Đại Kỷ Nguyên

Khám phá ‘7 thói quen của người thành đạt’. Thói quen 1: Luôn chủ động

Khám phá '7 thói quen của người thành đạt'. Thói quen 1: Luôn chủ động

(Ảnh: Lazada)

7 thói quen hiệu quả (hay 7 thói quen của những người thành đạt) của tiến sĩ Stephen R. Covey là một cuốn sách nhằm cải thiện bản thân. Cuốn sách được viết dựa trên niềm tin của Covey cho rằng cách thức chúng ta nhìn thế giới hoàn toàn dựa trên nhận thức của chính chúng ta. Do đó, để thay đổi một tình huống nhất định theo chiều hướng tích cực, chúng ta phải thay đổi chính mình, và để thay đổi chính mình, chúng ta phải có thể thay đổi nhận thức của bản thân, theo Hubspot.

7 thói quen thành đạt (ảnh: Bill Gates School).

Người thành đạt thường có những thói quen nào?

Cuốn sách mở đầu bằng một thực tế rằng có rất nhiều người đã đạt được một mức độ thành công rất cao ngoài kia vẫn cảm thấy mình phải vật lộn với nhu cầu tăng cường mức độ làm việc hiệu quả của cá nhân và phát triển các mối quan hệ lành mạnh với người khác.

Covey tin rằng cách thức chúng ta nhìn thế giới hoàn toàn dựa trên nhận thức của chính chúng ta. Do đó để thay đổi một tình huống nhất định, chúng ta phải thay đổi bản thân, và để thay đổi bản thân, chúng ta phải có thể thay đổi nhận thức chính mình.

Thông qua việc nghiên cứu những tài liệu về khái niệm “thành công” trải dài hơn 200 năm, Covey đã xác định được một sự thay đổi rất quan trọng trong cách thức con người định nghĩa thành công qua thời gian.

Những thống kê về cuốn sách “7 thói quen hiệu quả”

  1. “The 7 Habits of Highly Effective People / 7 Thói quen hiệu quả” đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ, với 30 triệu bản in và 1 triệu bản audio, trở thành cuốn sách về quản trị bán chạy nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
  2. Sau khi đọc cuốn sách “7 Habits” hai lần, Tổng thống Bill Clinton đã mời tác giả Stephen R. Covey đến Trại David để giảng về “7 Habits” cho ông và đội ngũ nhân viên Nhà Trắng. Stephen R. Covey cũng đã giảng “7 Habits” cho 50 nguyên thủ quốc gia cùng nhiều thành viên nội các của họ.
  3. Giải pháp đào tạo “7 Habits” đã giúp phát triển lãnh đạo và kiến tạo văn hóa cho hàng trăm triệu người ở 167 quốc gia trên thế giới. Hiện có hơn 90 tập đoàn trong “Top Fortune 100” và 75% tập đoàn trong “Top Fortune 500” đã chọn giải pháp “7 Habits” để phát triển lãnh đạo và đội ngũ của mình.
  4. Không chỉ được phổ biến mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu, giải pháp đào tạo “7 Habits” cũng đã được chào đón nồng nhiệt ở châu Á. Chỉ riêng ở Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 20.000 người tham dự chương trình này và tác phẩm kinh điển “7 Thói quen hiệu quả” đến nay đã được phát hành hơn 1 triệu bản.
  5. Mang trong mình những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn về tính hiệu quả, “7 Habits” đã trở thành một kiệt tác trong lĩnh vực đào tạo của thế giới và là chương trình đào tạo doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, và “cha đẻ” của “7 Habits” đã được Tạp chí Time vinh danh là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Vào những thời điểm trước đó, nền tảng của thành công dựa trên “ đạo đức tính cách (character ethic)” (những đức tính như sự chính trực, đức khiêm tốn, lòng trung thành, sự ôn hòa, lòng can đảm, sự công bằng, sự kiên nhẫn, tính giản dị và sự biết ơn,…). Nhưng bắt đầu từ khoảng những năm 1920, cách thức mọi người định nghĩa thành công đã chuyển sang cái mà Covey gọi là “đạo đức nhân cách (personality ethic)” (trong đó thành công chủ yếu là do nhân cách, hình ảnh xã hội, thái độ và hành vi, các kỹ năng và bí quyết giúp quá trình giao tiếp giữa con người với nhau được thông suốt hơn).

Ngày này, người ta thường tìm kiếm những giải pháp nhanh chóng, tạm thời. Khi họ nhìn thấy một người, một nhóm hoặc một công ty thành công, họ sẽ hỏi: 

“Làm thế nào để bạn làm được điều này? Dạy cho tôi các kỹ thuật của bạn đi!” 

Nhưng những “phím tắt (chiêu thuật, kỹ thuật)” mà chúng ta tìm kiếm, với hy vọng tiết kiệm thời gian và công sức mà vẫn đạt được kết quả mong đợi, chỉ đơn giản là các công cụ hỗ trợ mang đến các giải pháp ngắn hạn. Chúng không giải quyết được các vấn đề căn bản đằng sau.

“Cách chúng ta nhìn nhận vấn đề chỉ là vấn đề ở bề mặt”, Covey viết. Chúng ta phải cho phép bản thân trải qua những sự thay đổi mô thức – thay đổi bản thân một cách căn bản chứ không chỉ là thay đổi thái độ và hành vi của chúng ta trên bề mặt – từ đó mới có thể đạt được sự thay đổi thực sự.

Đó là lúc 7 thói quen hiệu quả khởi tác dụng:

Trong bài viết này, chúng ta sẽ bắt đầu với thói quen thứ 1.

Thói quen 1: Luôn chủ động

Chúng ta là người chịu trách nhiệm. Chúng ta lựa chọn kịch bản cho cuộc sống của chính chúng ta. Sử dụng khả năng tự nhận thức này để chủ động và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn trong cuộc sống của mình.

Thói quen đầu tiên được Covey thảo luận là tính chủ động. Điều khác biệt giữa chúng ta (con người) so với tất cả các loài động vật khác là khả năng vốn có trong việc tự nhìn nhận lại tính cách bản thân, trong việc ra quyết định nên nhìn nhận bản thân và các tình huống của chúng ta như thế nào, cũng như trong việc kiểm soát chính sự hiệu quả của chúng ta.

Nói một cách đơn giản, để trở thành người hiệu quả, một người phải luôn chủ động.

Những người bị động thường có một tâm thế rất thụ động – họ tin rằng những sự việc ở thế giới ngoài kia đang xảy đến với họ. Họ nói những điều như:

Tôi không thể làm được gì “.

Đó là con người của tôi “.

Họ nghĩ rằng vấn đề nằm ở “ngoài kia” – nhưng chính suy nghĩ đó mới là vấn đề. Sự thụ động giờ đây đã trở thành một lời tiên tri tự hoàn thành (Self-fulfilling prophecy) [1] , và những người thụ động cảm thấy ngày càng trở thành nạn nhân và mất kiểm soát.

Tuy nhiên, những người ở thế chủ động nhận ra được một điều rằng họ nắm trong tay trách nhiệm (“responsibility”), hay “khả năng đáp ứng (response-ability,)”, được Covey định nghĩa là khả năng chọn lựa cách thức bạn sẽ phản ứng trước một kích thích hoặc tình huống nhất định.

Để có thể luôn chủ động, chúng ta phải tập trung vào Vòng tròn Ảnh hưởng (Circle of Influence) vốn nằm trong Vòng tròn Quan tâm (Circle of Concern) của mỗi người – nói cách khác, chúng ta phải tác động đến những điều chúng ta có thể thay đổi (trong Vòng tròn Ảnh hưởng).

(Ảnh: Sách “7 thói quen để thành đạt”)

Và dần dà, năng lượng tích cực mà chúng ta tạo ra sẽ khiến Vòng tròn Ảnh hưởng mở rộng ra bên ngoài.

(Ảnh: Sách “7 thói quen để thành đạt”)

Mặt khác, những người ở tâm thế bị động hoặc thụ động chỉ tập trung vào những thứ nằm trong Vòng tròn Quan tâm của họ nhưng không nằm trong Vòng tròn Ảnh hưởng, dẫn đến việc đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, phát phóng ra năng lượng tiêu cực, từ đó khiến Vòng tròn Ảnh hưởng của họ bị thu hẹp lại về sau.

Bài học đúc kết:

Hãy áp dụng nguyên tắc luôn chủ động bằng 2 bước sau:

  1. Bắt đầu thay thế ngôn ngữ thụ động bằng ngôn ngữ chủ động.

Thụ động = “Anh ta làm tôi phát điên lên”.

Chủ động = “Tôi có thể kiểm soát cảm xúc của chính mình”.

  1. Biến các nhiệm vụ “bị động phải làm” thành các “nhiệm vụ chủ động muốn làm”.

Chú thích:

[1] Lời tiên tri tự ứng nghiệm , Lời tiên tri tự hiện thực, Hiện thực hóa lời tiên đoán (tiếng Anh: Self-fulfilling prophecy) là một sự dự đoán, bằng một cách trực tiếp hay gián tiếp, tự biến nó thành hiện thực, đúng như lời tiên tri ban đầu, gây nên bởi sự tác động tích cực giữa niềm tin và hành động.

Nói cách khác, một lời tiên đoán tích cực hay tiêu cực, một niềm tin mạnh mẽ hay một ảo tưởng – được tuyên bố là sự thực trong khi nó sai – có thể tạo nên một ảnh hưởng vừa đủ lên con người, thúc đẩy con người hành động hay là tạo động lực làm cho phản ứng/hành động của họ cuối cùng hoàn thành lời tiên đoán sai lúc đầu.

Lời tiên tri tự hoàn thành là một dạng hiệu ứng hành vi xác nhận, tức là niềm tin và kỳ vọng của con người ảnh hưởng đến hành vi của họ, rút cuộc khiến kỳ vọng đó trở thành sự thật. Ngược lại với lời tiên tri tự hoàn thành là lời tiên tri tự thất bại (Self-defeating prophecy), tự hủy hoại tiêu tán khi hành vi của người đó trở nên tiêu cực theo chiều hướng ngược lại, khiến lời tiên tri không thể hoàn thành.

(theo Wikipedia)

(Ảnh: Hubspot, trừ khi được chú thích)

Exit mobile version