Dự ngôn tốt đẹp nhất về tương lai của Trung Quốc! Hình ảnh thứ 44 trong “Thôi Bối Đồ” tiết lộ huyền cơ gì? Trung Quốc sẽ xuất hiện hoàng đế mới?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Ở những số trước chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn hình ảnh thứ 46 của “Thôi Bối Đồ”, quẻ tượng dự ngôn về một vị hoàng đế đương quyền sẽ bị những người bên cạnh âm mưu hãm hại. “Thôi Bối Đồ” được coi là cuốn sách tiên tri đệ nhất của Trung Quốc, người ta nói rằng cho đến ngày nay, mọi điều, phàm là có thể diễn giải, đều không có gì không chuẩn xác. Vậy hình ảnh thứ 46 này đối ứng là ai? Gần đây, trên Internet xuất hiện một tin đồn rằng hoàng đế Tập đương triều đã tự mình đổi vai, bắt đầu ra tay đại thanh trừng những người bên cạnh mình.
Tin đồn này còn chưa kịp ngừng, thì trên mạng lại có một tin đồn khác lan truyền, rằng nghe nói Trung Quốc sắp có thiên tử mới, “Thôi Bối Đồ” hình ảnh 44 nói rất rõ ràng rằng hoàng đế Tập sẽ không thể ngồi vững trên ngai vàng, dù có thanh trừng hay không thanh trừng thì kỳ thực cũng đều như vậy.
Hôm nay chúng ta sẽ nói về hình ảnh thứ 44 của Thôi Bối Đồ khiến hoàng đế Tập tọa vị bất an, và vị hoàng đế mới của Trung Quốc trong dự ngôn.
“Thôi Bối Đồ” hình ảnh 44
Trước tiên chúng ta hãy xem lời dự ngôn ở hình ảnh thứ 44 nói gì:
Hình ảnh thứ bốn mươi tư Đinh Mùi
Quẻ tượng: Vị Tế (未濟)
Sấm viết:
日月麗天 群陰懾服 Nhật nguyệt lệ thiên, quần âm nhiếp phục
百靈來朝 雙羽四足 Bách linh lai triều, song vũ tứ túc
Tụng viết:
中國而今有聖人 Trung Quốc nhi kim hữu Thánh nhân
雖非豪傑也周成 Tuy phi hào kiệt dã chu thành
四夷重譯稱天子 Tứ di trọng dịch xưng thiên tử
否極泰來九國春 Phủ cực thái lai cửu quốc xuân
Kim Thánh Thán, nhà bình luận văn học nổi tiếng cuối thời nhà Minh và đầu nhà Thanh, đánh giá cao hình ảnh này, cho rằng: “thử tượng nãi thánh nhân phục sinh, tứ di lai triêu chi triệu, nhất đại trị dã”, tức là hình ảnh này là dấu hiệu cho thấy sự phục sinh của Thánh nhân, các bộ tộc tứ phương đều quy phục dưới sự thống trị của ngài.
Về vị thiên tử mới này, mọi người giải thích như thế nào?
Hoàng đế mới của Trung Quốc
Trước tiên chúng ta hãy xem câu đầu tiên: “Nhật nguyệt lệ thiên, quần âm nhiếp phục”.
Một số bạn thông thạo “Kinh Dịch” cho rằng, quẻ tượng 44 là “Mùi Tế” (未濟), trên là ly hỏa (離火), dưới là khảm thủy (坎水). Chữ “ly” (離) đồng âm với chữ “ly” (麗) này, cũng được đọc là lệ, ý tứ là nhờ vào y phục mà diễm lệ. “Thoán”, một thư tịch kinh điển giải thích “Kinh Dịch” thời cổ đại, nói như sau: “Ly, Lệ dã (離,麗也). Nhật nguyệt lệ hồ thiên, bách cốc thảo mộc lệ hồ thổ, trọng minh dĩ lệ hồ chánh, nãi hóa thành thiên hạ.”
Chính là nói, nhật nguyệt dựa vào trời xanh mà trở nên lộng lẫy, thảo mộc dựa vào thổ địa mà khiến đại địa càng thêm mỹ lệ, ánh sáng dựa vào chính đạo mà càng thêm chương hiển, tuân chiếu theo quy tắc mà hành sự thì có thể giáo hóa thiên hạ bách tính.
Như vậy, từ đây có thể thấy “Nhật nguyệt lệ thiên” hẳn là chỉ một vị tân hoàng đế tuân thủ chính đạo, uy nghi chấn thiên hạ, do đó “quần âm nhiếp phục”, chính là nói bọn tiểu nhân vì sợ hãi mà khuất phục. “Quần âm” có thể lý giải là những kẻ tiểu nhân lén lút làm điều xấu, từ “nhiếp phục” (懾服) này, ý nghĩa trong từ điển chính là vì sợ hãi mà khuất phục.
Vậy chúng ta nên giải đọc câu “Bách linh lai triều, song vũ tứ túc” như thế nào?
Trong từ điển nói rằng, “bách linh” (百靈) có thể giải thích là chim bách linh, cũng có thể giải thích là các chư thần linh. Nhà thơ vĩ đại Lý Bạch từng viết trong một bia ký: “Kim chủ thượng minh thánh, hoài ư bách linh.” (trong “Thiên trường tiết sứ Ngạc Châu thứ sử vì công đức chính bi”) Khai quốc công thần triều Minh Lưu Bá Ôn cũng viết một câu thơ như thế này: “Quân bất kiến, Thiên Mục chi sơn nhị thiên nhận, thiên đế sở dĩ kí bách linh.” (trong “Quân thiên nhạc”), đại ý là núi Thiên Mục hai ngàn nhận (1 nhận tầm 6,5m), bách linh cũng mong mỏi nhìn thấy thiên đế.
Từ góc độ này mà nói, vị tân thiên tử này thật sự là đáng kinh ngạc, ngay cả thần linh cũng tới triêu bái. Vậy thì “song vũ tứ túc” này có phải là thiên xa thiên mã của các vị thần linh không? Bạn thấy đấy, thiên mã (ngựa trời) này chẳng phải có một đôi cánh và bốn chân, tức là “song vũ tứ túc” sao?
Một bạn nói rằng trí tưởng tượng của tôi thật phong phú, như thể ngựa trời phi hành trên không vậy. “Song vũ tứ túc” cũng có thể có một tầng ý nghĩa khác, chỉ ra điểm thời gian xuất hiện của vị hoàng đế mới. Vậy đó là khi nào?
Bạn thấy đấy, trong số 12 con giáp chỉ có Dậu – con gà là có một đôi cánh, sau Dậu là Tuất – con chó bốn chân. Vậy “song vũ tứ túc” này có phải tương ứng với năm Dậu và năm Tuất không? Nói gần thì là hai năm 2029, 2030, nói xa hơn thì là năm 2041, 2042, hay 2053, 2054 đều có khả năng.
Tất nhiên, đây đều là những cách giải thích của cư dân mạng. Nhưng dự ngôn mà, trước khi trở thành hiện thực, xác thực là rất nhiều cách giải thích. Giả sử tân hoàng đế sẽ xuất hiện vào năm Dậu, năm Tuất, vậy triều đại mới hay chính quyền mới này sẽ như thế nào?
“Trung Quốc nhi kim hữu Thánh nhân, Tuy phi hào kiệt dã chu thành”
Có vẻ như tân hoàng đế không chỉ là một quân vương, mà còn là một vị “Thánh nhân” giáo hóa nhân thế. Câu tiếp theo “Tuy phi hào kiệt dã chu thành”, tuy số lượng từ không nhiều, nhưng kỳ thực lại chứa đựng một lượng thông tin khổng lồ. Chúng ta hãy bóc tách nó ra.
Đầu tiên xin nói về bốn chữ “Tuy phi hào kiệt”. Từ thời cổ đại, mỗi lần cải triều hoán đại ở Trung Quốc đều thượng diễn vở kịch “binh chinh thiên hạ, vương giả trị quốc”, tuân theo pháp tắc cường giả vi anh hùng, các đế vương trong thiên hạ đều là từ trên lưng ngựa mà tới. Tuy nhiên, vị Thánh nhân thiên tử này không phải là một “hào kiệt” giống như vậy. Vậy thì triều đại này rất có khả năng là dùng phương thức hòa bình mà kiến lập nên.
Vậy đằng sau hai chữ “chu thành” là câu chuyện gì? Những bạn quen thuộc lịch sử Trung Quốc cho rằng điều này rất có thể ám chỉ Chu Thành Vương cách đây 3.000 năm, vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Chu. Khi Chu Thành Vương lên ngôi, ông đã có hai chính tích lớn nổi bật, một là nhờ chú của mình là Chu Công Đan chế định lễ nghi, phổ chế nhã nhạc, hình thành chế độ lễ nhạc. Vào thời cổ đại, con người rất coi trọng lễ nghi và âm nhạc. Bởi vì lễ trên thực tế là thiết lập trật tự xã hội, và “nhạc”, bao gồm cả khiêu vũ và âm nhạc, cũng không chỉ là một hoạt động giải trí, mà là một cách để người cổ đại giao tiếp với thần linh, ngoài ra còn có những phương thức căn bản để giao tiếp tình cảm với nhau trong các chủng loại giao tiếp xã hội. Chế độ lễ nhạc được định ra, xã hội về cơ bản liền ổn định.
Một chính tích lớn khác của Chu Thành Vương là phân phong chư hầu, tổng cộng có 71 nước chư hầu được phong thần, thực hành quản lý lỏng lẻo, dùng khái niệm hiện tại mà nói thì đại khái nó là chế độ quân chủ liên bang. Dưới thời kỳ trị vì của Chu Thành Vương và con trai Chu Khang Vương, dân chúng sống hòa thuận, thiên hạ thái bình, tương truyền hơn 40 năm không cần dùng đến hình pháp. Sử gọi đó là thời kỳ “Thành Khang chi trị”.
Đúc kết lại, từ những phân tích trên mà xét, vị hoàng đế mới sẽ dùng phương thức hòa bình để lên nắm quyền, thiết lập một quốc gia liên bang được quản lý lỏng lẻo, thiết lập lại trật tự xã hội mới, dùng chính đạo để giáo hóa nhân tâm. Đến lúc đó thiên hạ thái bình, sẽ có cảnh tượng ca vũ thanh bình.
“Tứ di trọng dịch xưng thiên tử, Phủ cực thái lai cửu quốc xuân”
Hai câu cuối cùng của dự ngôn dường như ấn chứng cho suy luận này. Từ “tứ di” trong “Tứ di trọng dịch xưng Thiên tử” thời xưa để chỉ các bộ lạc từ bốn phương, hiện tại có thể là chỉ các quốc gia xung quanh. Các quốc gia xung quanh đều cúi đầu xưng thần trước vị hoàng đế mới, đại hiển sự uy nghi của thiên triều.
Chúng ta hãy nhìn lại câu “Phủ cực thái lai cửu quốc xuân”, liệu “cửu quốc” này là chỉ sẽ có liên bang chín quốc gia trong tương lai? Trung Quốc từ trước có cửu châu, sau này có “cửu quốc”, điều đó hợp tình hợp lý. Nhưng làm thế nào để giải thích “Phủ cực thái lai”?
Phủ cực thái lai là một thành ngữ mô tả một tình huống, sau khi bại hoại đến cực điểm, rồi bật dậy từ dưới lên, dần dần chuyển tốt. Do đó vị Thánh nhân thiên tử này hẳn là một quân vương dẫn dắt Trung Quốc từ trong thời khắc âm ám nhất, từ trong khốn khổ nhất mà bước đến tân sinh, khai sáng một thời đại tốt đẹp như tranh. Bạn thấy đấy, “cửu quốc xuân”, mùa xuân của Trung Quốc chính là đang đến.
Có người nói rằng, đây là dự ngôn tốt đẹp nhất trong lịch sử gần 200 năm của “Thôi Bối Đồ”. Bạn có mong chờ vị hoàng đế mới này đến không?
Tất nhiên, một số bạn sẽ nói, mặc dù cách giải đọc này mô tả một tương lai tươi sáng, nhưng đây có phải là cách giải thích cuối cùng của dự ngôn này? Thật vậy, trước khi một dự ngôn trở thành hiện thực, luôn có tồn tại nhiều cách giải đọc, đôi khi chúng có thể sai khác nhau vạn dặm. Về hình ảnh thứ 44 của “Thôi Bối Đồ”, còn có hai phiên bản giải đọc khác đang lan truyền trên Internet, tôi xin giới thiệu với các bạn bên dưới. Tùy bạn lựa chọn cách giải đọc nào hợp tình hợp lý nhất.
Cách giải đọc thứ hai – Vĩnh Lạc đại đế?
Trước năm 2012, một trong những cách giải đọc phổ biến nhất là điều này đối ứng với Minh Thành Tổ Chu Đệ. Nhìn câu đầu tiên “Nhật nguyệt lệ thiên”, hai chữ “nhật nguyệt” 日月 hợp lại chẳng phải là chữ “Minh” 明 sao. Điều này phù hợp với phong cách nhất quán của “Thôi Bối Đồ”, dùng các chữ đơn để điểm chỉ thời gian hoặc tên nhân vật then chốt.
Ngoài ra, Chu Đệ khi còn chưa trở thành hoàng đế, ông đã được phong là Yến Vương, sau này, sau khi lên ngôi hoàng đế, ông dời đô từ Nam Kinh đến Yến Kinh, chính là Bắc Kinh ngày nay. Chữ “Yến” 燕 có một đôi cánh, bốn chấm nhỏ ở phía dưới trông giống như bốn cái chân, chẳng phải rất hình tượng sao, chính là “song vũ tứ túc”.
Tuy nhiên, một số bạn có thể hỏi, hình ảnh thứ 36 trong “Thôi Bối Đồ” đối ứng chính là Từ Hi thái hậu nhà Thanh, vậy hình ảnh thứ 44 sao lại có thể là chuyện của thời nhà Minh? Điều này bạn không biết. Kỳ thực, Thôi Bối Đồ vì dự ngôn quốc vận quá chuẩn, dẫn đến những nhà đương quyền hoảng sợ, nghe nói trong lịch sử Thôi Bối Đồ đã từng bị đảo loạn trật tự. Như vậy rất khó để nói bài thơ nào dự ngôn về triều đại nào. Bạn muốn nói hình ảnh 44 là kể về thời nhà Minh cũng không phải là không có khả năng.
Hơn nữa, Chu Đệ có thể nói là vị hoàng đế thành tựu nhất của nhà đại Minh, khai sáng thời đại “Vĩnh Lạc thịnh thế” huy hoàng nhất của Minh triều. “Vĩnh Lạc” chính là niên hiệu của Chu Đệ, và ông còn được gọi là “Vĩnh Lạc đại đế”.
Đương thời nhà Minh khí tượng thịnh vượng, dân chúng phú dụ an khang, Chu Đệ muốn chia sẻ bí quyết hạnh phúc, hy vọng bách tính trên dưới “cộng hưởng hạnh phúc thái bình”, nên đã phái Trịnh Hòa sang phương Tây mở ra con đường tơ lụa trên biển, Trần Thành đi sứ Tây Vực, mở ra con đường tơ lụa trên lục địa, đồng thời lại chinh phục Mông Cổ ở phía bắc, bình định An Nam ở phía nam, mở rộng biên cương lãnh thổ. Khi đó, nhà Minh có sự giao vãng mật thiết với rất nhiều quốc gia trên thế giới, phạm vi rộng lớn vượt qua bất kỳ triều đại nào trước đó. Cuốn “Minh sử” kể rằng, dưới thời trị vì của Minh Thành Tổ, công đức vĩ đại, bốn phương quy phục. Chẳng phải điều này rất phù hợp với câu thơ “Tứ di trọng dịch xưng Thiên tử” sao?
Nhưng có bạn lại nói, đợi một chút, tuy quốc vận thịnh vượng vào những năm Vĩnh Lạc, nhưng hoàng vị của Chu Đệ lại là tước đoạt từ tay cháu trai Kiến Văn Đế, luôn có một chút không danh chính ngôn thuận, cho nên để duy trì sự ổn định, thời gian tại vị của ông cũng có không ít chuyện chém giết trấn áp. Bạn xem, trong sách sử cũng nhận xét khách quan rằng ông đã từng hành động ngang ngược, bất cẩn và sai lầm, không thể nào che đậy được. Vậy thì, tuy ông ấy là “Thiên tử”, nhưng liệu ông ấy có xứng đáng với xưng hiệu “Thánh nhân” không?
Lại nói, trong dự ngôn còn nói rằng vị thiên tử này sẽ dẫn dắt Trung Quốc đến “phủ cực thái lai”, có thể nói là có sức mạnh xoay chuyển càn khôn trời đất. Thiên hạ của đại Minh là do cha của Chu Đệ, Chu Nguyên Chương chinh phục, Chu Đệ bất quá chỉ là một vị hoàng đế thừa hưởng thái bình, dường như không sẵn có lực lượng lớn như vậy.
Cách giải đọc thứ ba – Hoàng đế Tập?
Thời gian đã đến năm 2012, và ngày tận thế được truyền thuyết từ lâu vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, một sự kiện lớn đã phát sinh ở Trung Quốc, đó là Tập Cận Bình lên nắm quyền. Không lâu sau đó, ông đả hổ đập ruồi, đối với nhân dân mà nói, đó là một niềm vui rất lớn. Một năm sau, hoàng đế Tập cũng quyết định khởi động con đường tơ lụa, có lẽ đã lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của hoàng đế Vĩnh Lạc từ 600 năm trước. Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” nhanh chóng được triển khai, hai con đường tơ lụa trên biển và trên bộ được mở ra cùng lúc, thanh thế có vẻ rất to lớn.
Lúc này, có người đột nhiên phát hiện, này, trên đầu chữ “Tập” 習 có chữ vũ 羽, lẽ nào đó là ‘lông vũ” trong “song vũ tứ túc” (雙羽四足) ở hình ảnh 44 của “Thôi Bối Đồ”? Hơn nữa, vì nguyên do lịch sử, Tập Cận Bình đại khái không có trình độ văn hóa cao, cũng không kiến lập được công huân gì trên chiến trường, nhưng vẫn trở thành chủ tịch quốc gia. Đây chẳng phải là “Tuy phi hào kiệt dã chu thành” sao?
Những người hứng thú bèn khai quật sâu hơn, nói rằng nếu nhìn vào hai nhà lãnh đạo trước Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, mọi người gọi tắt họ là Hồ Ôn (胡溫). Một nửa chữ Hồ (胡) là chữ “Nguyệt” (月), còn giản thể của chữ Ôn là 温, trên đỉnh của nó có chữ Nhật (日). Hãy cùng xem phu nhân của ông Tập là ai? Bành Lệ Viện (彭麗媛), có chữ Lệ “麗” ở giữa. A! Là chữ “Nhật nguyệt lệ thiên”!
Lẽ nào nói, ông Tập chính là vị thánh nhân thiên tử trong dự ngôn, có thể dẫn dắt Trung Quốc thoát khỏi đông hàn, hướng tới mùa xuân?
Năm 2015, màn trình diễn của ông Tập và ông Mã đã đẩy sự kỳ vọng của mọi người lên đến đỉnh điểm. Vào ngày 7 tháng 11 năm đó, tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình đã diện kiến tại Singapore. Dù chỉ là vài câu hàn huyên, không có đối thoại thực chất, không có tuyên bố chung, nhưng đây vẫn được coi là bước đột phá có tính lịch sử. Bởi đây là cuộc hội ngộ lần đầu tiên giữa lãnh đạo tối cao hai bờ eo biển Đài Loan kể từ năm 1949, là chuyến đi phá băng sau 60 năm.
Lúc này, mọi người đột nhiên phát hiện, từ “Mã” 馬 của tổng thống Mã vừa khớp có bốn chân, cùng với chữ “Vũ” 羽 trong chữ “Tập” 習 hợp lại, chẳng phải chúng tạo thành “song vũ tứ túc” sao. Lẽ nào nói “thánh nhân thiên tử” này chính là ông Tập Cận Bình? Lẽ nào hai bờ eo biển Đài Loan thống nhất và sự quật khởi của Trung Hoa sẽ sớm thành hiện thực?
Thật không may, mọi thứ đã không phát triển như mọi người mong đợi. Tám năm đã trôi qua trong chớp mắt, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” ngày càng vấp phải sự phản đối và kháng cự của ngày càng nhiều quốc gia. Còn Đài Loan thì sao? Phía bên Trung Quốc đại lục biến thành cái gì thì mọi người đều đã thấy, thiên tai nhân họa xuất hiện thường xuyên không ngừng, kinh tế một mạch trượt dốc, oán thán trong dân càng ngày càng nhiều, nhìn chỗ nào cũng đều là một hình bóng đông hàn.
Xem ra bốn chữ “Phủ cực thái lai”, chữ “Phủ” là đi đến cực điểm, nhưng “thái” khi nào sẽ đến? Có phải trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập? Hay, như chúng tôi đã phân tích ở phần đầu, liệu một vị hoàng đế mới sẽ xuất hiện và đưa thế giới này quy chính lại không? Bạn nghĩ đó sẽ là ai?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch