Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Bé gaí 5 tuổi tài trí hơn giáo sư 50 tuổi?

Gần đây tôi xem một video, rất ngạc nhiên trước một em bé 5 tuổi dễ thương. Cô bé đến từ Tô Châu này, được biết đến với biệt danh “Thiên thần heo nhỏ”, đã ôm sách đọc thơ từ khi còn nhỏ. Khi cô bé mặc trang phục cổ xưa đàm cổ luận kim, phẩm đọc thi từ, thảo luận nhân sinh cùng với mẹ, cô bé rất bình tĩnh, điềm đạm và tự tin, khiến mọi người phải thắc mắc liệu cô bé thực sự chỉ mới 5 tuổi?

Ví dụ, trong một video, khi hai mẹ con heo nhỏ thảo luận về phong cách của hai nhà thơ lớn Lý Bạch và Vương Duy, heo nhỏ cho rằng thơ của Lý Bạch và Vương Duy lúc nồng lúc đạm, mang vẻ đẹp đối vị cộng sinh của Đạo gia. Người mẹ nói, phong cách thơ ca của Vương Duy tương đối nhẹ nhàng, chủ yếu lấy tả cảnh làm chủ, dường như không có cảm tình gì. Heo nhỏ lập tức phản đối, nói Vương Duy chỉ là muốn che giấu tình cảm của ông. Người mẹ không đồng ý, nói Vương Duy thậm chí không viết một bài thơ tặng vợ mình. Heo nhỏ cảm thấy không vui, rất kích động nói với mẹ: “Mẹ không biết sao, câu thơ ‘Hành đáo thủy cùng xứ, tọa khán vân khởi thời’ (Đến nơi cuối của dòng nước, ngồi nhìn mây bay lên) chẳng phải là muốn ở bên vợ ông sao? Câu thơ ‘Hưng lai mỗi độc vãng, thắng sự không tự tri’ là ông buồn vì vợ không ở đó, ông hận vì không có ai để nói chuyện mà!” Mẹ của heo nhỏ lúc này có lẽ đã đổ mồ hôi, nói rằng tình cảm của Vương Duy ẩn tàng rất sâu. Heo nhỏ nói “đương nhiên rồi, tuyên chi ư khẩu vị tất chân”, lời nói ra miệng còn chưa phải là chân ý.

Còn rất nhiều cuộc đối thoại như vậy nữa, chẳng trách một số giáo sư bình luận trên mạng rằng quan điểm và hiểu biết về lịch sử của nữ nhi đồng 5 tuổi này hoàn toàn vượt qua trình độ của một đứa trẻ, thậm chí còn vượt qua trình độ của một giáo sư khoảng 40 đến 50 tuổi. Nhìn vào bình luận của mọi người, ngoài khen ngợi heo nhỏ là thiên tài, rất nhiều cư dân mạng còn cho rằng cô bé khả năng là một linh hồn chuyển thế mang theo ký ức từ kiếp trước.

Nói đến đây, người ta không khỏi nghĩ đến một câu danh ngôn được nhà thơ nhà Thanh Viên Mai nhắc đến trong “Tùy Viên thi thoại”: “Thư đáo kim sinh độc dĩ trì” (Đời này đọc sách đã muộn rồi). Viên Mai kể rằng khi còn nhỏ, trong nhà không có sách nên phải mượn sách của người khác. Một ngày nọ, ông mượn được sách “Văn tuyển”, đọc đến “Trường môn phú” trong đó. Mặc dù đây là lần đầu tiên đọc nó, nhưng ông cảm giác dường như đã từng đọc qua, khi đọc thơ “Li tao” cũng có cảm giác quen thuộc như vậy. Nghĩ đến câu ngạn ngữ cổ “Độc thư thị tiền thế sự” (đọc sách là sự việc tiền thế), Viên Mai cảm thán câu này quả không sai, bản thân hẳn là đã từng đọc những văn chương này từ kiếp trước, vì vậy mà cảm thấy quen thuộc.

Viên Mai chỉ có một cảm giác mơ hồ, nhưng đoạn công án của Hoàng Đình Kiên, một đại tài tử thời nhà Tống, đã chứng minh một cách xác thực rằng tài hoa của một người không phải chỉ trong một đời mà có được.

Tam nhân đồng mộng

Vào tháng 4 năm Nguyên Phong thứ bảy, Tô Đông Pha đến Quân Châu. Vào đêm trước khi đến Quân Châu, em trai ông là Tô Triệt đã nằm mơ. Tô Triệt mơ thấy mình cùng hai người bạn là Vân Am hòa thượng và Thông hòa thượng ra ngoài thành nghênh tiếp hòa thượng Ngũ Giới.

Ngày hôm sau Tô Triệt gặp Vân Am hòa thượng. Hòa thượng Vân Am lập tức kể cho ông rằng, trong mộng thấy mình với Tô Triệt và Thông hòa thượng cùng nhau xuất thành nghênh tiếp hòa thượng Ngũ Giới. Tô Triệt còn chưa kịp nói về giấc mơ của mình, thì Thông hòa thượng cũng đã tới. Tô Triệt nói với ông: “Vừa mới đàm mộng với Vân Am, bạn cũng muốn tới đàm mộng cùng sao?” Thông hòa thượng đáp: “Tôi đêm qua trong mộng thấy 3 người chúng ta cùng nhau đi nghênh tiếp hòa thượng Ngũ Giới.” Tô Triệt vừa hua tay vừa cười lớn, nói: “Thế thượng quả thực có chuyện ba người chung một giấc mơ, thật là kỳ quái!” 

Không lâu sau, họ nhận được một bức thư từ Tô Đông Pha, nói rằng bản thân đã đến Phụng Tân, sẽ sớm được diện kiến mọi người. Ba người vô cùng vui mừng, vội vã chạy đến chùa Kiến Sơn cách thành hai mươi dặm để đợi Tô Đông Pha. Sau khi gặp nhau, họ kể với Tô Đông Pha chuyện ba người họ có cùng một giấc mơ. Tô Đông Pha nghe xong trầm tư rồi nói: “Khi tôi 8, 9 tuổi, tôi đã mơ thấy kiếp trước mình là một tăng nhân vãng lai gần Thiểm Tây. Khi mẹ tôi mang thai, bà đã mơ thấy một tăng nhân đến nhà tá túc, tăng nhân tướng mạo thông minh tuấn tú, nhưng lại bị mù một mắt.”

Nghe vậy, hòa thượng Vân Am kinh ngạc nói: “Hòa thượng Ngũ Giới là người Thiểm Tây, bị mù một mắt, những năm cuối đời du hành đến Cao An, qua đời ở Đại Ngu.” Mọi người tính tính, đã 50 năm trôi qua kể từ đó, mà Tô Đông Pha lại vừa 49 tuổi. Đánh giá về thời gian, địa điểm và giấc mơ giống nhau của 3 người, thì Tô Đông Pha hẳn là chuyển thế của hòa thượng Ngũ Giới. Từ đó trở đi, Tô Đông Pha tự gọi mình là “hòa thượng Giới”.

Tô Đông Pha sau đó đã kết giao hòa thượng Phật Ấn trên núi Lư Sơn, trở thành bạn tốt của nhau. Hai người thường cùng nhau đả tọa, thảo luận Phật giáo. Dưới sự khải ngộ của Phật Ấn, Tô Đông Pha, người vốn say mê công danh, cuối cùng đã sùng tín Phật pháp, dốc tâm tu luyện, ngộ được kiếp trước kiếp này của mình. Trong bài thơ “Nam Hoa tự”, ông viết: “Ngã bổn tu hành nhân, tam thế tích tinh luyện. Trung gian nhất niệm thất, thụ thử bách niên khiển”, đại ý là, tôi vốn người tu hành, tích công phu ba kiếp, giữa lạc mất một niệm, tiếc công quả trăm năm.

Dân gian thường nói, người tu hành thường có thể tích lũy phúc đức rất lớn, nên nếu không đắc được chính quả mà nhập vào luân hồi, thì không phú cũng quý. Xem ra, tuyệt thế tài hoa của Tô Đông Pha và việc tu hành kiếp trước của ông là có quan hệ không nhỏ.

Những gì nói trên đây đều là chuyện của Trung Quốc. Kỳ thực, chuyện kiếp này kế thừa tài hoa của kiếp trước, toàn thế giới đều có. Tiếp theo là một câu chuyện khác về một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên mạng người Mỹ.

Nhà thiết kế Gucci chuyển sinh?

Nhà thiết kế mà chúng tôi sắp giới thiệu có tên Max Alexander, năm nay mới 8 tuổi. Dù còn rất trẻ, nhưng Max đã là một nhà thiết kế nổi tiếng trên Internet với hơn 3,3 triệu người hâm mộ. Thậm chí, ngay cả nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Sharon Stone cũng tìm đến cậu thiết kế áo choàng cho mình.

Vậy tài năng của Max được phát hiện như thế nào?

Nghe nói, Max bộc lộ niềm đam mê và tài năng thiết kế thời trang từ năm 4 tuổi, bắt đầu tự thiết kế và may quần áo cho riêng mình. Mẹ của Max, Sherri Madison, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, rằng Max từng tự tin nói với mọi người rằng kiếp trước cậu là Guccio Gucci, người sáng lập thương hiệu xa xỉ nổi tiếng thế giới Gucci. Nhìn vẻ mặt kinh ngạc của mọi người, Max còn khẳng định thêm một câu: “Xác thực là tôi”.

Mẹ Sherri cho biết trong gia đình có ba người con, ban đầu bà không biết Max có hứng thú với thời trang và cũng không để ý đến tài năng thiết kế xuất chúng của cậu cho đến năm 2021, khi Max mới 4 tuổi.

Đó là thời điểm bùng phát COVID, mọi người đều bị nhốt ở nhà. Một đêm nọ, khi cả gia đình đang cùng nhau ăn tối, Max bất ngờ tuyên bố trước mặt mọi người: “Con cần một ma-nơ-canh”. Vẻ mặt của cậu lúc đó rất nghiêm túc, trông không giống như đang nói đùa. Sherri cảm thấy rất kỳ lạ, con muốn thứ này để làm gì? Max nói với mẹ: “Nếu mẹ mua cho con một con ma-nơ-canh, con sẽ cho mẹ thấy con là một bậc thầy may mặc.”

Sherri là một người mẹ sẵn sàng để con mình phát triển những sở thích riêng, nên bà quyết định thực hiện mong muốn của Max và để cậu thử sức. Sherri là một nghệ thuật gia bìa cứng, nên bà đã nhanh chóng chế tác cho Max một mô hình thân thể nhỏ bằng bìa cứng. Màn trình diễn sau đó của Max khiến bà vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

Max bé nhỏ, người chưa bao giờ học làm thợ may, đã bắt đầu ngay lập tức và nhanh chóng thực hiện tác phẩm đầu tiên của mình trên ma-nơ-canh – một bộ váy trẻ em chỉ sử dụng nút thắt, băng dính, khăn quàng cổ và các vật liệu khác trong tay.

Từ đó niềm đam mê sáng tạo của Max được khơi dậy. Dù không có kinh nghiệm thiết kế thời trang, nhưng dường như cậu thừa hưởng gen sáng tác của gia đình, bắt đầu thử nghiệm tạo ra nhiều loại trang phục khác nhau. Trên thực tế, Sherri cho biết, ông bà của Max làm việc trong ngành thời trang ở Montreal, Canada. Ông bà ngoại và mẹ của Sherrie đều là thợ may, nhưng Max không biết điều này.

Bằng cách này, cậu bé Max mới 4 tuổi đã liên tiếp cho ra 6 tác phẩm, bắt đầu xin học kỹ thuật may vá. Vì vậy, Sherri bắt đầu dạy con một số kỹ năng cắt may cơ bản bằng máy may tại nhà. Đều nói hứng thú là người thầy tốt nhất, câu nói này được thể hiện ở Max. Cậu không chỉ rất chăm học, mà còn học rất nhanh, giỏi lên chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhận thấy mình không còn khả năng dạy kỹ năng may vá cho Max, Shirley đã đăng ký một lớp học may ở địa phương cho Max. Max nhanh chóng học được nhiều kỹ năng cắt may hơn, và cùng với tài năng thiết kế bẩm sinh, kỹ năng tổng thể của cậu ngày càng trở nên tốt hơn.

Những năm tiếp theo, Max tiếp tục sáng tạo, từ thiết kế mẫu đến đến các cửa hàng vải để tận tay chọn vải, sau đó cắt, may,… cậu đều tự mình làm tất cả. Cậu cũng học cách cắt may lập thể.

Hiện Max đã hoàn thành hơn một trăm tác phẩm thiết kế trong studio nhỏ của mình, tạo ra thương hiệu của riêng mình, tổ chức buổi trình diễn thời trang của riêng mình, và điều hành thành công công việc kinh doanh phục trang của riêng mình, những thành phẩm thiết kế của cậu đã được bán ra quốc tế.

Tuy nhiên, đối với Max, tất cả những điều này chỉ là bước đầu hướng tới ước mơ của cậu. Anh chàng nhỏ bé này, người tin chắc rằng mình là chuyển thế của nhà thiết kế Gucci, mơ ước tương lai sẽ tiếp quản thương hiệu này và trở thành người đứng đầu thương hiệu Gucci.

Vì vậy, thiên tài khả năng không thể luyện được trong một đời. Một số bạn có thể sẽ lẩm bẩm, đều nói không nên thua ở vạch xuất phát. Nếu vạch xuất phát này là kiếp trước, thậm chí là vài kiếp trước thì làm sao có thể tranh tài đây? Kỳ thực, việc chiến thắng người khác không quan trọng, điều chúng ta nên tập trung vào là nỗ lực cải thiện mỗi ngày, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, tích lũy cho tương lai. Tôi tin rằng những nỗ lực của bạn sẽ không làm bạn thất vọng. 

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch