Rồng rớt từ trên trời xuống, người dân xúm vào cứu hộ long thể, 20 ngày sau thì bàng hoàng nhìn thấy một bộ xương rồng hoàn chỉnh. Người dân Nhật Bản cũng đã vô tình bắt được một con rồng thật, và di thể của nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay!
Vào ngày 28/7/1934, tại Doanh Khẩu, Liêu Ninh, có một con rồng từ trên trời rớt xuống, và nằm ngay trên đất. Theo những người chứng kiến, ngoại hình của con rồng này giống hệt hình tượng rồng trong những bức tranh. Lúc đó, con rồng tỏ ra khá yếu, đôi mắt nhắm không thể mở, đuôi cong lên, hai móng rồng duỗi ra phía trước, đau đớn quằn quại trên mặt đất…
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Hôm nay chúng tôi cùng các bạn giải đáp những bí ẩn về loài rồng nhé.
Có một tiêu bản rồng nhỏ tại chùa Thụy Long tự ở Osaka, Nhật Bản. Tiêu bản này đã kinh qua xử lý chống hoại (ướp xác), bên ngoài phủ đầy bột vàng, trên đầu rồng có sừng, râu dài quanh miệng, đôi mắt rất to, có ba móng vuốt, toàn thân phủ vảy kín, so với rồng trong các bức tranh cổ thì phi thường tương tự. Tiêu bản này chỉ dài chừng một mét, được cho là do một ngư dân đánh bắt ở vùng duyên hải vào thời Minh triều, có thể là một con rồng non chưa trưởng thành.
Có thể nào trên thế giới này chân thực có rồng như một loài động vật chăng?
Rồng trong sử sách
Trong sử sách thời cổ đại của chúng ta, những ghi chép về những sự kiện chân thực liên quan đến rồng có rất nhiều. Trước đây trong chương trình giới thiệu về cây thiết trụ tại New Delhi, chúng tôi đã từng giới thiệu câu chuyện Hoàng Đế cưỡi rồng thăng thiên, được ghi lại chi tiết trong cuốn “Sử ký” của thái sử công Tư Mã Thiên. Con thần long trong tác phẩm của Tư Mã Thiên có râu dài, thân hình khổng lồ, tính khí đôn hậu, kiên nhẫn đợi hơn 70 người trèo lên lưng ngồi xuống rồi mới thăng thiên, dù bị người ta níu râu cũng không hề tức giận, vô cùng dễ thương.
Sau tiền lệ thái sử công, bất kỳ sự xuất hiện của rồng sau này đều được coi là một đại sự kiện, và sẽ được ghi chép lại trong chính sử và biên niên sử địa phương của các triều đại khác nhau. Vào thời Minh triều, sự hiển hiện của một con rồng đã được ghi lại trong biên niên sử của huyện Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang, có pha chút sắc thái thần thoại. Đó là vào năm Vạn Lịch thứ mười sáu. Một ngày nọ, người ta thấy một chú Bạch Long khổng lồ đằng không phi vũ trên mặt biển, ánh hồng quang đẹp mắt bao quanh thân thể nó tỏa sáng nửa bầu trời, vảy rồng xòe ra, trông như chiếc áo giáp lấp lánh ngân quang. Giữa hai chiếc sừng trên đầu rồng, là một vị Thần đội vương miện vàng và mặc áo choàng tím, trông chỉ cao hơn một thước, đang giương kiếm mà đứng. Đột nhiên mặt biển cuồng phong đại tác, thiên sắc âm u, mây nước cuồn cuộn. Bạch long nhổ ra một viên long châu chói lọi, sáng như vầng trăng trung thu. Viên long châu trên bay không trung một lúc, liền bị bạch long thu hồi lại. Bạch Long sau đó cũng biến mất.
Sự kiện rồng ở đập Tam Hiệp
Trong những thập kỷ gần đây, bóng dáng của rồng dường như đang dần dần tuyệt tích. Tuy nhiên, truyền thuyết liên quan đến rồng kỳ thực vẫn không dứt đoạn, trong đó câu chuyện được lưu truyền rộng rãi nhất là chuyện rồng ở đập Tam Hiệp.
