Bạn có bao giờ cảm thấy rằng mình biết chắc về một điều gì đó để rồi cuối cùng nhận ra rằng nó hoàn toàn là sai? Nếu vậy, có thì có vẻ như bạn đã được trải nghiệm một hiện tượng có tên là “hiệu ứng Mandela (Mandela Effect).
Loại hiện tượng trong đó nhiều người hình thành một loại ký ức sai lệch về một sự kiện phổ biến (gọi là ký ức tập thể sai lệch) xuất hiện và được chính thức ghi nhận lần đầu vào năm 2010, khi rất nhiều người dùng Internet nhớ nhầm rằng Nelson Mandela (Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999) đã qua đời. Họ tin rằng ông đã qua đời trong thời gian bị cầm tù vào những năm 1980. Thực tế, Mandela đã được trả tự do vào năm 1990 và qua đời vào năm 2013 – bất chấp lời tuyên bố của một số người tuyến bố đã xem cả đoạn ghi hình đám tang của ông trên truyền hình.
Chuyên gia về các hiện tượng siêu nhiên Fiona Broome đã đặt ra thuật ngữ “Hiệu ứng Mandela” để gọi các hiện tượng nhớ nhầm này để rồi sau đó hàng loạt các trường hợp tương tự khác bắt đầu xuất hiện trên mạng Internet.
Chẳng hạn, rất nhiều người nhớ nhầm rằng nhân vật người máy C-3PO trong phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) được làm bằng vàng nguyên chất 100%. Nhưng trên thực tế một trong hai chân của anh ta được làm bằng bạc.
Broome giải thích hiệu ứng Mandela thông qua các học thuyết Giả khoa học (pseudoscientific theories). Bà tuyên bố rằng sự khác biệt phát sinh từ sự chuyển động giữa các thực thể song song (đa vũ trụ). Điều này dựa trên học thuyết cho rằng trong mỗi vũ trụ song song có các phiên bản khác nhau của các sự kiện và vật thể tồn tại.
Broome cũng so sánh sự tương đồng giữa loại hiện tượng này với cảnh tượng xuất hiện trong căn phòng thực tế ảo holodeck của tàu sân bay Enterprise USS từ bộ phim Star Trek. Holodeck là một hệ thống thực tế ảo, tạo ra những trải nghiệm phục vụ mục đích giải trí. Theo cách giải thích của cô, các lỗi ký ức chính là những phần chạy không ổn định của phần mềm. Điều này được giải thích tương tự như trong phim Ma Trận (The Matrix).
Một số học thuyết khác cho rằng hiệu ứng Mandela minh chứng cho sự thay đổi trong lịch sử gây ra bởi các nhà du hành thời gian. Còn có những tuyên bố cho rằng đó là kết quả của những cuộc tấn công tâm linh liên quan đến quỷ Satan, ma thuật đen hay phù thủy. Mặc dù hấp dẫn được khá nhiều người nhưng những lý thuyết này đều chưa được khoa học kiểm chứng.
Khoa học lý giải như thế nào?
Các nhà tâm lý học giải thích hiệu ứng Mandela thông qua các hiệu ứng ký ức và xã hội – đặc biệt là ký ức giả hay ký ức sai lệch (false memory), trong đó người trải nghiệm hồi tưởng lại một cách sai lệch các sự kiện hay những trải nghiệm chưa từng xảy ra, hoặc bóp méo các ký ức hiện tại. Quá trình sản sinh một cách vô thức các ký ức giả, sai lệch này được gọi là “Sự bịa chuyện” (confabulation – là sự nhầm lẫn giữa trí tưởng tượng với ký ức từ bộ nhớ, và/hoặc nhầm lẫn các kỷ niệm đúng với những kỷ niệm sai). Đây cũng là một hiện tượng tương đối phổ biến trong cuộc sống thường ngày.
Những ký ức sai có thể xảy ra theo nhiều cách. Ví dụ, mô hình Deese-Roediger và McDermott minh họa cơ chế khi ta học một danh sách các từ có chứa những thứ có quan hệ mật thiết với nhau – chẳng hạn như “giường” và “gối” – ta sẽ dễ dàng liên tưởng sai lệch đến các từ khác không có trong danh sách này – chẳng hạn như từ “ngủ”.
Tính thiếu chính xác của ký ức cũng có thể nảy sinh từ “các lỗi giám sát nguồn”. Đây là những trường hợp trong đó người ta không phân biệt được giữa các sự kiện thực và tưởng tượng. Giáo sư tâm lý học người Mỹ Jim Coan minh họa cách thức điều này có thể dễ dàng xảy ra thông qua quy trình “Lost in the Mall (Thất lạc trong trung tâm mua sắm)”.
GS Coan đã đưa cho các thành viên trong gia đình những tường thuật ngắn gọn mô tả các sự kiện thời thơ ấu của mọi người. Một trong số đó là sự kiện người anh trai của ông bị thất lạc trong một trung tâm mua sắm (sự kiện này không có thật). Nhưng thật bất ngờ khi người anh của giáo sư lại tin vào sự kiện này, thậm chí ông còn bổ sung thêm một số chi tiết khác vào đó. Khi nhà tâm lý nhận thức và chuyên gia về trí nhớ con người Elizabeth Loftus áp dụng kỹ thuật này cho số lượng người lớn hơn, 25% số người tham gia đã không thể nhận ra sự kiện đó là không có thật.
Sự hồi tưởng thiếu chính xác
Khi nói đến hiệu ứng Mandela, nhiều ví dụ được quy cho “lỗi điều khiển giản đồ”. Các giản đồ là các “gói ” thông tin được thiết lập có khả năng “dẫn đường” cho các ký ức. Bằng cách này, các giản đồ hỗ trợ việc nắm bắt thông tin, nhưng có thể tạo ra nhận thức sai lệch. Trên thực tế, nó chính là các thiên kiến, hay định kiến.
