Đại Kỷ Nguyên

Góc tối trong Phiên tòa Con khỉ Scopes (2)

Ảnh: Historymartinez's Blog

Các nhà khoa học 40 năm trước đã trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo tinh vi và được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Việc làm giả xương hàm dưới vô cùng khéo léo và việc thực hiện trò lừa đảo này dường như hoàn toàn vô đạo đức và không thể giải thích được, đến mức không thể tìm thấy một trường hợp nào tương đồng trong lịch sử khám phá cổ sinh học.

Đó là kết luận của cuộc điều tra về việc làm giả hóa thạch “Người-vượn Piltdown”, được công bố trên tạp chí Bảo tàng Tự nhiên Anh ở London ngày 20/11/1953 …

Hóa thạch ở Piltdown, bao gồm một phần hộp sọ, một xương hàm, và một vài chiếc răng, được báo cáo là tìm thấy năm 1912. Trong khi dân chúng nghĩ hóa thạch này là di tích của một “người Anh cổ xưa nhất” thì các nhà tiến hóa mừng rỡ đón nhận nó như một thắng lợi vĩ đại của thuyết tiến hóa, vì rốt cuộc, đã tìm thấy một mắt xích bị mất tích (missing link) trong chuỗi tiến hóa từ vượn lên người, giải quyết được “nan đề loài trung gian chuyển tiếp”, ước mơ của Darwin đã trở thành sự thật!

Quả thật hóa thạch này có những đặc điểm nửa người nửa vượn, một bằng chứng rõ rệt của một loài vượn-người hoặc người-vượn. Những ai nghi ngờ thuyết tiến hóa hãy mở mắt ra mà nhìn! Darwin quả thật là một thiên tài, dự đoán của ông chính xác như thần! Số người tin vào học thuyết Darwin vì thế mà tăng lên nhanh chóng, thậm chí thành sự đã rồi, KHÔNG THỂ SỬA CHỮA ĐƯỢC NỮA!

Nhưng vẫn có những người nghi ngờ. Những người này âm thầm làm việc, cố gắng mang lại sự thật cho thế gian. Rồi cái gì đến phải đến, what will be, will be.

Năm 1953, xương hàm dưới trong bộ hóa thạch ở Piltdown bị phát hiện là xương hàm của một loài vượn hiện đại – rất giống với orangutan – đã bị tẩm chất hóa học để trông giống như một hóa thạch đã nằm dưới lòng đất hàng trăm thế kỷ. Trong khi phần chỏm của hộp sọ vẫn được nghĩ là một hóa thạch thực sự. Tuy nhiên, niên đại của nó xem ra gần với thời điểm hiện tại của chúng ta hơn rất nhiều so với lúc đầu người ta nghĩ.

Tờ The New York Times cho biết: “Tuyên bố (của Bảo tàng Tự nhiên Anh)… đã được đưa ra sau 20 năm có những tiếng đồn và những lời phỏng đoán khó chịu giữa những nhà cổ sinh học Âu Châu về tính xác thực của các mẩu xương”. Tờ London Star chạy một hàng tít hét lớn: đây là “VỤ LỪA ĐẢO KHOA HỌC LỚN NHẤT THẾ KỶ!” (The Biggest Scientific Hoax of the Century!)[2]

Chao ôi, chuyện lớn rồi!

Hóa ra một số nhà khoa học nghiêm túc và rất đáng kính đã bị đánh lừa! hay chính họ là những kẻ lừa đảo? Nhưng dẫu thế nào thì thanh danh của họ mãi mãi bị nhơ nhuốc. Những năm tháng nghiên cứu và suy nghĩ cực nhọc đã bị phí phạm vào việc cố gắng phân tích và lắp ghép một hóa thạch giả mạo sao cho ăn khớp với hồ sơ tiến hóa của loài người. Niềm tin sắt đá vào một học thuyết “thần thánh” đã bị TRẢ GIÁ ĐẮT! Những nhà khoa học ấy là ai? Chúng ta có thể biết rõ, đó là những người có mặt trong bức tranh sau đây:

Bức tranh được vẽ năm 1915, tức 3 năm sau khám phá ở Piltdown, thể hiện một lòng tôn kính đối với các nhà khoa học, và đặc biệt, thể hiện lòng ngưỡng mộ của họa sĩ cũng như của người đời đối với học thuyết Darwin. Không rõ họa sĩ này có còn sống đến ngày vụ lừa đảo bị vạch trần hay không? Nếu ông còn sống, ông sẽ nghĩ gì về bức tranh của mình? Dẫu sao thì bức tranh của ông cũng có ý nghĩa lớn: nó đánh dấu một thời kỳ trong đó một học thuyết vô bằng chứng đã có thể làm mê hoặc người đời như mức nào. Nhưng để cảm nhận mọi khía cạnh trong vụ bê bối này, tưởng cũng nên biết diễn tiến cụ thể của vụ việc.

Vì nhân vật chính trong vụ này là Charles Dawson đã mất (vì bệnh) vào năm 1916 nên bí mật khởi đầu vụ việc vĩnh viễn nằm trong bóng tối. Nhưng theo chính Dawson cho biết, hóa thạch “người-vượn Piltdown” được phát hiện bởi một nhóm thợ đào hầm hố tại Piltdown. Những người thợ này trao những xương cốt tìm thấy cho Charles Dawson, vì ông này nói với họ rằng trong khi đào xới thấy bất cứ vật gì lạ thì giao cho ông và sẽ được trọng thưởng. Dawson là một luật sư và một nhà địa chất nghiệp dư, nhưng nổi tiếng với thú vui săn tìm cổ vật. Có trong tay những xương cốt tìm thấy ở Piltdown, Dawson lập tức nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, gồm:

và một số nhà khoa học có tiếng tăm khác – những người rất háo hức với việc phát hiện này. Họ dễ dàng tin rằng những xương cốt này, gồm một hộp sọ dày có kích thước giống như hộp sọ của một người hiện đại và một xương hàm to giống như của vượn, là những bộ phận của cùng một cá nhân, vì các yếu tố sinh lý học của hóa thạch có vẻ phù hợp với cái mà họ đang muốn tìm kiếmnhững “mắt xích bị mất tích” trong chuỗi tiến hóa.

Tờ The New York Times năm 1953 còn cho biết thêm những sự thật trớ trêu, rằng “Ngài Arthur Keith, nhà cổ sinh học nổi tiếng của Anh, đã dành hơn 5 năm trời để nhặt các mảnh xương rồi lắp ghép vào với nhau mà ông mô tả như một khám phá ‘phi thường’. Ông nói phần hộp sọ chứa bộ não ‘về phương diện nào đó còn nguyên thủy nhưng về tất cả mọi phương diện khác thì là con người rõ rệt’. Người-vượn Piltdown được đặt tên là Eoanthropus dawsonii, hoặc “người Dawn”, để vinh danh Charles Dawson, người tìm thấy nó, và các nhà cổ sinh học trên khắp thế giới đều cảm thấy vinh dự vì đã có lúc được chạm tay vào nó với sự trân trọng”.

Nhưng, tờ báo viết tiếp, “mặc dù hóa thạch này nói chung được chấp nhận như một mẫu vật được biết sớm nhất của người khôn ngoan, đối chọi với mẫu vật người-vượn tìm thấy ở Trung Quốc và Java, nhiều nhà nghiên cứu vẫn bảo lưu ý kiến của họ về xương hàm gây tranh cãi”…

Có nghĩa là mọi sự dối trá, dù tinh vi đến đâu, vẫn để lại những kẽ hở. Và nếu ngành cổ sinh học không có những tiến bộ kỹ thuật mới thì có thể sự thật về hóa thạch “người-vượn Piltdown” sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối, và thuyết tiến hóa sẽ mãi mãi yên chí rằng nó đã có bằng chứng không thể chối cãi. Nhưng than ôi, khoa học chính là kẻ thù của thuyết tiến hóa.

Thật vậy, năm 1939, nhà cổ sinh học Kenneth Oakley tìm ra một phương pháp mới để phân tích cổ vật bằng hóa học được gọi là phương pháp thử nghiệm bằng fluorine. Xương hóa thạch thẩm thấu fluorine từ đất và nước, do đó những xương hóa thạch nằm trong cùng một khu đất và trải qua cùng một thời gian sẽ có cùng một lượng fluorine xấp xỉ như nhau.

Năm 1949để xác nhận chắc chắn xương hàm và hộp sọ của người-vượn Piltdown là những bộ phận của cùng một cơ thể, nhà Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Anh đã đề nghị Oakley, một nhà khoa học không dính dáng gì với việc phát hiện di tích ở Piltdown, tiến hành xét nghiệm hóa thạch này bằng những kỹ thuật mới của ông.

Kết quả cho thấy các mảnh xương dường như có cùng chỉ số fluorine, có nghĩa là dường như thuộc cùng một cơ thể, nhưng bất ngờ, Oakley phát hiện ra rằng chúng có vẻ trẻ hơn rất nhiều so với đánh giá lúc ban đầu – có lẽ chỉ mới 50.000 năm tuổi thay vì 500.000 năm như đánh giá trước đây. Phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt cổ sinh học liên quan tới vấn đề tiến hóa. Nó không những chỉ ra sai lầm của những nghiên cứu trước đây, mà còn đóng vai trò quyết định trong việc làm thay đổi nhận định đối với hóa thạch “người Piltdown”. Thật vậy:

Trước đây người ta đã tìm thấy những mẫu vật hóa thạch của con người hiện đại, tức là người 100%, để từ đó xác định được một cách chắc chắn rằng loài người xuất hiện từ cách đây ít nhất 50.000 năm. Có nghĩa là “người Piltdown”, nếu quả thật là một loài vượn-người hoặc người-vượn, thì nó đã chạy giật lùi lại so với mũi tên tìm kiếm của cổ sinh học (mũi tên ngược chiều với thời gian), hay nói cách khác, “người-vượn Piltdown” song song tồn tại với loài người hiện đại! Đó là chuyện quái gở, bất hợp lý. Vậy chỉ có thể kết luận rằng hóa thạch Piltdown không phải là hóa thạch của một mắt xích bị mất tích, không phải là hóa thạch của vượn-người hoặc người-vượn, mà chỉ có thể là hóa thạch của người 100% hoặc khỉ 100%. Nhưng kết luận này mâu thuẫn với những nghiên cứu sinh lý giải phẫu học đã cho thấy rõ ràng đó là hóa thạch vừa có đặc điểm người, vừa có đặc điểm vượn!Vậy đâu là sự thật? Hóa thạch “người-vượn Piltdown” bỗng trở thành một thách đố!

Năm 1953Joseph Weiner, một giáo sư về sinh lý nhân chủng học, gặp Kenneth Oakley tại một bữa tiệc. Họ trao đổi với nhau về thách đố “người-vượn Piltdown”. Sau cuộc gặp, Weiner không thể rời bỏ những ý nghĩ nẩy sinh từ thách đố đó. Ông quyết định xem xét lại toàn bộ hồ sơ nghiên cứu của vụ này, sắp đặt các xương hóa thạch ra trước mặt rồi bắt đầu kiểm tra mỗi mẫu vật từng li từng tí một.

Xin lưu ý rằng cho đến lúc đó, “người-vượn Piltdown” vẫn là một bằng chứng không thể chối cãi của thuyết tiến hóa, tồn tại trong các sách giáo khoa và tài liệu kinh điển của sinh học tiến hóa. Đụng chạm hoặc lật đổ một thần tượng của một học thuyết đã ăn sâu vào xương tủy của mọi người không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế Weiner phải làm việc hết sức cẩn trọng.

Nhưng rốt cuộc, nỗ lực của Weiner cũng được đền đáp. Ông ngạc nhiên nhận ra những chiếc răng hóa thạch dường như đã được trồng vào hàm một cách cẩn thận khéo léo với những chỗ bị mài mòn để làm cho chúng thành một mẫu vật thống nhất hoàn hảo. Ông gọi ngay cho Oakley và đề nghị ông này cùng xem xét kỹ lại các mẫu vật bằng kính lúp. Oakley cũng nhận thấy những chiếc răng đã được chỉnh sửa một cách cố ý bằng dao cho ăn khớp với “người-vượn Piltdown”.

Sau đó Weiner và Oakley áp dụng những phương pháp phân tích hóa học mới, bao gồm một thử nghiệm bằng một loại fluorine đã được cải tiến, hai ông nhận thấy xương hàm và răng không có cùng độ tuổi với hộp sọ và thậm chí không thể được coi là hóa thạch, mà chỉ là những mảnh xương đã cũ. Một số xương đã được tẩm mầu bằng những chất hóa học và một số khác đã được tô vẽ bằng mầu thông thường để làm cho chúng ăn khớp với nhau và lẫn với mầu đất ở nơi chúng được tìm thấy. Cuối cùng Weiner, Oakley, và nhà nhân chủng học thuộc Đại học Oxford là Wilfrid Le Gros Clark kết luận chắc chắn rằng tập hợp xương hóa thạch Piltdown là đồ giả, và thậm chí đây là một vụ lừa đảo có tính toán, chuẩn bị công phu, kỹ càng.

Ngày 20/11/1953, ba nhà khoa học đó báo cáo những phát hiện của mình trên tạp chí của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh. “Họ giải thích rằng các nhà khoa học của 40 năm trước là nạn nhân của một vụ lừa đảo được chuẩn bị công phu và cẩn thận nhất từ xưa tới nay. Việc làm giả xương hàm dưới đạt trình độ khéo léo đến mức đáng kinh ngạc, và hành vi lừa đảo này dường như hoàn toàn bất lương và không thể giải thích được, và trong lịch sử khám phá cổ sinh học không có vụ nào tương tự”.

Nhưng …

Dù cho Người-vượn Piltdown đã lộ nguyên hình là lừa đảo, hậu quả xấu do nó gây ra không sao có thể có thể nói cho hết được. Có những trường hợp nó dẫn tới những sai lầm không thể sửa chữa được, và những sai lầm này có lợi cho Thuyết tiến hóa, giúp cho Thuyết tiến hóa có một bộ mặt khoa học mà lẽ ra nó không thể có.

Bằng chứng điển hình cho kết luận nói trên là việc Clarence Darrow, luật sư nổi tiếng bênh vực cho bị cáo trong “Phiên tòa Con khỉ Scopes” (Scopes Monkey Trial) ở Mỹ năm 1925, đã dùng “Người-vượn Piltdown” để chứng minh Thuyết tiến hóa là một khoa học, một khoa học có bằng chứng được toàn thế giới thừa nhận, và do đó John Scopes chẳng làm điều gì khác là truyền bá những sự thật của khoa học, và Bộ luật Butler của Tiểu bang Tennessee là vi hiến, vì nó vi phạm quyền tự do học thuật.

Lập luận của Clarence Darrow hoàn toàn đúng, nếu “Người-Piltdown” là sự thật. Nhưng than ôi, “Người-vượn Piltdown” là đồ giả! Chính Darrow cũng là nạn nhân của đồ giả đó.

Thật trớ trêu, nhờ đồ giả đó mà Thuyết tiến hóa đã chiến thắng trong vụ kiện thế kỷ này, như thực tế đã diễn ra, và như báo chí đã tường thuật. Chúng ta sẽ biết rõ điều này trong bài kỳ sau.

VIDEO: 21st November 1953: Piltdown Man exposed as a hoax, undermining studies of human evolution


[1] Piltdown Man is revealed as fake

1953 > https://www.pbs.org/wgbh/aso/databank/entries/do53pi.html

[2] https://www.pbs.org/wgbh/aso/databank/entries/do53pi.html

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Arthur_Keith

Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.


Tác giả: GS Phạm Việt Hưng

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Xem thêm:

Exit mobile version