Bí ẩn về “lời nguyền” của gia tộc Kennedy, nắm giữ của cải và quyền lực nhưng hiếm khi kết thúc tốt đẹp. Vụ ám sát Tổng thống Kennedy phải chăng là thiên ý không thể cải biến?
- Toàn tập Dự ngôn của Jeane
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Hôm nay chúng ta sẽ nói về gia tộc có vận mệnh ngang trái nhất thế giới – gia tộc Kennedy. Gia tộc này vào thời Joseph Patrick “Joe” Kennedy, Sr., đã phát gia chí phú, tích lũy được một khối tài sản khổng lồ, và thế hệ con của Joseph đã bắt đầu thống trị chính trị Hoa Kỳ. Nhưng điều khiến người ta không hiểu là, bốn người con trai của lão Joseph, chỉ cần là đương kim tổng thống, hay là có ý tranh cử tổng thống, đều gặp phải bất trắc. Hơn nữa những thành viên của gia tộc này, thậm chí cả những người có quan hệ với họ, đều gặp xui xẻo. Thảo nào phương gian truyền thuyết rằng, chỉ cần là thành viên của gia tộc Kennedy, đừng hy vọng được nằm trên giường, thanh thản ly khai nhân thế lúc vãn niên. Liệu họ có thực sự có là một gia tộc bị “nguyền rủa” không?
John F. Kennedy bị ám sát — Thiên ý nan vi
Nhắc đến gia tộc Kennedy, người được biết đến nhiều nhất trên thế giới không ai khác chính là John F. Kennedy, con trai thứ hai của Joseph Sr., là Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Khi đương chức, ông có uy tín rất cao, rất có khả năng tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng ngày 22/11/1963, một vụ nổ súng ở Dallas, Texas đã khiến mọi ước mơ trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, câu chuyện của chúng ta bắt đầu 11 năm trước khi John F. Kennedy bị ám sát.
Vào một buổi sáng mưa phùn, bà Jeane L. Dixon, “nhà chiêm tinh và công năng đặc dị nổi tiếng nhất thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ, bước vào đại sảnh Giáo đường Thánh Matthew ở Washington, D.C., để đọc kinh sáng. Những ngày này, trong lòng bà luôn trào lên một cảm xúc khó tả, bà linh cảm tựa hồ như sắp có đại sự phát sinh, bản thân bà cũng sẽ bị liên lụy, là điều gì đây, bà không rõ, do đó bà đến Giáo đường để mong được Thần chỉ dẫn.
Những hình ảnh kỳ lạ xuất hiện khi bà đứng trước bức tượng Thánh mẫu Maria. Nhà Trắng của Hoa Kỳ xuất hiện trong ánh sáng chói lọi, và bầu trời phía trên Nhà Trắng xuất hiện một con số “1960”. Đột nhiên, một đám mây đen đáng ngại xuất hiện, dần dần bao phủ con số, và đổ xuống Nhà Trắng. Lúc này, Jeane quan sát kỹ thì thấy một thanh niên cao lớn, mắt xanh, tóc nâu đang lặng lẽ đứng trước cổng Nhà Trắng. Một giọng nói từ hư không nói với Jeane: Đây là một đảng viên đảng Dân chủ, người sẽ trở thành tổng thống vào năm 1960, và sẽ bị ám sát trong nhiệm kỳ của mình.
Sau đó, hình ảnh càng lúc càng mờ nhạt, dường như xuyên thấu bức tường, rồi biến mất ở phương xa. Tuy nhiên, nó luôn lưu tồn trong tâm trí của Jeane. Năm 1960, John F. Kennedy được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, Jeane biết rằng đó chính là ông ấy, ông ấy và người thanh niên mà bà nhìn thấy năm đó giống hệt nhau.
Đầu tháng 11 năm 1963, Kay Halle, bạn thân của John F. Kennedy, bất ngờ có một vị khách không mời. Bà ấy trông có vẻ nóng ruột, vừa bước vào nhà Kay, bà đã khẩn thiết nói: “Tổng thống vừa ra quyết định sẽ đi đâu đó ở phía nam. Tôi biết cô có quan hệ thân thiết với gia đình Tổng thống Kennedy, xin hãy gửi một lời nhắn đề nghị ông ấy đừng du hành lần này.” Kay còn chưa kịp phản ứng, thì vị khách đã tự mình nói tiếp: “Lâu lắm rồi, có một đám mây đen bao phủ bầu trời Nhà Trắng, đám mây càng ngày càng tụ lớn, hiện tại đang bắt đầu ụp xuống rồi. Điều này có nghĩa là thảm họa sắp xảy ra, ông ấy sẽ bị ám sát nếu rời Nhà Trắng.”
Điều này quá huyền hoặc, nếu nói ra sẽ bị coi là mất trí, Kay trong tâm không tin, chỉ chiếu lệ nói: “Nếu những chuyện này là tiền định trong mệnh thì dù chúng ta có nỗ lực thế nào cũng vô nghĩa, phải không?” Không ngờ vị khách kia không bỏ cuộc, thuyết phục cô: “Có đôi khi, dù chỉ là một cơ hội nhỏ, chỉ cần xuất hiện kịp thời, cũng có thể xoay chuyển cục diện, hóa nguy thành an, cô nhất định phải cảnh báo ông ấy!” Trước sự thỉnh cầu liên tục của vị khách, Kay hứa sẽ cố gắng hết sức, nhưng khi người khách vừa ra ngoài, cô đã quay đi và quên mất chuyện đó.
Cho đến ngày 22/11, Kay đang ăn tối với bạn bè trong một nhà hàng ở Washington thì bất ngờ bị người phục vụ gọi nghe điện thoại, giọng nói nặng nề báo cho cô biết: Tổng thống đã bị bắn. Kay sửng sốt, đồng thời nhớ đến lời dặn của vị khách không mời, cô lẩm bẩm: Jeane nói trúng rồi. Vâng, vị khách bất ngờ đó không ai khác chính là Jeane Dixon.
Chắc hẳn trong lòng Kay rất hối hận, nếu nghe theo kiến nghị của Jeane thì có lẽ John Kennedy đã không chết, và lịch sử đã được viết lại. Tuy nhiên, Jeane không nghĩ vậy. Sau này hồi ức lại sự việc, bà nói: “Bây giờ tôi nhận ra rằng, những nỗ lực của tôi lúc đó là vô nghĩa, vì cái chết của ông ấy đã được Thần khải thị bằng hình thức triển hiện cho tôi, mà sự khải thị vận mệnh bằng triển hiện là tuyệt đối không thể cải biến.”
Edward Kennedy thoát chết trong gang tấc
Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau khi John F. Kennedy bị giết, Jeane lại cảm giác bất an. Bà nói với Kay Harley, cựu thư ký chấp hành Pháp viện Tối cao Eleanor Bumgardner và nhà báo nổi tiếng Ruth Montgomery, rằng: “Bi kịch gia đình Kennedy vẫn chưa kết thúc. Tôi thấy một bi kịch khác sắp xảy ra, và nó dành cho một thành viên nam khác trong gia đình họ.” Lần này là ai, nó có thực sự xảy ra? Có những dấu hỏi trong tâm trí của mọi người.
Năm 1964, Walter Stoke, một quan chức chính phủ từng phục vụ nhiều đời tổng thống, phải nằm liệt giường vì bệnh bại liệt. Vào ngày 19/6, vợ ông, Mary, gọi điện cho Jeane và nói rằng các bác sĩ đã bất lực với Walter. Bà nói rằng nếu chồng mình chết, bà sẽ chôn cất ông ấy ở Arlington càng gần Tổng thống Kennedy càng tốt, vì Walter rất yêu quý vị tổng thống.
Nghe vậy, Jeane thở dài nói: “Mary, bi kịch của gia tộc Kennedy còn chưa kết thúc, tôi lại thấy một bi kịch khác sắp ập đến gần như ngay lập tức.” “Có phải cha của ngài Tổng thống không?”, Mary nghĩ đến Joseph Sr. người đã bị đột quỵ và liệt. “Không, không phải,” Jeane tiếp tục: “lần này là thượng nghị sĩ trẻ tuổi. Mary, nếu bà thực sự yêu quý gia đình Kennedy, xin hãy đi nói với họ rằng Edward phải tuyệt đối tránh xa phi cơ riêng trong hai tuần tới. Nếu không, có gì đó rất, rất nghiêm trọng sẽ xảy ra.”
Không ngờ, sáng hôm sau thì tin dữ đến. Mary Stoker nhìn thấy những dòng tiêu đề trên báo có nội dung: Thượng nghị sĩ Edward Kennedy bị thương nặng trong vụ tai nạn máy bay thuê rơi. Bà lao như điên đến điện thoại, gọi cho Jeane: “Jeane, thật sự có chuyện rồi! Vẫn như mọi khi, dự cảm của cô là đúng”. Tuy nhiên, Jeane chỉ im lặng lắng nghe và nói một câu: “Đây không phải dự cảm, là Thượng Đế cho tôi nhìn thấy.”
Vậy có trường hợp nào trong bi kịch gia đình Kennedy có thể cải biến được không? Jeane nói, có, Robert Kennedy đã có thể nhảy thoát hết thảy.
Robert Kennedy – Thảm họa liệu có thể tránh khỏi?
Robert Kennedy là em trai của Tổng thống John F. Kennedy và là anh trai của Edward Kennedy. Đầu tháng 6/1968, ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của đảng Dân chủ ở California, Robert bị bắn chết trong một khách sạn ở Los Angeles vào sáng ngày 5 tháng 6. Trước đó, Jeane đã dự đoán được điều gì sắp xảy ra, và đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn bi kịch này xảy ra.
8 tháng 23 ngày trước thảm kịch, Jeane tìm được người bạn tốt là James Fahey, tác giả cuốn sách “Nhật ký chiến tranh Thái Bình Dương”, cũng là bạn thân của Robert Kennedy. Jeane hy vọng rằng James sẽ sắp xếp để cô ấy gặp Robert Kennedy. Jeane khẩn thiết nói: “Tôi có một bản cuốn sách có chữ ký của tôi tặng cho ông ấy. Khi ngài đưa cuốn sách cho ông ấy, hãy nói với ông ấy rằng tôi cần gặp ông ấy, nói chuyện với ông ấy về một chuyện tối trọng đại… tôi hy vọng ông ấy sẽ hiểu.”
Tuy nhiên, khi James gặp Robert Kennedy và nói về yêu cầu của Jeane, Robert đã cư xử rất kỳ lạ. James nhớ lại rằng Robert đã quay người đi, rồi dừng lại, đầu từ từ cúi xuống, mắt dán chặt vào sàn nhà trước mặt. Sau đó là một khoảng im lặng dài, khó xử. Cuối cùng, James phá vỡ sự im lặng chết chóc của căn phòng, và lịch sự cáo từ.
Cuối năm 1967, James còn viết một bức thư cho Robert Kennedy, hy vọng ông ấy có thể gặp Jeane, gặp mặt không chính thức cũng được, nhưng lá thư này như đá trầm đáy biển, không có hồi ứng.
Ngày 4/3/1968, James và Robert Kennedy lại có cơ hội gặp nhau. James đưa cho Robert một bức tranh có họa tiết Thánh Patrick mà ông đã mua từ Boston, một mặt có hình Thánh Patrick và mặt kia có một bài thơ ba dòng. Robert Kennedy đọc bài thơ:
“Hy vọng bạn đã tiến vào thiên đường nửa giờ trước khi quỷ vương biết bạn đã chết.”
James kể lại rằng khi Robert Kennedy nhìn vào những dòng chữ, tay ông ấy run lên. Cũng giống như lần trước khi biết Jeane muốn gặp mình, Robert chỉ nhìn ông chằm chằm mà không nói gì. Một lúc sau, Robert Kennedy ngẩng đầu lên, trong mắt hiện lên vẻ bi ai cùng uất ức, tựa hồ đã biết là điều gì. Một tuần sau cuộc gặp đó, James gặp lại ông. Nhưng lần này Robert đang thông báo quyết định tranh cử tổng thống trên truyền hình.
Với việc Robert Kennedy tranh cử tổng thống, Jeane đã sớm biết rằng sẽ không thành công, thậm chí còn có kết quả tệ hơn.
Vào tháng 1 năm 1968, một cuộc họp của các cổ đông và đại diện điều lệ của ngành “Gà rán Kentucky” được tổ chức tại Bãi biển Miami, Florida. Jeane cũng đi. Có người hỏi bà: “Liệu Robert Kennedy có trở thành Tổng thống Hoa Kỳ không?” Không chút do dự, Jeane nói: “Không, ông ấy sẽ vĩnh viễn không là Tổng thống Hoa Kỳ.” Đêm đó, hơn chục người tham dự đã đến tư gia của Jeane, Frank Callahan hỏi bà: “Bà có chắc Robert Kennedy sẽ vĩnh viễn không bao giờ là tổng thống không?” “Vâng, thưa ngài Callahan. Ông ấy sẽ bị ám sát ở California vào tháng 6 này,” Jeane đáp.
Sau đó, Jeane đã nhiều lần công khai dự ngôn về cái chết của Robert Kennedy.
Vào ngày 28/5/1968, trong phòng khiêu vũ lớn của “Khách sạn Ambassador” ở Los Angeles, Jeane trả lời câu hỏi cho thính giả sau khi phát biểu tại một hội nghị. Có người hỏi liệu rằng Robert có trở thành Tổng thống Hoa Kỳ không, “Không, ông ấy sẽ không. Ông ấy sẽ vĩnh viễn không trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.” Jeane bình tĩnh trả lời, “Bởi vì một thảm án sẽ phát sinh trong khách sạn này.” Sau cuộc họp, Jeane lặp lại lời tiên tri với George Mains, một quan chức của tổ chức cựu chiến binh American Legion, và bà June Wright, mẹ vợ của Trung tướng Thống đốc Florida. June đã cố gắng liên lạc với Rose Kennedy, mẹ của Robert Kennedy, lúc đó cũng đang ở khách sạn Ambassador. Tuy nhiên, mặc dù June đã gọi ba lần và để lại lời nhắn, bà Rose Kennedy đã không chú ý đến lời nhắn điện thoại cho đến khi Robert Kennedy bị ám sát…
Khi họ bước ra khỏi phòng khiêu vũ qua hành lang nhà bếp, Jeane đột nhiên cảm thấy cái chết… nó tràn ngập khắp mọi nơi, lấp đầy hành lang với mọi thứ tà ác hắc ám. Hắc ám tuyệt đối bao quanh bà, và những âm lưu đáng sợ tiếp cận bà từ mọi hướng. Bà thu mình lùi lại, trông nhất định rất tổn thương, vì vậy George Maines gọi to: “Có chuyện gì vậy, Jeane? Có chuyện gì vậy?” Giọng nói của ông đưa Jeane trở lại thực tại. “Robert Kennedy… đây là nơi ông ấy sẽ bị bắn chết, George! Tôi thấy ông ấy nằm trên sàn, toàn thân bê bết máu…”
Về cái chết của Robert Kennedy, Jeane tin rằng kết quả là có thể đã thay đổi, vì chính con người lên kế hoạch mưu sát chứ không phải là Thần. Nhưng Jeane nói rằng, Robert Kennedy đã lựa chọn cái chết.
Gia tộc Kennedy bị nguyền rủa?
Tại sao gia tộc Kennedy bị vận hạn bao quanh? Có ba thuyết pháp khác nhau được mọi người đồn đại.
Một thuyết pháp cho rằng khi Joseph Kennedy Sr. là đại sứ Hoa Kỳ tại Anh từ năm 1937 đến năm 1940, ông đã từ chối cấp thị thực cho 500 người Do Thái sắp bị tống vào các trại tập trung tử thần của Đức Quốc Xã. Sau khi ông trở về Hoa Kỳ vào năm 1940, “lời nguyền của gia tộc Kennedy” đã bắt đầu.
Thuyết pháp thứ hai cho rằng vào năm 1937, trên đường trở về Hoa Kỳ bằng tàu, Kennedy Sr. đã gặp một mục sư người Do Thái trốn thoát khỏi nanh vuốt của Đức Quốc Xã trên cùng tàu. Kennedy đã phàn nàn với thuyền trưởng và yêu cầu thuyền trưởng cấm vị mục sư Do Thái và những người khác cầu nguyện trên tàu, kết quả là vị mục sư Do Thái đã phát lời nguyền lên tất cả những người đàn ông trong gia tộc Kennedy: họ sẽ phải chịu một số phận bi thảm.
Trong cuốn sách “Lời nguyền của Kennedy”, cũng nhắc đến thuyết pháp thứ ba: tổ bối của gia tộc này đã làm giàu bằng bất nghĩa, lạm dụng quyền lực và bị Thần trừng phạt.
Dù là thuyết pháp nào thì dường như đều đang nói với mọi người, rằng hết thảy thế gian đều là sự triển hiện của nhân quả, nhìn bề ngoài có thể có các loại nguyên nhân và nhân tố con người, nhưng về bản chất đó là thiên ý. Có lẽ cũng chính vì vậy, mới có người có thể xuyên thấu mê mờ, nhìn thấy kết quả cuối cùng của sự tình, chẳng hạn như Jeane Dixon mà chúng tôi giới thiệu trong chuyên mục này.
Trên thực tế, bản thân Jeane chính là một huyền thoại, và những câu chuyện phát sinh xung quanh bà cũng thần bí và kỳ dị như bí ẩn về gia tộc Kennedy. Trang “chanhkien.org” đã giới thiệu nhiều câu chuyện thú vị và đáng kinh ngạc của Jeane trong loạt bài viết “Nhìn vào tính chân thực của lời dự ngôn từ một nữ tiên tri nổi tiếng”. Trong các chương trình tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu cuộc bầu cử tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ, ngoài cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và Jeane đã đóng vai trò gì trong đó?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch