Đại Kỷ Nguyên

Hiệu ứng Maharishi: Tại sao một nhóm thiền định nhỏ lại có thể tác động đến toàn bộ dân số?

Hiệu ứng Maharishi: Tại sao một nhóm thiền định nhỏ lại có thể tác động đến toàn bộ dân số?

(Ảnh chụp màn hình Youtube/thesittingproject)

Một nhóm lớn thực hành chương trình thiền Transcendental Meditation đã mang đến những tác động giảm thiểu đáng kể, một cách bí ẩn, đến tỷ lệ tội phạm giết người và bạo lực đô thị ở Mỹ trong giai đoạn 2007- 2010, theo một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Quản trị Maharishi.

Liệu việc thiền định tập thể theo nhóm lớn có thể giúp làm giảm tỷ lệ tội phạm? Kết quả của một nghiên cứu năm 2016 – một phần của một hệ thống các nghiên cứu lớn kéo dài hàng thập kỷ – đã một lần nữa chứng minh rằng khi một nhóm người đủ lớn tụ hợp lại với nhau và thực hành thiền định (môn thiền trong nghiên cứu này là Transcendental Meditation, gọi tắt là TM), tỷ lệ bạo lực và tội phạm của một quần thể người lớn hơn sẽ giảm bớt, trang TM home ngày 10/3/2016 cho hay.

Theo đó, giai đoạn 2007-2010 đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ tội phạm sát nhân và tội phạm bạo lực đô thị ở Mỹ so với giai đoạn 2002-2006.

Trong 4 năm, sự sụt giảm tỷ lệ sát nhân được ghi nhận là 21,2% (5,3% mỗi năm). Kết quả phân tích dữ liệu hàng tháng cho thấy xu hướng gia tăng các vụ giết người ở Mỹ trong giai đoạn 2002-2006 đã bị đảo ngược trong giai đoạn 2007-2010 (xem biểu đồ). Các nhà nghiên cứu ước tính có đến 8.157 vụ giết người đã được ngăn chặn do sự đảo chiều tỷ lệ giết người từ xu hướng gia tăng sang xu hướng giảm dần.

Sự sụt giảm tỷ lệ tội phạm bạo lực được ghi nhận ở mức 18,5% (4,6% mỗi năm). Kết quả nghiên cứu cho thấy sự thay đổi đáng kể trong xu hướng không đổi tỷ lệ tội phạm trong giai đoạn 2002-2006 sang xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2007 – 2010 đối với 206 khu vực đô thị trên toàn nước Mỹ với dân số hơn 100.000 người (xem biểu đồ).

Trong giai đoạn 2007 – 2010, khi quy mô nhóm người tham gia chương trình TM vượt quá ngưỡng cần thiết được dự đoán để giúp giảm xu hướng gia tăng tỷ lệ tội phạm (ước tính tại √1%), sẽ có một sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ giết người và tội phạm bạo lực đô thị trên toàn nước Mỹ. Đối với giai đoạn nền 2002-2006, sự sụt giảm tỷ lệ giết người là 21,2% (5,3% mỗi năm) và con số này là 18,5% (4,6% mỗi năm) đối với tội phạm bạo lực (ảnh chụp màn hình/tmhouse).

Dự đoán

Bắt đầu từ tháng 7/2006, những người tập thiền cấp cao đã tập hợp tại Đại học Quản lý Maharishi ở bang Iowa, Mỹ để tạo ra một nhóm người đủ lớn với mục tiêu tạo ra một sự tác động đến toàn bộ Hoa Kỳ.

Dự đoán được đưa ra trước giới báo chí và các nhà khoa học cho rằng tội phạm bạo lực sẽ giảm đáng kể khi nhóm người tham gia đạt hoặc vượt ngưỡng dự đoán trên lý thuyết – căn bậc hai của 1% dân số Hoa Kỳ ( √1%) . Tính đến tháng 1/2007, nhóm này đã cán mốc quy mô yêu cầu là 1.725 người tham gia, tương đương căn bậc hai của 1% dân số Hoa Kỳ vào thời điểm đó, và duy trì ở trên hoặc gần mức đó suốt cho đến năm 2010.

Một giả thuyết mới trong ngành khoa học xã hội

Michael Dillbeck, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định:

“Tôi hiểu rằng một giả thuyết mới trong lĩnh vực khoa học xã hội cho rằng thiền định có thể có tác dụng giảm căng thẳng và tạo ra sự gắn kết trong xã hội. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này đang ngày càng cho thấy tồn tại một hiệu ứng trường của ý thức . Tức là, nếu bạn tập hợp được một nhóm người tình nguyện đủ lớn tham gia thực hành việc thiền định này và kiến tạo một hiệu ứng trường của ý thức, những hiệu ứng ‘dạng trường’ mang tính mở rộng này sẽ tạo ra tác động đến xã hội”.

Giả thuyết về hiệu ứng trường của ý thức ngụ ý rằng có một mối liên hệ vô hình giữa các cá nhân với nhau, tương tự mối liên hệ giữa vật chất và các trường năng lượng trong vật lý. Trường vô hình này càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì năng lượng tích cực và hài hòa của nó đối với sự sống ở cấp độ bề mặt hữu hình càng lớn bấy nhiêu.

Giả thuyết này – còn gọi là Hiệu ứng Maharishi – được đề xuất lần đầu ra công chúng vào năm 1960 bởi hành giả Yogi Maharishi Mahesh, tác giả kỹ thuật thiền TM. Giả thuyết này được xác nhận lần đầu bởi kết quả nghiên cứu được công bố vào những năm 1970 và 1980, khi người ta nhận thấy rằng những thành phố có 1% dân số thực hành thiền TM ghi nhận sự gia tăng đáng kể các chiều hướng tích cực.

Hiệu ứng Maharishi được ghi nhận còn rõ ràng hơn khi chương trình TM cao cấp được giới thiệu, với các quan sát cho thấy chỉ cần √1% dân số thực hành là có thể, bằng một cách thức bí ẩn nào đó, làm gia tăng sự hài hòa và cải thiện chất lượng cuộc sống trong xã hội.

Chín bài viết được bình duyệt, bao gồm 14 nghiên cứu, hiện đã được xuất bản để củng cố cho giả thuyết về hiệu ứng này.

Mặc dù các nghiên cứu trước đó được dựa trên các nhóm tình nguyện viên thực hiện chương trình thiền định nâng cao trong thời gian vài tuần hoặc vài tháng, nghiên cứu này lại được thực hiện trong một vài năm, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cơ hội để xem xét những biến đổi tiềm năng trong dài hạn.

Hiệu ứng Maharishi: Năm 1960, hành giả Yogi Maharishi Mahesh dự đoán rằng chỉ cần một phần trăm dân số thực hành kỹ thuật TM là có thể tạo ra những cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống cho toàn bộ dân số. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận trong nghiên cứu khoa học vào năm 1976, khi người ta phát hiện ra rằng khi 1% cộng đồng thực hành kỹ thuật thiền TM, tỷ lệ tội phạm sẽ giảm trung bình 16%. Tại thời điểm này, hiện tượng này được đặt tên là Hiệu ứng Maharishi. Ý nghĩa của thuật ngữ này sau đó đã được mở rộng để bao quát tầm ảnh hưởng sâu rộng của chương trình thiền TM. Nói chung, Hiệu ứng Maharishi có thể được định nghĩa là sự tác động mang tính gắn kết và tích cực trong môi trường xã hội và tự nhiên nhờ kết quả thực tiễn của chương trình thiền TM (ảnh chụp màn hình/tmhouse).

Phương pháp thống kê chính xác

Các tác giả nghiên cứu đã sử dụng một loạt các thử nghiệm chẩn đoán để kiểm chứng tính xác thực của các giả định thống kê quan trọng trong phân tích.

Họ cũng phát hiện ra rằng các yếu tố khác, ví như thời cuộc kinh tế, tỷ lệ giam giữ, chu kỳ theo mùa, sự thay đổi nhân khẩu học và chính sách trị an là không đủ để giải thích cho tỷ lệ sụt giảm được ghi nhận.

Lấy ví dụ, tỷ lệ tội phạm bạo lực đã giảm đáng kể trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng trong giai đoạn 2007-2009 thay vì tăng như dự đoán thông thường. Theo một chuyên gia hàng đầu về tình trạng tội phạm và nền kinh tế , hiện tượng này là lần đầu tiên xảy ra kể từ Thế chiến II, trong đó tỷ lệ tội phạm không gia tăng trong một thời kỳ suy thoái kinh tế lớn.

Biểu đồ biểu thị tỷ lệ giết người hàng tháng (HOM) và quy mô nhóm người tham gia TM (GROUP).
Ghi chú. Trong bảng (a), biểu đồ HOM từ tháng 11/2002 đến tháng 12/2010 thể hiện đặc trưng của tính thời vụ theo tháng, một xu hướng dao động tương đối bằng phẳng theo mùa, và xu hướng này có dấu hiệu sụt giảm bắt đầu từ tháng 1/2007 (xem biểu đồ). Bảng (b) hiển thị quy mô trung bình hàng ngày tính theo tháng của nhóm tình nguyện TM. Quy mô nhóm TM gia tăng nhanh chóng bắt đầu vào tháng 7/2006 cho đến tháng 1/2007, khi số người tham dự lần đầu tiên cán mốc lý thuyết là 1.725, tương đương √1% dân số Hoa Kỳ tại thời điểm đó. Quy mô trung bình của nhóm người này là 587 trong giai đoạn 50 tháng tiền cán mốc và 1.792 trong giai đoạn 48 tháng hậu cán mốc. HOM = homicide rate (tỷ lệ tội phạm giết người). GROUP = quy mô nhóm người tham gia chương trình TM (ảnh chụp màn hình/tmhouse).

Ý nghĩa quan trọng trong phòng chống tội phạm

“Trước bối cảnh có nhiều nghiên cứu cho thấy tồn tại một mối liên hệ xác thực giữa việc một nhóm lớn thực hành các chương trình thiền TM với tình trạng sụt giảm bạo lực trong xã hội, điều này rõ ràng có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn chặn tội phạm”, Tiến sĩ Dillbeck cho biết,

Nhóm tình nguyện viên tập hợp trong giai đoạn 2007 – 2010 hiện đã phâ tán phần nào. Tiến sĩ Dillbeck đề xuất rằng nếu chính phủ các nước hỗ trợ thành lập các nhóm thiền tình nguyện như vậy ở nhiều quốc gia, và các nhóm này được duy trì trong thời gian dài, nó có thể có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu tình trạng thù địch và thúc đẩy sự gắn kết giữa các quốc gia, từ đó gián tiếp thúc đẩy việc tiến hành các nghiên cứu sâu hơn nhằm tìm ra tác nhân bí ẩn đằng sau loại hiện tượng này. Thật vậy, một số quốc gia đã đang tạo ra các nhóm thiền tình nguyện như vậy thông qua các tổ chức cá nhân và có được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của các chính phủ.

Bình luận

Theo quan điểm của chúng tôi, đây có thể được coi là một cú huých mạnh đối với thuyết duy vật. Bởi theo thuyết này, mọi thứ đều là vật chất. Suy nghĩ của con người, dù trên bề mặt là một khái niệm mang tính trừu tượng, nhưng dưới cách lý giải của chủ nghĩa duy vật, sẽ chỉ đơn thuần là sản phẩm của sự tương tác giữa các tác nhân hóa học trong não bộ (tương tác nơ ron thần kinh). Nói cách khác, theo đó, suy nghĩ của bạn nằm bên trong bộ não của bạn, và không có bất kỳ tác động nào đến thế giới xung quanh nằm ngoài phạm vi bộ não. Do đó theo lý thuyết này, những hiện tượng ngoại cảm chỉ là “ảo giác” do hoạt động “bất thường” của các dây thần kinh. Tuy vậy, hiện tượng TM kể trên đã cho thấy kết luận này tồn tại sơ hở.

Tại sao việc thực hành thiền định (việc phát xuất thiện niệm) của một nhóm người đủ lớn lại có thể tác động một cách tích cực đến toàn bộ dân số. Cơ chế tác động đằng sau là gì?

Như đề cập bên trên, hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Maharishi, và được lý giải là do hiệu ứng trường của ý thức. Nói một cách đơn giản, khi một nhóm người lớn cùng thực hành một việc, có chung một suy nghĩ và mục tiêu (trong trường hợp này là thiền định và phát xuất thiện niệm), trong bộ não của họ sẽ phát xuất một cái trường ý thức, hay một dạng thức tồn tại vật chất của suy nghĩ con người. Cái trường ý thức tập thể này, khi được hình thành từ số người đủ lớn, sẽ tạo ra một tác dụng lớn mạnh đối với những người xung quanh, và rộng hơn là toàn bộ quần thể nhân loại theo tính chất của nó, mang tính dẫn hướng và chỉ đạo. Cũng giống như cách mắt người không thể nhìn thấy các phân tử, nguyên tử, proton,… (các hạt phần tử nhỏ bé) mà phải thông qua các công cụ đo lường hỗ trợ (kính hiển vi) hoặc nhờ các quan sát gián tiếp thông qua các mô hình lý thuyết, cái “trường ý thức” này cũng là một loại tồn tại vật chất ở phương diện vật chất vi tế hơn, và sức mạnh của tập hợp các trường ý thức của √1% dân số có thể tác động đến các trường ý thức của quần thể dân số còn lại (100 – √1%), cũng theo một cách thức vi tế tương tự, một cách thức mà không thể lý giải bằng thuyết duy vật. 

Tham khảo TM home
Thiện Lành & Quý Khải dịch và biên tập

(Nguồn ảnh thumb: Ảnh chụp màn hình Youtube/thesittingproject)

Exit mobile version