Chuyện kể rằng khi đang xây đập Tam Hiệp, một hôm, công nhân đang đào hố, bỗng có người hét lên: “Rồng, rồng, phía dưới có một con rồng lớn!” Rất nhiều người sợ hãi quay đầu bỏ chạy, nhưng vẫn có một số người can đảm ở lại. Họ thấy con rồng này có vẻ như bị thương nhẹ ở lưng, xoay tròn, nhìn nhìn họ rồi bay đi. Sau đó, có tin đồn rằng công trình đập Tam Hiệp đã quấy rầy Long Vương dưới đáy nước, khiến Long Vương nổi cơn thịnh nộ, hiện thân cảnh cáo thế nhân, nếu vẫn tiếp tục xây dựng, tương lai sẽ có tai họa.
Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức sau đó đã lên tiếng bác bỏ tin đồn, nhưng câu chuyện vẫn rần rần lan truyền trong những lúc rảnh rỗi trà dư phạn hậu của mọi người. Sau đó, một thuyết pháp về phương diện phong thủy đã được thêm vào, tin rằng sông Trường Giang là một trong hai đại thủy mạch trong năm đại long mạch ở Trung Quốc. Đập Tam Hiệp đã chém một nhát dao vào chính giữa, trảm đứt đoạn long mạch. Phong thủy cho rằng: “Long mạch thông, vận nước ắt hưng vượng; long mạch lấp, vận nước ắt suy vong.” Y học truyền thống Trung Quốc cũng giảng, “Mạch thông thì không đau, đau là mạch không thông.” Vì vậy, một số học giả nghiên cứu về phong thủy cho rằng, đập Tam Hiệp đã làm đứt đoạn long mạch, nguyên bản giữa sơn và thủy là tự điều hòa lẫn nhau, trạng thái âm dương cân bằng giờ đã bị đình chỉ, sẽ tiêu hủy khí vận phong thủy tốt, làm ảnh hưởng đến xu hướng lâu dài và sự phát triển bền vững của dân tộc Hoa Hạ.
Mặc dù không có cách nào để khảo chứng tính xác thực của câu chuyện, tuy nhiên thái độ “thà tin còn hơn không” của mọi người đã ít nhiều thuyết minh rõ vấn đề này, chính là vì công trình đập Tam Hiệp không thuận nhân tâm. Chuyên gia công trình thủy lợi nổi tiếng Hoàng Vạn Lý đã từng dự trắc 12 hậu quả thảm khốc của đập Tam Hiệp: 1. Sự sụp đổ của kè chính ở hạ lưu sông Trường Giang; 2. Trở ngại hàng vận; 3. Vấn đề di dân; 4. Vấn đề bồi lắng; 5. Suy giảm chất lượng nước; 6. Lượng phát điện không đủ; 7. Khí hậu dị thường; 8. Động đất thường xuyên; 9. Sự lây lan của bệnh sán; 10. Suy thoái hệ sinh thái; 11. Lũ lụt nghiêm trọng ở thượng du; 12. Cuối cùng đập sẽ nổ tung dưới áp lực. Cho đến nay, 11 điều đầu tiên đều đã ứng nghiệm. Liệu lời tiên tri tối hậu thứ 12 còn lại có linh nghiệm hay không, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Video rồng trên mạng
Sau cả thiên niên kỷ, với sự phát triển của Internet, các loại video khác nhau về rồng lần lượt xuất hiện.
Vào một buổi tối mùa hè năm 2007, Thượng Hải Đông phương TV đã tình cờ chụp được một hiện tượng vòi rồng – thủy long cuộn phi thường hiếm gặp trên hồ Cao Bưu ở Giang Tô. Đột nhiên, một cơn lốc xoáy cuốn lên một cột nước khổng lồ giữa hồ, thủy – thiên tương tiếp, rất ngoạn mục. Sau khi đoạn video được phát sóng, một số người xem tinh tế đã phát hiện ra, trong mây có thân ảnh tương tự như một chú rồng nhanh chóng xuyên toa, còn có thể nghe thấy tại hiện trường có người la to: “Rồng, là rồng ư? Rồng đang động, rồng động phải không?” Đoạn video này được tung lên mạng vào thời điểm đó đã thu hút rất nhiều sự chú ý.
Ba năm sau, một video khác về một con rồng ở cổ thành Tây An cũng bắt đầu lan truyền trên Internet. Đoạn video được chụp vào tối ngày 1/9/2010. Mặc dù chỉ kéo dài chưa đầy hai phút, nhưng hai thân rồng sắc trắng hiển hiện có thể thấy rõ trên bầu trời, lưỡng long đang bay vòng qua lại trên tầng mây, lúc đó không ít người dân Tây An ngưỡng vọng, có người la lên: “Rồng, Rồng!” Căn cứ theo thông tin do Cục khí tượng địa phương đưa ra, độ cao của đám mây vào đêm hôm đó khoảng 3.000 mét. Vì vậy, hai con rồng này không thể là phản xạ của một số loại ánh sáng từ trên mặt đất lên các đám mây. Tuy nhiên, đây có phải là một dạng hiện tượng khí quyển hiếm gặp, hay đó là triển hiện chân thực của rồng ở không gian khác hay không, thì rất khó để khảo chứng.
Sự kiện rồng chân thực nhất
Chúng ta vừa nói về rất nhiều con rồng trong truyền thuyết, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một sự kiện rồng chân thực có ảnh chụp và nhân chứng.
Vào ngày 28/7/1934, tại Doanh Khẩu, Liêu Ninh, có một con rồng từ trên trời rớt xuống, và nằm ngay trên đất. Theo những người chứng kiến, ngoại hình của con rồng này giống hệt hình tượng rồng trong những bức tranh. Lúc đó, con rồng tỏ ra khá yếu, đôi mắt nhắm không thể mở, đuôi cong lên, hai móng rồng duỗi ra phía trước, đau đớn quằn quại trên mặt đất. Vì ly khai khỏi nước, nên thân thể rồng càng lúc càng khô héo, có chỗ đã bắt đầu thối rữa và sinh giòi.
Người dân đương thời tin rằng rồng là điềm cát tường. Những thôn dân gần đó đã nhanh chóng đến giúp đỡ nó. Có người dùng thảm rơm làm giàn che nắng cho rồng, có người xách nước dội nước lên thân rồng để thân rồng không bị khô, họ không ngơi chăm sóc. Vài ngày sau, con rồng đột ngột biến mất một cách thần bí. Những thôn dân lương thiện đều hy vọng chú rồng an toàn trở lại thiên đình.
Tuy nhiên, chỉ hai mươi ngày sau, con rồng lại xuất hiện. Lần này, những gì mọi người nhìn thấy lần này chỉ là thi hài của con rồng, nằm trong đám lau sậy cách cửa sông Liêu Hà mười km, chỉ còn lại một bộ xương và chút thịt thối, từ xa đã có thể ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc.
Sự kiện này đã gây chấn động dư luận vào thời điểm đó. Không chỉ được ghi lại trong biên niên sử địa phương “Biên niên sử thành Doanh Khẩu”, mà tờ báo lớn khi đó là “Thịnh Kinh thời báo” còn phái người đến phỏng vấn, làm tường trình chi tiết kèm theo ảnh.
70 năm sau, vào năm 2004, ba nhân chứng đã mục kích sự việc của năm đó là Thái Thọ Khang, Hoàng Chấn Phúc và Trương Thuận Hỉ đã được giới truyền thông phỏng vấn, đã một lần nữa mô tả những gì họ nhìn thấy khi còn nhỏ.
Một phóng viên từng hỏi Thái Thọ Khang lão nhân rằng: “Lúc đó có phải là một loại huyễn cảm không, kiểu như những đám mây trông giống như rồng vậy?” Thái Thọ Khang nói: “Tuyệt đối không phải [huyễn cảm], đương thời chúng tôi đã nhìn rất phi thường rõ ràng, rằng đó là một con rồng chân thực.”
Theo hồi ức chung của một số vị lão nhân, con rồng năm đó hiện ra theo cách này: “Lúc đó trời mây mù, con rồng đó màu xám, di chuyển trong mây, di chuyển như một con rắn, so với rồng trong tranh thì y chang, đầu như một con bò đực, trên đầu có hai sừng thẳng, trên miệng có râu, có hai cái râu dài, cặp mắt to lồi ra, thân dài chừng mười thước, trên thân có vảy, bốn móng vuốt, giống như móng cá sấu hiện tại, còn cái đuôi giống như đuôi cá chép.” Các lão nhân chứng cũng cho biết, đương thời rất nhiều người chăm sóc cho rồng, do đó mọi người đều biết sự kiện. Rồng không phải là cái gì đó kỳ quái cả, chỉ là tương đối hiếm thấy mà thôi.
Giải mật thân phận chân thực của con rồng rơi ở Doanh Khẩu
Vậy con rồng này đến từ đâu, và tại sao nó lại bị rớt xuống như thế? Vào năm 2018, một loạt bài báo có tên “Lịch sử và những bí ẩn của Địa cầu mà tôi biết” do một người tu luyện có bút danh là “Đạo Minh” xuất bản đã trở nên phổ biến trên mạng. Trong số đó, bài “Văn hóa Thần truyền – Truyền thuyết về Long tộc” diễn giải câu chuyện có thật về sự tích rồng bị đọa, nghe rất đáng suy tư, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn.
Bài báo cho rằng, sự việc rồng rơi là có thật. Con rồng này nguyên là con trai thứ năm của Long Vương biển Bột Hải, phụng mệnh trấn thủ hoàng lăng nơi các hoàng đế nhà Đường là Lý Trị và Võ Tắc Thiên được hợp táng cùng nhau. Tuy nhiên, nó thường ma tính đại phát, nhiều lần vi phạm Thiên mệnh, rời đi không được phép, làm cho lưu vực sông Vị Thủy sóng gió khôn lường. Nó từng dùng pháp thuật để hủy hoại đê điều, dẫn phát lũ lụt, cuốn chìm cư dân hai bên bờ sông xuống để ăn thịt, khiến hơn 80 người mất mạng. Đồng thời, nó còn tàn hại các sinh mệnh có linh tính trong thủy tộc, hút năng lượng của họ để bổ sung pháp lực của tự thân; khống chế tâm thuật bất chính của người tu đạo, sát sinh tế tự để cúng dưỡng nó. Những việc ác hành của nó khiến Thiên giới phẫn nộ, Thiên Đế phái thiên binh thiên tướng đến bắt nghiệt long, tống giam vào Thiên lao.
Tuy nhiên, nghiệt long quỷ kế đa đoan, đã đào thoát thành công khỏi Thiên lao, lén lút đột nhập vào đan phòng trong bồng lai tiên đảo của Thái Bạch Kim Tinh, chuẩn bị lấy trộm kim đan bế thủy. Loại kim đan này có thể giúp thủy tộc có sinh mệnh trường thọ ngay cả khi ly khai khỏi giang hà hải thủy, mà pháp lực không suy giảm. Nhưng Thái Bạch Kim Tinh đã bỗng chốc hiển hiện, sau vài hiệp dùng pháp định thân đã định trụ nghiệt long. Rồi Tinh Quân quay về Thiên giới, dùng đồ long kiếm mà Thiên Đế đích thân ban cho để trừng phạt nghiệt long.
Nhưng vì xuất tâm từ bi, Tinh Quân vẫn hy vọng nghiệt long có thể hối cải, nên chỉ dùng kiếm trảm thương thân thể nó, chứ chưa lấy mạng nó. Đương thời đó chính là nghiệt long thân bị trọng thương rơi xuống Doanh Khẩu, được thôn dân thương tâm mà chăm sóc cẩn thận, sau một số ngày nghỉ ngơi, nó dần dần hồi phục vết thương, pháp lực cũng nhờ đó mà khôi phục.
Chẳng ai ngờ, nó không chỉ không nghĩ đến ăn năn hối cải, mà lại còn lại bay về phục hận. Lần này, Thái Bạch Kim Tinh không còn lưu tình nữa, dùng kiếm đâm vào cổ con ác long, và dùng thần thông để lấy long đan ra. Nghiệt long lúc đó pháp lực tiêu biến hết, hồn phách bị đả nhập địa ngục tầng thứ 18 để thụ hình. Còn thi thể của nó lại rơi xuống vùng Doanh Khẩu, chính là bộ xương mà sau này mọi người nhìn thấy.
Tại Việt Nam chúng ta, những sự tích về rồng trong sử sách cũng không hề hiếm thấy, trong đó có câu chuyện cảm động về thầy Chu Văn An và hai trò thủy thần. Trong nền văn minh Á đông, rồng dường như luôn là sứ giả qua lại giữa Thần giới và phàm giới, nơi nào có rồng, nơi đó có hơi thở của Thần. Có lẽ đây là nguyên nhân vì sao luôn có những câu chuyện về rồng được lưu truyền trong nhân gian. Bởi tại nơi sâu thẳm trái tim của chúng ta, luôn có một nơi thuộc về rồng và thế giới của Thần phía sau rồng, nên chúng ta rất hứng thú với những chuyện về rồng, rất sẵn lòng nguyện ý kể cho người khác nghe, đúng vậy không?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch