Đại Kỷ Nguyên

Kế hoạch không tưởng: Làm mờ ánh mặt trời để ngăn chặn nóng lên toàn cầu

Các bình xịt chứa hóa chất chặn tia UV có thể sẽ được phun vào tầng bình lưu vào năm 2033 với hi vọng ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu, nhưng một số chuyên gia cảnh báo kết quả sẽ là ‘thảm khốc’.

Các nhà khoa học đang đề xuất một phương pháp chưa được chứng minh để giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách phun hóa chất làm mờ ánh nắng mặt trời vào bầu khí quyển của Trái Đất. Kỹ thuật này được gọi là phun sol khí tầng bình lưu (SAI) có thể làm giảm 1/2 tỷ lệ hâm nóng toàn cầu, Dailymail hôm 23/11 đưa tin.

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà khoa học tại đại học Harvard và Yale vừa được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters.

Các máy bay sẽ phun hóa chất sunfat vào khí quyển ở độ cao 20 km (Ảnh minh họa)

Ý tưởng này sẽ bao gồm việc phun một lượng lớn các hạt sunfat vào tầng bình lưu thấp của Trái đất ở độ cao 20 kilomet nhờ sự hỗ trợ của máy bay không người lái tầm cao, bóng bay hoặc súng hải quân cỡ lớn.

Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận rằng kỹ thuật này hoàn toàn mới dừng lại ở góc độ giả thuyết. Bởi chưa có công nghệ hoặc máy bay phù hợp với kế hoạch nhưng nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống này có thể được tạo ra trong thời gian 15 năm.

Chi phí tung ra hệ thống SAI ước tính khoảng 3,5 tỷ đô la với chi phí vận hành 2,25 tỷ đô la một năm. Nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh rằng “Chúng tôi không phải mong muốn triển khai SAI, mà chỉ đơn giản cho thấy rằng một chương trình đầy tham vọng như vậy thực sự khả thi về mặt kỹ thuật và không quá đắt tiền.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, dự án có thể phá hủy các hoạt động sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rằng sẽ có những rủi ro cực đoan với hệ thống giả thuyết và đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều quốc gia trong cả hai bán cầu.

Bên cạnh đó họ nói rằng SAI có thể gây nguy hiểm cho nông nghiệp, dẫn đến hạn hán hoặc gây ra thời tiết khắc nghiệt.

Xác một con cá voi được phát hiện trên một bờ biển Indonesia đầu tuần với 10.000 mảnh nhựa bên trong bụng (Ảnh: HuffPost)

Ngày nay, không khó để chúng ta thấy tính hai mặt của các dự án khoa học. Phát minh ra polyme đã khiến Trái đất ngập trong rác thải nhựa, các nghiên cứu về hạt nhân và phóng xa đã tạo ra thứ vũ khí đáng sợ nhất trong lịch sử, sự phát triển của thuốc trừ sâu và nhiều hợp chất hóa học đã khiến lan tràn ung thư và nhiều chứng bệnh bất trị… Khoa học thực sự không vĩ đại và tốt như nhiều người vẫn nghĩ. Cho nên với công trình ‘SAI’, sự kiểm định cần cân nhắc kĩ lưỡng nhất trước khi triển khai, nếu không hậu quả sẽ không thể lường được.

Hoài Anh

Exit mobile version