Frederic Bartlett chỉ ra quá trình này trong cuốn sách Ghi nhớ (Remebering) của ông vào năm 1932. Barlett đọc truyện dân gian có nguồn gốc Canada và Ấn Độ có tên “Cuộc chiến của những bóng ma” cho những người tham gia nguyên cứu. Ông nhận thấy những người nghe thường có xu hướng bỏ qua những chi tiết không quen thuộc và chuyển đổi thông tin để làm cho câu chuyện dễ hiểu hơn, phù hợp hơn với một mô thức thiên kiến đã được hình thành trước trong tư tưởng của họ.
Điều này xảy ra rất nhiều trong đời thực. Lấy ví dụ, sau khi đến thăm phòng làm việc một nhà văn, và được yêu cầu hồi tưởng lại những trải nghiệm có được sau một khoảng thời gian nhất định, chúng ta thường có xu hướng nhớ đến các chi tiết “quen thuộc” như giá sách, cây bút, những bản thảo còn dang dở, cùng lúc loại bỏ các chi tiết “lạ lẫm” như túi vợt đánh tennis hay chiếc bình cổ trên kệ, bởi chúng không nằm trong mô thức “thiên kiến” của chúng ta.
Lý thuyết giản đồ (Schema theory) cũng giải thích tại sao khi được yêu cầu vẽ lại mặt đồng hồ sử dụng ký tự La Mã, người ta vẽ “IV” cho số 4 chứ không phải “IIII”, bởi ký tự “IIII” nhìn hấp dẫn hơn.
Ngoài ra còn có các ví dụ khác về hiệu ứng Mandela như niềm tin sai lầm rằng Bác Pennybags (người đàn ông trong trò chơi Monopoly) đeo kính một mắt (trong khi nhân vật này không đeo kính), và rằng đuôi nhân vật hoạt hình Pikachu có một dải màu đen (thực tế không phải). Nhưng điều này chỉ đơn giản được giải thích bằng sự tổng quát hóa kiến thức về chính tả.
Trở lại thực tế
Các lỗi thường được báo cáo này có thể trở thành một phần của “hiểu biết thực tế”, nhưng trên thực chất chúng là các “ký ức sai lệch tập thể”. Mạng internet có thể góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này bằng cách phát tán rộng rãi các thông tin sai lệch này, reo rắc nó trước màn hình vi tình của người dùng. Ví dụ, các đoạn phim mô phỏng vụ tai nạn xe hơi của công nương Diana năm 1997 thường bị nhầm lẫn với các cảnh quay thực sự.
Bằng cách này, phần lớn các hiệu ứng Mandela thường bị quy cho lỗi ký ức và thông tin sai lạc từ xã hội. Thực tế là rất nhiều các ký ức sai lệch là các thông tin không quan trọng, cho thấy chúng rất có thể là kết quả từ cơ chế chú ý chọn lọc (trong hàng loạt thông tin một người có thể thu thập thông qua 5 giác quan, bộ não sẽ lựa chọn hay “chú ý” đến một số thông tin nhất định) hoặc suy luận sai lầm.
Điều này không có nghĩa là hiệu ứng Mandela không thể được giải thích được dưới góc nhìn của thuyết đa vũ trụ. Trên thực tế, khái niệm các vũ trụ song song là hoàn toàn tương thích với công việc của các nhà vật lý lượng tử, và cách giải thuyết theo thuyết này cũng khá tiềm năng và logic.
Thuyết đa vũ trụ cho rằng vũ trụ chúng ta không phải là cái duy nhất, mà có rất nhiều vũ trụ tồn tại song song với nhau. Gọi là “vũ trụ song song”, bởi chúng ta chưa thế tiếp cận được chúng trên thực tế, sự tồn tại của chúng mới chỉ được xem xét trên lý thuyết. Dù sao đi nữa, nhiều nhà vật lý nổi tiếng, bao gồm Gs Steven Weinberg (nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng từng đoạt giải Nobel), tin tưởng và ủng hộ lý thuyết này.
Ngoài ra, các vũ trụ này có thể có một số điểm tương đồng, cũng như một số điểm dị biệt, với vũ trụ chúng ta. Như Dave Campbell, một nhà trị liệu bằng liệu pháp thôi miên, nhận định:
“Đôi khi, chúng ta có những phát minh tương đồng ở những vũ trụ khác nhau trong cùng một thời điểm, như lò vi sóng. Ở một vũ trụ, nó được gọi là lò vi sóng, nhưng ở vũ trụ khác, nó được gọi nó là nồi cơm nhanh”, Campbell nói.
Như vậy, theo thuyết này, lý do rất nhiều người đều tự hình thành các ký ức sai lệch này một cách độc lập mà không ai bảo ai, là do chúng đều khởi nguồn từ một nơi, được gọi là các vũ trụ song song. Cũng cần nói thêm rằng, thuyết này có thể là một trong các cách giải thích cho một số hiện tượng siêu thường, từ các hiện tượng lớn như ảo giác, ví như ảo giác sa mạc hay ảo giác thành thị (VD: “thành phố bay ở Trung Quốc”), … cho đến các hiện tượng cá nhân như giấc mơ, bóng đè, hay deja vu, …
Dẫu giải thích theo cách nào, dù là ký ức sai lệch đơn thuần dựa trên mô thức thiên kiến hay một vũ trụ song song, v.v.. thì tất cả chúng đều cần phải được áp dụng và kiểm chứng trong một trường hợp hiệu ứng Mandela cụ thể, bởi không thể phủ nhận rằng vẫn còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về bản chất của không gian và thời gian trong vũ trụ.
Nhật Quang, Quý Khải