Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Năm 2024 trong chớp mắt đã trôi qua một nửa, sự trỗi dậy trở lại của loại virus Corona mới, kèm theo động đất và chiến tranh, đã khiến mọi người bất an. Những thảm họa trong các dự ngôn dường như đang lần lượt trở thành hiện thực. Phải chăng ngày tận thế đang lặng lẽ đến gần? Khi kiếp nạn đến, chúng ta nên tránh nó như thế nào?
Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu với hai câu chuyện về gặp hung hóa cát.
Một ngày tháng 7 năm 1925, tại cổng Học viện Quân sự Hoàng Phố, hiệu trưởng Tưởng Giới Thạch, người vừa phát biểu xong trước các tân sinh viên dưới cái nắng như thiêu đốt, chuẩn bị trở về thành phố để xử lý công vụ. Không ngờ chiếc xe bỗng nhiên bị hỏng, nhất quyết không chịu đi. Tài xế nhảy xuống xe kiểm tra, nói rằng động cơ có vấn đề, phải mất nửa tiếng sửa xong mới đi được.
Thời gian không đợi người, nên Tưởng Giới Thạch vội vã lên xe khác rồi rời đi trước. Không ngờ ông vừa đi khỏi, thì chiếc xe kia đã được sửa xong. Những vệ sĩ của Tưởng Giới Thạch vội vàng lên xe đi.
Trên đường trở về phải đi ngang qua “Tháp Đông Pha”. Khi xe của Tưởng Giới Thạch đi ngang qua đó thì không có vấn đề gì, nhưng khi chiếc xe ban đầu của ông, lúc này là xe mà các vệ sĩ đang đi, khi ngang qua đó thì bị hơn 20 người phục kích. Dưới làn đạn điên cuồng, kính chống đạn của xe bị vỡ hoàn toàn, hai trong số bảy vệ sĩ trong xe bị giết ngay tại chỗ.
Đội trưởng trung đội cảnh vệ Hoàng Hữu Văn tuyệt vọng lao ra dưới sự che chắn của đồng đội, gọi điện thoại cho người trực văn phòng của Tưởng Giới Thạch. Khi đó Tưởng Giới Thạch mới biết, bản thân bằng cách nào đó đã thoát nạn.
Và đây không phải là lần đầu tiên, cũng không phải lần cuối cùng ông thoát chết trong gang tấc. Một năm sau đó, Tưởng Giới Thạch đã nghe theo chỉ điểm của một vị cao tăng, lần nữa thoát khỏi tai họa.
Mối quan hệ giữa Bố Đại hòa thượng và Tưởng gia
Tháng 7 năm 1926, để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch đã dẫn quân tiến hành Bắc phạt, trở thành tổng tư lệnh quân Bắc phạt. Vào giữa tháng 10, quân Bắc phạt đến gần Nam Xương, Giang Tây.
Ngày hôm đó, khi đang tuần thị nơi trú quân, Tưởng Giới Thạch nghe nói gần đó có một ngôi chùa nhỏ, nên dẫn người bạn thân thiết của mình là Bạch Sùng Hi đi xem. Khi đó chiến tranh đang cấp bách, tại sao vẫn còn tâm tư để đến thăm một ngôi chùa nhỏ? Hóa ra Tưởng Giới Thạch là một người rất có Phật duyên, Tưởng gia đời này qua đời khác đều tín Phật. Vì vậy, khi nhìn thấy một ngôi chùa, ông luôn đến thăm, vái một vái.
Trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc vào cuối thời nhà Đường, Tưởng gia để tránh chiến tranh đã chuyển đến Phụng Hóa, Ninh Ba. Lúc bấy giờ ở Phụng Hóa có một vị cao tăng tên là hòa thượng Bố Đại rất hay cười. Theo truyền thuyết dân gian, ông là hóa thân của Đức Phật Di Lặc. Vì thế các tượng Phật Di Lặc mà chúng ta thấy hiện nay đều được tố tạo theo nguyên hình của ông. Khi hòa thượng Bố Đại đi vân du tứ xứ, đã triển hiện không ít thần tích. Túi vải trong tay ông giống như một rương kho báu, bất cứ thứ gì cũng có thể biến hóa ra.
Tưởng Tông Bá, tổ tiên của nhà họ Tưởng, vô cùng sùng bái vị hòa thượng này, vừa gặp đã bái ông làm thầy, theo ông đi vân du suốt ba năm. Sau này, hòa thượng Bố Đại đã lấy bố đại bảo bối bất ly thân của ông truyền lại cho Tưởng Tông Bá. Trương Tông Bá vì để hồi báo ân sư, đã xây dựng một tòa tháp “Phụng sư” để kỷ niệm hòa thượng Bố Đại.
Vì tầng quan hệ này mà bầu không khí tín Phật trong gia tộc họ Tưởng ở Phụng Hóa luôn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến thế hệ Tưởng Giới Thạch cũng không ngoại lệ. Khi Tưởng Giới Thạch còn rất nhỏ, tổ phụ Tưởng Tư Thiên thường đưa ông đi bái Phật ở chùa Tuyết Đậu gần nhà. Mẹ của ông, Vương phu nhân cũng thường giải thích kinh Phật cho con trai mình. Vì vậy, dù sau này Tưởng Giới Thạch lựa chọn nhập ngũ, nửa đời phục vụ trong quân ngũ, nhưng trong tâm ông vẫn luôn có Phật. Bạn thấy đấy, ông ấy vì sao cả đời đều trưng cái đầu trọc? Theo lời kể của Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch, chính là vì ông được đại hòa thượng của chùa Tuyết Đậu khai sáng cho khi còn trẻ, từ đó kính ngưỡng Phật môn, lựa chọn cả đời không nuôi tóc.
Lại nói, ngày hôm đó Tưởng Giới Thạch đã có cuộc gặp gỡ kỳ lạ gì trong ngôi chùa nhỏ ở Giang Tây?
Cao tăng chỉ điểm, thoát khỏi tai họa
Sau khi lễ Phật, ông thuận tay rút một thẻ, thỉnh vị tăng nhân bên cạnh giải đọc. Tên thẻ là một bài thơ đời Đường “Thạch đầu thành”, hai câu cuối viết: “Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt, dạ thâm hoàn quá nữ tường lai.”
Hòa thượng nhận lá thẻ và hỏi, thí chủ cần hỏi về cái gì? Tưởng Giới Thạch nói rằng ông muốn biết chiến sự thành hay bại. Tăng nhân nói rằng nhất định sẽ thắng lợi, nhưng cần phải cẩn thận phòng ngừa bị người khác ‘cắt đứt hậu lộ’, đề phòng có người giữa đêm lẻn vào. Bạn thấy đấy, câu “dạ thâm hoàn quá nữ tường lai” là nói giữa đêm có người đào tường mà vào, nên ban đêm phải cẩn thận.
Tưởng Giới Thạch nghe xong gật gật đầu không nói gì, để lại 200 đồng đại dương rồi rời đi. Vừa trở về, ông triển khai thêm quân, hạ lệnh cho cảnh vệ đoàn tăng cường cảnh giới.
Cùng lúc đó, tại thành phố Nam Xương, quân của quân phiệt đối địch Tôn Truyền Phương đang ngày đêm đào địa đạo, mà lối ra của địa đạo lại nằm gần nơi trú quân của Tưởng Giới Thạch. Nửa đêm hôm đó, địa đạo cuối cùng đã được đào thông. Lợi dụng đêm tối và gió lớn, hơn hai nghìn người âm thầm chui ra khỏi địa đạo, tiến thẳng về bộ tổng tư lệnh của Tưởng Giới Thạch. Không ngờ, trước khi đánh lén, họ đã bị bao vây. Thì ra quân Bắc phạt đã chuẩn bị từ sớm. Quân của Tôn Truyền Phương kinh hãi, nhanh chóng mất đi sức chiến đấu, bị tóm gọn.
Sau đó, viên sĩ quan bị bắt thú nhận, rằng mục đích của cuộc tấn công là “’cắt đứt hậu lộ’ của các người”, quả nhiên đúng y lời tăng nhân trong ngôi chùa nhỏ giải đọc. Bằng cách này, Tưởng Giới Thạch đã thoát khỏi một tai nạn khác dưới sự chỉ điểm của cao tăng.
Trở về bình an sau sự biến Tây An, cao thủ đằng sau là…
Đến năm 1936, phát sinh sự biến Tây An gây chấn động cả Trung Quốc và thế giới. Tưởng Giới Thạch bị Trương Học Lương bắt giữ, hung đa cát thiểu. Tống Mỹ Linh muốn giải cứu, nhưng bà chỉ là một phụ nữ yếu đuối, còn đối phương lại là một gã hung hãn, tuy vợ chồng tình cảm sâu đậm, nhưng đối mặt với ma nạn này bà cũng có chút sợ hãi. Lúc này, một vị nguyên lão bên cạnh liền giới thiệu cho bà đại sư mệnh lý Vi Thiên Lý.
Nói ông là đại sư, kỳ thực Vi Thiên Lý lúc đó mới 25 tuổi. Tuy nhiên, ông 16 tuổi đã xuất đạo, kế nghiệp cha, mở một tiệm toán mệnh tại Thượng Hải.
Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng bản lĩnh toán mệnh của ông thập phần cao minh, tiếng tăm lừng lẫy, ngay cả các quan chức quyền quý cũng đều đổ xô tìm ông phê bát tự. Trong các quan cao của Quốc dân đảng có không ít người đều là những người hâm mộ trung thành của ông. Năm 1935, ở tuổi 24, ông xuất bản cuốn sách ghi lại kinh nghiệm thực chiến của mình, cuốn sách này vừa phát hành đã lập tức trở thành sách bán chạy. Đây chính là kinh điển bảo tàng “Thiên lý mệnh cảo” trong mệnh lý học.
Với bản lý lịch vững vàng này, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tống Mỹ Linh mời ông đến. Sau khi Vi Thiên Lý đến, ông đơn giản rút ra một quẻ, sau đó lấy bát tự của Tưởng Giới Thạch đối chiếu để xem, rồi nói, phu nhân yên tâm đi, Tưởng công sẽ không gặp nguy hiểm gì đến tính mạng. Lời nói của Vi Thiên Lý đã xua tan nỗi lo lắng cuối cùng của Tống Mỹ Linh. Sau đó, bà một mình đến Tây An, quả nhiên đưa được Tưởng Giới Thạch trở về nhà an toàn, thành tựu một giai thoại quốc dân về vạn dặm cứu chồng. Và Vi Thiên Lý sau chuyện đó cũng thành danh.
Cao tăng Hư Vân dự ngôn Thế chiến thứ hai kết thúc
Kỳ thực, kể từ khi Tưởng Giới Thạch thành lập Chính phủ Quốc dân và trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế của Trung Quốc, bên thân ông luôn có cao nhân bảo vệ. Quốc sư Chương Gia mà chúng tôi đã giới thiệu trong tập trước chính là một vị trong số đó. Tưởng Giới Thạch làm theo kiến nghị của Chương Gia, dời đô từ Nam Kinh đến Trùng Khánh, cuối cùng lật ngược tình thế, giành thắng lợi trong Thế chiến thứ hai.
Năm đó cùng Tưởng Giới Thạch đến Trùng Khánh còn có một cao tăng nổi tiếng khác của Trung Quốc, hòa thượng Hư Vân. Cuộc đời của hòa thượng Hư Vân tràn đầy sắc thái huyền thoại. Trước đây chúng tôi đã giới thiệu về ông ấy trong một tập. Nếu bạn quan tâm, bạn có thể xem lại. Vào thời điểm đó, không ít chính khách đã quy y trở thành đệ tử của Hư Vân.
Hòa thượng Hư Vân cũng từng dự ngôn về kết cục của Thế chiến thứ hai cho Tưởng Giới Thạch.
Vào tháng 12 năm 1942, Hư Vân được chính phủ mời chủ trì “Pháp hội Đại bi hộ quốc và chấm dứt tai ương” tại Trùng Khánh. Ông đã làm pháp sự trong tổng cộng bảy bảy bốn chín ngày, cầu nguyện đảo ngược quốc vận, tiêu trừ kiếp nạn, nó cũng được coi là một cách hỗ trợ kháng Nhật của giới Phật giáo.
Tưởng Giới Thạch là một trong những người phát khởi Pháp hội, và Đái Quý Đào, một nguyên lão của Quốc dân đảng, đảm nhiệm hội trưởng Pháp hội. Ngày hôm đó, Tưởng Giới Thạch, Đái Quý Đào và Hư Vân cùng nhau ăn chay. Trong bữa tối, họ tự nhiên nói về kết cục của cuộc chiến.
Hư Vân lấy trong túi ra một mảnh giấy, nhờ người bên cạnh lấy ra một chiếc kéo. Rồi ông gấp nó theo chiều ngang và chiều dọc nhiều lần, và cắt nó ba nhát. Giống như một trò ảo thuật, ba ký tự lần lượt xuất hiện trên mảnh giấy này: đầu tiên là chữ “十” (Thập), sau đó là chữ “卐” (Vạn), và cuối cùng là chữ “日” (Nhật).
Những người ngồi trong bàn đều minh bạch. Quân đội Ý luôn được gọi là quân “Thập tự”. Thế thì chữ “Thập” hẳn là ám chỉ Ý. Khi đó chữ “chữ Vạn” tự nhiên ám chỉ Đức Quốc xã. Cuối cùng là chữ “Nhật”, chính là Nhật Bản. Sau này, khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Ý đầu hàng trước, sau đó Đức bị chiếm lĩnh. Cuối cùng, Nhật Bản tuyên bố chiến bại, tuyên cáo Thế chiến thứ hai chính thức kết thúc, thứ tự đúng như lời Hư Vân đã nói.
Sau khi cắt ra ba chữ, Hư Vân trầm tư một lúc, rồi nói, sau kháng chiến thắng lợi, sẽ có một diện mạo bất đồng xuất hiện tại Trung Quốc. Vậy đó là diện mạo bất đồng nào? Lẽ nào không phải là Chính phủ Quốc dân một lần nữa thống nhất thiên hạ sao? Hư Vân không nói gì thêm nữa. Thiên cơ bất khả tiết lộ, Tưởng Giới Thạch cũng không truy vấn thêm. Sau đó lịch sử ra sao thì mọi người đều biết.
Hòa thượng Hư Vân một mình thuyết phục đại nguyên soái
Trên thực tế, Hư Vân không chỉ là thượng khách của chính phủ Tưởng Giới Thạch, mà còn là cao nhân ngoài thế tục được ông Tôn Trung Sơn vô cùng trọng vọng.
Khi Trung Hoa Dân Quốc mới được kiến lập, xã hội nổi lên xu hướng truy cầu Tây hóa, hủy hoại chùa chiền.
Lúc đó, Hư Vân là trụ trì của chùa Chúc Thánh trên núi Kê Túc ở Đại Lý. Theo truyền thuyết, núi Kê Túc là nơi Đại Ca Diếp, đệ tử của Thích Ca Mâu Ni, trú ngụ để chờ đợi sự giáng lâm của Đức Phật Di Lặc tương lai, nên ở đó có rất nhiều chùa chiền. Đương thời đại sư Lý Căn Nguyên trấn thủ Vân Nam cũng làm theo phong trào này, phá hủy rất nhiều chùa chiền trên núi Kê Túc, dùng vũ lực xua đuổi các tăng nhân, bức họ phải hoàn tục, thậm chí còn giết hại họ.
Ngày hôm đó, hòa thượng Hư Vân một thân một mình đến chùa Tất Đàn, nơi Lý Căn Nguyên đóng quân.
Lý Căn Nguyên vừa nhìn thấy Hư Vân, liền hét lớn: “Tu Phật có ích lợi gì?”
Hư Vân nói: “Từ cổ chí kim, lấy văn chính trị lý quốc gia, lấy Phật pháp giáo hóa bách tính. Phật pháp đầu tiên dạy người trị tâm, tâm là bản chất của vạn vật, thiện và ác đều từ tâm sinh ra. Tâm chính, ắt vạn vật an ninh, thiên hạ thái bình.”
Lý Căn Nguyên nghe thấy có đạo lý, liền hạ giọng một chút, hỏi: “Những tượng bùn điêu gỗ này để làm gì? Thật lãng phí tiền bạc.”
Hư Vân cho biết, tượng Phật tuy là được làm bằng đất sét và gỗ điêu khắc nên, nhưng nó biển hiện ra tấm lòng từ bi trang nghiêm của Thần Phật, khiến chúng sinh tâm sinh kính sợ. “Nếu con người không có tâm kính sợ, thì họ sẽ không điều ác nào không làm, sẽ tạo thành đại loạn đại họa. Bất luận là tượng Phật bằng bùn bằng gỗ ở Trung Quốc, hay là tượng đồng ở hải ngoại, đều sẽ khiến người ta nhìn thấy mà sinh thiện, tâm quy lương thiện.”
Lý Căn Nguyên nghe xong, nét mặt xuất hiện nụ cười, lại nói tiếp, rằng bản thân đã nhìn thấy rất nhiều hòa thường làm những việc xấu.
Hư Vân nói, không thể vì nhìn thấy hai tú tài hư hỏng liền chửi mắng Khổng Tử, đúng không? Thiên hạ có rất nhiều hòa thượng, ngài cũng không thể vì nhìn thấy hai hòa thượng bất hảo mà trục xuất toàn bộ tăng nhân, không cho họ học Phật, chẳng phải vậy sao? Những vị hòa thượng có căn xấu kia, nếu tu tập tốt thì căn xấu của họ sẽ được loại bỏ theo thời gian, ngài phải cấp cho họ một cơ hội.
Lý Căn Nguyên càng nghe càng thấy có lý, càng thích thú nói chuyện với Hư Vân. Đêm đó, hai người trò chuyện dưới ánh nến. Lý Căn Nguyên tiếc nuối nói: “Hóa ra Phật pháp quảng đại như thế. Nhưng ta đã giết nhiều tăng nhân và phá hủy chùa chiền, tội nghiệp rất sâu, phải làm sao đây?” Hư Vân thuyết phục: “Nếu từ nay về sau đại soái có thể toàn lực bảo hộ tăng nhân và chùa chiền, thì cũng đồng dạng lập đại công đức.”
Lý Căn Nguyên vui mừng khôn xiết, trời vừa sáng liền đến chùa Chúc Thánh cùng Hư Vân. Khi mặt trời ló rạng, chỉ thấy từ núi Kê Túc kim quang đại hiển, từ đỉnh núi đến chân núi, mỗi cây mỗi cỏ đều nhuộm thành sắc vàng. Loại kim quang này vô cùng hiếm thấy. Người dân địa phương nói rằng, từ khi có núi Kê Túc, họ chỉ nhìn thấy cảnh tượng này một vài lần.
Lý Căn Nguyên lúc đó rất cảm động, đã lễ bái hòa thượng Hư Vân, thỉnh ông đảm nhiệm tổng trụ trì những ngôi chùa lớn nhỏ trên núi Kê Túc. Từ đó trở đi, ông trở thành người bảo vệ Phật tự, còn học theo tố pháp của Phật gia, bắt đầu bố thí cho dân chúng.
Sau khi Tôn Trung Sơn biết được sự việc này, ông cảm thấy điều đó thật thần kỳ, liền đề nghị Hư Vân tới diện kiến. Hai người đã nói chuyện về mối quan hệ giữa Cơ đốc giáo và Phật giáo.
Mặc dù Tôn Trung Sơn trở về từ hải ngoại, sùng tín Cơ đốc giáo, nhưng tư tưởng tương đối cởi mở, chủ trương sử dụng nền dân chủ cộng hòa ở hải ngoại để cứu Trung Quốc, cũng chủ trương cần bảo lưu tư tưởng văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Ông cho rằng tín ngưỡng Cơ đốc chủ trương bác ái, cổ động “cho đi”, còn Phật gia giảng từ bi, đề xướng “thí xả”. Chúa Giê-su dạy rằng, thiên quốc chính là tại trong tâm, còn thuyết pháp của Phật gia lại nói, ‘Pháp do tâm sinh’. Giê-su nói, “Hãy yêu kẻ thù của các người” (theo Ma-thi-ơ 5:44), còn Phật gia giảng “oán thân giai bình đẳng”, chính là nói, bất quản đối phương là địch nhân hay là kẻ thù, đừng để tâm điều đó, hãy dùng tâm nhân ái đối đãi với anh ta. Do đó truy về căn nguyên rốt ráo, hai gia có thể nói là “những con đường khác nhau đến cùng một đích.
Hư Vân nói, đúng vậy đúng vậy, trong Cơ đốc giáo có một cuốn sách cấm, được viết bởi Peter, một đệ tử của Chúa Giê-su, có tên là “Thủy thượng môn tẩu hành truyện”, trong sách có đề cập đến, sau khi Chúa Giê-su 18 tuổi, có thời gian hơn mười năm từng đến Ấn Độ học Phật, sau đó, ngài đi qua Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi trở lại Israel để truyền pháp.
Trên thực tế, từ lúc Chúa Giê-su công khai biện luận với một nhóm trưởng lão ở tuổi 12, cho đến khi ngài bước ra truyền đạo ở tuổi 32, trong Kinh Thánh để trống một khoảng thời gian 20 năm giữa hai thời điểm này, không ai biết Chúa Giê-su đã đi đâu. Trong số nhiều cách giải thích, có một phiên bản nói, ngài sang phương Đông học Phật, hiện nay nó là phiên bản được tiếp thụ rộng rãi nhất.
Tiên sinh Tôn Trung Sơn sau khi lắng nghe Hư Vân giải thích, thì vô cùng ngạc nhiên. Thứ nhất, việc Chúa Giê-su học Phật là sự kiện khiến người ta chấn động. Thứ hai, vì cuốn sách này bị cấm, và là bí mật của Cơ đốc giáo phương Tây, làm sao Hư Vân lại biết về nó? Hòa thượng Hư Vân này xem ra không “hư ảo” chút nào.
Năm 1913, Tôn Trung Sơn đặc biệt khắc một tấm bảng cho chùa Chúc Thánh ở núi Kê Túc nơi Hư Vân là trụ trì, gọi là “Ẩm quang nghiễm nhiên”. “Ẩm quang” này chính là tên của Đại Ca Diếp.
Tuy nhiên, sau khi eo biển Đài Loan phân trị vào năm 1949, hòa thượng Hư Vân vẫn ở lại đại lục, nhưng ông có thái độ hoàn toàn khác đối với lãnh đạo ĐCSTQ. Ông luôn từ chối diện kiến, sau đó dứt khoát tọa hóa.
Kỳ thực, từ cổ chí kim, bên thân các hoàng đế đều không hiếm những cao nhân ngoài thế tục cấp quốc sư hộ tống bảo vệ họ, cũng lưu lại không ít giai thoại, ví như Đường Thái Tông triều Đường bên cạnh có Lý Thuần Phong, Chu Nguyên Chương triều Minh bên thân có Lưu Bá Ôn, giúp họ thành tựu một phen bá nghiệp.
Nhưng Thác Bạt Đảo, thái võ đế của nhà Bắc Ngụy, lại không có phúc khí tốt như vậy, vì ông đã mời nhầm quốc sư. Quốc sư Thôi Hạo của ông rất giỏi tính toán, chỉ cần nghe lời hắn liền có thể bất khả chiến bại, cho nên Thác Bạt Đảo phi thường tín nhiệm Thôi Hạo. Thôi Hạo sùng tín Đạo giáo, nhưng lại chủ trương sùng Đạo bãi Phật. Thác Bạt Đảo nghe theo lời hắn, đốt chùa, phá hủy tượng Phật, tạo thành không ít nghiệp chướng, sau này kết cục rất thảm, chết dưới tay bọn hoạn quan, hai con trai cũng bị chôn vùi cùng ông. Còn bản thân Thôi Hạo cũng bị tiêu diệt cả họ.
Câu chuyện của ngày hôm nay xin kể đến đây. Trong loạn thế, làm sao mới có thể bảo toàn bình an cho bản thân? Câu trả lời của bạn là gì?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch