nếu nó không có ý thức. Ngược lại, một thực thể có ý thức, dù có thể có cấu tạo vật chất không phức tạp bằng con người, vẫn phải được xem là một thực thể sống. Đây là một quan điểm triết học nền tảng của Phật giáo, khác biệt hoàn toàn với quan điểm của thuyết tiến hóa Darwin.

Nếu hiểu điều đó, tức là thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo về sự sống, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma, mặc dù nhận xét “ Thuyết Tiến hóa của Darwin là trụ đỡ lý thuyết của sinh học hiện đại ” (trang 146), nhưng ngài vẫn đi tới kết luận: “ Mặc dù có khả năng áp dụng rất rộng lớn trên mọi cấp độ mà ở đó chúng ta có thể nói sự sống nở rộ, lý thuyết của Darwin không trực tiếp trả lời câu hỏi lý thuyết: Sự sống là gì? ” (trang 149) (tôi tô đậm để nhấn mạnh, PVHg)

Tại sao vậy? Vì thuyết tiến hóa đơn thuần chỉ là một lý thuyết vật chất, trong khi sự sống, theo Phật giáo, chủ yếu nằm ở ý thức ─ một hiện thực phi vật chất.

Phải chăng ý thức xét cho cùng cũng chỉ là một dạng vật chất?

Chúng ta sẽ thảo luận câu hỏi này sâu hơn trong một dịp khác. Nhưng ngay bây giờ cần biết câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng KHÔNG, ý thức không phải là vật chất, ý thức là một hiện thực phi vật chất, đối lập với vật chất.

Vậy nếu thừa nhận ý thức là tiêu chuẩn cốt lõi của sự sống thì bao nhiêu nỗ lực giải thích nguồn gốc và bản chất sự sống dựa trên những biến đổi vật chất thuần túy đều trở thành vô nghĩa trước câu hỏi sự sống là gì. Thuyết tiến hóa của Darwin là một giả thuyết thuần túy vật chất, vậy thuyết tiến hóa không giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc và bản chất củaa sự sống. Đó là một kết luận logic, dựa trên tiên đề cho rằng ý thức là tiêu chuẩn cốt lõi của sự sống .

Chẳng riêng gì những tín đồ Phật giáo, thiết tưởng bất kỳ ai tán thành tiên đề nói trên đều không thể coi thuyết tiến hóa Darwin là một lý thuyết đủ tư cách giải thích nguồn gốc và bản chất của sự sống.

Nhưng phải chăng Đức ĐLLM nói đúng khi cho rằng thuyết tiến hóa là “trụ đỡ lý thuyết của sinh học hiện đại”, và nó “có khả năng áp dụng ở mọi cấp độ của sự sống”?

2/ Sự lẫn lộn sinh học hiện đại với thuyết tiến hóa

Ảnh: tibetanreview.net

Tôi không tán thành với Đức ĐLLM khi ngài cho rằng thuyết tiến hóa là “trụ đỡ lý thuyết của sinh học hiện đại”, và nó “có khả năng áp dụng ở mọi cấp độ của sự sống”. Những ý kiến này và một số ý kiến khác trong cuốn sách của ngài cho thấy ngài đã chịu ảnh hưởng khá nhiều của thuyết tiến hóa. Ngài đương nhiên coi đó là một khoa học, mặc dù ngài thấy rất rõ những khiếm khuyết của nó (mà tôi sẽ trình bày sau). Hệ quả là ngài có xu hướng gán mọi thành tựu của sinh học hiện đại cho thuyết tiến hóa. Thậm chí đôi chỗ ngài dùng chữ “sinh học hiện đại” để ám chỉ thuyết tiến hóa. Đó là một nhầm lẫn lớn. Theo quan sát của tôi, tôi thấy rất nhiều người trong xã hội ngày nay có nhầm lẫn tương tự. Điều này không khó giải thích, đó là hậu quả của một thời đại trong đó thuyết tiến hóa được coi là một lý thuyết sinh học chính thống, được giảng dạy chính thức trong nhà trường, được giới truyền thông nhiệt liệt ủng hộ. Phải là người có bản lĩnh và tư duy độc lập rất cao mới có thể thoát khỏi ảnh hưởng của một hệ thống giáo dục và tuyên truyền hùng hậu như thế.

Đức ĐLLM là một “hero” của tôi, và hình ảnh “hero” của ngài không hề thay đổi, mặc dù ngài có những ý kiến mà tôi cho là nhầm lẫn. Điều này là bình thường ─ Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những thần tượng của tôi, nhưng thần tượng vĩ đại nhất của tôi là chân lý.

Về sự lẫn lộn giữa sinh học hiện đại với thuyết tiến hóa thì tôi gặp khá nhiều cả trên sách báo lẫn trong đời sống. Có lần, một thầy giáo dạy môn tiến hóa hỏi tôi có biết Francis Crick không, ý nhắc tôi rằng Crick là một nhà tiến hóa khám phá ra DNA đấy, nghĩa là trong con mắt của người này, việc khám phá ra DNA là một thành tựu của thuyết tiến hóa đấy. Tôi trả lời rằng tôi biết rõ Francis Crick, rằng ông là một nhà sinh học xuất sắc đã góp phần chủ yếu trong việc khám phá ra DNA, nhưng trước sự kỳ diệu của DNA, ông đã không giấu được vẻ kinh ngạc mà phải thốt lên rằng: “Một người trung thực được trang bị mọi tri thức hiện có, sẽ phải khẳng định rằng nguồn gốc sự sống hiện nay có vẻ như một phép mầu, một khi hội đủ những điều kiện để tạo ra nó” (2)

Quả thật là nực cười khi thầy giáo đó nghĩ rằng thuyết tiến hóa dẫn tới DNA. Chỉ cần kiến thức trung học phổ thông cũng có thể biết nguồn gốc sâu xa của khám phá vĩ đại này. Đó là các Định luật Di truyền Mendelian. Chính từ các định luật này người ta mới tin vào khả năng tồn tại một đơn vị sinh hóa quyết định các quy luật di truyền, để từ đó mới cất công tìm kiếm nó. Nếu theo đuôi Darwin thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy DNA, vì quan niệm về di truyền của Darwin hoàn toàn sai. Khi các định luật Mendelian được tái khám phá vào đầu thế kỷ 20, các nhà tiến hóa lo lắng hoảng hốt, vì các định luật này cho thấy tính di truyền là ổn định, không có sự biến đổi loài này thành loài khác, tức là không có tiến hóa. Nhưng họ, các nhà tiến hóa, là các ông vua bịa đặt ra giả thuyết mới để cứu vãn lý thuyết sắp sụp đổ ─ họ bèn nghĩ ra cái gọi là đột biến gene, và sự tích lũy vô số các đột biến thông qua chọn lọc tự nhiên sẽ dẫn tới thay đổi loài. Đó là cái được gọi là Học thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism). Nhưng năm 1966, một hội nghị quốc tế tại Viện Wistar ở Philadelphia đã bác bỏ cơ may để sự tiến hóa có thể xảy ra theo mô hình của học thuyết Tân-Darwin , nhưng giới tiến hóa tảng lờ và cố gắng che giấu sự thật này (3)

Tôi không rõ Đức ĐLLM có nắm được những thông tin như thế hay không, nhưng qua cuốn sách của ngài, tôi thấy dường như ngài không có dịp gặp gỡ các nhà sinh học hàng đầu chống thuyết tiến hóa. Chẳng hạn:

Ernst Chain , một trong ba người đoạt Giải Nobel năm 1945 vì công trình khám phá ra peniciline, từng tuyên bố: “Trong nhiều năm tôi đã nói rằng những phỏng đoán về nguồn gốc sự sống (của thuyết tiến hóa) dẫn tới những mục tiêu vô ích…”. Thuyết tiến hóa là một “giả thuyết không có bằng chứng và mâu thuẫn với thực tế”. Con trai của Ernst Chain cho biết bố ông ghét thuyết tiến hóa “đặc biệt khi nó mang hình dáng của một giáo điều”, và bố ông nhận xét “thuyết tiến hóa thực ra không phải là một bộ phận của khoa học, bởi vì phần lớn lý thuyết này không được kiểm chứng bằng thí nghiệm”.

Ảnh: viethungpham.com

Louis Bounoure , Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nhà nước Pháp: “Thuyết tiến hóa là một chuyện thần tiên dành cho người lớn. Lý thuyết này chẳng giúp ích gì cho tiến bộ khoa học. Nó thật là vô dụng”.

Tôi đoán Đức ĐLLM chưa gặp những nhà khoa học nói trên, và nhất là chưa gặp nhà sinh học phân tử nổi tiếng Micheal Denton, một trong những người biết rõ sinh học hiện đại hơn ai hết. Bởi nếu ngài đã chuyện trò với Denton, hoặc đọc hai cuốn sách của ông cách nhau 30 năm, “Evolution: A theory in Crisis” (Thuyết tiến hóa đang khủng hoảng) và “Evolution: Still A Theory in Crisis” (Thuyết tiến hóa vẫn đang khủng hoảng), ắt ngài sẽ không thể coi thuyết tiến hóa là trụ đỡ lý thuyết của sinh học hiện đại được.

Tuy nhiên, thật lý thú khi Đức ĐLLM nói cho chúng ta biết các nhà tiến hóa đã nói gì với ngài, nhờ đó chúng ta có thể thấy rõ lập luận siêu hình và phi khoa học của học thuyết này như thế nào.

3/ Tính chất siêu hình và phi khoa học của thuyết tiến hóa

Đây, hãy nghe Eric Lander, giáo sư Đại học MIT, thuyết giảng về đột biến dẫn tới tiến hóa như thế nào, qua lời kể của cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”, trong đó việc sao chép gene được so sánh với việc sao chép cuốn Đại Tạng Kinh Tây Tạng:

Hãy tưởng tượng, Eric gợi ý, trong hàng triệu năm sao chép cuốn sách này, thỉnh thoảng có một vài sai sót nhỏ lẻn vào, giống như – trong hàng trăm năm sao chép nó bằng tay – những lỗi nhỏ của người sao chép, lỗi chính tả, lỗi thay thế từ ngữ rơi vào bộ Đại Tạng Kinh Tây Tạng. Những sai sót này có thể còn kéo dài trong lần sao chép kế tiếp, và rồi nó đưa vào những biến đổi sao chép mới, và cứ thế. Một số biến đổi về chính tả có thể không có tác động lớn đến việc đọc văn bản; tuy nhiên, thỉnh thoảng xẩy ra một lỗi chính tả cốt yếu có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Tương tự với văn bản kinh điển, tuy sự thay đổi có thể là một lỗi chính tả đơn lẻ, nhưng nếu đây là, ví dụ, một từ tích cực biến thành tiêu cực, có thể làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của một câu hay việc đọc toàn bộ văn bản. Tôi được biết, chính những biến đổi ngẫu nhiên về chính tả này là những đột biến diễn ra một cách tự nhiên trong quá trình tiến hóa ” (trang 155).

Đức ĐLLM nhấn mạnh rằng những đột biến gene, như ông được nghe giảng, là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng cơ chế chọn lọc tự nhiên lại đảm bảo “ cơ hội tốt nhất cho sự tồn tại được lựa chọn ” (trang 156). Tôi xin mạn phép diễn giải ý kiến này (của các nhà tiến hóa) cho rõ ràng dễ hiểu hơn như sau: Cơ chế chọn lọc tự nhiên rất tài tình khéo léo ở chỗ trong vô số những đột biến ngẫu nhiên ấy, nó biết cách chọn lọc ra những đột biến có lợi nhất cho sự tồn tại của sinh vật để duy trì sự sống và tiến hóa.

Nếu vậy thì cơ chế chọn lọc tự nhiên phải là hành vi của một chủ thể có trí thông minh siêu việt. Chủ thể ấy là ai? Là Tự nhiên chăng? Nếu vậy thì Tự nhiên có trí thông minh siêu việt. Trí thông minh ấy đã can thiệp vào sự sống, buộc sự sống phát triển theo một định hướng xác định, thay vì để cho sự sống hình thành một cách ngẫu nhiên tùy tiện. Điều này hoàn toàn trái với tuyên bố “hùng hồn” của nhà tiến hóa nổi tiếng Jacques Monod, rằng “…chỉ một mình sự may rủi có mặt tại cội nguồn của mọi sự đổi mới, và của mọi sự sáng tạo trong sinh quyển. Sự may rủi thuần túy, tuyệt đối tự do nhưng mù quáng, tại chính cội rễ của công trình tiến hóa kỳ diệu” (…chance alone is at the source of every innovation, and of all creation in the biosphere. Pure chance, absolutely free but blind, at the very root of the stupendous edifice of evolution). Hóa ra lập luận của thuyết tiến hóa chứa đựng những mâu thuẫn nội tại ─ nó mâu thuẫn với chính nó! Sự mâu thuẫn này lộ rõ trong tuyên bố của nhà sinh học Mỹ Ursula Goodenough tại hội thảo Tinh thần và Sự sống năm 2002, mà Đức ĐLLM kể lại: “ Đột biến thì hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng chọn lọc lại cực kỳ kén chọn! ” (trang 156).

Đó là điểm then chốt trong toàn bộ hệ thống logic của thuyết tiến hóa. Sự sống còn của học thuyết này tùy thuộc ở cái logic “ngẫu nhiên – kén chọn” đó. Nếu cái logic này đúng thì thuyết tiến hóa có cơ may sống sót. nếu không thì sẽ chết.

Ảnh: selorodnoe.ru

Đức ĐLLM nghĩ gì về cái logic đó? Ngài tỏ ra nghi ngờ về cái gọi là đột biến ngẫu nhiên: “… ý tưởng cho rằng chúng là thuần túy ngẫu nhiên khiến tôi không thỏa mãn ” (trang 156), ngài nói. Theo ngài, cái ngẫu nhiên ấy có thể ẩn chứa một quan hệ nhân quả nào đó.

Mặc dù sự nghi ngờ này có thể làm các nhà tiến hóa bối rối, nhưng tôi cũng không tán thành sự nghi ngờ đó, vì như thế đã vô tình thừa nhận có những biến đổi ngẫu nhiên dẫn tới tiến hóa.

Theo tôi, toàn bộ lý luận của Eric Lander là một bằng chứng rõ ràng cho thấy thuyết tiến hóa KHÔNG CÓ MỘT BẰNG CHỨNG THỰC TẾ NÀO của cái mà họ gọi là đột biến dẫn tới tiến hóa . Nếu có bằng chứng thì họ không cần phải so sánh ví von việc sao chép trong DNA với việc sao chép văn bản Đại Tạng Kinh Tây Tạng. Họ sẽ trưng ra bằng chứng cụ thể cho Đức ĐLLM trông thấy tận mắt. Nhưng họ tuyệt nhiên không có bằng chứng, vì thế họ chỉ có thể đưa ra một lời giải thích hoàn toàn tưởng tượng. Nói cách khác, họ chỉ có thể nêu lên một giả thuyết siêu hình, hoàn toàn không thấy trong thực tế.

Thực tế họ đã cố gắng tìm bằng chứng, bằng cách tiến hành thí nghiệm bắn phá tia X vào hàng vạn hàng triệu thế hệ ruồi giấm, với hy vọng gây ra những đột biến dẫn tới sự thay đổi loài ruồi, tức là dẫn tới tiến hóa. Nếu thí nghiệm của họ thành công, chắc chắn họ đã cho Đức ĐLLM chứng kiến tận mắt kết quả thí nghiệm. Nhưng họ không những không thành công, mà còn thất bại thảm hại: sau hàng vạn hàng triệu “đột biến”, ruồi giấm vẫn là ruồi giấm, ruồi giấm không hề biến thành bất kỳ loài nào khác, chỉ có ruồi giấm lành lặn biến thành ruồi giấm bệnh hoạn mà thôi. Tôi nghĩ lẽ ra Đức ĐLLM phải biết sự thật này.

Kiểu lý luận của Eric Lander thực ra là của tất cả các nhà tiến hóa, và của toàn bộ thuyết tiến hóa. Hãy nhớ lại lý thuyết của Darwin về “cái ao ấm áp”, làm gì có thực nghiệm kiểm chứng? Nếu thí nghiệm Stanley Miller được coi là một thí nghiệm kiểm chứng lý thuyết nguồn gốc sự sống của Darwin thì đó là một thí nghiệm phản Darwin, nó chứng minh rằng Darwin hão huyền, hoang tưởng.

Ảnh: viethungpham.com

Những nhà tiến hóa bậc thầy khác như George Wald hay Jacques Monod cũng lập luận tương tự như Eric Lander mà thôi. Tất cả đều trông chờ vào một cơ may, và thời gian là cứu cánh để cho cơ may đó xảy ra. Monod còn trắng trợn tuyên bố toàn bộ vũ trụ này, sự sống này hình thành đều do ngẫu nhiên ─ sự ngẫu nhiên thuần túy tạo nên tất cả những gì chúng ta thấy. Đó là “khoa học” của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) đấy! Một người có bộ não lành mạnh có thể nghe được không?

Tóm lại, thí nghiệm ruồi giấm chứng minh không có đột biến nào dẫn tới tiến hóa. Giả thuyết của Eric Lander là một giả thuyết hoang tưởng. Thực ra giả thuyết này đã bị bác bỏ bởi toán học xác suất tại Hội nghị quốc tế năm 1966 tại Viện Wistar, Philadelphia (đã dẫn ở trên).

Điều làm tôi thấy mừng vì rốt cuộc, người anh hùng của tôi, Đức ĐLLM, qua câu chuyện về Eric Lander, cho thấy mặc dù ngài đã chịu ảnh hưởng của các nhà tiến hóa, nhưng cuối cùng ngài vẫn trở về với quê hưởng tư tưởng của mình. Tại quê hương này, tư tưởng nền tảng của Phật học về sự sống không thể dung hòa với tư tưởng vật chất thô thiển của thuyết tiến hóa . Với ngôn từ nhã nhặn thanh cao của Nhà Phật, ngài đã nói lên những mối băn khoăn và không thỏa mãn của mình về thuyết tiến hóa, có lẽ còn quý hơn những ý kiến thẳng thừng bác bỏ học thuyết này.

4/ Đức Đạt Lai Lạt Ma không thỏa mãn với học thuyết Darwin

Quả thật, Đức ĐLLM không hoàn toàn tin tưởng vào thuyết tiến hóa. Ngài xem những mô tả về tiến hóa của học thuyết Darwin như một mô hình tiền giả định, thay vì một lý thuyết đã được chứng minh thấu đáo về khoa học: “ Mô hình này tiền giả định một kiểu những thay đổi nhỏ và từng bước vốn dẫn đến vô số biến thể trong các sinh vật ” (trang 152).

Và thú vị thay, ngài nói cho chúng ta biết rằng “ có những lựa chọn khác nhau đối với bức tranh này ” (trang 152). Có nghĩa là có những cách giải thích khác nhau đối với bức tranh tiến hóa. Nếu sự tiến hóa đã được chứng minh rõ ràng và chắc chắn về khoa học thì tại sao lại có những lựa chọn khác nhau? Bản thân sự lựa chọn khác nhau này nói lên rằng thuyết tiến hóa vẫn đang chỉ là một giả thuyết mà thôi, không phải lý thuyết khoa học đã được chứng minh!

Cụ thể, Đức ĐLLM cho biết, ngoài cách giải thích sự tiến hóa diễn ra dần dần từng tí một (như Darwin chủ trương), còn có “ khả năng xảy ra những thay đổi lớn và đột ngột, và từ đó một quan điểm về tiến hóa phát triển thông qua những bước nhảy vọt trong đó sự chuyển hóa của các sinh vật không từ từ mà đột ngột ” (trang 153).

Ảnh: viethungpham.com

Đúng vậy, quan điểm tiến hóa đột ngột này do Stephen Jay Gould , nhà cổ sinh học nổi tiếng, giáo sư sinh học tiến hóa của Đại học Harvard, đề xuất. Tại sao Gould lại bác bỏ kiểu tiến hóa dần dần từng tí một của Darwin, và của thuyết tiến hóa truyền thống? Vì hóa thạch chứng minh không có sự tiến hóa dẫn dần từng tí một ─ hóa thạch chứng minh không có loài chuyển tiếp trung gian (transitional forms). Nói cách khác, theo Gould, mô hình tiến hóa của Darwin là SAI, phải sửa chữa lại theo mô hình tiến hóa đột ngột. Kết quả là các nhà tiến hóa cãi lộn với nhau, chỉ trích nói xấu nhau tới mức có những lời lẽ thóa mạ nhau. Đó là sự thật của thuyết tiến hóa mà ít người để ý. Vậy chân lý nằm ở đâu? Chân lý thuộc về Darwin hay Gould? Rõ ràng Darwin đã sai, vì không thể cãi với hóa thạch. Nhưng phép mầu nào để sinh vật tiến hóa đột ngột? Bò sát đột ngột biến thành chim ư? Vượn đột ngột biến thành người ư? Rõ ràng là Gould cũng sai nốt. Tóm lại là không có tiến hóa gì cả. Cả Darwin lẫn Gould đều sai. Những lập luận tôi vừa trình bày, thiết tưởng quá dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng Đức ĐLLM thừa biết điều đó, nhưng ngài không cần phân tích, vì một độc giả bình thường như tôi có thể tự hiểu.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định để Đức ĐLLM không thể thỏa mãn với thuyết tiến hóa vẫn là ở sự khác biệt căn bản giữa thuyết tiến hóa với Phật học trong quan niệm về sự sống. Theo Phật học, sự sống là cái gì đó HỮU TÌNH, tức là có Ý THỨC ─ sinh vật có ý thức được gọi là loài hữu tình, vật chất không có ý thức được gọi là vật chất không hữu tình. Nhưng đối với thuyết tiến hóa, sự sống đơn giản chỉ là những cấu trúc vật chất phức tạp, có thể giải thích hoàn toàn bằng những cơ chế vật lý và hóa học. Sự khác biệt về tư tưởng này dẫn tới những hệ quả khác biệt tới mức không thể dung hòa, đó là sự nhìn nhận vai trò của Ý THỨC trong sự sống. Ngài viết:

Sự khác biệt căn bản này giữa Phật giáo và khoa học ─ là đường phân cách hoặc giữa khả năng tri giác và không khả năng tri giác, hoặc giữa các cơ thể sống và vật chất vô tri ─ dẫn đến những hệ quả quan trọng, trong số đó có sự khác biệt trong cách hai truyền thống này nhìn nhận vấn đề ý thức. Đối với sinh học, ý thức là vấn đề thứ yếu, vì nó là đặc tính của một tập hợp con của các cơ thể sống. Trong Phật giáo, vì định nghĩa về “sống” ám chỉ tới các loài hữu tình, nên ý thức là đặc tính hàng đầu của sự sống ” (trang 159) (tôi tô đậm để nhấn mạnh, PVHg).

Nhận định trên vô cùng quan trọng và có lẽ đó là một trong những bài học quan trọng nhất rút ra từ cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đức ĐLLM. Nó giúp cho chúng ta hiểu tại sao Phật giáo và hầu hết các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác của loài người đều đề cao đạo đức, lòng nhân ái và tình thương yêu, đơn giản vì đạo đức, lòng nhân ái, tình thương yêu nằm trong ý thức của con người. Ngược lại, tại sao Học thuyết Darwin lại nhấn mạnh đến quy luật đấu tranh sinh tồn, bất chấp nguy cơ quy luật này dẫn tới những hành vi phản lại Ý THỨC truyền thống của loài người, tức là dẫn tới những hành vi vô đạo đức, mà điển hình là hành vi diệt chủng của chủ nghĩa quốc xã Đức đầu thế kỷ 20, và hành vi phân biệt chủng tộc nhân danh thuyết tiến hóa cũng nở rộ trong nửa đầu thế kỷ 20 (4).

Những trang cuối của chương 5, bằng ngôn ngữ tao nhã vốn có, Đức ĐLLM liên tục nêu lên những ý kiến không hài lòng với học thuyết Darwin. Xin trích:

Bất chấp thành công của tường trình học thuyết Darwin, tôi không tin rằng mọi thành phần của vấn đề đều được đặt đúng chỗ. Trước hết, mặc dù học thuyết Darwin cho chúng ta một tường trình chặt chẽ về sự phát triển của sự sống trên hành tinh này và những nguyên lý khác làm cơ sở cho nớ, như sự chọn lọc tự nhiên, tôi không thấy thuyết phục rằng nó giải đáp được câu hỏi căn bản về nguồn gốc sự sống. Bản thân Darwin, theo tôi biết, không thấy đây là một vấn đề . ” (trang 167).

Sau đó ngài phê phán cái luẩn quẩn về mặt logic trong khái niệm “sự sống sót của cái thích nghi nhất”. Đọc giả hãy tìm hiểu cái luẩn quẩn này ở trang 168.

Tiếp theo, Đức ĐLLM tỏ ra tán thành quan điểm của Karl Popper về thuyết tiến hóa, khi cho rằng thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết siêu hình phi thực tế:

Từ viễn quan Phật giáo, ý tưởng cho rằng đột biến ngẫu nhiên thuần túy này thực sự không thể thỏa mãn sâu xa cho một học thuyết có mục đích giải thích nguồn gốc sự sống. Karl Popper từng bình luận rằng, theo ý ông, thuyết tiến hóa của Darwin không và không thể giải thích nguồn gốc sự sống trên trái đất. Theo ông , thuyết tiến hóa không phải là lý thuyết khoa học có thể kiểm chứng được , mà đúng hơn (nó chỉ) là một lý thuyết siêu hình học có ích lợi lớn trong việc dẫn tới những nghiên cứu khoa học khác ” (trang 168). (tôi tô đậm để nhấn mạnh, PVHg).

Đạt Lai Lạt Ma tại hội thảo “Các khám phá của khoa học về tình thương và lòng trắc ẩn”. Ảnh: stanford.edu

Nhận định trên của Popper hoàn toàn chính xác, trừ đoạn cuối, rằng thuyết tiến hóa “có ích lợi lớn trong việc dẫn tới những nghiên cứu khoa học khác”. Xem ra Karl Popper rất sâu sắc, nhưng trực giác vẫn không đủ nhạy bén để nhìn rõ chân tướng học thuyết Darwin như những người thông minh nhất cùng thời với ông, chẳng hạn Kurt Gödel, hoặc Ernst Chain, hay Louis Bounoure, mà tôi đã dẫn ở trên, khẳng định rằng “Thuyết tiến hóa là một chuyện thần tiên dành cho người lớn. Lý thuyết này chẳng giúp ích gì cho tiến bộ khoa học. Nó thật vô dụng”. Tuy nhiên, Karl Popper vẫn thông minh hơn rất nhiều so với những người cho đến nay vẫn coi thuyết tiến hóa là một lý thuyết khoa học chân chính.

Càng về cuối chương 5, Đức ĐLLM càng thể hiện rõ cái nhìn của Nhà Phật rõ hơn. Trong cái nhìn đó, lòng vị tha và tình yêu thương là một sản phẩm ý thức mang tính bản chất của không chỉ con người mà cả loài vật, nhưng thật đáng tiếc, thuyết tiến hóa hoàn toàn không đếm xỉa đến sự thật đó. Nếu hiểu điều này thì tự khắc sẽ thấy việc coi quy luật đấu tranh sinh tồn dựa trên nguyên lý “sự sống sót của con vật thích nghi nhất” như một động lực chủ yếu và duy nhất của sự tiến hóa sẽ là một SAI LẦM LỚN, phản lại bản chất của tự nhiên! Đây, xin đọc:

Có nhiều ví dụ, không chỉ con người mà còn giữa các loài khác nữa, về các cá thể tự đặt mình vào hiểm nguy để cứu đồng loại. Chẳng hạn, con ong mật sẽ chích những kẻ phá tổ ong của nó, ngay cả khi hành vi chích đó là nguyên nhân đưa nó đến cái chết; hoặc con chim hét cao cẳng, một loài chim ở Ả-rập, sẽ liều mình hy sinh sự an toàn của bản thân để cánh báo nguy cơ bị tấn công cho cả đàn chim ” (trang 169).

Câu chuyện thú vị về những ứng xử vị tha của sinh vật được đẩy đi xa tới mức bất ngờ, rằng có thể những hành vi đó đã được lập trình:

Hơn nữa, xét rằng kiểu vị tha này không phải lúc nào cũng có vẻ tự nguyện ─ một số sinh vật dường như đã được lập trình để hành xử theo cách tự quên mình ─ sinh học hiện đại về cơ bản sẽ nhìn hành động vị tha là bản năng và được quyết định bởi gene. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nếu chúng ta đưa ra vấn đề về cảm xúc con người, đặc biệt là vô số trường hợp về lòng vị tha trong xã hội loài người ”. (trang 170).

Vô tình, ý kiến trên đã tiến gần tới “Lý thuyết Thiết kế Thông minh”, trong đó chủ trương rằng mọi sự kỳ diệu của sự sống đều đã được lập trình (được thiết kế) bởi Nhà Lập trình Sự Sống (hoặc Nhà Thiết kế Sự Sống), tức Đấng Sáng tạo. Điều đó gián tiếp đã phủ nhận thuyết tiến hóa, mặc dù, các nhà tiến hóa có thể biện hộ rằng hành vi vị tha là bản năng được quyết định bởi gene. Nhưng than ôi, đó chỉ là đoán mò, bởi cho đến nay, khoa học chưa hề khám phá ra một gene nào được coi là gene hành vi (gene quyết định hành vi). Lập luận logic có thể bác bỏ khái niệm gene hành vi, vì hành vi là một biểu hiện của ý thức, nhưng ý thức là một hiện thực phi vật chất. Hiểu theo nghĩa rộng, ý thức có thể xem như một tập hơn thông tin, nó có thể biểu lộ dưới dạng các mã vật chất, nhưng bản thân nó không phải là vật chất, như Lý thuyết Thông tin đã khẳng định. Vì thế, thuyết tiến hóa, một hệ thống lập luận thuần túy vật chất, sẽ VĨNH VIẾN BẤT LỰC trước việc giải thích các hành vi và ý thức của sự sống.

Trong cả cuốn sách, hiếm có những chỗ Đức ĐLLM nói mạnh như sau: “ Tôi cảm thấy không thể chấp nhận được việc bác bỏ chủ nghĩa vị tha viện lẽ rằng những hành vi phi tư lợi không phù hợp với nhận thức của sinh học đương thời về sự sống …”. Từ câu nói đanh thép này, có thể suy đoán ra rằng, đã có những người lập luận với Đức ĐLLM rằng ý thức vị tha không đóng góp gì vào quá trình tiến hóa, vì trái với nguyên lý đấu tranh sinh tồn, trong đó con vật thích nghi nhất là con vật có quyền tồn tại. Nhưng Đức ĐLLM không chấp nhận lý lẽ đó. Theo ngài, đó là kiểu gọt chân cho vừa với đôi giày (bóp méo hiện thực cho vừa với lý thuyết). Đây là một nhận xét rất tinh tế, bởi thuyết tiến hóa thực tế đã nhiều lần gọt chân cho vừa với đôi giày. Thuyết Tân-Darwin chính là trường hợp điển hình ─ các nhà tiến hóa đã phải bịa ra chuyện đột biến gene dẫn tới tiến hóa để cho phù hợp với các Định luật Di truyền Mendelian. Thực tế 100 năm qua, chuyện bịa đặt này vẫn chỉ là giả thuyết suông, không hề có một bằng chứng thực tế nào chứng minh. Thí nghiệm ruồi giấm đã phản lại ý đồ của chính những người tiến hành thí nghiệm đó.

Tóm lại, thuyết tiến hóa hoàn toàn bất lực trước một sự thật là sinh vật có lòng vị tha và ý thức cộng tác để cùng tồn tại. Đức ĐLLM kết luận hùng hồn:

Tôi cảm thấy sự bất lực này hay sự hoàn toàn không muốn chuyên chú đến vấn đề lòng vị tha có lẽ là hạn chế quan trọng nhất của thuyết tiến hóa của Darwin, ít nhất trong hình thức phổ biến của nó ” (trang 171)

Gay gắt hơn, ngài chất vấn:

Tại sao sinh học hiện đại chỉ chấp nhận cạnh tranh là nguyên lý hoạt động trên nền tảng và chỉ có sự hung hãn là đặc tính cơ bản của sinh vật? Tại sao nó bác bỏ sự cộng tác như một nguyên lý cộng tác, và tại sao nó không nhìn thấy lòng vị tha và từ bi cũng là những đặc tính khả hữu cho sự phá triển của các sinh vật? ” (trang 172)

Ảnh: viethungpham.com

Câu hỏi chất vấn trên đã dồn các nhà tiến hóa vào tình thế lưỡng nan. Nếu bác bỏ lòng vị tha và từ bi thì họ lộ nguyên hình họ là ai, và vô tình họ đã chứng minh cho mọi người thấy Hitler đã tiếp thu và áp dụng thuyết tiến hóa ra sao. Nếu ủng hộ lòng vị tha và từ bi thì họ phản lại Darwin, phản lại nguyên lý mà họ từng dựa vào để giải thích “sự sống sót của con vật thích nghi nhất”, tức là làm cho thuyết tiến hóa sụp đổ!

Cuối cùng, Đức ĐLLM đẩy câu chuyện của ngài tới chỗ thách thức các nhà khoa học về vấn đề đạo đức. Xin trích nguyên văn ý kiến của ngài mà không cần bình luận thêm, vì đây là sự phủ nhận quá đủ và quá rõ ràng đối với thuyết tiến hóa, được trình bày bởi một ngôn ngữ thánh thiện, khiêm nhường:

Nếu lịch sử thế kỷ 20 – với niềm tin rộng rãi vào học thuyết Darwin xã hội và nhiều tác động khủng khiếp của việc tìm cách áp dụng gene trội đã bắt nguồn từ nó – có điều gì để dạy chúng ta thì đó là con người chúng ta có một khuynh hướng nguy hiểm biến những nhìn nhận chúng ta xây dựng về bản thân mình thành những dự báo tự kỷ ám thị. Ý tưởng về “sự sinh tồn của cái thích nghi nhất” đã bị lạm dụng để bỏ qua, và trong một vài trường hợp để biện minh, những thái quá của lòng tham con người và chủ nghĩa cá nhân, xem nhẹ những chuẩn mực đạo đức đối với việc liên kết anh em đồng loại chúng ta trong tinh thần từ bi hơn ” (trang 173)

Khoa học phải hiệu chỉnh những nhận thức sai lệch và những biển thủ ý tưởng phổ biến vốn có thể ẩn chứa tai họa cho thế giới và loài người nói chung ” (trang 174).

Bất chấp câu chuyện của Darwin về các nguồn gốc sự sống có thể thuyết phục tới đâu, với tư cách Phật tử, tôi thấy nó vẫn để lại một lĩnh vực quan trọng chưa khảo sát. Đó là nguồn gốc của thế giới hữu tình – sự tiến hóa của các sinh vật có ý thức và khả năng trải nghiệm đau đớn và vui sướng. Sau cùng, từ viễn quan Phật giáo, cuộc tìm kiếm tri thức và hiểu biết về tồn tại của con người xuất phát từ một khát vọng sâu xa là mưu cầu hạnh phúc và vượt qua đau khổ. Chừng nào chưa có một hiểu biết đáng tin cậy về bản chất và nguồn gốc của ý thức, câu chuyện khoa học về các nguồn gốc sự sống và vũ trụ vẫn sẽ chưa hoàn tất ” (trang 174).

Liệu thuyết tiến hóa nói riêng và khoa học nói chung có khám phá được nguồn gốc và bản chất của ý thức không? Câu trả lời phụ thuộc vào câu hỏi sau đây: Ý thức có phải là vật chất hay không?

Nếu ý thức xét cho cùng chỉ là một dạng vật chất đặc biệt, thì khoa học vật chất vẫn có quyền hy vọng vào một ngày đẹp trời may mắn nào đó sẽ khám phá ra nguồn gốc và bản chất sự sống. Nếu không, sẽ là vô vọng.

Câu trả lời của Đức ĐLLM gợi ý cho chúng ta thấy ý thức không phải là vật chất. Nhưng vì bài viết đã quá dài, xin hẹn nói rõ hơn trong bài kỳ sau. Và xin tạm kết bài này bởi ý kiến sau đây của Đức ĐLLM:

Một mô hình của sự phức tạp tăng tiến dựa trên tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên chỉ đơn giản là một GIẢ THUYẾT MÔ TẢ, một thứ uyển ngữ cho “điều bí ẩn”, chứ không phải là một giải thích thỏa đáng ” (trang 195) (chữ viết to do tôi nhấn mạnh, PVHg)

CHÚ THÍCH:

(1) Xem Bài toán đạo đức: đâu là lời giải?

(2) Xem Bên ngoài khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hanoi, 2004, trang 143. Nguyên văn tiếng Anh: An honest man, armed with all the knowledge available to us now, could only state that in some sense, the origin of life appears at the moment to be almost a miracle, so many are the conditions which would have had to have been satisfied to get it going ( Wikiquote )

(3) Xem:

(4) Xem:

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng

GS Phạm Việt Hưng. Ảnh: photobucket

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Email: bizet09@gmail.com

Website: viethungpham.com

Exit mobile version