Ít người biết rằng Nicolas Flammel – chủ nhân của hòn đá phù thủy nổi tiếng trong bộ truyện lừng danh Harry Potter là một nhân vật được lấy cảm hứng từ một nhà giả kim người Pháp cùng tên. Viên đá phù thủy do ông tạo ra được cho có thể biến những kim loại bình thường thành vàng cũng như điều chế thuốc trường sinh.
Ngay từ thời khắc bình minh của nền văn minh nhân loại, trường sinh bất tử đã là điều mà con người luôn mong mỏi và những nỗ lực tìm kiếm phương cách để sở hữu sự sống vô thời hạn trong cơ thể vật chất đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Với các nhà giả kim thuật, giải pháp được đưa ra là bằng mọi cách tạo ra hòn đá phù thuỷ – Lapis Philosophorum, một vật chất xúc tác huyền thoại có khả năng biến kim loại bình thường thành vàng với độ tinh khiết gần như tuyệt đối.
Hòn đá phù thủy được mô tả là có màu đỏ, trong suốt giống thuỷ tinh, nặng hơn vàng, tan trong bất kì dung dịch nào, nhưng không cháy trong lửa (Ảnh: Internet)
Họ tin rằng những tính chất huyền diệu trên giúp ngăn chặn cái chết đồng thời mang lại cho người uống thuốc cuộc sống trường sinh. Trong khi đa số các nhà giả kim cho rằng phải liên tục uống liều thuốc này ở một lượng nhất định mới có thể duy trì cuộc sống vĩnh hằng của con người, một số khác khẳng định chỉ cần uống thuốc một lần là có thể vĩnh viễn bất tử.
Trong thế giới của thuật giả kim, hòn đá phù thủy thường được mô tả là có màu đỏ, trong suốt giống thuỷ tinh, nặng hơn vàng, tan trong bất kì dung dịch nào, nhưng không cháy trong lửa. Trên các thư tịch cổ, hòn đá này mang biểu tượng của một quả trứng kèm theo một con rắn. Có không ít các nhà giả kim tuyên bố đã tạo ra được hòn đá phù thuỷ đồng thời chế ra thuốc trường sinh bất tử, tuy nhiên chưa có ai chứng minh được sự thành công ngoại trừ Nicolas Flammel, một thủ thư người Pháp sống từ năm 1330 đến năm 1418 ở Paris với những câu chuyện đầy giai thoại xung quanh hòn đá này.
Chân dung Nicolas Flammel. (Ảnh: Wikipedia)
Theo lời kể, Nicolas đã tình cờ có được một cuốn sách huyền bí được viết bởi một người Do Thái tên là Abraham và đã dành cả đời mình để nghiên cứu cuốn sách này. Đó là một quyển sách huyền bí với vỏn vẹn 21 trang được viết bằng tiếng Do Thái và Hy Lạp kèm theo những hình vẽ mô tả chi tiết từng bước quá trình chế tạo ra Hòn đá phù thuỷ. Do không hiểu được nội dung cuốn sách, vào năm 1378, ông tới Tây Ban Nha tìm sự hỗ trợ dịch thuật từ một người Do Thái cải đạo sang Công giáo.
Trở về từ Tây Ban Nha, nhờ sử dụng những kiến thức có trong quyển sách, Flamel và vợ ông đã dùng đá giả kim tạo ra bạc vào năm 1382 và sau đó là vàng. Thành công giúp Nicolas nhanh chóng trở nên giàu có. Ông mở bệnh viện, nhà thờ làm rất nhiều việc từ thiện nhưng kiên quyết giữ bí mật về thành công của mình, có lẽ do lo ngại những hậu quả nó có thể mang lại.
Ngôi nhà Nicolas Flamel từng sinh sống tại Paris, Pháp (Ảnh: Internet)
Flamel sống đến năm 88 tuổi, trên bia mộ của ông có khắc các dấu hiệu giả kim thuật phức tạp và các ký hiệu. Một số người tin rằng ông đã chết ngay sau khi bia mộ được tạo ra. Nhưng có không ít lời đồn đoán ông chỉ giả chết và đã đạt được cuộc sống trường tồn.
Người ta đồn rằng, không lâu sau khi Flamel chết có một người dân muốn mua vàng tinh khiết của ông. Người này đã tìm đến nhà ông và thất vọng vì ông không còn tại thế. Không nản lòng, người đó đã đào mộ của ông lên với hi vọng cướp số vàng tuẫn táng. Ngạc nhiên thay, trong ngôi mộ đó, chẳng những không có vàng mà cũng không thấy thi thể của Nicolas đâu. Một số cho rằng đó là sự nhầm lẫn. Nhưng cũng có người cho rằng ông đã giả chết. Bằng chứng là sau năm 1418 rất lâu, vẫn thấy những quyển sách, những bản chép tay mang tên ông được rao bán trên phố.
Vào thế kỷ 18, một khách du lịch tên là Paul Lucas tuyên bố rằng ông đã gặp một số người Arab trong sa mạc và những người này cho biết họ đã gặp cặp vợ chồng nhà giả kim nổi tiếng ấy hiện vẫn còn sống.
Alexis Monteiln, trong cuốn sách “Lịch sử nước Pháp từ những vùng đất khác”, đã kể về việc tình cờ gặp được một trí tuệ thiên tài người Pháp và người này cũng kể về việc đã gặp Nicolas Flammel, không những còn sống mà vẫn tiến hành rất nhiều những nghiên cứu bí mật dưới lòng đất.
Một bức họa mang biểu tượng hòn đá phù thủy (Ảnh: Internet)
Cuối thế kỷ 20, Averroes Secundus, một người Syria cải đạo sang Công giáo, viết cuốn sách “Terra incognita Perpetua” kể về việc ông đã đến thăm hệ thống mê cung bí mật nằm dưới lòng đất Tây Ban Nha, đâu đó bên dưới cao nguyên Sierra Morena.
Ông ta cho biết có rất nhiều lối vào hệ thống mê cung đường hầm từ những toà nhà bỏ hoang và mê cung đường hầm bí ẩn này lớn đến nỗi vươn xa đến tận Castilia, Galicia, Catalunya và xứ Basque – tức là kéo dài hàng trăm km.
Mê cung được mô tả là chứa đầy báu vật của cải quá sức tưởng tượng và là nơi cư trú của cả một dòng tu. Họ được cho là đang nắm giữ những cuốn sách quý giá, những bí ẩn to lớn được canh gác bảo vệ kỹ lưỡng cẩn mật nhất cùng với đó là những gì chưa từng được phát hiện ra vẫn đang được nghiên cứu và thử nghiệm trong những cơ sở bí mật dưới lòng đất.
Averroes Secundus thậm chí tuyên bố rằng ông đã gặp Nicolas Flammel nổi danh bằng xương bằng thịt, đang sống cùng các đạo hữu của dòng tu trong mê cung. Averroes Secundus còn được nghe Nicolas Flammel nói về việc đang tiến hành những nghiên cứu biến vật chất hữu hình thành vô hình, mục đích chính là tìm ra phương thức tối ưu để bảo vệ thế giới ngầm khỏi lòng tham vô đáy của người ngoài.
Hòn đá phù thủy là nguồn cảm hứng cho phần thứ nhất của bộ truyện lừng danh Harry Potter (Ảnh: Internet)
Không dễ để biết được sự thật về những câu chuyện huyền bí này, nhưng nhiều người tin rằng một hòn đá cho phép con người có cuộc sống vĩnh hằng rất khó tồn tại. Sinh mệnh của một người vốn dĩ do thiên định dựa trên phúc phận và tâm tính.
Các ghi chép trong sử sách cho thấy những người có thọ mệnh lớn đều là người sử dụng các kỹ thuật nội đan (luyện thở và tu tâm tính) thay vì sử dụng những kỹ thuật ngoại đan (chế thuốc). Rất nhiều các bậc quân vương sử dụng các loại đan dược thậm chí mất mạng sớm do trúng độc. Bởi đơn giản, những người có tâm tính không cao nếu có cuộc sống bất tử chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả lớn cho thế giới con người.
Hoài Anh