Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe về hai dự ngôn lớn từ cuối triều đại nhà Thanh, dự đoán những sự kiện lớn trong 100 năm, với độ chuẩn xác gần 100%.

Đại sư Bộ Hư đến từ triều đại nhà Tùy

Câu chuyện này đầu tiên bắt đầu lan truyền từ chùa Bích Vân ở Tây Sơn, Bắc Kinh vào năm 1904. Người ta kể rằng, vào ngày mùng bảy tháng Giêng âm lịch, cư sĩ Cao Tĩnh Hàm sống gần chùa Bích Ngọc, đã thông qua phù kê (bói chữ) để câu thông với đại sư Bộ Hư từ thời nhà Tùy (581-619).

“Phù kê”, còn được gọi là “viết chữ tự động”, có nghĩa là sinh mệnh ở không gian khác điều khiển bàn tay của con người ở không gian này để viết ra những lời họ muốn nói. Vào thời cổ đại, đây là một trong những cách để con người câu thông với thần linh.

Đại sư Bộ Hư giới thiệu rằng ông sống vào cuối thời nhà Tùy, nhất tâm muốn tu hành, nên đã ngược xuôi đến núi Thiên Thai (Tích nhân Tùy loạn thải bồ đề, ngộ nhập Thiên Thai Thạch Bảo Tây). Ngày xưa người tu hành rất khổ, ngồi trong hang động, không ăn không uống, nếu không tu thành sẽ chết đói chết khát ở đó. Bộ Hộ cũng tìm được một cái hang để ở, nhưng ông khá có bản sự, buổi sáng có thể uống “lưu hà” từ Mặt Trời, ban đêm có thể ăn “ngọc lộ” từ Mặt Trăng. Bằng cách này, ông ngày ngày hấp thụ “tinh hoa nhật nguyệt”, sau 9 năm quay mặt vào vách hang, ông cuối cùng đã tu thành. Chính là “Triêu ẩm lưu hà thả chỉ khát, dạ xan ngọc lộ lược sung cơ, diện bích cửu niên thùy đại đạo” – sáng uống mây để làm dịu cơn khát, đêm ăn sương ngọc để thỏa cơn đói, 9 năm quay mặt vào vách tu đại đạo.

Từ nhà Tùy đến nhà Thanh, mười triều đại trôi qua trong chớp mắt. Đại sư Bộ Hộ nói rằng lại đã đến lúc cải triều hoán đại, (chỉ đạn thập đại hoán tân nghi). Vì hôm nay bạn đã hỏi tôi, nên tôi sẽ kể cho bạn nghe một chút, tiết lộ một chút thiên cơ: “Dục ngã tịch đồ đồ ngộ ngã, thiên cơ nan tiết tiết thiền cơ”. 

Sau đó, đại sư Bộ Hộ đã viết ra 12 bài thơ tiên tri, dự ngôn chính xác hàng loạt sự kiện trọng đại ở Trung Quốc bắt đầu từ sự diệt vong của nhà Thanh. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu những bài thơ tiên tri của ông.

Dự ngôn về nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc

Trước tiên chúng ta hãy xem bài thơ đầu tiên tiên đoán về vận mệnh diệt vong của nhà Thanh.

雲暗暗,霧愁愁,Vân ám ám, vụ sầu sầu,
龍歸泥土塑獼猴,Long quy nê thổ tố mi hầu,
三歲孩童三載福,Tam tuế hài đồng tam tải phúc,
月下無主水空流,Nguyệt hạ vô chủ thủy không lưu,

萬頃煙波一旦收。Vạn khoảnh yên ba nhất đán thu.

Hoàng đế Quang Tự băng hà năm 1908, chính là năm Thổ Hầu (khỉ đất), đối ứng với câu thứ hai: “Long quy nê thổ tố mi hầu”.

Phổ Nghi lên ngôi ba năm sau đó, nhưng chỉ giữ ngôi hoàng đế trong ba năm trước khi thoái vị. Đây chính là đối ứng với câu “Tam tuế hài đồng tam tải phúc”. Câu tiếp theo “Nguyệt hạ vô chủ thủy không lưu” là phép đố chữ của ba chữ “nguyệt”, “chủ” và “thủy” (「月」「主」「水」), ba chữ này ghép lại thành chữ “Thanh” (「清」). “Thủy không lưu”, tức là nước không chảy, chính là nhà Thanh sẽ diệt vong.

再來看民國崛起:Tái lai khán Dân Quốc quật khởi:
君作祖,質彬彬,Quân tác tổ, chất bân bân,
萬里長虹破浪征,Vạn lý trường hồng phá lãng chinh,
黃鶴樓中吹玉笛,Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch,
八方齊奏凱歌吟,Bát phương tề tấu khải ca ngâm,
旌旗五色換新新。Tinh kỳ ngũ sắc hoán tân tân.

“Quân tác tổ, chất bân bân” (君作祖,質彬彬) là phép đố chữ. Quân tác tổ “君作祖” chính là “我為孫” – Ngã vi tôn, tức tôi là cháu trai”, chỉ điểm ra một chữ “Tôn”. “Chất bân bân” chính là thành ngữ “Văn chất bân bân” mà thiếu chữ văn “文”. Vì vậy, sáu chữ này chỉ ra hai chữ “Tôn Văn” trong đó, ám chỉ tiên sinh Tôn Trung Sơn. Chúng ta hãy xem câu “Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch”. “Hoàng hạc lâu”, hay tháp hạc vàng là ở đâu? Vũ Xương, Hồ Bắc, rõ ràng là ám chỉ Cuộc khởi nghĩa Vũ Xương. Khi Trung Hoa Dân Quốc mới được thành lập, quốc kỳ được sử dụng là lá cờ ngũ sắc, tượng trưng cho nền cộng hòa của năm dân tộc: Hán, Mãn, Mông Cổ, Hồi và Tây Tạng, cũng tượng trưng cho thuyết ngũ hành trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, đối ứng chính là câu “Tinh kỳ ngũ sắc hoán tân tân”.

Thật đáng tiếc khi Viên Thế Khải đã soán ngôi ngay sau khi thành lập nước Trung Hoa Dân Quốc. Bài thơ nói:

吉士懷柔,三十年變,Cát sĩ hoài nhu, tam thập niên biến,
豈凡人哉?曇華一現,Khởi phàm nhân tai? Đàm hoa nhất hiện,
南北東西,龍爭虎戰,Nam Bắc Đông Tây, long tranh hổ chiến,
七八數定,山川粗奠.   Thất bát sổ định, sơn xuyên thô điện.

Đuôi của chữ Cát “吉” và đuôi của chữ Hoài “懷” kết hợp với nhau tạo thành một chữ Viên “袁”. “Tam thập” (三十) trong câu tiếp theo, hai chữ Tam “三” kết hợp theo chiều ngang và chiều dọc tạo thành chữ Thế “世”, và hai chữ Khởi phàm “豈凡” ở đầu câu tiếp theo được kết hợp với nhau để tạo thành chữ Khải “凱”. Thế là cái tên “Viên Thế Khải” đã xuất hiện. Đáng tiếc Viên Thế Khải đã thoái vị chỉ sau vài ngày làm tổng thống. Đây chính là “Đàm hoa nhất hiện” (xuất hiện hoa quỳnh, loài chỉ nở trong một đêm). Sau đó là quân phiệt hỗn chiến, toàn bộ quốc gia “Nam Bắc Đông Tây, long tranh hổ chiến”, cho mãi đến năm 1926 Tưởng Giới Thạch đem quân đội đi Bắc phạt, cuối cùng giành được thắng lợi, bấy giờ Trung Hoa Dân Quốc mới được thống nhất. Câu cuối cùng “Thất bát sổ định, sơn xuyên thô điện”, chính là chỉ Trung Quốc lần nữa thống nhất giang sơn sau 15 năm.

Bài thơ tiếp theo đề cập đến Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo thực tế của Trung Hoa Dân Quốc sau năm 1926:

干戈起,逐鹿忙,Can qua khởi, trục lộc mang,
草莽英雄將出山;Thảo mãng anh hùng tướng xuất sơn;
多少枕戈豪傑士,Đa thiểu chẩm qua hào kiệt sĩ,
風雲聚會到江南,Phong vận tụ hội đáo Giang Nam
金陵日月又重光。Kim Lăng nhật nguyệt hựu trọng quang.

