Đại Kỷ Nguyên

Hội chứng Couvade: Chồng ốm nghén khi vợ mang thai

(Ảnh: iStock)

Một phụ nữ ở bang Wisconsin (Mỹ) đã cố gắng có thai trong 5 năm. Một ngày nọ, chồng của cô thức dậy và cảm thấy nôn nao như ốm nghén trước mùi vị của bữa sáng.

Anh chạy vội vào phòng tắm và nôn thốc nôn tháo. Hiện tượng này lặp lại vào sáng hôm sau. Phải chăng anh đã bị loét dạ dày? Không phải vậy. Lý do là vì người vợ đã mang thai.

Người chồng đã trải qua triệu chứng ốm nghén nhưng vợ anh thì không. Triệu chứng của anh tiếp diễn trong vòng bốn tháng sau đó trong khi người vợ vẫn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng của anh vẫn xuất hiện ngay cả khi anh đang ở cách xa vợ.

Triệu chứng mang thai đồng cảm (còn gọi là hội chứng couvade – hiện tượng người chồng ốm nghén thay vợ) bắt nguồn từ các phản ứng sinh lý song song xuất hiện trên một người sắp làm bố.

Trong một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Memorial ở Canada, đàn ông và phụ nữ có mức độ hóc-môn prolactin và cortisol tương đồng vào thời kỳ trước khi em bé chào đời.

Sau khi sinh, các ông bố và bà mẹ sẽ có nồng độ hóc-môn sinh dục thấp hơn (testosterone đối với nam và estradiol đối với nữ). Những ông bố xuất hiện triệu chứng mang thai đồng cảm có nồng độ prolactin cao hơn và mức suy giảm testosterone lớn hơn.

Vì sự gia tăng nồng độ prolactin dường như sẽ làm gia tăng mối liên kết giữa các cá thể, nên các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng những thay đổi hóc-môn này đóng một vai trò nhất định trong việc liên kết người bố với đứa trẻ.

Có vài lý thuyết tâm lý học để giải thích cho hội chứng couvade, nhưng chúng dường như không thỏa đáng. Những lý thuyết này cho rằng nguyên nhân của hội chứng couvade là do sự đố kỵ của người đàn ông đối với đứa bé sắp chào đời; cái cảm giác bị thay thế và “cho ra rìa”.

Theo quan điểm của tôi (tác giả – Tiến sĩ Bernard Beitman), người đàn ông mắc hội chứng couvade sẽ trở nên hết sức hòa hợp với người vợ đang mang thai. Trong trạng thái đó, người chồng sẽ cảm thụ được các cảm giác của người vợ theo nghĩa đen, trong khi không cố ý.

Anh ta đang trải nghiệm sự đồng cảm về sinh lý.

Tôi nghĩ sự hòa hợp này được hình thành thông qua các trường năng lượng lưu thông bên trong và xung quanh cơ thể mỗi người. Trong trạng thái mang thai, những thay đổi trong trường năng lượng của người vợ mạnh mẽ đến mức đồng hóa người chồng với mức độ dao động năng lượng mới của cô và cân bằng với nó. Về mặt sinh lý học, người chồng sẽ trở nên càng ngày càng giống với người vợ hơn.

Trường hợp của Theresa Santos

Cô Theresa Santos là một minh chứng thực tế cho hội chứng này. Lúc mang thai khoảng một tháng, Theresa đang sống ở New York, nhưng sau đó cô đã cùng chồng xuất ngoại.

“Vào buổi sáng cuối cùng tại New York, chúng tôi có hàng tá việc cần làm trước khi đáp chuyến bay rời đi vào tối hôm đó”, Theresa kể với tôi. “Có nhiều thứ cần tôi trực tiếp làm, bởi vì có một số thứ tôi có thể quán xuyến tốt hơn và hiệu quả hơn so với chồng (dọn dẹp, giặt là, một số công việc đóng gói cuối cùng… anh ấy đóng gói đồ đạc rất ngăn nắp, nhưng tôi làm nhanh hơn) và có rất nhiều thứ cần phải làm”.

“Mấy việc vặt chồng tôi làm vào sáng hôm đó chỉ là đi đến cửa hàng mua một vài thứ, bao gồm sắm thêm một chiếc vali”.

“Tôi xuất hiện tình trạng ốm nghén hầu như mỗi ngày trong tuần trước và tuần trước nữa. Tôi thường rất chậm chạp vào buổi sáng. Tuy nhiên, sang ngày Chủ nhật, tôi đã dậy sớm và cảm thấy rất khỏe mạnh. Tôi cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng, vốn khác hẳn với thể trạng của tôi trong thời gian gần đây. Chồng tôi thì trái ngược lại, khi anh cảm thấy nôn nao và mệt mỏi. Dường như anh ấy đã bị ốm nghén thay cho tôi vào ngày hôm đó”.

Theresa đã quán xuyến thêm nhiều công việc khó khăn mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, trong khi chồng cô chỉ đảm nhận những việc vặt nhẹ nhàng hơn trong tình trạng ốm nghén lúc ấy.

Nếu chúng ta hiểu được cơ chế đằng sau hội chứng couvade, chúng ta có thể tiến gần đến việc giải thích hiện tượng “simulpathity” (tạm dịch: đồng thấu cảm) – sự trải nghiệm nỗi đau của một người thân đang xa cách.

Xem thêm:

Hầu hết đàn ông đều biết thời điểm vợ họ mang thai, trong khi ở hầu hết các trường hợp đồng thấu cảm, gốc rễ của các triệu chứng đồng cảm vẫn còn là một ẩn số vào thời điểm chúng xuất hiện.

Đây là một sự khác biệt căn bản, tuy nhiên việc hiểu biết cơ chế của hội chứng couvade có thể cung cấp bước đệm đầu tiên tiến đến việc hiểu được các cơ chế đằng sau hiện tượng đồng thấu cảm. Khi hiện tượng này xuất hiện, bằng cách nào đó một cá nhân sẽ cảm thụ được những trải nghiệm sinh lý của một cá nhân khác đang ở xa cách.

Lấy thí dụ, một người phụ nữ (tự nhiên) cảm thấy một cơn đau rát ở tay phải khi viết một lá thư. Sau này, cô phát hiện ra rằng, chính tại thời điểm đó, con gái của cô đã bị bỏng bàn tay phải trong một cuộc thí nghiệm.

Giống với hội chứng couvade, trạng thái cộng hưởng sinh lý này không được kích phát một cách chủ động. Tất nhiên, điểm khác biệt lớn giữa hai hiện tượng này là, người chồng không chỉ biết người vợ đang mang thai mà anh ấy còn đang sống bên cạnh vợ mình. Trong khi với hiện tượng đồng thấu cảm, cặp đôi xuất hiện trạng thái cộng hưởng đang ở cách xa nhau và người trải nghiệm hiện tượng này không biết rằng người kia đang gặp phải biến cố.

Do vậy, sự gần gũi về khoảng cách địa lý và sự nhận biết trên phương diện ý thức là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa hội chứng couvade và hiện tượng đồng thấu cảm. Tuy vậy, ngoài hai yếu tố này ra, cũng có nhiều điểm tương đồng cho thấy hai hiện tượng này có chung các cơ chế nền tảng.


Tara MacIsaac, phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, là đồng tác giả bài viết này.

Bài viết này được đăng bản gốc trên trang web của Tiến sĩ Bernard Beitman. Ts. Beitman là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia, Mỹ. Ông nguyên là trưởng khoa tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.

Trong chuyên mục “Khoa học Huyền bí”, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan đến các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Bernard D. Beitman.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version