Đại Kỷ Nguyên

Học giả, học thật: Đâu là giải pháp?

Học giả, học thật: Đâu là giải pháp?

Ảnh minh họa

Toán học giống như một nghệ thuật, nhưng không phải nghệ thuật tính toán hay nghệ thuật chứng minh, mà vì toán học cũng như nghệ thuật chính là những phương tiện độc đáo của nhận thức”.

Đó là ý kiến của nhà toán học xuất sắc người Nga, Vladimir Uxpenski, trong lời tựa cho bản dịch tiếng Nga của cuốn sách Toán học trong thế giới ngày nay, bao gồm một loạt các bài báo của các nhà toán học cỡ hàng đầu thế giới viết, đăng trên tạp chí Scientific American ở New York 1964. Nhưng đáng buồn là hệ thống giáo dục toán học hiện nay không hề đem lại cảm hứng nghệ thuật và cung cấp một phương tiện độc đáo của nhận thức cho người học, mà chỉ nặng về nhồi nhét kiến thức, đánh đố, đề cao thành tích thi cử, nhầm tưởng rằng đó là chuẩn mực của trí tuệ, là thước đo giá trị để phát hiện nhân tài.

Ảnh: giaoduc.net.vn

Hệ thống giáo viên – lực lượng vật chất quan trọng nhất thực hiện việc truyền đạt kiến thức và đánh thức lương tri khoa học của người học – thì tiếc thay, trình độ nói chung quá non yếu , không đủ sức đảm nhận sứ mệnh cao cả của sự nghiệp giáo dục đào tạo. Buồn biết bao khi một giáo viên phổ thông trung học dạy học trò trừ hai bất đẳng thức cùng chiều, rồi lẫn lộn ký hiệu “và” với ký hiệu “hoặc”. Buồn biết bao khi có giáo sư viết sách nâng cao (luyện thi đại học) đã lẫn lộn một cách thảm hại mô hình các bài toán biện luận tam thức bậc hai. Buồn hơn nữa khi người ta tưởng rằng tất cả mọi người cần phải học các khái niệm giới hạn theo kiểu chặt chẽ của Cauchy, Weierstrass, mà quên đi rằng Newton trước đó hàng trăm năm đã sử dụng khái niệm này một cách hồn nhiên và đầy hiệu quả. Tư duy hình thức, sáo rỗng đang khoa trương với cái vỏ “bác học”, viện cớ rằng vẻ đẹp của toán học phải dựa trên tính logic chặt chẽ. Trong khi đó việc giáo dục nhằm kích thích trí tưởng tượng – quà tặng vô giá của Đấng Hóa Công dành cho con người – thì ngày một nghèo nàn cạn kiệt. Tư duy “Học Giả” đang lấn tới, dồn cái Học Thật” vào xó tường, tước đoạt của người học cái cơ hội rèn luyện để trở thành một nhà khoa học, một trí thức thực thụ theo nghĩa đen của từ này, nghĩa là khao khát và tỉnh thức đón nhận sự hiểu biết.

Cái lối dạy toán đang thịnh hành hiện nay là các thầy thì đua nhau tìm những đầu bài thật hóc búa, hiểm hóc (mà giới toán thường gọi là những bài toán “không mẫu mực”, “không bình thường”, còn mọi người thường gọi là toán đánh đố) để bắt nạt đám học trò đáng thương: chúng ngơ ngác, há hốc mồm và kính nể thầy khi thầy trổ tài giải bài toán đó, chẳng khác ai cũng khiếp sợ tài của “Khổng Minh”. Và dĩ nhiên là từ học trò “chuyên toán” đến học trò “đại trà” đều ghi chép thật nhanh các thủ thuật để mưu cầu vượt qua và vượt qua xuất sắc các kỳ thi, đặc biệt là các kỳ thi đem lại lợi nhuận, đem lại vị thế xã hội và kinh tế hơn người.

Tình trạng đó đã dẫn toán học tới “bờ vực sa sút” , đúng như lời giáo sư Hoàng Tụy đã phát biểu trên báo Nhân Dân Chủ Nhật số 42 (350) ngày 15-10-1995. Giáo sư cho biết: “Một số người đã đoạt các giải toán quốc tế và được đào tạo thành tài cũng chuyển sang làm việc khác. Thanh niên có năng khiếu toán thì dồn vào học những ngành rất ít cần toán. Trên phương diện quốc gia, đó là một sự lãng phí không thể chấp nhận được…”.

Ảnh: tintuc.vn

Chẳng cần phải nói thì ai cũng biết rằng những học sinh gọi là giỏi toán hiện nay cũng lao vào các trường đại học hứa hẹn một tương lai dễ kiếm sống như các ngành ngoại thương, ngoại giao, tài chính, ngân hàng,… Và ngược lại, sinh viên các trường nói trên bây giờ rất hãnh diện, vì được tiếng là học sinh giỏi. Vậy là người ta học toán không phải vì tình yêu đối với toán, đối với khoa học, cái mà ta vẫn gọi là tính lãng mạn khoa học. Ôi, tình yêu lãng mạn đối với khoa học nay biết tìm đâu? Và nếu học toán không phải vì toán học đẹp, toán học hấp dẫn người học thì có nghĩa học toán chỉ để đi thi, thi đỗ vào đại học, đỗ càng cao thì tương lai lợi lộc càng nhiều. Lỗi tại ai và lỗi tại đâu? Đơn thuần chỉ vì tiếng gọi của đồng đô-la hay vì cái thứ toán học mà người ta đang bắt học trò ngốn ngấu là một món ăn chán ngấy, vô bổ, sáo rỗng, đến nỗi ngay cả những người “có gene thông minh về khoa học tự nhiên” cũng không thể nào “xài” được? Có lẽ cả hai yếu tố này cùng một lúc tác động, chúng hỗ trợ cho nhau cùng hủy hoại nền toán học và giáo dục toán học chân chính. Nhiều người đổ lỗi chủ yếu cho cơ chế thị trường, tức là “tiếng kêu loảng xoảng của thứ kim loại 9999”. Nhưng thử nghĩ xem. Mưu cầu sinh tồn vốn là bản năng mà quy luật tự nhiên đã gán cho hết thảy mọi sinh vật kể cả con người. Nhưng cũng từ lâu con người có một khao khát khác để sống, để tồn tại. Đó là sự khao khát hiểu biết. Và chính khoa học cùng với nghệ thuật đáp ứng nỗi khao khát này của con người. Khoa học và nghệ thuật chân chính có sức hấp dẫn hơn ma lực, hơn tiền bạc rất nhiều, ít nhất là với những tâm hồn đa cảm, nhậy cảm, đặc biệt là đa cảm, nhậy cảm trước những bí mật của tự nhiên. Các quốc gia phát triển trên thế giới ngày nay cũng đều đã trải qua giai đoạn cơ chế thị trường, nhưng chính trong giai đoạn đó khoa học của họ lại phát triển nở rộ. Ai cũng biết hàng loạt danh nhân khoa học đã ra đời chính vào giai đoạn tích lũy tư bản phát triển nhất. Vậy cơ chế thị trường không hề mâu thuẫn với phát triển khoa học. Cứ thế mà suy thì không nên đổ lỗi cho cơ chế thị trường, mà nên xem xét lại vấn đề giáo dục.

Điều nên thành thực xác nhận là nền giáo dục đã mất sức sống. Không riêng ngành toán mà hầu như tất cả các môn học đều trở nên nghèo nàn khô khan. Tuy nhiên xin hãy tạm giới hạn câu chuyện trong phạm vi toán học.

Vẫn giáo sư Hoàng Tụy nói: “Ở thời đại mà máy tính có thể làm nhiều tính toán phức tạp thì lại càng cần dạy cho học sinh hiểu toán chứ không phải chỉ biết dùng công thức một cách máy móc. Muốn thế phải gợi mở nhiều hơn là truyền thụ, phải nhấn mạnh đến các khái niệm và ý tưởng, rèn luyện kỹ năng giải các bài toán đến nơi đến chốn… và trong việc đánh giá cần chú ý cả ngôn ngữ diễn đạt, cách trình bầy viết và nói, bảng thống kê, biểu đồ, hình vẽ minh họa, cách sử dụng đúng đắn máy tính các loại”.

Giáo sư lưu ý rằng: “Trong khi say sưa tự hào với thành tích thi toán quốc tế, chúng ta quên rằng điều quan trọng hơn các giải toán quốc tế là trình độ dân trí”, rồi giáo sư phàn nàn: “… cả xã hội rất ít ai lo lắng cho toán học, trừ việc cho con em đi học thêm môn toán để đối phó với chính sách thi cử theo bộ đề thi có sẵn”.

Ôi “bộ đề thi”, “ngân hàng đề thi”, thật là một phát minh độc nhất vô nhị trên thế giới! Từ cái ngày bộ đề thi ra đời đến nay, môn toán trong nhà trường đã biến dạng méo mó chưa từng thấy! Vì đề thi có sẵn, buộc phải lồng vào đó những bài thật khó mà trước đây chỉ có một số ít người quan tâm. Còn bây giờ thì tất cả mọi học trò đều phải cố mà học thuộc, nếu muốn thi đỗ và đỗ điểm cao. Tội nhiệp cho người học, môn toán bỗng nhiên biến thành môn học thuộc lòng. Bài nào quá rắm rối đến nỗi thuộc không nổi thì đã có dịch vụ photocopy. Ôi, giá mà Charlie Chaplin sống lại, hẳn là ông sẽ nẩy tứ làm tiếp cuốn phim “Thời hiện đại”. Bên cạnh những computers đời mới nhất, ta cho camera lướt qua các lớp học, phản ảnh 100% những điều thầy dạy và những ý kiến của trò, chắc hẳn chúng ta sẽ có những thước phim cười ra nước mắt. Ta cũng sẽ thấy thương cả thầy lẫn trò bởi sự nghèo nàn về trí tuệ, bởi sự ngây ngô khờ dại không thể tin nổi của những người được mệnh danh là “sư phụ” của đám thanh thiếu niên sẽ làm chủ nhân ông thế kỷ 21, và ta sẽ có dịp kiểm chứng xem cái chương trình “bác học” của sách giáo khoa có sống trong hơi thở của sinh viên, học sinh hay không.

Ảnh: meilleureimage.eu

Xu thế chú ý tới những bài toán không mẫu mực, không bình thường vốn bắt đầu từ những lớp chuyên toán (mà nhiều người gọi là trung tâm “luyện gà nòi đi đấu đá quốc tế”) đã được Bộ đề thi chính thức đưa vào nội dung thi cử (mặc dù không phải toàn bộ). Điều này đã đẩy nhanh quá trình không-mẫu-mực-hóa, không-bình-thường-hóa trong việc dậy và học môn toán. Trẻ thơ (cho dù 18 tuổi), thậm chí cả thầy giáo (cho dù đã lâu năm trong nghề) thường có một ý nghĩ quá ư ngây thơ rằng giải được một bài toán khó có nghĩa là giỏi, không làm được có nghĩa là kém. Thảm hại hơn, và đau lòng hơn, là ngoài việc săn đuổi những thứ toán không mẫu mực ấy, ngoài việc cố làm bài tập rồi lại chỉ có bài tập, thầy giáo không biết làm gì hơn. Học trò thường xuyên phải nghe đến cái nhóm từ “Hệ tọa độ Đề-Các” nhưng tuyệt nhiên chẳng hề biết Descartes là ai, ý nghĩa thực sự của phương pháp Đề-Các là gì, trong hoàn cảnh nào nó ra đời, nó đem lại cho toán học cái gì mới, v.v.. Kỳ quặc hơn là trong 10 học sinh thì có đến “9,9” học trò trả lời rằng Tiên đề Euclid là “Qua một điểm cho trước bao giờ ta cũng chỉ xác định được một đường song song với một đường cho trước mà thôi”. Ngoài tiên đề này học trò không biết một tiên đề nào khác, cứ dường như Euclid chỉ có mỗi một tiên đề ấy vậy thôi. Nếu có thể, tôi xin làm luật sư bênh vực cho thế hệ trẻ việc này: Xin hãy giở sách giáo khoa Hình học lớp 7 (xuất bản năm 1995) trang 30, mục 9 “Tiên đề Ơclít”, ta sẽ thấy rõ tiên đề trên được đóng khung đàng hoàng, ngoài ra không thấy nói đến bất kỳ tiên đề nào khác của Euclid. Không biết cụ Euclid mà sống lại thì có thấy tủi thân hay không, bởi không có một lời nào thèm nhắc đến thân thế và sự nghiệp vĩ đại của cụ đã đành, hậu thế không cần biết cụ là ai cũng đành vậy, nhưng cớ gì lại làm cho đầu óc trẻ em lầm lẫn rằng chỉ có một “Tiên đề Ơclít” như vậy. Mà đầu óc của lớp trẻ đâu có dốt. Bản chất tuổi trẻ cũng như thế hệ đàn cha, đàn chú, đàn anh thôi: Tuổi trẻ rất thông minh ! Họ thừa trí tuệ để hiểu các tiên đề khác của Euclid, họ thừa trí tuệ để hiểu cái gọi là hệ tiên đề, thừa trí tuệ để hiểu cái gọi là “Lý thuyết tiên đề” (Tiên đề luận). Vậy nếu họ không biết đến những điều này, ấy là vì sách giáo khoa và sau đó là các sư phụ trực tiếp – thầy cô giáo – đã không cho họ biết, chí ít đã không hề gợi ý, gợi mở cho họ biết. Người viết bài này không tài nào hiểu nổi tại sao Bộ Giáo Dục và Đào Tạo với một hệ thống hùng hậu các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chuyên ngành, khoa học giáo dục lại không nhìn thấy những thiếu sót trầm trọng đó từ nhiều năm nay. Ta thử làm một bài toán vui:

– Định lý 1: Người là động vật cao cấp

– Định lý 1 đảo: Động vật cao cấp là loài người.

Ta thấy ngay rằng định lý 1 đảo là nhảm nhí. Có người đã phản ứng và coi sơ suất của sách giáo khoa là chuyện vụn vặt, quá lắm chỉ nên có ý kiến với Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Có người lại coi đây là biểu hiện thấp kém về sư phạm, nếu không phải là thấp kém về kiến thức, và do đó là lỗi không thể tha thứ. Sự phán xét nào là đúng, xin nhường lời cho công luận. Nhưng than ôi, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã bao giờ tổ chức một hội nghị công khai để nghe ý kiến công luận chưa? Nếu có một thời “thủ kho to hơn thủ trưởng” thì nay “thủ sách to hơn thủ chân lý”. Ấy là nói đùa cho cái ý nghiêm túc: Người viết sách làm mưa làm gió, khuynh đảo trí tuệ cả một thế hệ, mà lại khuynh đảo sai, chân lý cũng chịu thua!

Tác giả sách giáo khoa nói trên nghĩ sao nếu một ngày nào đó lớn lên, các em sẽ được biết đến các thứ hình học khác nhau với các hệ tiên đề khác nhau, họ sẽ xót xa cho cái thời niên thiếu ngây thơ dại dột của họ. Và các thầy giáo nghĩ sao khi không chịu học hỏi nghiên cứu mà cứ y nguyên sách giáo khoa để dạy học trò? Cái tinh thần thờ phụng sách nó ghê gớm đến nỗi khi Bộ quyết định đưa chương trình hình học giải tích xuống cho lớp 12 (thậm chí lớp 10), thì nhiều giáo viên phấn khởi thốt lên rằng: “Hình học giải tích hay hơn, vì đỡ phải vẽ hình – vẽ hình thì thầy cũng khổ mà trò thì càng khổ hơn, vì nhiều trò tưởng tượng hình rất kém” (!!!).

Ảnh: Ndaily

Xu thế đặc biệt nguy hại hiện nay là người ta coi thường tư duy toán học theo chương trình (điều này đi ngược với xu thế tin học hóa, chương trình hóa các hoạt động kinh tế, kỹ thuật, quản lý xã hội…), mà lại đề cao những “sáng kiến bất thường”, “những thuật toán kỳ dị”, những thủ pháp không mẫu mực mà nhiều khi các tác giả bài toán đã cố cài đặt sẵn, tương tự như chiến thuật du kích cài đặt chông mìn. Người ta nhầm lẫn việc sáng tạo khoa học, việc phát hiện một hướng đi, một phương hướng mới trong khoa học với việc “gỡ một mớ chỉ rối”. Có thể chỉ ra hàng loạt bài toán vô bổ loại này trong những bài tập, bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ, cuối năm của học trò, và cả những đề thi gọi là “học sinh giỏi” nữa. Điều còn đặc biệt nguy hại hơn nữa là xu thế đề cao các lớp chuyên và sự đi lệch hướng khoa học cơ bản ở các lớp chuyên. Bằng chứng rõ rệt nhất là ta có thể dễ dàng tìm thấy ở các lớp này những thanh thiếu niên cực kỳ láu cá, ranh mãnh trong việc đối đầu với những chuyện vụn vặt tầm thường của toán học, nhưng rất khó tìm thấy những tâm hồn toán học, tâm hồn yêu khoa học đến mức say sưa và sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, và càng khó tìm thấy một Tư Tưởng Toán Học gì đó trong hệ thống gọi là chuyên này. Và có lẽ cần phải kêu lên với Ông Trời rằng cái phương pháp “chuyên toán” xơ cứng vô bổ này đang được bắt chước rập khuôn cho những lớp phân ban A ở các trường phân ban, và rồi sẽ tới lúc cho tất cả mọi học sinh, bởi chủ trương tiến tới phân ban toàn bộ.

Việc làm đổ nhà, việc tham nhũng công quỹ và những việc làm phá hoại xã hội khác đều dễ phát hiện và dễ bị trừng phạt. Nhưng việc làm cho trí tuệ của thế hệ trẻ ngày càng trở nên nghèo nàn và yếu kém thì không ai chịu trách nhiệm!

Lev Landau, người từng được coi là một trong những nhà vật lý giỏi nhất thế giới, đã từng phản ứng: “ Các nhà toán học, mà tôi không hiểu vì lý do gì, đã nhồi nhét cho chúng tôi những bài tập logic coi như một món hàng bắt buộc ”. Còn E.M.Lifschitz thì xác nhận một thực trạng ở Liên Xô (cũ): “ Khuynh hướng biến những thứ giản đơn thành phức tạp tiếc rằng khá phổ biến, lấy cớ là để đảm bảo tính tổng quát và chặt chẽ, song thực ra lại rất hão huyền ”.

Cũng nên nhắc đến một xu thế lớn trên thế giới đã gây ảnh hưởng lớn đến toán học và giảng dạy toán học hiện đại. Đó là sự ra đời Lý thuyết tập hợp của Georg Cantor vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nó đã nhanh chóng chiếm lĩnh mọi địa hạt của toán học, tạo ra một niềm tin, niềm say sưa cho giới toán học về khả năng xây dựng một hệ thống cơ sở tổng quát, chặt chẽ cho toàn bộ toán học, ví như cái móng vững chắc cho một tòa lâu đài tráng lệ. Niềm say sưa này đã đạt tới đỉnh điểm khi nhóm Bourbaki của Pháp đã cho ra đời những kho sách đồ sộ viết lại toàn bộ toán học trên cái nền ngôn ngữ tập hợp. Và người Pháp đã đi tiên phong trên con đường cải cách toán học, đến nỗi vào thập kỷ 60, người ta đã gọi họ là “Euclid của thế kỷ XX”! Và người ta quyết định dạy cho trẻ em từ những lớp dưới của hệ thống phổ thông cơ sở thứ ngôn ngữ này: Thay vì viết đơn giản là x < 1 hoặc x > 2 thì các em phải viết X = {x ê x < 1 } È {x ê x > 2 }, và thay vì hiểu phép cộng 2 + 3 = 5 là 2 thêm 3 bằng 5 thì các em phải hiểu đó là “ánh xạ hai phần tử của tập N lên một phần tử của N”(!). Những nhà giáo dục này nghĩ rằng “cảm xúc của giới toán học” là “cảm xúc tự nhiên của mọi người”. Họ không phân biệt được khái niệm nghiên cứu toán học khác với khái niệm sư phạm toán học . Họ càng không hiểu rằng xét cho cùng, toán học là một thứ ngôn ngữ riêng để biểu đạt nhận thức, tư tưởng của con người. Họ đề cao và chú trọng thái quá đến cái vỏ của ngôn ngữ đó thay vì làm thế nào để mọi người dễ cảm nhận được cái thần của nó. Phỏng có ích gì khi ta đọc một câu kinh kệ nào đó bằng tiếng Phạn mà ta chẳng hiểu gì về nội dung chứa trong đó?

Mặt khác “các nhà tập hợp học” dường như quên đi một điều rằng cái móng nhà mà họ tưởng “vững như bàn thạch” ấy thực ra lại cũng có những lỗ thủng rò rỉ ngay trong lòng nó: Các nghịch lý do Bertrand Russell tìm ra năm 1901. Người đầu tiên chống lại cái tham vọng đẩy toán học theo con đường tổng quát hoá, lý thuyết hóa vô chừng vô độ này lại không phải là ai khác, mà là Henri Poincaré, ông tổ của Topo, nhà toán học Pháp vĩ đại được liệt vào một trong ba người có ảnh hưởng lớn nhất đến toán học thế kỷ XX. Ông cảnh cáo: “ Nhà toán học thuần tuý dường như lãng quên sự tồn tại của thế giới bên ngoài , giống như một hoạ sĩ biết cách kết hợp hài hoà màu sắc và hình dạng nhưng lại bị tước đi vật mẫu -điều đã làm cho sức sáng tạo của anh ta bị khô héo đi một cách nhanh chóng ”. ở Việt Nam, giáo sư Tạ Quang Bửu lúc sinh thời cũng đã từng lưu ý với sinh viên vấn đề này.

Ảnh: ndaily

Cần thông cảm với các “nhà toán học thuần túy” mà công việc chủ yếu của họ là suốt ngày lụi hụi loay hoay với mấy “bài toán dăng bẫy”, với cái thích thú là sẽ có những chú chuột nhắt bị sa bẫy. Cái niềm vui ấy bị lẫn lộn với sự hiến dâng cho Cái đẹp của toán học. Nhưng than ôi, Einstein đã từng nói là “ cái sự đẹp đẽ ấy nên để dành cho mấy bác thợ máy ”.

Không rõ đã có vĩ nhân nào đó nói rằng “ phẩm chất quý giá nhất của con người là óc tưởng tượng. Thiếu óc tưởng tượng thì vị tất Newton-Leibniz đã có thể sáng tạo ra phép tính vi phân và tích phân ”. Vậy gợi mở và kích thích trí tưởng tượng chính là liều thuốc kích thích sự sáng tạo, chứ không phải là hệ thống lý luận logic uyên bác !

Ngược lại, có nhiều người lại đòi hỏi mọi điều phải được trình bầy sao cho dễ thấy nhất, như những gì họ có thể gặp trong đời sống. Họ chán ngấy những mớ lý thuyết rắm rối.

Đây là chuyện đã được ghi chép thành sách:

Một hôm D’Alembert đã không thể nào làm cho một sinh viên của ông hiểu được phép chứng minh một định lý nào đó. Thất vọng vì uổng công, vị giáo sư nổi cáu mà quát lên: “Ta xin nói thật rằng định lý này là đúng!”. Chàng sinh viên quý hóa kia không hề do dự mà hưởng ứng ngay: “Ô, Thưa thầy, như thế là đủ rồi ạ. Thầy là một quý tộc, em cũng là một quý tộc, và lời nói thật của thầy vừa rồi làm cho em tin vào định lý đó còn hơn bất kỳ một phép chứng minh rắc rối nào khác” .

Việc sử dụng các chương trình tin học ngày nay có thể là thí dụ tốt nhất để khuyến dụ các nhà thông thái: Liệu mọi người có cần phải hiểu rõ bản chất của hệ nhị phân không ? Có cần phải hiểu rõ bản chất các ngôn ngữ lập trình không? Vậy cớ gì lại bắt mọi học trò học toán theo tinh thần chuyên toán? Sách giáo khoa của Phan Đức Chính biên soạn cho các lớp đại trà hiện nay cũng gần giống như sách giáo khoa do Phan Đức Chính biên soạn cho lớp chuyên toán những năm trước đây, thậm chí sách giáo khoa bây giờ còn cao hơn (!). Vậy là chuyên-toán-hoá toàn xã hội ư ? Nhưng chuyên-toán-hoá thế nào mà đến nỗi giáo sư Hoàng Tụy phải cảnh báo “ Việt Nam đã đoạt nhiều giải Olympic quốc tế nhưng toán học đang trên bờ vực sa sút !”. Vậy:

Ảnh: vnexpress.net

Đừng bắt học trò làm việc với công suất quá tải vô ích, bởi Charles Babbage khôn ngoan đã từng khuyên: “ Đặt một người vào điều kiện phải suy nghĩ sẽ làm cho người ấy lớn lên nhiều hơn so với việc cung cấp nhồi nhét cho người ấy một mớ những lời chỉ giáo ”.

Đừng đẩy học trò tới chỗ đi học thêm lu bù tối mày tối mặt mà hãy tạo cho họ có thì giờ để có cái thú tĩnh tâm suy nghĩ, đó mới là kế sách hay nhất của giáo dục!

Phạm Việt Hưng

(Bài đã đăng trên Tri thức trẻ số 13, tháng 6-1996 và Văn Nghệ Số 34, ngày 24-8-1996)

GS Phạm Việt Hưng. Ảnh: photobucket

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Email: bizet09@gmail.com

Website: viethungpham.com

 
Exit mobile version