“Thảo mãng anh hùng tướng xuất sơn”, chữ Tướng (將) thêm một chữ Thảo (草) ở trên đầu, thì chỉ ra chữ Tưởng (蔣) trong cái tên Tưởng Giới Thạch. Chính phủ Quốc dân của Tưởng Giới Thạch định đô tại Nam Kinh, cũng chính là Kim Lăng mà trong câu thơ “Phong vận tụ hội đáo Giang Nam, Kim Lăng nhật nguyệt hựu trọng quang” chỉ ra.

Tiên tri về Thế chiến thứ hai và sự phân trị eo biển Đài Loan

Thật đáng tiếc là sau đó không lâu, người Nhật Bản đã tới.

瀛洲虎,渡海狼,Doanh Châu hổ, độ hải lang,
滿天紅日更昏黃,Mãn thiên hồng nhật canh hôn hoàng,
莽莽神州傷破碎,Mãng mãng Thần Châu thương phá toái,
蒼生到處哭爺娘,Thương sanh đáo xứ khốc da nương,
春雷乍響見晴陽。Xuân lôi sa hưởng kiến tình dương.

Doanh Châu là một ngọn núi tiên ở biển Hoa Đông trong thần thoại Trung Quốc, kể rằng Nhật Bản nằm ở phía đông của Doanh Châu. Sau này, từ “Doanh Châu” trở thành danh từ đại biểu cho Nhật Bản. Cho nên “Doanh Châu hổ, độ hải lang” ở đây chính là chỉ ra người Nhật vượt biển mà đến. Người Nhật đã xâm chiếm vùng đất rộng lớn của Trung Quốc, lá cờ mặt trời đi đến đâu, thành trì ở đó đều bị phá nát, sinh linh bị tàn sát. Đây chính là những câu: “Mãn thiên hồng nhật canh hôn hoàng, Mãng mãng Thần Châu thương phá toái, Thương sanh đáo xứ khốc da nương”. Tuy nhiên, vào tháng 8/1945, hai quả bom nguyên tử do người Mỹ thả xuống đã bất ngờ đánh thức Nhật Bản trong cơn điên cuồng, “Xuân lôi sa hưởng kiến tình dương”. “Xuân lôi sa hưởng” là tiếng sấm đầu tiên của mùa xuân, khắc họa sống động cảnh tượng khi quả bom nguyên tử phát nổ.

Tiếp theo là cuộc kháng chiến kết thúc. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng bắt đầu. Ba năm sau, eo biển Đài Loan phân trị.

日月蝕,五星稀,Nhật nguyệt thực, ngũ tinh hi,
二七交加掛彩衣,Nhị thất giao gia quải thải y,
野人舉足迫金虎,Dã nhân cử túc bách kim hổ,
遍地紅花遍地飢,Biến địa hồng hoa biến địa cơ,
富貴貧賤無高低。Phú quý bần tiện vô cao đê.

“Nhật nguyệt thực, ngũ tinh hi”, chính là lá cờ thanh thiên bạch nhật của Trung Hoa Dân Quốc phải rút lui khỏi đại lục, lá cờ 5 sao của ĐCSTQ thăng khởi. “Nhị thất giao gia” (二七交加) là một cách chơi chữ. Nhị 二 và Thất 七 giao hợp lại chính là một chữ Mao 毛, đối ứng chính là Mao Trạch Đông. Sau khi ĐCSTQ thiết lập chính quyền, về bề mặt nó thực hành chủ nghĩa bình quân, cũng chính là “Phú quý bần tiện vô cao đê” – phú quý bần tiện không cao thấp. Sự thực là, tầng lớp giàu có trước đây, những con hổ vàng “kim hổ”, đã bị ĐCSTQ bức hại dã man, chính là chỉ ra trong câu “Dã nhân cử túc bách kim hổ”. Toàn quốc đến đâu cũng tung bay lá cờ đỏ, dưới lá cờ đỏ đến đâu cũng là dân chúng đói khát, đây chính là câu: “Biến địa hồng hoa biến địa cơ” – hoa đỏ khắp nơi, đói khát khắp nơi.

Nhưng phong cảnh ở Đài Loan thì không như vậy. Trong khi đại lục đang chết đói, thì Đài Loan lại phát triển cao tốc, sớm trở thành một trong “Bốn con hổ châu Á”. Và điều này cũng đã được dự ngôn trong bài thơ.

二七縱橫,一牛雙尾,無復人形,日行恆軌,
Nhị thất tung hoành, nhất ngưu song vĩ, vô phục nhân hình, nhật hành hằng quỹ,
海上金鼈,玄服律呂,鐵鳥凌空,東南盡毀。
Hải thượng kim ngao, huyền phục luật lữ, thiết điểu lăng không, đông nam tận hủy.

“Nhị thất tung hoành, nhất ngưu song vĩ” dự ngôn họ của hai người. Nhị thất 二七, cũng là chữ Mao 毛, nhất ngưu song vĩ (一牛雙尾) (một chữ ngưu có 2 đuôi) chính là chữ Chu 朱 của Chu Đức. “Vô phục nhân hình, nhật hành hằng quỹ” là chỉ việc dù hành xử liều lĩnh, nhưng chính quyền vẫn có thể tồn tại. “Hải thượng Kim Ngao” (rùa vàng trên biển) chính là chỉ Đài Loan. “Huyền phục” chỉ y phục cao quý, “Luật lã” là tên gọi chung của âm luật thời cổ đại. Bốn từ này chỉ đơn giản phác họa khung cảnh người Đài Loan không phải lo lắng chuyện ăn uống, luôn phồn vinh và sung túc. Bài thơ tiên tri của Thiền sư Hoàng Bách mà chúng tôi giới thiệu trước đây cũng dùng từ rùa vàng Kim Ngao để chỉ Đài Loan, nói rằng “Hạnh hữu Kim Ngao năng tái chủ”, con rùa vàng trên biển này có thể đứng vững vàng không đổ, mang theo trên mình nó người thống trị chính thống của Trung Quốc – Trung Hoa Dân Quốc.

Tuy nhiên, e rằng cuối cùng sẽ xảy ra chiến tranh giữa eo biển Đài Loan và Trung Quốc đại lục. ĐCSTQ có thể sẽ phát động các cuộc không kích, Đài Loan sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Đây chính là câu cuối cùng của dự ngôn: “Thiết điểu lăng không, đông nam tận hủy” (“Chim sắt bay trên trời, phương đông nam bị tận diệt).

Liệu cuối cùng có xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan?

Trong bài thơ thứ mười, đã đề cập đến thảm trạng của chiến tranh:

紅霞蔚,白雲蒸,Hồng hà úy, bạch vân chưng,
落花流水兩無情,Lạc hoa lưu thủy lưỡng vô tình,
四海水中皆赤色,Tứ hải thủy trung giai xích sắc,
白骨如丘滿崗陵,Bạch cốt như khâu mãn cương lăng,
相將玉兔漸東升。Tương tướng ngọc thố tiệm đông thăng.

“Tứ hải thủy trung giai xích sắc, Bạch cốt như khâu mãn cương lăng”, dịch là, nước trong bốn biển đều đỏ rực, xương trắng phủ đầy như núi đồi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có vẻ như với sự bảo hộ của thần linh, rất nhiều thảm họa được báo trước đã không xảy ra, hoặc là đại nạn biến thành tiểu nạn. Vì vậy tất cả chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện, hy vọng rằng lời tiên tri về chiến tranh này sẽ không linh nghiệm.

May mắn thay, sau chiến tranh, giống như rất nhiều những lời tiên tri khác, những ngày tốt đẹp lại đến. Dòng cuối cùng “Tương tướng ngọc thố tiệm đông thăng” – Người có tướng Thỏ ngọc sẽ thăng lên từ phương Đông, chính là tiên tri về một vị “Thánh nhân thỏ ngọc” sẽ xuất hiện. Chúng ta sẽ nói về nó chi tiết sau.

Nhưng không phải ai cũng có thể bước vào tương lai tươi sáng. Chúng ta hãy xem bài thơ thứ mười một nói gì:

蓋棺定,功罪分,Cái quan định, công tội phân,
茫茫海宇見承平,Mang mang hải vũ kiến thừa bình,
百年大事渾如夢,Bách niên đại sự hồn như mộng,
南朝金粉太平春,Nam triều kim phấn thái bình xuân,
萬裡山河處處青。Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh.

Chúng ta có thể thấy, trước khi “thừa bình” – thừa hưởng thái bình, sẽ có quá trình “Cái quan định, công tội phân”, chính là sau khi hết thảy bụi bặm lắng xuống, người ta sẽ chiểu theo “công” và “tội” của họ mà phân biệt ra. Điều này rất giống với “sự thẩm phán cuối cùng” giảng trong Kinh Thánh. Sự thẩm phán cuối cùng được tiên tri trong Kinh Thánh chính là một thử thách mà ai cũng phải vượt qua, không ai có thể trốn thoát. Sau khi thẩm phán xong, một cá nhân có thể bước vào thế giới tương lai, đến “Jerusalem Mới” xinh đẹp vô tỷ, cũng hoặc có thể bị đày xuống hồ lửa trong địa ngục. Vậy thì ở phương Đông, con người có phải trải qua quá trình thẩm phán như vậy trước khi bước vào tương lai không?

Dù thế nào đi chăng nữa, những ngày thái bình cuối cùng sẽ đến. “Nam triều kim phấn thái bình xuân, Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh”. Nam Kinh còn có một tên gọi khác là “lục triều kim phấn” – bột vàng của sáu triều đại, hình dung diện mạo phồn hoa của cổ đô lục triều này. Vì vậy, “Nam triều kim phấn” ở đây hẳn là ám chỉ thủ đô cũ của Trung Hoa Dân Quốc, Nam Kinh. Lẽ nào nói rằng, Đài Loan trong chiến tranh sẽ chiếm thế thượng phong, và Trung Hoa Dân Quốc sẽ dời đô trở lại Nam Kinh? Cũng không phải là không có khả năng. Hãy xem câu dưới “Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh”. Vừa nhắc ở trên, sự thống trị của ĐCSTQ ở Trung Quốc là “biến địa hồng hoa” – khắp nơi hoa đỏ. Vậy thì “xứ xứ thanh” – nơi nơi là màu xanh là thế nào? Quốc kỳ của Trung Hoa Dân Quốc là lá cờ “Thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng”, câu này có phải ám chỉ lá cờ của Trung Hoa Dân Quốc không?

Thánh nhân Thỏ Ngọc xuất hiện

Điều đáng chú ý là, dù cuối cùng ai chiếm thế thượng phong, thì sự thay đổi triều đại là điều không thể tránh khói. Mà Thánh nhân từng xuất hiện trong rất nhiều dự ngôn cũng xuất hiện trong lời tiên tri của đại sư Bộ Hư. Hãy xem bài thơ cuối cùng.

世宇三分,有聖人出,玄色其冠,龍張其服,
Thế vũ tam phân, hữu Thánh nhân xuất, huyền sắc kỳ quan, long trương kì phục.
天地復明,處治萬物,四海謳歌,蔭受其福。
Thiên địa phục minh, xứ trị vạn vật, tứ hải âu ca, ấm thụ kỳ phúc.

Chính là nói thế giới sẽ phân chia thành cục diện ba thế lực lớn. Và vị “Thánh nhân” xuất hiện trong nhiều lời tiên tri cũng xuất hiện ở đây. Kết hợp với những gì được viết trong bài thơ thứ mười, “Tương tướng Thỏ Ngọc tiệm Đông thăng”, vị “Thành nhân” này hẳn là thuộc Thỏ, đến từ phương Đông. “Huyền sắc kỳ quan, long trương kỳ phục”, tức là vị thánh có mái tóc đen và mặc y phục thêu hình rồng. Từ xưa đến nay, áo rồng chỉ có hoàng đế mới được mặc. Vì vậy, vị “Thánh nhân” này có lẽ cũng là “thiên tử”, có đức của Thánh nhân, thiên hạ vạn vật ở đâu cũng đều nằm dưới sự thống trị của Ngài. Mọi người nhờ vào phúc đức của Ngài mà được sống những ngày tốt đẹp, do đó họ hát vang bài tụng ca, biểu đạt những lời khen ngợi tốt đẹp dành cho Ngài. Đây chính là câu “Tứ hải âu ca, ấm thụ kỳ phúc”.

Và lời tiên tri của đại sư Bộ Hư đã kết thúc ở đây, định lại trong thời đại tươi đẹp này.

Dưới đây chúng tôi sẽ nói về lời tiên tri thứ hai, đến từ Du Việt, một nhà Nho lớn vào cuối thời nhà Thanh.

Nhà Nho lớn thời Thanh mạt tiên đoán Trung Quốc sẽ phân chia

Du Việt là tiến sĩ những năm Đạo Quang, ông từng công tác tại Hàn lâm viện, nhưng vì tính tình ngay thẳng, không thích ứng với hoàn cảnh quan trường, nên từ khi còn rất trẻ ông đã từ quan về quê để viết sách. Trương Thái Viêm, nhà tư tưởng trứ danh ở Trung Hoa Dân Quốc, và Ngô Xương Thạc, nhà khắc triện, đều là đệ tử của ông.

Du Việt thân tuy ở quê, nhưng vẫn tâm hoài thiên hạ. Ông thường nói, ông có ba nỗi ưu tư lớn về tương lai. “Một là hiệu của Trung Quốc sẽ bị thay thế, một nữa là đạo Khổng Tử sẽ bị phế bỏ, một nữa là vận mệnh thiên địa sẽ đi đến cuối cùng.” Chính là nói, tương lai Trung Quốc sẽ cải triều hoán đại, rời xa đạo của Khổng Tử, cuối cùng thiên địa vô tồn, ngày tận thế sẽ đến.

Một trăm năm sau nhìn lại, quả thực đó là lời tiên tri thần thánh. Điều hiếm thấy là, Du Việt còn đề xuất một giải pháp, đó là “phục nhi trung hưng”, học tập Mạnh Tử và “thực hành chính quyền nhân từ”, tuân theo nguyên tắc “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, chính là bậc vua chúa nên đặt dân chúng lên trên bản thân mình, yêu thương bảo vệ dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân. 

Trên thực tế, kể từ thời nhà Hán, Nho giáo đã luôn được tôn trọng, đến thời nhà Thanh và thậm chí cả Trung Hoa Dân Quốc, bậc đế vương các triều đại về cơ bản đều tuân tòng tư tưởng “dĩ dân vi bản” của Mạnh Tử, lấy tư tưởng Nho gia để trị lý quốc gia. Ở Đài Loan có một cuốn sách giáo khoa tên là “Sách giáo khoa văn hóa”, là môn học bắt buộc đối với học sinh trung học cho đến năm 2016. Nội dung được chọn lọc từ “Tứ Thư” kinh điển của Nho gia, bao gồm Luận ngữ của Khổng Tử, Mạnh Tử, và các chủ đề đều được chọn lọc từ lòng nhân hiếu, lễ nhạc, nhân tính, lương tri, quân tử và tiểu nhân v.v.

Chỉ là ở Trung Quốc đại lục, Khổng Tử đã bị lật đổ từ nhiều năm, học thuyết Nho gia từ lâu đã bị gạt ra ngoài lề. Sự thật này hiếm khi được nhắc đến trong sách giáo khoa. Người ta không còn biết về lịch sử chân thực nữa.

Năm 1907, trước khi qua đời, Du Việt đã viết thêm chín bài thơ, và nói với con trai rằng: “Đại thế quốc gia và thế giới trong hai trăm năm tới đều chứa đựng trong chín bài thơ này”.

Năm bài thơ đầu tiên dự ngôn mọi sự kiện, từ sự sụp đổ của nhà Thanh cho đến Trung Hoa Dân Quốc, hai cuộc chiến tranh thế giới, ĐCSTQ đoạt chính quyền, và Cách mạng Văn hóa. Dưới đây chúng ta hãy xem Du Việt nói gì về tương lai:

幾家玉帛幾家戎,Kỷ gia ngọc bạch ki gia nhung,
又見春秋戰國風。Hựu kiến Xuân Thu Chiến Quốc phong,
嘆息當時無管仲,Thán tức đương thì vô quản trọng,
茫茫劫運幾時終。Mang mang kiếp vận kỷ thì chung.

“Ngọc bạch” (ngọc lụa), tượng trưng cho hòa bình, còn “nhung” (binh khí) tượng trưng cho chiến tranh, “Xuân Thu Chiến Quốc phong” chính là nói tương lai Trung Quốc có khả năng sẽ phân chia thành các chính quyền nhỏ tự trị, giống như thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhà tiên tri người Anh Parker năm ngoái cũng đã dự ngôn rằng Trung Quốc sẽ phân chia, và hoạt động như châu Âu ngày nay, điều này trùng khớp với dự đoán của Du Việt từ 100 năm trước.

Sau đó thì:

蝸觸蠻爭年復年,Oa xúc man tranh niên phục niên,
天心仁愛亦垂憐;Thiên tâm nhân ái diệc thùy liên;
六龍一出乾坤定,Lục long nhất xuất càn khôn định,
八百諸侯拜殿前。Bát bách chư hầu bái điện tiền.

“Oa xúc” dùng để chỉ những xúc tu của con ốc sên, là ẩn dụ cho sự nhỏ bé thấp kém của nhân loại. Mọi người sau khi đánh nhau tới tới lui lui đến mệt mỏi, chân mệnh thiên tử với thiên tính nhân ái cuối cùng cũng xuất hiện. Xe của thiên tử thời cổ đại có sáu con ngựa, nên được gọi là “lục long”. “Lục long nhất xuất càn khôn định” chính là thiên tử lần nữa thống nhất thiên hạ sẽ xuất hiện.

人間從此又華胥,Nhân gian tòng thử hựu hoa tư
偃武修文樂有餘;Yển vũ tu văn nhạc hữu dư;
壁水圜橋觀廢禮,Bích thủy viên kiều quan phế lễ,
山岩屋壁訪遺書   San nham ốc bích phóng di thư

“Hoa tư” là quốc gia lý tưởng vô vi nhi trị trong thần thoại cổ đại, cũng chính là quốc gia lý tưởng trong tâm của Lão Tử. “Nhân gian tòng thử hựu hoa tư, Yển vũ tu văn nhạc hữu dư” chính là nói dưới sự thống trị của tân thiên tử, sẽ không có chạy đua vũ trang, mà đề xướng văn giáo, người người đều vui vẻ hiền hòa, quốc gia lý tưởng vô vi nhi trị sẽ xuất hiện tại nhân gian. Người ta bắt đầu chung tay khôi phục truyền thống cổ xưa, “quan phế lễ” là phục hồi những nghi lễ từng bị vứt bỏ, “phóng di thư” là truy tầm lại những thư tịch cổ xưa.

Thật trùng hợp, bài thơ này vô cùng tương tự với Tượng 47 trong “Thôi Bối Đồ”. Tượng 47 tiên tri về một vị hoàng đế Tử Vi, viết rằng: “Yển võ tu văn, Tử Vi tinh minh”. Vị hoàng đế này còn “Hảo bả cựu thư đa độc đáo, nghĩa ngôn nhất xuất kiến anh minh”. Chữ “cựu thư” ở đây và chữ “di thư” trong dự ngôn của Du Việt chẳng phải là cùng nói về sách cổ sao?

Du Việt liệu có tham khảo Thôi Bối Đồ để viết nên bài thơ tiên tri này không, hay là ông ấy và Lý Thuần Phong của nhà Đường dù viễn cách cả ngàn năm, và thông qua những phương thức khác nhau, nhưng đều nhìn thấy một tương lai đồng dạng? Bạn nghĩ cái nào có nhiều khả năng hơn?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch