Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn về trận đồ Gia Cát Bát Quái (Phần 1)

Ảnh: Bí ẩn chưa được giải đáp - ET

Phòng đạn, ẩn thân, dễ tiến khó lùi, tại sao thôn Bát Quái của Gia Cát đại sư lại thần kỳ đến thế, có thể đánh bại chục vạn tinh binh! Bí ẩn về trận đồ bát quái của Gia Cát Lượng. 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Tương truyền, vào thời nhà Nguyên có một người đàn ông tên là Gia Cát đại sư, tinh thông phong thủy, sau khi trải qua quan trắc và tính toán tinh tâm tỉ mỉ, cuối cùng ông quyết định mang theo gia đình dời đến khu vực phía tây thành Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, gọi địa danh đó là “thôn Cao Long” và định cư tại đó. Tại sao lại gọi là “thôn Cao Long”? Ở đây ẩn ý một điển cố: Gia Cát Lượng nổi danh đình đám năm đó từng sống ở một địa phương tên là “Long Trung”, cũng chính tại Long Trung, Gia Cát Lượng đã bàn chuyện thế sự với Lưu Bị, người đã ba lần đến lều tranh sướng luận thiên hạ, nói ra “đối thoại Long Trung” nổi danh thanh sử, trong đó Gia Cát Lượng đã quy hoạch đại chiến lược “tam phân thiên hạ, liên Ngô kháng Tào” cho Lưu Bị. Gia Cát đại sư chính là hậu duệ của Gia Cát Lượng, nên ông dựa trên điển cố “Cao ngọa Long Trung” để đặt tên cho nơi ở mới của mình là “thôn Cao Long”, nơi mà bản thân ông đã lựa chọn một cách hết sức cẩn trọng. 

Là hậu duệ của Gia Cát Lượng, thôn làng do Gia Cát đại sư quy hoạch đương nhiên không bình phàm. Đầu những năm 1990, sau khi kiến ​​trúc sư cổ La Triết Văn giám định, nơi đây lấy “Ao Chuông” hình cá âm dương làm trung tâm, 8 con hẻm chính cấu thành quy hoạch 8 phương vị, nhà dân và các con hẻm ngang dọc giao cắt nhau, hình thành một bố cục uẩn hàm cửu cung bát quái. Những con hẻm này ngang dọc thông nhau, nhưng một số nơi tưởng thông mà không thông, nếu người ngoài hoặc kẻ trộm lạc bước vào trong đó, thường là dễ vào khó ra, mê lạc phương hướng.

Nếu bạn hỏi, người dân địa phương sẽ vui vẻ kể cho bạn nghe một số câu chuyện kỳ lạ về công năng phòng ngự độc đáo của thôn trang này. Ví dụ, trong thời gian chiến tranh Bắc phạt năm 1925, bộ đội của Quân Cách mạng Quốc dân miền Nam Tiêu Kình Quang và bộ đội của quân phiệt Tôn Truyền Phương đã chiến đấu ác liệt trong ba ngày gần thôn Gia Cát, tuy nhiên không một viên đạn hay quả đạn nào rơi vào thôn, cả thôn an bình vô tổn. Còn có, trong kháng chiến chống Nhật, một nhóm quân Nhật đi ngang qua đại lộ Cao Long Cương bên ngoài thôn, nhưng họ lại không hề phát hiện ra thôn trang này.

Trải qua hàng trăm năm, thôn Cao Long đã từng bước phát triển thành một ngôi làng khổng lồ với hàng ngàn nhân khẩu, với ngày càng nhiều nhà cửa kiến trúc, nhưng không ai phá vỡ được bố cục cửu cung bát quái đương sơ của thôn Cao Long.

Sau đó, thôn dân chỉ đơn giản đổi tên “thôn Cao Long” thành “thôn Gia Cát Bát Quái”. Kể từ đó, thôn Bát Quái do con cháu Gia Cát xây dựng đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, thu hút vô số khách du lịch.

Vậy dựa trên cơ sở nào mà Gia Cát đại sư đã tạo ra thôn Bát Quái thần kỳ? Thôn dân tin rằng bố cục kiến ​​trúc của ngôi làng này hẳn là bắt nguồn từ “Bát trận đồ” của Gia Cát Lượng. Tương truyền, vào thời đại Tam Quốc, Gia Cát Lượng từng lấy binh pháp Bát trận đồ để kháng ngự hai nước Ngụy và Ngô, từ đó danh truyền khắp thiên hạ.

Bát trận đồ của Gia Cát Lượng thần kỳ đến mức nghe nói có thể chống chọi được trăm vạn tinh binh mà không ai có thể phá vỡ được. Vậy Bát trận đồ rốt cuộc thần kỳ như thế nào?

Nguồn gốc của Bát trận đồ

Chúng tôi đã tra lại “tiểu sử Gia Cát Lượng” trong Tam Quốc Chí, ghi chép trong đó rất đơn giản, nói: “Lượng tính trường ư xảo tư, tổn ích liên nỗ, mộc ngưu lưu mã, giai xuất kỳ ý: Suy diễn binh pháp, tác bát trận đồ, hàm đắc kỳ yếu vân”, ý tứ chính là nói, Gia Cát Lượng đã phát minh ra “liên nỏ cung” có thể bắn liên tục nhiều mũi tên, có điểm giống với súng máy nhỏ hiện tại. Ông cũng phát minh ra ngựa gỗ, trâu gỗ “mộc ngưu lưu mã” có thể hành tẩu trong vùng núi chuyên chở vật nặng; Gia Cát Lượng cũng suy diễn binh pháp, chế tác Bát trận đồ. 

Theo “tiểu sử Gia Cát Lượng”, ông đã phát minh ra liên nỏ cung và mộc ngưu lưu mã, phải chăng Bát trận đồ cũng là do Gia Cát Lượng phát minh ra? Vậy Bát trận đồ rốt cuộc trông như thế nào? “Tam Quốc Chí” không cho chúng ta đáp án cụ thể. Nó được ghi lại trong một số binh thư và các tài liệu lịch sử khác.

Ví dụ, “Nhung chính điển” trong cuốn sách lớn “Cổ kim đồ thư tập thành” thời nhà Thanh dựa trên những mô tả được thu thập từ binh thư các triều đại trước đây, tin rằng Bát trận đồ do tám loại binh pháp trận tổ hợp mà thành, chúng phân biệt là: thiên phúc trận đồ, địa tái trận đồ, phong dương trận đồ, vân thùy trận đồ, long phi trận đồ, hổ dực trận đồ, điểu tường trận đồ, xà bàn trận đồ, tổng cộng tám chủng loại trận đồ.

Tám loại trận đồ này có thể hợp tám thành một, hoặc có thể tạo thành các đội hình tác chiến độc lập, cũng có thể biến hóa theo hoàn cảnh, khiến nhiều trận đồ tổ hợp thành trận đồ lớn khác nhau tùy theo quân số, bài trí đội hình vượt xa tám tám sáu tư loại biến hóa, thao tác binh pháp hình thành càng lớn mạnh hơn, trận hình biến hóa vô cùng, chiến pháp cũng biến hóa đa đoan, số người và đơn vị đội ngũ càng nhiều, thì khả năng biến hóa càng nhiều.

Ngoài ra còn có các nhà nghiên cứu binh pháp mang Bát trận đồ độc lập đơn giản hóa thành một loại đội hình đơn độc, căn cứ theo tám phương vị của bát quái, tổ thành một loại trận đồ “du binh 24 trận” tương đối đơn giản. Loại trận pháp giản hóa này vô cùng thuận tiện cho các tiểu đội quân số nhỏ phân đội tác chiến, đồng thời cũng không làm suy yếu nguyên tắc biến hóa tương đồng với Bát trận đồ.

Dù bạn làm thế nào, thì vì Bát trận đồ chủ yếu cấu thành một đội hình binh pháp độc đáo xoay quanh số “tám”, do đó, rất nhiều người trực tiếp gọi Bát trận đồ là “Bát quái đồ”. Nếu nhìn theo ý nghĩa bề mặt thì Bát trận đồ hoàn toàn là một loại mô hình lấy Bát quái Dịch học để kiến lập đội hình binh pháp, nhưng là Bát trận đồ thì không nhất định hoàn toàn căn cứ thể hệ Bát quái Dịch học để kiến lập đội hình binh pháp. Từ danh xưng của tám loại đội hình của Bát trận đồ, chúng ta có thể cảm thụ rằng, Bát trận đồ chủ yếu dùng tám loại sự vật mang tính hình tượng để mô phỏng các trận hình binh pháp: gồm thiên, địa, phong, vân, long, hổ, điểu, xà. Sau đó, lại gia nhập các nguyên lý cơ bản “cửu cung bát quái” của Dịch học và các nguyên lý binh pháp khác để tổ thành Bát trận đồ.

Tuy nhiên, các nhà quân sự ở các thời đại, đối với nghiên cứu và giải đọc Bát trận đồ, đều có cách lý giải khác nhau. Ví dụ, trong cuốn binh thư “Đường Thái Tôn Lý Vệ công khai đối” có ghi:

Đường Thái Tông đương thời trực tiếp hỏi tướng quân Lý Tĩnh: “Bát trận thiên, địa, phong, vân, long, hổ, điểu, xà của Bát trận đồ là chuyện gì vậy?”

Lý Tĩnh trả lời: “Đây đều là ngộ nhận của hậu nhân. Cổ nhân vì để ẩn tàng binh pháp tương quan mà cố ý hư cấu bằng danh xưng của tám loại hình tượng sự vật. Bát trận đồ vốn dĩ là một trận, phân khai ra, liền thành tám loại trận pháp. Như ‘thiên’ và ‘địa’, chính là cờ hiệu lớn trong quân đội, như “phong’ và ‘vân’, chính là dấu hiệu của cờ phướn dải dài trong quân đội, chúng đều là những phù hiệu chỉ thị khác nhau. Còn long, hổ, điểu, xà bốn loại động vật là biểu thị các đơn vị quân chủng tác chiến khác nhau. Bát trận đồ chỉ là tám loại đội hình hoặc là tám loại đơn vị quân sự, con số này đã bị hư cấu mà truyền ra cho đời sau, Bát trận đồ không chỉ là con số tám, mà là biến hóa vô cùng.”

Có vẻ như trận pháp trận hình của “Bát trận đồ” rất khó có định luận, vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp ẩn tàng trong “Bát trận đồ” mà Gia Cát Lượng lưu lại cho chúng ta.

Đặc biệt là, người hiện đại thích dùng “Bát quái trận” để chỉ Bát trận đồ, chúng ta đương nhiên có thể nghĩ rằng giữa chúng khả năng có mối tương quan. Cũng chính là nói, Bát trận đồ bao hàm bên trong nguyên lý của Bát quái trận hình, hoặc là có rất nhiều quan hệ, như là, Bát trận đồ khả năng cũng có thể sử dụng nhiều nguyên lý binh pháp không có quan hệ trực tiếp đến Bát quái để biến hóa đội hình binh pháp của bản thân. Do đó, chúng tôi suy trắc giữa “Bát quái trận” và “Bát trận đồ” cũng có khả năng là danh xưng của các trận đồ binh pháp khác nhau. Về việc định nghĩa danh xưng làm sao cho chính xác, thì đây chỉ là vấn đề quan điểm. Nói cách khác, “Bát quái trận” cũng có khả năng là tên gọi khác của Bát trận đồ, những cũng có thể là một cách gọi sai.

Uy lực của Bát trận đồ

Người ta nói, Bát trận đồ biến hóa khó lường, có thể chống chọi chục vạn tinh binh, vậy có ghi chép thực chiến nào không? Có. Tướng quân Mã Long của nhà Tấn từng sử dụng uy lực của Bát trận đồ, lấy ít thắng nhiều, bình định một cuộc phản loạn lớn.

Theo ghi chép lịch sử, thủ lĩnh của người Tiên Ti là Thốc Phát Thụ Cơ ngày nay đã nổi dậy ở hành lang Hà Tây. Thốc Phát Thụ Cơ này dũng lược quyết đoán, biết vận dụng mưu trí, lợi dụng địa hình đồi núi phức tạp để tác chiến, liên tục đánh bại quân phòng thủ địa phương của nhà Tấn. Thốc Phát Thụ Cơ đặc biệt giỏi trong việc chiếm giữ các vị trí hiểm yếu và bố trí quân mai phục, những chiến thuật này khiến quân Tấn rất khó chống cự. Thốc Phát Thụ Cơ đã giết chết nhiều vị thích sử, chiếm được Lương Châu, khiến cho Tấn Vũ Đế ăn không ngon ngủ không yên.

Mã Long phụng mệnh thảo phạt, nhưng ông chỉ mang theo ba ngàn binh mã. Chiểu theo mô thức chiến pháp Bát trận đồ, ông đã tạo ra một số chiến trận độc đáo cấu thành đội hình chiến thuật tấn công và phòng thủ. Những chiến xa này, một số được gọi là “chiến xa hộp”, và một số được gọi là “thiên tương xa”, cũng được gọi là “lộc giác xa” có thể tác chiến tại các địa hình khác nhau. Thậm chí khi gặp những con đường núi hẹp, Mã Long lại thiết kế những lều gỗ trên xe để có thể vừa công vừa thủ. Sự biến hóa chiến thuật như vậy khiến quân của Thốc Phát Thụ Cơ rất khó đối phó, họ nguyên lại sử dụng chiến thuật cơ động linh hoạt, nhưng cũng không thể phá được ba ngàn binh mã của Mã Long. Còn Mã Long lại dẫn ba ngàn binh mã tiến đánh ngàn dặm, ứng đối linh hoạt, đi đến đâu cũng bất khả chiến bại.

Sau trận chiến này, mọi người lại một lần nữa ý thức được sự thần kỳ của chiến pháp “Bát trận đồ”, mọi người cũng nhận ra rằng, việc Gia Cát Lượng sử dụng binh pháp “Bát trận đồ” là một đoạn lịch sử chân thực. Người ta nói rằng Mã Long sau đó đã viết “Bát trận đồ tổng thuật”, đặt ở cuối cuốn binh pháp thư tự tuyển của Mã Long. Một số người suy đoán rằng binh pháp Bát trận đồ có thể bắt nguồn từ thời thượng cổ, do những tướng lĩnh trọng yếu được phong hầu thời đại Hoàng Đế biên tuyển.

Gia Cát Lượng qua đời vào năm 234 sau Công Nguyên, tức là năm Thanh Long thứ hai đời Tào Ngụy và năm Kiến Hưng thứ mười hai đời Thục Hán. Mà ghi chép lịch sử ghi lại rằng Mã Long sử dụng binh pháp Bát trận đồ trong khoảng thời gian từ năm 278 đến năm 279 sau Công nguyên, tức là những năm Hàm Ninh của nhà Tây Tấn. Dựa trên tính toán sơ bộ này, Mã Long đã học cách sử dụng binh pháp Bát trận đồ chưa đầy năm mươi năm sau khi Gia Cát Lượng qua đời. Vậy, làm thế nào Mã Long được luyện tập Bát trận đồ? Sư phụ của ông ấy rốt cuộc là ai? Hay đó là sự sáng tạo của riêng ông ấy? Có mối liên hệ nào giữa Bát trận đồ của Mã Long và Bát trận đồ của Gia Cát Lượng không? Đây là một bí ẩn toàn tập và không cách nào khảo chứng.

Tuy nhiên, vào năm Trinh Quán thứ bảy của nhà Đường, hoàng đế Đường Thái Tông đã đích thân biên đạo và dàn dựng “Phá trận nhạc vũ đồ”, diễn giải mới vũ đạo quy mô lớn của “Nhạc trận phá Tần vương”, đồng thời triệu tập văn võ bách quan cùng thưởng thức. Đối với nhiều người mà nói, đó có thể xem là một trận thế vũ đạo hoành tráng, nhưng tướng quân Lý Tĩnh đã có thể nhìn ra môn đạo, ông chấn động không thôi, vì sao vậy? Sau này khi Lý Tĩnh và Đường Thái Tông thảo luận về binh pháp, ông đã thuyết minh minh bạch với Đường Thái Tông rằng: âm nhạc và vũ đạo phá trận mà bệ hạ biên đạo hoàn toàn là chiểu theo bố cục của Bát trận đồ mà thao diễn ra.

Sau khi nghe những lời này, Đường Thái Tông khẽ mỉm cười nói: “Binh pháp a, khả dĩ ý thụ, bất khả ngôn truyền. Hiện tại chỉ có ngươi, ái khanh của ta, mới có thể hiểu được sự ảo diệu trong bề mặt. Điều này sẽ cho phép người đời sau biết rằng ta không phải là tùy tiện mà biên đạo ra vũ đạo này.”

Câu chuyện này được ghi lại trong cuốn binh thư “Đường Thái Tông Lý Vệ công khai đối”, nó thực sự khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên: Hóa ra Đường Thái Tông luôn tinh thông binh pháp Bát trận đồ, trong khi mà chuyên gia quân sự siêu cấp Lý Tĩnh cũng chỉ hiểu bề ngoài của nó.

Vậy làm thế nào mà Đường Thái Tông đắc được bí truyền của binh pháp Bát trận đồ? Tướng quân Lý Tĩnh nghiên cứu Bát trận đồ đã lâu nhưng chỉ biết được bề ngoài? Hai người này ai rốt cuộc mới là đại sư binh pháp chân chính? Chúng ta chú ý rằng, hoàng đế Đường Thái Tông trong những năm đầu của mình đã lập công lao to lớn trong việc kiến lập nhà Đường, đích thân trải qua hàng trăm trận chiến, khi đó liệu ông có sử dụng binh pháp Bát trận đồ không? Thực sự không tìm thấy ghi chép minh xác về điều này trong sử sách.

Sau đó, Lý Tĩnh đã dựa trên một bộ phận nguyên lý của binh pháp Bát trận đồ, cải chế trận pháp, phát minh ra “Lục hoa trận”, giúp quân đội nhà Đường thích ứng hơn với chiến pháp quân sự của các thời đại khác nhau. Cũng chính là nói, Lục hoa trận bất quá chỉ là một phiên bản sửa đổi của Bát trận đồ. Tuy nhiên, việc cải chế như vậy dường như đã che khuất binh pháp xảo diệu thực sự của Bát trận đồ.

Người ta nói rằng bộ phận lợi hại nhất của Bát Trận Đồ chính là huyễn thuật của nó, liệu huyễn thuật này có thực sự tồn tại không? Nó uy lực đến mức nào? Hãy cùng lắng nghe phân giải vào tập tới.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version