Đại Kỷ Nguyên

Hỗn hợp axit đặc từng cứu mạng hai nhà khoa học đạt giải Nobel như thế nào?

Sự am hiểu về hóa học đã từng giúp hai nhà khoa học nổi tiếng là Niels Bohr và Georgy de Hevesy bảo vệ được tính mạng và các huy chương Nobel của đồng nghiệp dưới sự truy lùng gắt gao của phát xít Đức.

Đó là một ngày vào năm 1940, quân Đức Quốc xã đã chiếm được thủ đô Copenhagen. Quân của họ đang diễu hành qua các con phố và nhà vật lý người Đan Mạch nổi tiếng Niels Bohr (1885-1963) đang ở trong tình trạng hết sức lo âu. Nhà khoa học từng đạt giải Nobel vật lý năm 1922 này đang đau đầu về việc làm thế nào để làm “bốc hơi” 2 chiếc huy chương giải Nobel khỏi Viện nghiên cứu vật lý lý thuyết của ông!

Hai chiếc huy chương vàng giải Nobel thuộc về Max von Laue nhà khoa học đạt giải Nobel vật lý năm 1914 và James Franck, nhà vật lý giành giải Nobel năm 1925. Nhưng thân thế của họ cộng thêm chủ trương không để vàng lọt khỏi Đức của bè lũ phát xít đã khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.

Khung cảnh hỗn loạn khi quân phát xít Đức tiến và thủ đô Đan Mạch (Ảnh: Andrew Cusack)

Một người thì gốc Do thái, một người thì lại thuộc phe phản đối đảng Quốc xã, ngặt nghèo là vậy, cho nên họ đã gửi 2 tấm huy chương lại cho người bạn tại Viện nghiên cứu vật lý lý thuyết, nhà khoa học Niels Bohr (1885-1963) cất giữ hộ.

Nhưng trớ trêu thay, trước nay Viện nghiên cứu của Bohr luôn bị nghi ngờ là che giấu người Do thái (được coi là kẻ thù không đội trời chung với phát xít), nên chính ông cũng biết rằng sớm muộn gì chỗ làm việc của ông cũng trở thành mục tiêu khám xét.

2 chiếc huy chương vàng – 2 bản án của tử thần

Những chiếc huy chương giải Nobel được làm bằng vàng 23 karat. Đối với hoàn cảnh của Bohr, chúng quá nặng để cất giữ hoặc mang theo trên tay, lại quá sáng bóng nên rất dễ gây sự chú ý.

Huy chương Nobel (Ảnh: Pinterest)

Nếu bị phát hiện, đây sẽ là bằng chứng cho các mật vụ của Đức kết tội ông và các đồng nghiệp. Nguy hiểm hơn, học viện của Bohr từ lâu đã được chú ý và nghi ngờ là nơi che dấu cho các nhà khoa học gốc Do Thái trước đó. Do đó, hiển nhiên là phía Đức quốc xã lẫn chính Bohr đều biết rằng ông là mục tiêu khám xét. Khi đó, ông không còn nhiều thời gian để có bất cứ một ý tưởng đột phá nào nữa.

“Tôi quyết định sẽ hòa tan chúng”

May thay, ông có một cộng sự thông minh – nhà hóa học người Hungary mang tên Georgy de Hevesy (người sau này đạt giải Nobel hóa học năm 1943) đang làm việc trong phòng thí nghiệm của Bohr. Sau này ông hồi tưởng lại rằng: “Tôi đề nghị rằng chúng ta nên đem chôn các tấm huy chương nhưng Bohr không đồng ý bởi người Đức sẽ đào dưới đất, trong vườn và mọi ngóc ngách trong tòa nhà để tìm kiếm. Quá nguy hiểm.”

Do đó suy nghĩ của Hevesy được chuyển hướng sang hóa học – thứ mà ông cho là sẽ làm cho 2 chiếc huy chương biến mất. Ông kể lại rằng: “Tôi quyết định sẽ hòa tan chúng. Trong khi quân xâm lược đang diễu hành trên đường phố Copenhagen thì tôi đang bận hòa tan chiếc huy chương của Laue và của James Frank.” Tuy nhiên rõ ràng đây chưa phải là một giải pháp cho tình huống khẩn cấp bởi như ta vẫn biết, vàng là nguyên tố rất bền vững, không xỉn, khó pha trộn và không hòa tan trong bất cứ thứ gì ngoại trừ một hỗn hợp đặc biệt là “nước cường toan” – hỗn hợp của 3 phần axit clohydric và 1 phần axit nitric.

Không còn giải pháp tốt hơn, Hevesy nhanh chóng lấy 2 chiếc huy chương vàng cỡ lớn đặt vào 2 bình thủy tinh…

Chân dung 2 nhà khoa học Niels Bohr và Georgy de Hevesy (Ảnh: Wikipedia)

Đó thật sự là một buổi chiều đau khổ trong cuộc đời Hevesy. Trong cuốn hồi ký, ông cho biết rằng do vàng rất trơ và khó để hòa tan, quá trình diễn ra rất chậm mà thời gian thì cứ lạnh lùng trôi qua. Tuy nhiên rồi 2 chiếc huy chương đẫn dần chuyển thành một dung dịch màu hồng phấn và cuối cùng là màu cam. Ngay khi quân Đức tới, cả 2 chiếc huy chương đã được hòa tan và hai chiếc bình cầu được giấu an toàn trên một chiếc kệ cao tại phòng thí nghiệm.

Quân phát xít rất nhanh sau đó đã tới lục soát từng ngóc ngách trong học viện của Bohr nhằm cướp bóc của cải hoặc tìm bằng chứng về hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cốc nước màu cam lại không hề được chú ý tới. Hevesy bị buộc phải tới Stockholm vào năm 1943 và sau này, khi ông trở lại phòng thí nghiệm thì những chiếc cốc vô thưởng vô phạt vẫn còn nằm yên trên kệ.

Vàng hòa tan trong nước cường toan chỉ còn là một dung dịch màu đỏ cam (Ảnh: Wikipedia)

Nhiệm vụ của Hevesy vẫn chưa xong khi mà ông còn phải đảo ngược quá trình trên. Và tất nhiên Hevesy không làm chúng ta phải thất vọng, tháng 1/1950, ông gửi lại nguyên vẹn số vàng thô tách được cho Viện hàng lâm khoa học Thụy Điển và chúng được đúc lại, giao tận tay cho 2 nhà khoa học Laue và Franck vào năm 1952.

Đây có thể coi là chiến công phi thường của Hevesy, sự am hiểm về hóa học đã giúp ông vượt qua nguy hiểm, bảo vệ được tài sản, tình bằng hữu và có thế chơi khăm phát xít Đức 1 vố đau!

Hoài Anh

Exit mobile version