Hoàng hậu cuối cùng của nước Nga – Alexandra Fedorovna sở hữu khả năng thấy trước được tương lai nhưng tất cả các nỗ lực nhằm thay đổi số phận đều vô nghĩa.
Những truyền thuyết về giấc mơ tiên tri đã có từ thuở xa xưa. Những giấc mơ có tính tiên tri thật khác thường về bản chất – đó là một hiện thực bí ẩn nào đó mà chỉ khi nó xảy ra rồi thì người ta mới nhận thức được. Trên thế giới có rất nhiều giấc mơ tiên tri nổi tiếng, phần lớn là về cái chết hoặc một thảm họa nào đó. Và vị hoàng hậu cuối cùng của nước Nga, Alexandra Fedorovna cũng đã có những giấc mơ tiên tri như thế. Và tất nhiên những giấc mơ đó cũng không giúp được bà thay đổi sự sắp đặt khắc nghiệt của số phận, mọi thứ sớm đã được an bài.
Alexandra Fedorovna sinh tại Đức, lớn lên ở Anh và theo đạo Tin lành. Nhưng vì tình yêu, bà trở thành một người Nga thực sự. Hoàng hậu có một tình yêu sâu sắc với nước Nga và luôn thể hiện điều đó trong suốt cuộc đời mình. Alexandra được truyền tụng là một người vợ và người mẹ lý tưởng. Sau khi sinh con, bà dồn hết tâm sức để chăm chút cho con, tự tay cho con ăn, tắm cho chúng, chọn vú em cho con và luôn luôn ở trong phòng của các bé. Khi các con lớn lên, hoàng hậu lại dành toàn bộ thời gian trong phòng học, chỉ dạy cho các con học tập và bàn luận với các con về những chủ đề khó. Những khi rảnh rỗi, bà lại luôn tay thêu thùa, khâu vá hoặc vẽ tranh, bà đặc biệt thích vẽ những bức tranh nhỏ mô tả phong cảnh nước Nga với gam màu bàng bạc nỗi buồn. Trong Thế chiến thứ I, bà còn cùng hai công chúa đến làm việc trong các bệnh viện quân đội như những y tá bình thường.
Giấc mơ đầu tiên
Khả năng tiên đoán xuất hiện khi bà mới tròn bốn tuổi. Cô bé Alexandra đột nhiên rơi vào trạng thái mê man và đó là một cơn ác mộng. Đôi khi cô bé lên cơn co giật, đôi lúc lại thốt ra những lời khá kỳ lạ như những lời đã được phù phép.Trước khi đến Nga kết hôn cùng Sa hoàng Nikolai II, hoàng hậu tương lai lại trải qua một cơn co giật như thế. Trong cơn mê man Alexandra nhìn thấy người chồng tương lai của mình, mặc chiếc áo dài trắng muốt, đầu đội vương miện, xung quanh là kẻ hầu người hạ.
Nhà vua đang ngồi trên chiếc xe ngựa và cố gắng điều khiển những con ngựa. Nhưng những con ngựa không nghe theo sự điều hành của nhà vua, chúng lồng lên và xông thẳng về phía những người đi đường. Sau xe ngựa là những vệt máu dài, còn Sa hoàng thì không thể dừng chiếc xe lại được. Bỗng nhiên có hai người đứng ra ngáng đường nhà vua: một cô gái trẻ đeo chiếc khăn voan và người đàn ông mặt rỗ, đôi mắt dữ tợn, có râu quai nón và mặc chiếc áo bằng vải thô đơn giản.
Về sau này hoàng hậu gặp lại cô gái trong giấc mơ. Cô chính là Anna Taneeva, vị phu nhân thân cận bên cạnh bà. Còn người đàn ông có đôi mắt hoang dã chính là Grigori Rasputin. Rasputin và Anna sau này đều là những người thân tín của hoàng hậu. Và giấc mơ đầy máu chính là điềm báo cho lễ đăng quang chết chóc của Sa hoàng cuối cùng vào ngày 18/5/1896, khi một cơn hoảng loạn xảy ra tại cánh đồng Khodynka (Moscow), đúng ngày chào mừng lễ đăng quang.
Một bữa tiệc lớn được tổ chức cho tất cả người dân Nga nhân lễ đăng quang kèm theo thông tin những người tham bữa tiệc sẽ được nhận những món quà có giá trị. Vào đêm của lễ kỉ niệm, người dân tề tựu đông đủ trên cánh đồng trong niềm háo hức. Nhưng đột nhiên lại xuất hiện tin đồn không có đủ quà để chia cho tất cả mọi người. Và rồi ngày lễ ăn mừng Sa hoàng Nikolai II lên ngôi biến thành thảm kịch đen tối trong lịch sử nước Nga khi 1.800 cảnh sát không thể khống chế 500.000 người tham dự. Đám đông xô đẩy, chèn ép nhau để mong nhận được quà tặng và kết quả là 1.389 người bị giẫm chết và 1.300 người khác bị thương. Thực tế món quà quý giá mà mọi người đồn thổi chỉ là một ổ bánh mỳ, bánh quy gừng cùng một ít xúc xích và một vại bia.
Giấc mơ về cái chết
Khí số đã tận khiến triều đại của Sa hoàng cuối cùng Nicolai II vô cùng sóng gió. Trong cuộc Chiến tranh Nga-Nhật (1904 – 1905), đế quốc Nga bại trận và mất rất nhiều đất đai. Nicolai II còn tuyên chiến với Đức năm 1914, ra lệnh tổng động viên quân đội Nga vào tháng 8-1914, đẩy nhân dân Nga vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Đại quân Nga liên tiếp thảm bại khi tham chiến cùng liên quân Anh, Pháp chống lại Đức- Áo-Hung. Đến giữa năm 1915, hậu quả của cuộc chiến tranh đã làm nước Nga kiệt quệ. Lương thực và nhiên liệu khan hiếm trầm trọng, phẫn uất dâng cao trong những gia đình có người thân tham chiến bị thương vong và nạn lạm phát nhảy vọt.
Những cuộc đình công liên tục diễn ra đã khiến chế độ của Sa hoàng cuối cùng không còn lý do gì để có thể tồn tại. Sau cách mạng tháng 2-1917 giành thắng lợi, Nicolai II buộc phải thoái vị nhường quyền điều hành nước Nga cho Chính phủ tư sản lâm thời. Ông và gia đình bị giam lỏng tại cung điện Alexander ở Hoàng Thôn rồi được chuyển tới Dinh Tổng đốc tại Tobolsk, sau đó lại chuyển tới ngôi nhà Ipatiev tại Yekaterinburg.
Trong thời gian này, Hoàng hậu Alexandra Fedorona tiết lộ cho quan thái y (người sau này đã chết cùng gia đình Nicolai II) về giấc mơ mơ thấy bà và Sa hoàng bị một vật sắc nhọn hơn cả thanh kiếm đâm vào người. Vật sắc nhọn này cướp đi tính mạng của cả gia đình khi hai người cùng những tôi tớ thân tín nhất cùng nhau mò mẫm trong một căn phòng kín như bưng.
Và giấc mơ khủng khiếp đó sớm ứng nghiệm khi đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918, để ngăn chặn việc quân Bạch Vệ giành được Sa hoàng, Nikolai II và toàn bộ gia đình bị những người Bolshevik xử bắn trong một căn phòng. Đây cũng là sự khép lại của đoạn kết đầy bi thảm trong đời thực của mối tình đẹp như thơ giữa nàng công chúa nước Đức và Sa hoàng Nga cuối cùng.
Trên thế giới cũng có rất nhiều giấc mơ tiên tri với kết cục bi thảm như thế. Năm 1865, tổng thống Mỹ Abraham Lincoln kể cho bạn bè về một giấc mơ mà trong đó, ông nghe thấy những tiếng động của đám tang từ căn phòng phía tây trong Nhà trắng. Trong đó có một cái xác quấn vải niệm, với nhiều lính gác đứng xung quanh. Vì khuôn mặt cũng bị che kín nên khi được ông hỏi, một lính gác trả lời “Tổng thống”. Lincoln bị ám ảnh vì giấc mơ và một tuần sau ông bị ám sát.
Trong một sự kiện khác, ngày 28/5/1968, nhà tâm linh Alan Vaughan gửi thư tới chuyên gia về giấc mơ Stanley Krippner, thông báo ông mơ thấy một người da đỏ bắn chết Robert Kennedy, ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Trong khi Vaughan cũng mơ thấy cách bảo vệ nạn nhân; tuy nhiên trước khi nhận được lời cảnh báo, ngày 5/6 Kennedy bị ám sát.
Năm 1912, một số người thoát chết từ con tàu định mệnh Titanic đã kể lại giấc mơ thấy tàu đắm. Trong đó người đàn ông tên John, một nhà buôn nổi tiếng của Anh, đã phải chật vật mới mua được vé lên tàu. Trước khi khởi hành 10 ngày, trong hai đêm liền ông đều mơ cùng một cơn ác mộng về tàu Titanic bị chìm, trong đó nhiều người lớn và trẻ em bị rơi xuống biển cùng tiếng kêu gào thảm thiết. John bị ám ảnh nên quyết định hủy chuyến đi và đã thoát chết.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ được đưa ra trong vô số các trường hợp đã được ghi chép lại khiến chúng ta thấy được sự phổ biến cũng như không khỏi tò mò khó hiểu về những câu chuyện bí ẩn này.
Vậy các nhà khoa học giải thích những giấc mơ tiên tri này như thế nào? Có rất nhiều giải thích được đưa ra. Có người cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên khi chúng ta sắp xếp một cách logic lại các giấc mơ tiên tri nổi tiếng trên thế giới thì thấy dường như chúng không hề ngẫu nhiên.
Một giả thuyết khác có tính thuyết phục cao hơn nhìn nhận rằng vũ trụ có đa dạng các chiều không gian. Các không gian khác nhau đó có thời gian khác nhau. Khi tiến nhập được vào một chiều không gian có thời gian chuyển nhanh hơn không gian chúng ta đang sinh sống, người ta có thể nhìn thấy trước những sự kiện sẽ xảy đến ở không gian này.
Có thể ngay bản thân mỗi người chúng ta ai cũng đã từng có những giấc mơ tiên tri như thế. Chỉ có điều đây vẫn là chỗ mê trong vô số bí ẩn về con người mà khoa học chưa giải thích được nên người ta cứ cho đó là ngẫu nhiên. Có lẽ cần một cách tiếp cận vấn đề khác vượt xa khỏi cái khung định nghĩa của khoa học thực nghiệm vốn chỉ nghiên cứu được những thứ sờ tận tay, nhìn tận mắt, con người mới có thể tiếp cận được những thứ xa hơn và cao hơn.
Hương Giang