Đứt gãy địa chất, hang ngầm, núi lửa, hoạt động khai thác nước ngầm quá mức,… là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự xuất hiện của ‘hố tử thần’.
Tối 5/4, một ‘hố tử thần’ rộng gần 100 m2 bất ngờ xuất hiện ở tổ 7, khu Cao Sơn 1, phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) khiến một thanh niên bị cuốn xuống dưới cùng hai chiếc xe máy”. Lúc đầu miệng hố sụt khoảng 5 m2 sau đó lan rộng ra xung quanh. Một máy xúc được điều động đến và cũng bị sập xuống “hố tử thần”.
Nguyên nhân của hiện tượng trên đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, đó là do hang ngầm đá vôi, do hoạt động của núi lửa hoặc do nền văn minh cổ xưa. Trong nhiều trường hợp, con người lại tác động làm cho hố sụt lộ rõ, thông qua hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, xây dựng đường sá nhà cửa quá nhiều làm tăng tải trọng lên lớp đất đá bên trên, sự thay đổi về điều kiện khí tượng thủy văn, việc sử dụng đất dẫn đến thay đổi dòng chảy bề mặt.
Các hố tử thần xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới như tại Mỹ, Guatemala, Trung Quốc, Nhật Bản. Các chuyên gia địa chất cho biết đất ở những nơi xuất hiện hố tử thần thường chứa nhiều chất cứng dễ phân hủy hoặc hòa tan như đá vôi, carbonate và tầng muối. Khi nước ngầm chảy qua những chất cứng đó, chúng sẽ phân hủy hoặc hòa tan, để lại hố và hang ngầm. Khi vòm của những hang ngầm sụp xuống, nó kéo theo cả phần đất phía trên khiến hang hiện ra.
Trong vài trường hợp, nước trong hang ngầm biến mất do hạn hán hoặc hoạt động thay đổi dòng nước ngầm của con người (khai khoáng, tưới tiêu hoặc bơm nước lên mặt đất). Khi không còn nước đỡ vòm hang, phần đất phía trên sụp xuống. Trong trường hợp nước vẫn còn trong hang ngầm nhưng không đủ, vòm của hang vẫn trở nên suy yếu dần do khối lượng của lớp đất phía trên, nên khi có cơ hội là sụp xuống.
Một số hố dần biến mất do cát và đất rơi xuống rồi phủ kín. Nhiều hố khác sụt lún khi những lớp đá dễ phân hủy tiếp xúc với mưa và gió. Khi đất sụt đột ngột thường gây các tai nạn, nhiều trường hợp gây chết người như ở đảo Đài Loan và Trung Quốc trong những cơn bão mới đây.
Theo các chuyên gia địa chất, các hố ở Việt Nam chủ yếu xuất hiện ở các vùng đá vôi. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, hiện tượng này xảy ra có thể do tác động của con người.
Thế giới đã ghi nhận nhiều tai biến sụt đất nghiêm trọng gây hậu quả lớn do các hang động karst ngầm, ví dụ như ở Sao Paulo, Brazil vào tháng 8/1986, sụt đất đã phá hủy rất nhiều nhà cửa khiến gần 20.000 người phải sơ tán. Theo thống kê chưa đầy đủ, cuối thế kỷ XX Trung Quốc có 23 tỉnh xảy ra sụt đất lớn ở 778 nơi với hơn 30.000 hố sụt. Nhật Bản mới đây cũng ghi nhận một hố tử thần cực lớn với chiều rộng khoảng 810 mét vuông (30m x 27m) và sâu tới 15m.
Nhật Minh