Các nhà khoa học Tây Ban Nha vừa nghiên cứu thành công một hệ thống đẩy mới cho các vệ tinh nhân tạo giúp tăng tuổi thọ vệ tinh và giảm rác vũ trụ.
Một trong những yếu tố làm giảm tuổi thọ vệ tinh trong không gian là sự hạn chế về nhiên liệu mang theo. Vì vậy các vệ tinh không có đủ năng lượng để hiệu chỉnh bay theo đúng quỹ đạo mong muốn. Nhưng giờ đây các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu thành công một hệ thống tạo lực đẩy mới, không chỉ duy trì các vệ tinh ổn định trên quỹ đạo mà còn tăng tuổi thọ của chúng và đặc biệt giúp giảm rác vũ trụ.
Hệ thống lực đẩy này vừa nhận 2 bằng sáng chế của Tây Ban Nha. Nó do các nhà khoa học của 2 đại học Universidad Carlos III de Madrid (UC3M) và Universidad Politécnica de Madrid phát triển dựa theo nguyên lý Lorentz. Họ đã sử dụng một dây dẫn dài khoảng 2 km thả xuống với tốc độ chậm và nhờ từ trường Trái đất nó sẽ tạo ra điện thế. Nói cách khác, nhờ sợi dây này mà mô-men quỹ đạo gây ra hiện tượng mất độ cao của vệ tinh sẽ được chuyển thành điện năng. Và chính điện năng này sẽ được lưu trữ trong pin điện tạo ra lực đẩy để đưa vệ tinh lên độ cao cần thiết và tiếp tục duy trì sự ổn định của vệ tinh.
Ý tưởng về hệ thống đẩy này không hoàn toàn mới song đóng góp quan trọng nhất của nhóm nghiên cứu chính là công nghệ thiết kế dây dẫn từ nhôm rất đơn giản mà vẫn khai thác được tối đa hiệu ứng quang điện. Không những vậy hệ thống này còn giảm rác thải, tăng diện tích sử dụng trong không gian nhờ khả năng thu hẹp khoảng cách của các thiết bị vũ trụ, gom chúng lại gần nhau khi sứ mệnh của chúng được hoàn thành.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu của nhóm đang mong đợi các trung tâm vũ trụ lớn trên thế giới của Mỹ, Châu Âu, Nhật, Nga, Tây Ban Nha… đầu tư vốn để dự án sớm được đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Nhật Minh