Tiến sĩ Gary đã thiết lập những thí nghiệm chứng minh sự tồn tại của linh hồn. Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất của ông đã được phát sóng trong series phim tài liệu “Life Afterlife” trên kênh truyền hình HBO.
Trong khoảng thời gian làm việc tại Đại học Yale trong lĩnh vực tâm lý học và tâm thần học từ năm 1978-1988, Gary E. Schwartz nghiên cứu về mối quan hệ giữa tình yêu thương và sức khoẻ của con người. Ông vấp phải một vấn đề mà bản thân không giải thích được thấu đáo, đó là cơ chế mà các hệ thống lưu trữ thông tin. Ông cho rằng:
“Các hệ thống, bao gồm các bộ phận cấu thành, từ các nguyên tử và các hoá chất, đến các tế bào và các sinh vật, cho đến tận các hành tinh, thiên hà và toàn bộ vũ trụ, đều chia sẻ thông tin và năng lượng. Xét trên logic toán học, điều này dẫn đến kết luận rằng, không chỉ tất cả các hệ thống đều “sống” ở nhiều mức độ khác nhau, mà các thông tin này còn tiếp tục như một hệ thống năng lượng sống, phát triển sau khi cấu trúc vật lý không còn tồn tại”.
Tự nhận mình là một người ban đầu theo thuyết bất khả tri, nhưng quá trình làm việc và nghiên cứu về tâm lý và tâm thần học khiến cho Gary tin tưởng một cách lý trí và khoa học rằng Thiên Chúa thực sự tồn tại (xem phần 1 của loạt bài này). Vì vậy, ông đặt câu hỏi:
Nếu ánh sáng từ các ngôi sao đã chết có thể tồn tại qua hàng tỷ năm cho đến tận bây giờ, “nếu các gói thông tin – năng lượng về vũ trụ cổ xưa của thế giới này vẫn tồn tại trong vũ trụ ngày nay, tại sao các gói thông tin – năng lượng của chúng ta không tồn tại?
[Nếu] người ta nói rằng con người được tạo ra từ những vật chất có cùng nguồn gốc với các ngôi sao và chúng ta chia sẻ cùng một năng lượng. [Thì] nhà khoa học triết lý trong tôi tự hỏi: “Nếu thực sự có một người Hướng dẫn, Tổ chức và Thiết kế (Guiding, Organizing, Designing – G.O.D) , và vị Thiên Chúa này tạo ra ánh sáng các ngôi sao một cách vĩnh cửu, thì tại sao bà/ông/họ không cho phép các sóng điện từ cá nhân của chúng ta – thông tin và năng lượng của chúng ta – cũng tồn tại một cách vĩnh cửu?””
Gary cho biết: “Theo cách lý giải logic này, mọi thứ mà tôi biết về vật lý học và tâm lý học buộc tôi phải đưa ra giả thuyết về “các hệ thống thông tin – năng lượng sống”. Hay nói một cách quen thuộc hơn nhưng gây tranh cãi hơn, tôi gọi nó là: “các linh hồn sống””.
Việc tìm hiểu và chứng minh sự tồn tại của linh hồn con người sau khi chết luôn là một khao khát của Gary. Nhưng ông hiểu rằng quan điểm này của ông rất dễ bị các nhà khoa học dòng chính chế giễu. Sự nghiệp khoa học của ông có thể sụp đổ nếu ông dấn thân nghiên cứu về lĩnh vực này. Gary cũng không tìm được cộng sự có cùng chí hướng với ông, cho đến khi…
Gặp cộng sự
Năm 1993 Gary gặp Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Linda G. Russek. Cha của Linda – Tiến sĩ Henry I. Russek – một bác sĩ tim mạch và là một nhà khoa học nổi tiếng, ông cũng rất yêu thương con gái. Khi ông qua đời, Linda rất buồn. Nhưng cô luôn cảm nhận được rằng cha cô vẫn luôn ở bên cạnh cô, yêu thương cô như ngày còn sống. Cô rất muốn tìm hiểu xem cha cô còn “sống” ở bên đó không? Làm sao có thể kết nối và nói chuyện với ông?
Linda biết về lý thuyết “hệ thống thông tin – năng lượng sống” của Gary. Cô đề nghị Gary phát triển tiếp lý thuyết này để cô có thể kết nối với cha mình. Gary đồng ý với Linda với điều kiện việc nghiên cứu được thực hiện bí mật. Ông lo rằng nếu việc nghiên cứu của ông bị lộ ra, ông sẽ bị chế giễu hoặc mất việc.
Gary và Linda đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm mang tính khoa học chứng minh sự tồn tại của linh hồn. Các nghiên cứu này được trình bày trong cuốn sách “Những thí nghiệm sau sự sống – The Afterlife Experiments” của Gary.
Gary E. Schwartz và cuốn sách “Những thí nghiệm sau sự sống”
Series phim tài liệu “Life Afterlife” của kênh truyền hình nổi tiếng HBO vào tháng 10/1999 đã nhắc đến một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất chứng minh về sự tồn tại của linh hồn sau khi chết – được đề cập trong cuốn sách của Gary.
Thí nghiệm với HBO về sự tồn tại của linh hồn
Năm 1998, Gary nhận được cuộc điện thoại của Lisa Jackson, giám đốc sản xuất của Lucky Duck Production , đối tác của HBO – một trong những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới, đề nghị hợp tác sản xuất loạt phim tài liệu có tiêu đề “Life afterlife – cuộc sống sau khi chết” để phát sóng trên HBO.
Đối với Gary và Linda, mặc dù họ đã có những thí nghiệm nhỏ chứng minh sự tồn tại của linh hồn và trường Đại học Arizona đã chính thức đồng ý cho Gary tiến hành các nghiên cứu về vấn đề này, nhưng hai nhà khoa học vẫn rất thận trọng và lo lắng về thí nghiệm này. Họ hiểu rằng kết quả thí nghiệm, một khi đã được công bố ra công chúng, đặc biệt là qua truyền hình, thì tác động của nó trong trường hợp thí nghiệm thất bại là vô cùng rủi ro với cả hai. Chính vì vậy, Gary đã tiến hành thiết kế thí nghiệm hết sức nghiêm ngặt:
- Gary và Linda chọn 2 loại đối tượng tham gia thí nghiệm:
- Đối tượng thứ nhất được gọi là người làm mẫu (sitter), là những người đã có 6 người thân trong gia đình mất trong 10 năm trước khi thí nghiệm. 2 người làm mẫu bao gồm Patricia Price – nữ giáo viên phổ thông và Ronnie Nathanson – nữ nhân viên bán máy giặt và máy sấy quần áo trong siêu thị,
- Đối tượng thứ hai là 5 nhà ngoại cảm (medium – psychic) có khả năng nhìn và nói chuyện được với người đã chết, gồm Suzane Northrop , George Anderson , Anne Gehman , Laurie Campbell và John Edward .
- Các nhà ngoại cảm có nhiệm vụ nói chuyện, giao tiếp với linh hồn những người thân của 2 người làm mẫu, đọc ra (reading) những thông tin qua các câu hỏi hoặc lời mô tả về cảnh tượng họ thấy được về linh hồn của những người đã mất, nhằm chứng minh linh hồn thực sự tồn tại.
- Trước thí nghiệm một ngày, 2 người làm mẫu cần liệt kê các thông tin về 6 người thân đã mất mà họ hy vọng những người này có thể “ghé thăm” thí nghiệm vào một tập tài liệu đã được lên mẫu sẵn. Các tài liệu này sau đó được niêm phong và lưu trữ tại một nơi riêng biệt, không cho bất kỳ ai tiếp xúc đến.
- Để tránh việc nhà ngoại cảm nói dối, nói dựa hoặc đoán biết qua ngôn ngữ cơ thể của người làm mẫu về người đã mất, Gary yêu cầu người làm mẫu và các nhà ngoại cảm tuyệt đối không biết về nhau và không gặp nhau trước khi thí nghiệm. Trong quá trình thí nghiệm, người làm mẫu và nhà ngoại cảm ngồi song song với nhau và ngăn cách với nhau bởi một bức rèm .
- Người làm mẫu khi nghe câu chuyện được kể, hoặc nhận được các câu hỏi của nhà ngoại cảm, họ chỉ có thể trả lời đúng hoặc sai (yes or no) , không trao đổi thêm hoặc hỏi thêm hoặc cung cấp bất cứ thông tin gì. Trong toàn bộ quá trình trao đổi, họ cũng liên tục đánh giá các thông tin mà các nhà ngoại cảm đọc được ra tài liệu.
- Toàn bộ quá trình trao đổi giữa nhà ngoại cảm và người làm mẫu được ghi hình bằng camera.
- Cả người làm mẫu và nhà ngoại cảm đều đội một chiếc mũ có gắn các điện cực của điện não đồ và đeo trên tay một vòng chứa các điện cực của điện tâm đồ. Biến đổi về sóng não và tim của cả 2 đối tượng thí nghiệm trong quá trình trao đổi được Gary giám sát liên tục.
- Gary cũng yêu cầu 68 sinh viên tại Đại học Arizona đoán thông tin về những người đã mất của cả 2 người làm mẫu và thu thập để phân tích. Những người này được gọi là nhóm đối chứng trong thí nghiệm (control subjects).
Video quay cảnh thí nghiệm:
Kết quả thí nghiệm
Do thời gian thí nghiệm kéo dài, chỉ có Patricia Price được đọc thông tin về những người thân đã qua đời bởi cả 5 nhà ngoại cảm, còn Ronnie Nathanson chỉ được đọc về những người thân đã mất bởi 2 nhà ngoại cảm.
Kết quả với Patricia
- Cả 6 người thân đã qua đời của Patricia được phát hiện và đọc ra bởi tối thiểu một nhà ngoại cảm. Có 3 người thân đã qua đời của Patricia được phát hiện ra bởi cả 5 nhà ngoại cảm.
- Kết quả đọc thông tin về các linh hồn từ các nhà ngoại cảm được chia thành 6 nhóm thông tin, gồm: chữ cái đầu tiên của tên, tên, các thực tế lịch sử, mô tả về cá nhân, tính cách của cá nhân và quan điểm của họ.
- Với mỗi nhóm thông tin, Patricia được yêu cầu cho điểm trong thang từ -3 đến +3, trong đó thông tin hoàn toàn sai là -3, rất có thể sai là -2 và có thể sai là -1, có thể đúng là +1, rất có thể đúng là +2 và hoàn toàn đúng là +3. Nếu Patricia không biết, cô có thể không chấm điểm thông tin đó. Patricia đã phải chấm điểm cho hơn 600 nội dung trong hơn 10 giờ đồng hồ liên tục.
- Kết quả chấm điểm của Patricia cho thấy nội dung đọc ra bởi các nhà ngoại cảm chính xác từ 77% đến 95%. Số lượng điểm +3 (hoàn toàn chính xác) chiếm 83%.
- Gary sau đó yêu cầu nhóm đối chứng (68 sinh viên) đoán như các nhà ngoại cảm. Các sinh viên được cho xem ảnh của Patricia và họ được cho biết cô có tối thiểu 6 người thân đã mất trong 10 năm vừa qua. Sau đó họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi đúng/sai (yes/no), bao gồm các câu hỏi như: “Chồng cô ấy đã chết?”, “Con trai cô ấy đã chết?”, “Con gái cô ấy đã chết?”… Sau đó các sinh viên được hỏi một bộ các câu hỏi đặc biệt như: “Ai thích khiêu vũ?”, “Ai đã trồng hoa hồng?”, “Nguyên nhân cái chết của con cô ấy là gì?” Nhóm đối chứng này chỉ đoán đúng từ 20% đến 54%, với mức trung bình là 36%, kém hơn rất nhiều so với mức chính xác thấp nhất (+1 điểm) của các nhà ngoại cảm.
Xác suất nếu đoán mò các thông tin của Patricia sẽ là bao nhiêu?
- Cả 5 nhà ngoại cảm đều độc lập phát hiện và nói về người con trai đã mất của Patricia, không ai cho rằng cô có con gái đã mất, đây là điều chính xác. Điều này cũng giống như việc tung 10 đồng xu lên, 5 đồng xu thể hiện cho xác suất của con trai đã mất hay sống, 5 đồng xu thể hiện cho con gái đã mất hay sống. Và xác suất để 5 nhà ngoại cảm đồng thời có kết luận giống nhau là 1/210 = 1/1.024. Nghĩa là xác suất để cả 5 nhà ngoại cảm “đoán mò” rằng Patricia chỉ có con trai đã chết là 1 phần 1 nghìn. Xác suất này rất nhỏ. Khi Gary cho 68 sinh viên là nhóm đối chứng của thí nghiệm dự đoán, một nửa số sinh viên dự đoán cô có con trai đã chết, đồng thời một nửa số sinh viên cũng dự đoán cô có con gái đã chết.
- Cũng tương tự, có 3 trong số 5 nhà ngoại cảm đã đoán đúng chữ cái đầu tiên tên con trai của Patricia là chữ “M”. Có 16 chữ cái tiếng Anh có thể được sử dụng làm chữ cái đầu tiên cho tên nam giới, vậy xác suất để 3 người đồng thời đoán mò đúng chữ cái đầu của tên là 1/163 = 1/4.096.
- Như vậy xác suất để 3 nhà ngoại cảm có thể đoán mò Patricia có con trai có tên khởi đầu bằng chữ M và đã chết là 1/(1.024 x 4.096) = 1/4.194.304 (1 phần 4 triệu). Đây là xác suất cực kỳ khó xảy ra, nhưng cũng đã có 3 nhà ngoại cảm đã đọc ra thông tin có xác suất đoán mò rất nhỏ này.
- Về nguyên nhân cái chết của con trai Patricia, một nhà ngoại cảm đọc ra rằng họ nhìn thấy rất nhiều máu, một người nói cậu thanh niên chết với tiếng nổ bom và một người nói rằng cậu ấy tự bắn mình. Trong thực tế là con trai của Patricia đã tự bắn vào đầu mình để tự sát. Khi nhóm đối chứng (68 sinh viên) được yêu cầu dự đoán về nguyên nhân cái chết của con trai Patricia, dưới 10% (1/10) trong số họ dự đoán rằng người đó đã tự sát. Như vậy, xác suất để một nhà ngoại cảm đoán mò rằng cậu con trai Patricia có tên khởi đầu bằng chữ cái M, đã tự sát là 1/(1.204 x 4.096 x 3 x 10) = 1/125.829.120. Xác suất 1 phần 125 triệu này là cực kỳ cực kỳ khó xảy ra. Nhưng đã có một nhà ngoại cảm đã đọc được thông tin này, liệu có thể nói rằng họ đoán mò không?
- Ngoài ra cả 5 nhà ngoại cảm đều đọc ra rằng Patricia có một con chó đã chết. 4 trong 5 nhà ngoại cảm phát hiện ra rằng chú chó đó rất nhỏ. Ngoài ra có khoảng 9 người họ hàng khác của Patricia đã chết được các nhà ngoại cảm đọc ra.
Kết quả với Ronnie Nathanson
Vì thời gian thí nghiệm không đủ nên Ronnie chỉ làm việc với 2 nhà ngoại cảm là George Anderson và Suzane Northrop.
- Kết quả cho điểm của Ronnie cho thấy dữ liệu George đọc ra chính xác đến 90%, trong khi đó dữ liệu của Suzane chỉ chính xác ở mức 64%. Giá trị 64% có vẻ không có nghĩa gì so với 90%, nhưng so với mức độ chính xác 36% của nhóm điều khiển thì nó hoàn toàn hơn hẳn.
- Khi dữ liệu của 2 nhà ngoại cảm được xử lý và các điểm đánh giá +3 (hoàn toàn chính xác) được vẽ đồ thị cho 6 nhóm thông tin, thì có điều bất ngờ xảy ra. Ở 2 nhóm: chữ cái đầu của tên và mô tả về cá nhân, cả 2 nhà ngoại cảm đều đạt mức độ chính xác 100%.
Thí nghiệm về linh hồn này có đáng tin?
Là một nhà khoa học có uy tín, đã có hàng trăm báo cáo khoa học được đăng trên các tạp chí được bình duyệt, Gary E. Schwartz thực sự là một nhà một nhà khoa học nghiêm túc và cởi mở. Khi tiến hành các thí nghiệm về sự tồn tại của linh hồn, Gary cho biết:
“Chúng tôi đặc biệt nhận thức được sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu có trách nhiệm và sáng tạo với tính toàn vẹn tuyệt đối. Nguyên tắc chỉ đạo thiết yếu [cho các nghiên cứu] của chúng tôi có thể được thể hiện bằng một từ duy nhất, đó là phương châm của trường cũ của tôi, Harvard. Từ này luôn đúng: sự thật .”
Video chi tiết về thí nghiệm này:
(Ảnh: Tri Thức VN, trừ phi được chú thích)