Một nhóm thổ dân người da đỏ ở Mỹ đã tìm thấy những hạt giống bí ngô trong một cái hũ có niên đại khoảng 800 tuổi và đem đi gieo trồng, từ đó làm hồi sinh giống bí này lần đầu tiên sau hàng thế kỷ.
Những hạt giống của một loại bí ngô to dài màu cam nhạt đã được phân phát cho những người dân bản địa cũng như những người khác, bao gồm một số sinh viên ở Canada. Những sinh viên này đã đem hạt đi gieo trồng và thu hoạch được một quả bí ngô to màu da cam vào mùa thu vừa qua.
Loại bí ngô này sau đó đã được, Wiona LaDuke, một vị tù trưởng trong Đảng Xanh (Green Party) từng tranh cử chức phó tổng thống Mỹ với Ralph Nader vào năm 2000 đặt tên là Gete Okosomin, có nghĩa là “trái bí già bự”.
Được biết, việc làm hồi sinh giống bí ngô khổng lồ này đến vào đúng thời điểm các nhà khoa học đang cố gắng bảo tồn các chủng loài cây lương thực đa dạng và quý giá. Năm 2004, các nhà khoa học trên khắp thể giới đã thiết lập Ngân hàng Hạt giống Toàn cầu Svalbard trên một hòn đảo của Na Uy ở trên phía bắc Vòng Bắc Cực, nơi có một điều kiện khí hậu lạnh, khô phù hợp cho việc bảo tồn hạt giống. Hiện tại đã có hàng trăm nghìn loại hạt giống cây lương thực được cất giữ bên trong ngân hàng này.
“Rất nhiều người trong chúng ta không biết điều này, rằng có rất nhiều loại lương thực truyền thống đang dần đi đến tình trạng tuyệt chủng. Nguyên nhân chủ yếu là do cách tiếp cận mang tính công nghiệp hóa của ngành nông nghiệp hiện đại – vốn ưu tiên một số loại cây trồng thu lợi cao so với toàn bộ các giống rau quả bản địa”, theo thông tin từ blog của Trung tâm Thổ dân da đỏ Mỹ.
Theo đó, rau quả được bày bán ở các cửa hàng tạp hoá hiện đại chỉ chiếm một phần nhỏ trong các loại cây trồng hiện có. Bởi trong hàng thế kỷ qua, các nhà sản xuất lương thực đã tập trung nỗ lực vào việc gieo trồng các giống cây cho ra năng suất cao hoặc chống chọi được với thời gian và điều kiện vận chuyển khắc nghiệt trên một quãng đường dài. “Các nhà phê bình cũng cho rằng các sinh vật sống bị biến đổi gien cũng đang xâm hại các hạt giống bản địa. Đó là lý do vì sao quả bí ngô Gate Okosomin này là một điều đáng để cho chúng ta cảm thấy tự hào. Mỗi lần có ai đó trồng thành công loại bí ngô Gate Okosomin và bảo tồn được các hạt giống, thì đây là thắng lợi cho tất cả chúng ta”.
Trong nỗ lực bảo tồn, nhân giống và hồi sinh các chủng loại cây trồng từng được sử dụng làm thực phẩm, rất nhiều nhà thực vật học và lịch sử học đã bắt tay vào công việc này. Một nhà nghiên cứu người thổ dân ở bang Vermont [Mỹ] đang thử tái hiện lại nghề làm vườn đã từng tồn tại ở bang này trước khi người châu Âu đặt chân đến đây. Frederick Wiseman, một giáo sư đã nghỉ hưu và là chuyên gia về thực vật dân tộc học, đã dành nhiều năm nghiên cứu nền văn minh Maya ở Guatemala và Mexico. Tuy nhiên, trong vòng hai thập kỷ vừa qua, ông đã chuyển hướng quan tâm sang các loại cây trồng bản địa tại quê hương mình.
Wiseman hiện đang tập trung nhận dạng và bảo tồn các hạt giống cổ đại từng có quan hệ mật thiết với những thổ dân Abenaki ở khu vực đông bắc Bắc Mỹ. Theo đó, ông đã truy ra nguồn của 26 giống cây trồng khác nhau, bao gồm bí ngô, đậu, ngô, atiso, quả anh đào đất, thuốc lá; và đăng tải bài viết của mình trên trang Ancient Origins vào tháng 2/2015.
Không chỉ có TS Fred Wiseman, nhà nghiên cứu thực vật học Elaine Solowey cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Bà đã ươm mầm và làm hồi sinh hơn 100 loại cây trồng hiếm gặp hoặc gần như đã tuyệt chủng. Đây là một phần trong dự án kéo dài 10 năm nhằm nghiên cứu các loại cây trồng và thảo mộc được sử dụng như các biện pháp điều trị cổ đại. Elaine đã trồng các loại cây trồng và thảo một được sử dụng trong y học Tây Tạng, Trung Quốc và Kinh Thánh, cũng như các phương pháp trị liệu dân gian truyền thống từ các nền văn hoá khác nhau để xem xét xem liệu có thể chứng minh tính hiệu nghiệm của nó bằng khoa học hay không.
Đáng kể nhất phải kể đến trường hợp TS. Solowey làm hồi sinh một giống chà là đã bị tuyệt chủng từ những hạt giống 2.000 năm tuổi được tìm thấy ở một di chỉ khảo cổ tại Masada, nằm ở vùng phía nam Israel. Cây chà là Judea đã bị quân La Mã xâm lược chủ tâm tiệt trừ tại vùng Judea cổ đại vào năm 70 SCN.
Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo Trái Đất có thể duy trì nguồn di sản to lớn những cây trồng có thể làm lương thực, nhiều năm trước đây các nhà khoa học đã thành lập Ngân hàng Hạt giống Toàn cầu Svalbard, một cơ sở lưu trữ ở Na-uy đã bảo tồn được hơn 860.000 hạt giống cây lương thực tính cho đến năm 2015. Chương trình này được tài trợ bởi chính phủ Na Uy và Quỹ Đa dạng Cây trồng Toàn cầu, với sứ mạng bảo tồn đa dạng cây trồng trên hành tinh để đảm bảo an ninh lương thực cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Các loại cây trồng ở đây bao gồm “từ những loại cây lương thực đặc thù chủ chốt ở châu Phi và châu Á như ngô, gạo, lúa mỳ, đậu đũa, lúa miến cho đến những loại cây ở châu Âu và Nam Mỹ như cà tím, xà lách, đại mạch và khoai tây. Trên thực tế, ngân hàng hiện đang chứa một bộ sưu tập các hạt giống cây lương thực đa dạng nhất trên thế giới”, theo trang web CropTrust.org. Độc giả có thể tự mình tham quan Ngân hàng Hạt giống Toàn cầu với tour tương tác ảo.
Tác giả Mark Miller, Ancient Origin
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây
Hoàng Sâm biên dịch
Xem thêm: