Trong chiến tranh thế giới thứ II, các nhà khoa học Anh từng đề xuất thực hiện một dự án có phần điên rồ và hoang tưởng: Siêu tàu sân làm từ băng và gỗ. Nhưng chỉ tiếc là nó đã thất bại trước khi kịp hoàn thành.

Bối cảnh lịch sử

Trong thời gian đầu của Thế chiến II, lực lượng tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xã đã đánh làm chìm nhiều tàu chở hàng hóa cũng như cả tàu chiến của phe Đồng Minh trên biển Đại Tây Dương. Những thống kê sau chiến tranh cho thấy người Anh đã mất 960 chiếc tàu lớn nhỏ, có cả tàu tiếp vận lẫn tuần dương hạm, khu trục hạm. 

Lực lượng máy bay tuần tra, máy bay chiến đấu được huy động để hộ tống các tàu chở hàng nhưng chúng không thể triển khai ở giữa đại dương rộng lớn mà không có tàu sân bay. Mỹ là nước duy nhất trong lưc lượng Đồng Minh có tàu sân bay nhưng không thể triển khai vì trong thời gian đó, hạm đội Thái Bình Dương tại Hawaii chịu tổn thất rất nặng sau khi bị Nhật tấn công năm 1941; nếu có triển khai được thì cũng dễ trở thành mục tiêu ngon ăn cho tàu ngầm Đức.

Trước tình trạng thiếu thép và nhôm, năm 1942, một nhà khoa học người Anh tên là Geoffrey Pyke đã đưa ra một ý tưởng điên rồ: “Làm một chiếc tàu sân bay bằng băng.”

U-boat
Tàu ngầm U-boat của Đức đã tiêu diệt rất nhiều tàu quân sự của Anh (Ảnh: time.com)

Dự án Habakkuk – Tàu sân bay làm từ nước đóng băng

Một ý tưởng vô cùng kỳ quặc nhưng nếu xét theo góc độ vật lý, ưu điểm của băng là không chìm, có thể sử dụng trong 1 thời gian dài và có dễ dàng sửa chữa tại chỗ bằng cách đóng băng mới khối đá vào vị trí bị thủng.

Tàu chiến làm từ thép có thời gian sử dụng ngắn, dễ bị nước biển ăn mòn. Vì vậy, Pyke nghĩ về việc cắt băng ở Bắc Cực và kéo nó về phía Nam để triển khai máy bay lên đó. Ở thời điểm đó, băng được xem gần như không thể phá hủy. Bạn còn nhớ con tàu huyền thoại Titanic năm 1912 chứ? Nó đâm phải núi băng và chìm, còn núi băng kia vẫn chơ chơ.

Khác với những tàu sân bay bình thường khác, Habbakuk là 1 siêu tàu sân bay với chiều dài lên đến 600m, rộng 90m và cao 60m, tương đương với một tòa nhà 20 tầng. Con tàu có lượng giãn nước hơn 2 triệu tấn. Theo thiết kế, siêu hạm này cũng được trang bị 40 pháo nòng kép và các pháo phòng không cũng như mang được 200 máy bay chiến đấu Spitfire hoặc 100 máy bay ném bom Mosquito.

Hình vẽ mô tả hoạt động của tàu sân bay Habbakuk. (Ảnh: Sufficient Velocity)

Với bề mặt phẳng, băng sẽ đóng vai trò là bệ hạ cánh và nếu chúng có thể rỗng trung tâm, nó sẽ là nơi lý tưởng để trú ẩn máy bay.

Vận tốc tối đa của Habbakuk là 13 km/h với lượng nhiên liệu dự trữ lên đến 5 nghìn tấn, cho phép con tàu di chuyển quãng đường 13.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Thủy thủ đoàn gồm 404 sĩ quan và 3.216 thủy thủ.
Với những thông số trên, siêu tàu sân bay chẳng khác nào 1 căn cứ nổi giữa đại dương bao la.

Vấn đề lớn nhất là băng tan nhưng Geoffrey Pyke đã có biện pháp xử lý. Một hệ thống làm mát khổng lồ bao gồm một mạng lưới các ống dẫn phức tạp sẽ bơm chất làm lạnh trong toàn bộ tàu để giữ cho băng khỏi tan.

Các thông số của siêu chiến hạm. (Ảnh: Home Security)

Cùng năm ấy, bằng một cách nào đó, Pyke đã bán ý tưởng cho Lord Mountbatten, người có thể thuyết phục Thủ tướng Anh Winston Churchill về thiết kế tàu sân bay. Và ngày 4/12/1942, thủ tướng Churchill đồng ý phe duyệt dự án với tên gọi HMS Habbakuk. 

Vật liệu chiến lược và những vấn đề phát sinh

Dự án nghe có vẻ khả quan và logic, tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm và kiểm duyệt, 1 vấn đề mới phát sinh. Các chuyên gia nhận thấy băng không chìm nhưng nó quá giòn, không đủ độ cứng tiêu chuẩn như trong thiết kế của Pyke. Phần vỏ tàu làm từ băng có thể dễ dàng bị vỡ chỉ bằng một cái búa, vì vậy dự án tạm thời ngưng hoạt động.

Trong cái khó lại ló cái khôn, 1 sáng kiến mới lại xuất hiện. Hai nhà nghiên cứu tại Học viện Bách khoa Brooklyn, New York đã trộn mùn cưa, vụn giấy và dăm gỗ với nước biển để tạo thành một vật liệu không chỉ cứng hơn băng thông thường mà còn tan chậm và có độ nổi tốt hơn. Chất liệu kỳ diệu này được đặt tên là “pykrete” nhằm tôn vinh Pyke.

Một mảnh vật liệu pykrete. (Ảnh: Wikipedia)

Lúc này có một vấn đề mới phát sinh là quá trình tan chảy và tái đóng băng khiến cấu trúc tàu bị cong vênh. Để khắc phục, phần nổi của tàu được phủ lớp cách nhiệt cũng như một thiết bị đông lạnh và một hệ thống ống dẫn.

Khi nó đã thành hình, Pyke cho một chiếc xe hơi chạy trên đường cất, hạ cánh giả định với tốc độ 120 km/h – bằng vận tốc của một máy bay Huricane lúc đáp xuống. Tuy nhiên, mới chỉ chạy được vài mét, chiếc xe hơi đã trượt ngang vì mặt băng quá trơn.

Chưa hết, những khảo sát còn cho thấy lúc hạ cánh, bánh xe máy bay vừa chạm vào mặt băng, mặt băng sẽ bị lõm thành những rãnh dài từ 1 – 2m do tốc độ cao và ma sát lớn nên chỉ cần 2 hoặc 3 chiếc máy bay lần lượt nối tiếp nhau hạ cánh thì những chiếc còn lại sẽ không thể xuống được vì đường băng lúc ấy chẳng khác gì ổ gà!

Tưởng chừng như bế tắc thì Max Perutz, chuyên gia thiết kế tàu sân bay thời bấy giờ tìm ra một cách: “Đó là phủ một lớp sợi làm từ bột giấy lên mặt băng”. Lớp sợi này không những triệt tiêu sự trơn trượt của đường cất, hạ cánh mà nó còn cách điện và cách nhiệt rất tốt. Bên cạnh đó, để giữ cho băng không thể tan, một hệ thống cấp đông bao gồm những đường ống chằng chịt nằm dưới đường cất, hạ cánh và các nơi khác trên tàu.

Nhằm kiểm tra tính khả thi, mùa đông đầu năm 1943, một mẫu nguyên mẫu dài 18,2 m; rộng 9m và nặng 1.000 tấn được xây dựng cũng như thử nghiệm trên hồ Patricia, Rockies (Canada). Một hệ thống làm lạnh một mã lực đã giữ cho con tàu đủ lạnh để có thể hoạt động hết mùa hè.

Bản thiết kế nguyên mẫu duy nhất của dự án “Habbakuk”. (Ảnh: İslam-tr)
Hồ Patricia, nơi dự án tàu sân bay băng được thử nghiệm. (Ảnh: CNN.com)

Pyke lần lượt cho bắn vào nó đạn pháo 240mm, bom 750 kg và ngư lôi 88mm – những loại vũ khí có sức công phá lớn nhất thời bấy giờ. Kết quả tảng băng chỉ bị rạn ra nhưng hệ thống giữ lạnh đã nhanh chóng làm cho nó kết dính lại. Ngoài ra, tàu này có thể sửa chữa nhanh chóng ngay trên biển.

Sự sụp đổ của dự án

Đầu tháng 12/1943, Max Perutz chọn khu vực Azores nằm ở bờ biển Bồ Đào Nha làm nơi xây dựng con tàu vì đây là địa điểm lý tưởng nhất để ra Đại Tây Dương. 300 nghìn tấn bột gỗ, 25 nghìn tấn sợi bột giấy cách nhiệt, 35 nghìn tấn gỗ và 10 nghìn tấn thép dùng làm khung đỡ các động cơ.

Theo dự kiến, tàu sân bay sẽ được hạ thủy vào tháng 5-1944, thời điểm mà nước ở biển Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu lạnh dần.

300 nghìn tấn bột gỗ được tập kết ở Azores. (Ảnh: Warfare History Network)

Mặc dù vậy, khi bắt đầu triển khai thi công lại xuất hiện quá nhiều vấn đề rắc rối không thể giải quyết:

Thứ nhất là từ nước biển. Nước biển lạnh sẽ hình thành một lớp băng bám quanh thân tàu và càng hoạt động dài ngày thì lớp băng ấy sẽ tiếp tục dày thêm khiến việc di chuyển của tàu sân bay trở nên chậm chạp. Để khắc phục, Pyke đề nghị cho bọc một lớp thép nhưng điều này làm tăng chi phí lên thêm 2,5 triệu bảng Anh, vượt quá nhều so với chi phí ban đầu là 700.000 bảng Anh.

Thứ hai là nguyên liệu. Giống như thép, gỗ còn thiếu và việc xây dựng một Habakkuk sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất giấy. Thêm vào đó sự phức tạp của việc xây dựng, cách điện và làm lạnh một cấu trúc lớn như vậy sẽ đòi hỏi thời gian và nhân lực khổng lồ.

Thứ ba là sự tham gia của Mỹ và tiêu chuẩn khắt khe. Dự án Habakkuk dĩ nhiên không thể thiếu sự góp mặt của Mỹ vì Anh là một đồng minh thân cận và hàng hóa cũng chủ yếu là từ Mỹ chi viện cho Anh trong chiến tranh. Là nước có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới lúc bấy giờ nên tiêu chuẩn mà Mỹ đặt ra là vô cùng khắt khe:

“Tàu sân bay làm từ băng phải hoạt động liên tục trong phạm vi 11.000km, có thể chịu được sóng cấp 6 và chống được loại ngư lôi mới nhất của Đức Quốc xã. Như thế, lớp băng ở thân tàu phải dày ít nhất 12m, trong khi tàu sân bay kim loại chỉ là 0,24 m. 

Bên cạnh đó, chiếc tàu sân bay ấy không chỉ dành riêng cho máy bay săn ngầm mà còn có thể dùng làm nơi xuất phát cho loại máy bay ném bom hạng nặng B-25 nên đường băng cất – hạ cánh phải dài 610m.”

Tảu sân bay không chỉ nơi cất cánh cho chiến đấu cơ mà còn cho cả máy bay ném bom hạng nặng. (Ảnh: Mercado Livre)

Những thông số mà Mỹ đưa ra đều vượt quá kế hoạch dự định ban đầu của người Anh. Vì thế, Habakkuk đã bị hủy bỏ và dừng tất cả các hoạt động thi công ở Azores.

Một yếu tố khác đã tới sự thất bại là việc quân Đức bị đánh bật khỏi những vùng chiếm đóng trước đó cũng như máy bay của quân Đồng minh được thiết kế có thể hoạt động rộng hơn so với trước trong việc săn U-boat.

Một số hình ảnh khác về tàu sân bay băng Habakkuk:

Mô hình tàu sân bay làm từ băng sau khi hoàn thành. (Ảnh: Hot Trending Now)
Hoạt động xây dựng Habakkuk tại hồ Patricia. (Ảnh: Prikolno.cc)
Hình ảnh về hoạt động thi công. (Ảnh: Star Gazetesi)

Ngày nay, di tích duy nhất còn lại của dự án Habakkuk nằm ở cuối hồ Patricia ở Alberta, Canada, nơi mẫu thử nghiệm được thử nghiệm. Phần còn lại của tàu chìm trên đường chéo có độ sâu từ 25-30 m. Nó cho thấy người ta đã từng xây dựng một dự án được gọi là “điên rồ” chứ không chỉ là tưởng tưởng.

Sơn Tùng