Môi trường sống tác động lên hình dạng sinh vật. Dựa trên mối liên hệ này các nhà khoa học Úc đã mô phỏng hình dáng tiềm năng của sinh vật sống trên các hành tinh khác.
Khi nhân loại bắt đầu có những hiểu biết cơ bản về vũ trụ, thì hầu như tất cả mọi người trên Trái Đất đều thử hình dung xem sinh vật ngoài hành tinh có thể trông như thế nào. Có nhiều người thường liên tưởng đến hình mẫu người ngoài hành tinh trên các bộ phim Hollywood.
Tuy nhiên, TS Brian Choo từ Đại học Flinders (Úc) đã cung cấp cho chúng ta một câu trả lời mang tính khoa học, và phi viễn tưởng.
Ở Flinders, ông nghiên cứu sự sống trên Trái Đất và cách thức các yếu tố môi trường định hình hay tác động đến các đặc điểm khác nhau của các loài động vật. Kết hợp kiến thức của ông về sinh vật sống với vốn hiểu biết về hành tinh lùn đỏ, TS Choo đã đưa ra hình dáng tiềm năng của quần thể động thực vật trên những hành tinh này. Steven Grice cung cấp video minh họa 3D.
Sao lùn đỏ là phổ biến nhất trong vũ trụ. (Ảnh: Internet)
Hành tinh lùn đỏ là các hành tinh xoay quanh sao lùn đỏ – loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ, cấu thành nên 75% các ngôi sao trong Hệ Ngân Hà. Loại sao này mờ và tương đối lạnh, và nếu một trong những hành tinh xoay quanh nó nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống – khu vực xung quanh ngôi sao chủ mà không quá nóng hoặc quá lạnh – thì nó là một ứng cử viên cho sự sống.
Thực vật nơi đây trông như thế nào?
Theo TS Choo và ông Grice, loại thực vật điển hình trên hành tinh loại này có thể phát triển một bộ phận giống cánh quạt máy bay trên đỉnh đầu để đón gió và chuyên chở bản thân dọc qua các châu lục, nhằm mục đích gieo hạt.
Video tương tác 3D:
Nó cũng có thể phát triển hình dáng giống cây xương rồng, để trữ nước trong thời gian dài tại phần chồi bên trên mặt đất hay phần rễ bên dưới mặt đất.
Miêu tả loài cây này, TS Choo nói:
“Môi trường bề mặt khắc nghiệt có thể thúc đẩy các loài thực vật “di cư” xuống dưới đất. Giống cây nấm, hầu hết các bộ phận của nó đều nằm bên ngoài tầm mắt – để được bảo vệ trước gió, nhiệt và bức xạ [từ ngôi sao chủ]”.
Ông nói thêm:
“Phần thân nhiều thịt của loài thực vật này hầu hết đều nằm ngầm dưới đất, trừ loại hoa hồng đặc biệt có cánh có thể giữ ẩm và khai thác năng lượng Mặt Trời, với sự hỗ trợ của vi khuẩn cộng sinh.
Các hành tinh thường được tìm thấy xung quanh các ngôi sao lùn đỏ. (Ảnh: Internet)
“Tuy sinh vật trưởng thành không biết di chuyển và suy nghĩ, nhưng hạt giống phân tán bằng sức gió của nó sở hữu khả năng tự nhận thức hạn chế – một chức năng cần thiết để tìm đường đến một nơi phù hợp để bắt đầu quá trình nảy mầm”.
Động vật nơi đây trông như thế nào?
Động vật nơi đây sẽ trông giống bò sát và phát triển để sinh tồn trong môi trường hoang mạc vì thực vật rất khan hiếm. Chúng sẽ được trang bị một lớp giáp bảo vệ đằng sau lưng để chặn đứng luồng nhiệt khắc nghiệt từ Mặt Trời và các mảnh vụn bay theo gió.
Các chi trước khỏe cũng là điều cần thiết để đào xuống bề mặt tìm kiếm thức ăn, với cái miệng bên dưới đầu thích hợp để tiêu thụ các loài cây nhỏ mọc rải rác trên bề mặt hành tinh. Ngoài ra, chúng có thể sở hữu lớp da trong suốt bởi “sao lùn đỏ phát phóng một phổ điện từ nhỏ hơn, do đó động vật nơi đây nhiều khả năng sở hữu phần thịt trong mờ để hấp thụ nhiều ánh sáng nhất có thể”.
TS Choo cho biết:
“Loài sinh vật kỳ dị này gặm ăn các thực vật giống địa y mọc ở tầng thấp đồng thời đào đất tìm kiếm các loại củ. Phần thân sát mặt đất và cái mai bọc giáp cho phép nó kiếm ăn ngay cả trong thời tiết gió lốc càn quét bề mặt. Cái đuôi giống mái chèo và phần vây thoái hóa là bằng chứng của giai đoạn phôi thai thủy sinh trong hồ nước lạnh tại rìa của sông băng đang tan chảy”.
Quý Khải
Xem thêm: