Cờ vây ẩn tàng đầy sắc thái thần bí, một ván cờ có thể định sinh tử? Thần toán Lưu Bá Ôn nửa đêm mời hoàng đế đánh cờ, nguyên lai là có thâm ý, ông dùng biện pháp nào để cứu mạng Chu Nguyên Chương?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về những câu chuyện thần bí liên quan đến cờ vây.
Trong chuyên mục lần trước, chúng tôi đã kể câu chuyện về một vị độc dịch tiên sinh, người chơi cờ với chính mình, tương tự như tay trái và tay phải đấu nhau. Thật trùng hợp, tại khu vực Tây Tạng cổ xưa và thần bí của Trung Quốc, có một câu chuyện độc dịch khác thậm chí còn thần kỳ hơn.
Câu chuyện cờ vây và chú ngữ
Trước khi Phật giáo Tạng truyền phát triển, tín ngưỡng ở các khu vực Tây Tạng chủ yếu là Bổn giáo nguyên thủy. Trong kinh điển Bổn giáo truyền thuyết có một câu chuyện có liên quan đến cờ vây của tộc Tạng.
Cách đây rất lâu, một danh gia vọng tộc ở Tây Tạng sinh ra một vị dũng sĩ tên là Gia Thố (Gyatso), cha của cậu bị người ta sát hại. Khi Gia Thố lớn lên, cậu luyện tập tốt rất nhiều thế võ, lên kế hoạch phục hận sát cha. Trước khi đi, bà nội của Gia Thố lấy ra một bộ “Mật Mang”. “Mật Mang” là một từ tiếng Tây Tạng, đề cập đến cờ vây kiểu Tây Tạng. Bà nội nói: “Cháu trai, con trước khi xuất phát, nên chiêm bốc cát hung, lần này xuất chinh phục hận chính là tranh đấu. Tuân chiếu theo phong tục tổ tiên lưu lại, đánh xong ván cờ, xác định được cát hung mới có thể hành động, bằng không sẽ lãng phí thời gian, thậm chí tiêu mất tính mạng.” Tiếp lời, bà nội bảo Gia Thố một tay chấp quân trắng, tay kia chấp quân đen, đánh một ván cờ để dự trắc cát hung, nếu quân trắng thắng thì có thể viễn hành. Gia Thố làm theo lời khuyên của bà, chuyên tâm chơi cờ, còn bà nội ở bên cạnh không ngừng niệm chú ngữ. Trong quá trình đánh cờ, Gia Thố cũng đang khảo nghiệm bản thân, đảm bảo bản thân hạ cờ không thiên vị bất kỳ bên nào, tận tâm chơi tốt cho cả hai bên, đi mỗi bước đều phải căn cứ năng lực chơi cờ của mình đưa ra lựa chọn tốt nhất. Vì ở đó có những yêu cầu nghiêm ngặt: phải đảm bảo ý nghĩa dự trắc của chiêm bốc và kết quả chân thực của ván cờ này.
Bà nội không ngừng niệm chú, niệm chú… Cả hai quân cờ đen trắng thế lực đồng đều, phù hợp với hiệu quả độc dịch của cá nhân Gia Thố. Cuối cùng, quân trắng thắng quân đen trong gang tấc. Nhìn thấy kết quả, bà nội yên tâm nói: “Con có thể đi được rồi, chuyến này nhất định thành công”.
Chiểu theo quy định, quân trắng đại diện cho Gia Thố, quân đen đại diện cho đối phương. Vì quân trắng đã thắng nên kết quả của chiêm bốc cho chuyến đi của Gia Thố là tốt lành. Ngược lại, nếu quân đen thắng, thì hành động của Gia Thố lành ít dữ nhiều, hậu quả không thể lường được. Kết cục của câu chuyện dân gian này của tộc Tạng, là Gia Thố cuối cùng đã phục hận thành công.
Tất nhiên, người đương đại chúng ta không chủ trương báo thù phục hận mà không có nguyên tắc pháp lý. Nhưng đứng từ góc độ văn hóa dân gian thế giới mà xét, câu chuyện của tộc Tạng này tiết lộ rất nhiều thông tin. Chính là chơi cờ vây không chỉ có chú ngữ, mà còn có công năng chiêm bốc (bói toán). Loại hình văn hóa này trên thế giới là độc nhất vô nhị, và cho đến nay chưa phát hiện quốc gia và dân tộc nào có văn hóa chơi cờ như vậy.
Người ta nói rằng trong ngôi đền Rela Yongzhonglin của Bổn giáo nguyên thủy ở Dazhuka, thành phố Shigatse, Tây Tạng, vẫn còn một bản sao của “Mật Mang A”, được phiên dịch sang tiếng Trung là “Kinh chú ngữ Cờ Tạng”. Mặc dù nhiều người đã nghe nói về cuốn sách này, nhưng diện mục chân thật của nó vẫn chưa được triển lộ, và rào cản ngôn ngữ càng làm tăng thêm sắc thái huyền bí.
Khi nói đến chú ngữ, một số người trong tiềm thức cảm thấy rằng đây là một loại tà thuật “hại người”. Kỳ thực, điều này chủ yếu là do chịu ảnh hưởng của một số tác phẩm văn học điện ảnh quái dị đương đại. Những tác phẩm khủng bố quái dị này đã cải biên tùy tiện, chế tạo ra những câu chuyện và tình tiết tà ác bất hảo để tạo một loại hiệu quả kích thích nhân tâm, hấp dẫn người xem. Có rất nhiều tình huống trong đó là không phù hợp với văn hóa chính tín truyền thống chân thực.
Nếu có thể, đối với phong tục tập quán của tín ngưỡng văn hóa chính tín và tín ngưỡng tôn giáo chính tín, lý giải những chú ngữ đó, quý vị sẽ biết rằng “chú ngữ” tương tự như lời cầu nguyện các vị Thần, thông qua biểu đạt ngôn ngữ và giọng nói, cầu đắc sự bảo hộ của chư Thần, hoặc cầu xin sự giúp đỡ từ các bậc Giác Giả. Trong Phật giáo, bao gồm cả Phật giáo Tạng truyền, có rất nhiều chú ngữ và chú quyết với các loại công dụng khác nhau, các tín chúng thông qua việc liên tục tụng niệm chú, có thể tăng cường tu luyện, đề cao tâm tính, gia tăng tín niệm, gia trì thần lực, v.v. Chẳng hạn, như chúng ta đều biết, Phật giáo Tịnh Độ tông dùng cách niệm “A Di Đà Phật” mà tu luyện.
Nghe đến đây, một số người có thể thắc mắc, tại sao trì tụng chú ngữ lại có thể khởi tác dụng? Chúng tôi trong chuyên mục trước đây cũng đã từng chia sẻ với quý vị cách nhìn này. Kỳ thực, lực lượng tinh thần của con người là không thể đánh giá thấp. Giống như học giả người Nhật Masaru Emoto trong nghiên cứu “Nước biết câu trả lời“, đã nói với chúng ta rằng nước cảm tri tư tưởng và tình tự của con người, giống như nhân loại chúng ta. Nếu đó là một suy nghĩ xấu, nó sẽ tạo thành tổn hại cho thân tâm của chính chúng ta. Nếu đó là một suy nghĩ tốt, ý niệm có năng lượng thuần chính, thì nó sẽ có hiệu quả tốt lành và khỏe mạnh cho thân tâm chúng ta. Trong các thực nghiệm của mình, Emoto đã sử dụng các từ đối lập như “thích” và “ghét”, “hùng mạnh” và “bất lực” để xem liệu nước có biết ý nghĩa của các từ đó hay không, thể hiện ở trạng thái kết cấu của nước sau khi kết tinh.
Vì vậy, dân gian thường cho rằng, chú ngữ hay chú quyết khởi tác dụng là chính tín, khiến con người có chính niệm, có chính kiến, được Thần gia trì và trợ giúp.
Nói đến đây lại làm tôi nhớ đến một câu chuyện dân gian dân tộc Tạng khác.
Có một ngọn núi Zari ở thị trấn Kim Đông, huyện Lang, tỉnh Sơn Nam, Tây Tạng, là ngọn núi linh thiêng nổi tiếng ở khu vực Tây Tạng. Dưới chân núi có một ngôi làng, phía sau ngôi làng là một tảng đá không có quy tắc lắm, bề mặt tảng đá trơn tru và được khắc một “bàn cờ vây”, người địa phương gọi đó là “Khang Trác Mật Mang”, có nghĩa là “Bàn cờ vây Nữ Thần”. Theo truyền thuyết, nữ thần đầu sư tử thường mời ác ma đến đây chơi cờ, mỗi khi đánh cờ thì cuồng phong tứ khởi, mây đen kín trời, bàn cờ đối ứng là giao chiến kịch liệt. Vì có Bồ Tát ẩn thân bên cạnh giúp đỡ nữ thần đầu sư tử, nên lần nào nữ thần cũng có thể hàng phục được ác ma.
Trọng điểm của câu chuyện này là nhờ có trí huệ và năng lực của Thần ở tầng cao hơn gia trì cho nữ thần đầu sư tử, nữ thần mới có thể giành thắng lợi. Câu chuyện này so với câu chuyện ván cờ được gia trì bởi chú ngữ, cũng có điểm tương đồng.
Ngoảnh đầu nhìn lại, có chú ngữ khi chơi cờ, vì vậy quá trình chơi cờ cũng là một loại trạng thái tu hành. Nói cách khác, khi đánh cờ, ngoài năng lực cờ của bản thân, người chơi cờ còn có thể truy cầu Thần lực tương trợ, đây chính là cần có đạo pháp tu hành. Đương nhiên, không thể nói chơi cờ bản thân nó là tu hành tu luyện, cũng như chúng ta không thể nói ăn uống bản thân nó chính là tu hành tu luyện. Nhưng quá trình chơi cờ kỳ thực là một quá trình có thể rèn luyện tâm thái, đề cao tâm tính. Quá trình này giống như cách chúng ta thường xuyên phải đối diện với các sự tình tranh tranh đấu đấu, làm thế nào để bản thân có tâm thái đúng đắn. Thử nghĩ xem, trong Kinh Phật thường giảng đạo lý “nhẫn nhục”, đây chẳng phải là một loại biểu hiện của tu hành tâm tính sao?
Câu chuyện cờ vây và toán mệnh
Hãy quay trở lại câu chuyện về dũng sĩ Gia Thố, ngoài chú ngữ, trong đó còn đề cập đến quá trình và kết quả của ván cờ như một hình thức toán mệnh và dự trắc. Các phương pháp chiêm bốc toán mệnh ở Trung Quốc cổ đại có rất nhiều, chẳng hạn như Chu Dịch, Quy Giáp, Chiêm Tinh, Bát Tự, Thái Ất, Kỳ Môn Độn Giáp, v.v., nhưng không có ghi chép hoặc phát hiện nào về việc chơi cờ có thể chiêm bốc toán mệnh. Các quốc gia khác tựa hồ cũng không có tình huống dùng chơi cờ để bói toán như vậy. Không rõ đây có phải là một nét văn hóa đặc hữu của dân tộc Tây Tạng hay không.
Tuy nhiên, trong các ghi chép lịch sử của Trung Quốc, có một vài câu chuyện về những danh nhân chơi cờ vây, thực sự có liên quan đến toán mệnh, chúng ta hãy nói về họ từng người một.
Vào thời Nam Bắc triều, Cưu Ma La Thập là một cao tăng nổi tiếng ở Tây Vực, ông không chỉ tinh thông kinh điển Phật giáo mà còn tường tận âm dương, xem chiêm tinh, biết tất tận cát hung, lời nói ra như đinh đóng cột. Đương thời, Phù Kiên, vị quân chủ thời tiền Tần ở Trung Nguyên Trung Quốc nghe nói về một cao tăng đại đức như vậy, đương nhiên rất hâm mộ, liền phái đại tướng Lã Quang đến Vương quốc Quy Từ để chinh phục và cưỡng chế Cưu Ma La Thập mang về. Không muốn quốc phá dân vong sau chiến bại của Phù Kiên tại Phì Thủy, Lã Quang liền nắm quyền kiểm soát Lương Châu và tự xưng hoàng đế, giữ Cưu Ma La Thập bên cạnh mình. Sau đó, con trai của Lã Quang là Lã Toản kế vị ngai vàng. Vào năm thứ hai liền xuất hiện dị tượng, một con lợn nái sinh hạ lợn con ba đầu, còn có rồng bay giữa đêm xuất hiện từ trong giếng ở Đông Sương. Cưu Ma La Thập cho rằng đó là điềm báo không may, khuyên nhủ Lã Toản khắc chế bản thân, tu đức, có thể hồi ứng lời cảnh giới từ Thiên Thượng, nhưng Lã Toản không coi trọng.
Lã Toản thích chơi cờ nên đã đấu với Cưu Ma La Thập. Khi đánh cờ, Lã Toản hứng khởi liền nói: “Chặt đầu Hồ nô!”, ý tứ là chặt đầu gã nô lệ người Hồ. Lã Toản lúc này đã coi vị cao tăng như Hồ nô, xem ra trong tâm ông ta không hề kính trọng Cưu Ma La Thập. Nhưng Cưu Ma La Thập bình tĩnh nói: “Không chặt đầu Hồ Nô, Hồ Nô chặt đầu người.” Lã Toản không hiểu ý, cười cho qua chuyện. Ai ngờ, Lã Toản tại vị không quá 3 năm thì bị anh em họ Lã Long và Lã Siêu sát hại. Tên gọi hồi nhỏ của Lã Siêu chính là “Hồ Nô”, người thời đó mới kinh ngạc, bởi những lời nói tưởng như trong vô ý của Cưu Ma La Thập, lại là dự ngôn có chủ ý, tiên tri chuẩn xác về cái chết của Lã Toản.
Vào thời Đông Tấn, có một danh sĩ tên là Tạ Hoằng Vi. Ông tính cách khoan dung, rộng rãi và hào sảng, không bao giờ biểu hiện vui mừng hay tức giận quá độ. Có một lần, ông đang chơi cờ với một người bạn, người bạn đó có cục diện xấu ở phía tây nam, thế thái thua trận đã quá rõ ràng, mắt đã thấy Tạ Hoằng Vĩ có thể thắng lợi. Tình cờ một vị khách khác gần đó nhìn thấy, liền úp mở ám ngữ, nói: “Gió Tây Nam cấp sóng to, chắc sẽ có thuyền lật úp.” Người bạn nghe thấy ám ngữ, cấp bách xem lại nước cờ, sau mấy nước đi, cục diện đã được vãn hồi. Tạ Hoằng Vi nhìn thấy kết quả như vậy, đột nhiên đại nộ, ném cả bàn cờ xuống đất. Mọi người lúc đó tròn mắt sững sờ. Bởi vì, dù thế nào đi nữa, tính khí của Tạ Hoằng Vi sẽ không như vậy, nó khác với tâm hồn khoan dung rộng rãi và hào sảng của ông ấy. Một người bạn có kinh nghiệm và trí huệ nghe nói về sự cố này, nhanh chóng cảnh giới mọi người: “Chuyện này cho thấy Tạ Hoằng Vĩ đang bước vào những năm cuối đời.” Trên thực tế, điều đó ngụ ý rằng thọ mệnh của Tạ Hoằng Vĩ không còn dài. Quả nhiên, Tạ Hoằng Vĩ đã qua đời vào năm đó, khi mới có bốn mươi hai tuổi.
Chỉ cần thông qua biểu hiện nhân tâm trong một ván cờ, có thể nhìn ra manh mối, biết được thời gian tình trạng sinh tử của một người, người bạn này có thể nói là thần diệu.
Tiếp theo là những câu chuyện của một vài nhân vật cấp đại sư.
Trong những năm Hồng Vũ triều Minh, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã ban thưởng cho công thần mưu sĩ Lưu Cơ một quả “dưa vàng”, nói: “Đây là ‘trùy gõ cửa’, nếu khanh có việc gấp, có thể dùng cái này để gõ cửa tìm trẫm.” Lưu Cơ chính là Lưu Bá Ôn đại danh lẫy lừng, ông từng tham gia chiến tranh với Chu Nguyên Chương, nhiều lần dự trắc kiếp nạn của Chu Nguyên Chương, cũng giúp Chu Nguyên Chương nhiều lần tránh xa kiếp nạn. Dân gian truyền thuyết Lưu Bá Ôn cũng viết trường thi dự ngôn “Thiêu Bính Ca” để tặng Chu Nguyên Chương.
Và Chu Nguyên Chương ban tặng quả dưa vàng lần này, đây không chỉ là một món quà hậu hĩnh, mà còn thể hiện sự tín nhiệm đặc biệt của Chu Nguyên Chương đối với Lưu Bá Ôn.
Đột nhiên vào một ngày nọ, đã là nửa đêm, cửa cung vang lên tiếng gõ cửa, mở ra thì là Lưu Cơ, vì vậy lính canh theo chỉ ý của hoàng đế, cho Lưu Cơ vào cung. Chu Nguyên Chương ngạc nhiên hỏi: “Có chuyện gì vậy? Chẳng phải đã nửa đêm rồi sao?” Lưu Cơ tấu: “Thần không thể ngủ được, thần muốn chơi cờ vây với hoàng thượng.” Thế là hai người, quân thần cùng chơi cờ. Được một lúc, đột nhiên có thông báo Thái Thương đang bị cháy, hoàng đế cần phải đi gấp để chỉ đạo dập lửa. Lưu Cơ nghe vậy vội vàng ngăn Chu Nguyên Chương lại, nói: “Bệ hạ không cần vội, có thể phái nội sứ đáp xe đến trước.” Hoàng thượng nghe Lưu Cơ nói, liền đồng ý, sai một vị nội sứ đáp xe đi trước. Đợi đến khi quay lại, vị nội sứ đã bị bắn chết trong xe. Chu Nguyên Chương sửng sốt thất kinh: “Làm sao khanh biết trẫm gặp nạn, tới cứu ta?” Lưu Cơ chắp tay tấu: “Thần quan sát thiên tượng, cảm thấy có biến, liền tới đây bẩm báo hoàng thượng.”
Lưu Cơ đã tận dụng triệt để đặc điểm thích chơi cờ vây của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, và dựa vào năng lực xem thiên tượng bốc toán của bản thân, khéo léo giúp Chu Nguyên Chương thoát khỏi kiếp nạn, bảo trì triều Đại Minh, quả thực là Thần nhân.
Trong thời kỳ Tam Quốc, Quản Nhạ là một đại sư Dịch toán nổi tiếng lẫy lừng, mặc dù còn trẻ nhưng ông đã nổi tiếng với năng lực dự trắc Dịch học linh nghiệm, đã thịnh danh ở bên ngoài. Một lần, khi Quản Nhạ đến huyện Bình Nguyên, ông nhìn thấy tướng mạo của Nhan Siêu, dự đoán rằng anh ta sẽ chết trẻ. Sau khi cha của Nhan Siêu biết chuyện, ông đã cầu xin Quản Nhạ bảo cho một cách để kéo dài thọ mệnh của Nhan Siêu. Quản Nhạ cho Nhan Siêu một chỉ ý, nói: “Cậu về nhà tìm một vò rượu ngon và một cân thịt nai khô. Vào ngày Mão, dưới gốc cây dâu lớn ở phía nam cánh đồng lúa mì đã thu hoạch, có hai tiên sinh ở đó chơi cờ vây. Cậu chỉ cần rót rượu và xếp thịt ra cho họ ăn uống, ăn hết cậu lại rót thêm rượu và cho thêm thịt vào, cho đến khi hết rượu hết thịt mới dừng. Nếu họ hỏi cậu gì, cậu chỉ cần khấu đầu, không cần nói gì cả. Nhất định sẽ có người cứu cậu.”
Nhan Siêu nghe theo lời khuyên của Quản Nhạ, đến đó và thấy thực sự có hai người đang chơi cờ vây. Nhan Siêu tiếp tục làm theo hướng dẫn của Quản Nhạ, từng bước một, để hai vị tiên sinh chơi cờ ăn no uống đủ, ăn đến lúc hết không còn gì. Hai vị tiên sinh chơi cờ mới đột nhiên bừng tỉnh. Người ngồi ở phía bắc của bàn cờ nhìn Nhan Siêu và hỏi: “Tại sao ngươi vẫn ở đây?” Nhan Siêu chỉ cúi đầu. Người ngồi ở bàn cờ phía nam vội vàng ân cần nói: “Ồ, vừa rồi chúng ta đều uống rượu ăn thịt của hắn, chẳng phải có nhân tình sao?” Người ngồi phía bắc nói: “Văn thư thiên mệnh đều đã viết định.” Người ngồi phía nam nói: “Ồ, vậy ông có thể cho tôi mượn văn thư xem.” Trên văn thư viết rằng tuổi thọ của Nhan Siêu chỉ là mười chín. Người ngồi phía nam nhặt bút lên, điều chỉnh ký tự và nói với Nhan Siêu: “Ta đã cứu ngươi, ngươi có thể sống đến chín mươi tuổi.” Nhan Siêu nhanh chóng bái tạ, vui mừng trở về. Quản Nhạ nói với Nhan Siêu: “Họ thực sự đã giúp cậu rất nhiều, tôi rất vui. Cậu có biết rằng, người ngồi ở phía bắc là Bắc Đẩu Tinh Quân, vị thần quản cái chết của con người; người ngồi ở phía nam là Nam Đẩu Tinh Quân, vị thần quản sự sinh tồn của con người. Sinh tử của mỗi cá nhân phải được Nam Bắc Đẩu Tinh Quân chứng ký, khi mọi người cầu nguyện, chính là hướng về Bắc Đẩu.”
Có lẽ, không ít người đã nghe nói về câu chuyện thần thoại được ghi lại trong “Sưu Thần Ký” này. Quý vị có thể coi câu chuyện này thuộc thể loại hư cấu và tưởng tượng, nhưng nếu nhìn dưới góc độ văn hóa dân gian, chúng ta vẫn có thể nhận được nhiều cảm hứng từ chính bản thân câu chuyện.
Trước hết chúng ta biết, cổ nhân tin vào số mệnh, nên đương nhiên cũng tin vào toán mệnh, tin rằng con người có thể chiểu theo nguyên lý toán mệnh của văn hóa Thần truyền hoặc văn hóa nửa Thần mà tự suy trắc cát hung của vận mệnh, hoặc khi gặp chuyện. Vì vậy, cổ nhân đã lưu truyền rất nhiều thuật toán mệnh. Đương nhiên, những thuật toán mệnh, pháp chiêm bốc này cũng cần có căn cứ nhất định của văn hóa Thần truyền, ở đây rất khó có thể giải thích rõ ràng, có thể coi là bí ẩn chưa có lời giải, chúng ta hãy lưu lại đó và quay lại xem xét sau. Do đó, các nghiên cứu về mệnh lý học như Chu Dịch, chiêm tinh học, diện tướng, phong thủy, v.v. liền xuất hiện.
Thứ hai, mặc dù cổ nhân đều tin vào mệnh lý, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ này chính là cải mệnh – thay đổi số mệnh. Đương nhiên, điều ngoại lệ này khả năng là một nhận thức văn hóa ở cảnh giới cao. Từ câu chuyện chúng ta có thể thấy khải thị của văn hóa dân gian, người ta có biện pháp cải biến vận mệnh. Nhưng loại cải biến như vậy, tất phải thông qua tín ngưỡng và sự kiền thành đối với Thần linh, thì mới có thể có được phúc phận và phúc báo tương ứng. Câu chuyện dân gian này chính là từ góc độ ấy mà nói, chỉ bất quá là nó mang nhiều tình tiết tập tục nhân gian. Đại sư toán mệnh Quản Nhạ trong lịch sử, hoàn toàn có mức độ nhận thức này. Mặc dù vậy, Quản Nhạ cũng tự biết vận mệnh của mình, biết mình chỉ có thể sống đến 47,48 tuổi, nhưng ông cũng không cố ý cải mệnh.
Vào triều Hán, cũng có một đại sư Dịch học gọi là Kinh Phòng, ông toán mệnh cũng rất chính xác, có thể đoán được rằng bản thân bị hãm hại mà chết, nhưng ông cũng không cưỡng hóa cải mệnh, chỉ thuận ứng vận mệnh mà sống, cuối cùng vì gặp cướp mà chết.
Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa dân gian mà nói, hai vị Nam Bắc Đẩu Tinh Quân chơi cờ vây, một trắng một đen, một sinh một tử, đây chẳng phải là tượng trưng cho vòng tuần hoàn luân hồi sinh sinh tử tử bất tận của con người sao?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch