Duyên định ba đời có thật không? “Kiếp sau chúng ta lại làm vợ chồng nhé”, mười bốn năm sau, anh đến như ước hẹn, vì sao cô không chịu nhận anh?
Đều nói duyên ba kiếp nợ tam sinh, duyên vợ chồng kiếp này phải chăng là tiếp tục từ kiếp trước?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Hôm nay chúng ta hãy kể một vài câu chuyện luân hồi của những cặp vợ chồng tình sâu nghĩa nặng.
Họ lại được sinh ra cùng ngày
Năm 1849, tại một ngôi làng nhỏ yên bình ở Miến Điện, hai búp bê nhỏ dễ thương đã oa oa cất tiếng khóc chào đời. Bé trai tên là Maung San Nyein, và bé gái tên là Ma Gywin. Hai gia đình sống cạnh nhau nên hai đứa trẻ được nuôi nấng cùng nhau từ nhỏ. Cùng chơi cùng lớn, cùng bắt châu chấu, cùng mò tôm cá, khi vui thì cùng vui, khi buồn cùng nhau buồn.
Thời gian trôi qua thật nhanh, những tình cảm thuở ấu thơ thăng hoa thành tình yêu trong vô thức. Họ nhanh chóng kết hôn. Sau khi kết hôn, họ là cặp vợ chồng ân ái nổi tiếng trong làng, cùng nhau làm lụng trên một mảnh đất cằn cỗi. Dù đất đai cằn cỗi, không trồng được hoa màu tốt, nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn êm đềm.
Vài năm sau, chiến tranh Anh-Miến lần thứ ba nổ ra, chiến hỏa thiêu rụi ngôi làng của họ, Oksitgon. Cặp phu thê ân ái đột ngột qua đời cùng một ngày. Họ chết như thế nào, thì người kể chuyện không tiết lộ. Bởi vì đó là thời kỳ chiến loạn, hết thảy mọi người đều túng thiếu và sống đơn giản, hai vợ chồng họ được vội vàng chôn cất bên ngoài ngôi làng, rồi chuyện đó nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng câu chuyện của họ vẫn chưa kết thúc.
Vài tháng sau, Maung Kan và người vợ cùng làng sinh được một cặp con trai song sinh, rất dễ thương. Ngay sau đó, họ chuyển đến một ngôi làng nhỏ tên là Kabyu ở viễn xứ và định cư ở đó.
Cặp song sinh, một người tên là Maung Gye, người kia tên là Maung Nge, tình cảm rất tốt, chúng luôn bên nhau như hình với bóng, những lời xì xào bàn tán về chúng không ngớt. Có một ngày, người cha Maung Kan tình cờ nghe được hai con nói chuyện mới giật mình, vì hai con gọi nhau là Maung San Nyein và Ma Gywin. Đây chẳng phải là tên của đôi vợ chồng trẻ vừa qua đời trong làng sao? Sao có thể có sự trùng hợp như vậy trên thế giới?!
Miến Điện là đất nước mà toàn dân tín phụng Phật. Vợ chồng Maung Kan đã sớm nghĩ đến, hai đứa trẻ này liệu có là kiếp sau của vợ chồng Maung San Nyein và Ma Gywin không? Vài năm sau, khi tình hình chiến sự dần ổn định, họ đưa hai đứa con về quê.
Họ đoán không sai. Vừa vào làng, hai đứa trẻ đã tự mình đi về nhà cũ. Bước vào nhà, chúng cũng nhanh chóng nhận ra những bộ quần áo kiếp trước mình đã mặc. Trên đường về, Ma Thet, một người phụ nữ cùng bản, chào đón chúng. Thật bất ngờ, một trong hai đứa trẻ song sinh đã chỉ vào cô và nói: “Tôi vẫn còn nợ cô 2 rupee”.
Ma Thet sững sờ. Đứa nhỏ này đang nói cái gì vậy? Chúng ta đã từng gặp nhau chưa? Nhưng sau khi người cha Maung Kan đưa ra lời giải thích, Ma Thet mới nhớ ra. Năm đó, Ma Gywin đã mượn cô ấy 2 rupee, nhưng cô ấy chưa bao giờ trả lại.
Bằng cách này, mọi người trong làng đều biết về chuyện chuyển sinh của vợ chồng Maung San Nyein. Giai thoại này nhanh chóng đến tai Harold Fielding Hall, một quan chức cấp cao của Anh đóng quân tại Miến Điện vào thời điểm đó. Fielding Hall say mê văn hóa Phật giáo nơi đây ngay khi đến Miến Điện, đặc biệt say mê thuyết pháp về nhân quả và luân hồi. Ông quyết định đến thăm để xem chuyện gì đã xảy ra.
Cặp song sinh mới 6 tuổi khi ông gặp chúng. Đứa trẻ là người chồng Maung San Nyein ở kiếp trước thì cao lớn và khỏe mạnh, trong khi đứa trẻ là Ma Gywin ở kiếp trước tương đối gầy và nhỏ, biểu cảm và cử động của cậu bé giống con gái hơn. Chúng nói chuyện với ông về nhiều kiếp trước, cả về tình cảnh những tháng ngày sau khi chết, khi linh hồn lang thang phiêu đãng trong không trung và ẩn náu trong rừng.
Sau đó, Fielding đã giới thiệu câu chuyện về cặp vợ chồng sinh cùng ngày, chết cùng ngày, chuyển sinh thành cặp song sinh cùng ngày này đến thế giới phương Tây trong cuốn sách “Linh hồn của một dân tộc” (The Soul of a People) giới thiệu phong tục của người Miến Điện. Và câu chuyện này sau đó đã trở thành một trường hợp nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu luân hồi.
Ba kiếp vợ chồng Thiệu Sĩ Mai
Vậy, có cặp đôi nào mà kiếp sau vẫn nên duyên vợ chồng? Có. Để chúng tôi kể quý vị nghe câu chuyện về một cặp đôi làm vợ chồng ba kiếp.
Trong những năm Thuận Trị của triều Thanh, có một vị tiến sĩ tam giáp tên là Thiệu Sĩ Mai. Tuy nhiên, từ khi còn là một đứa trẻ, có một cái tên khác đã luôn lởn vởn trong đầu ông, đó là “Cao Tiểu Hòe”. Ông không biết người này là ai, có quan hệ gì với mình, chỉ biết cái tên này đã khắc sâu trong ký ức của ông, không thể xóa nhòa hay lãng quên.
Một ngày nọ khi đi công tác, ông đi ngang qua một thôn trang nhỏ tên là Cao Gia Trang, đột nhiên phát hiện phong cảnh nơi đây vô cùng quen thuộc, như thể ông vừa mới rời khỏi đây ngày hôm qua. Thiệu Sĩ Mai trong tâm ghi nhớ cái tên thần bí, liền hướng các lão nhân trong thôn, hỏi ở đây có một người tên là Cao Tiểu Hòe không? Lão nhân nói có đó, có đó, nhưng ông ấy đã qua đời nhiều năm rồi. Thiệu Sĩ Mai tiếp tục hỏi Cao Tiểu Hòe khi nào qua đời, kết quả phát hiện ngày Cao Tiểu Hòe qua đời chính là ngày sinh nhật của mình.
Khoảnh khắc đó, Thiệu Sĩ Mai chợt hiểu rằng Cao Tiểu Hòe chính là kiếp trước của mình. Và những ký ức tiền kiếp tràn về như một cửa xả lũ được mở ra. Ông nhớ rằng khi mình là Cao Tiểu Hòe, ông là lý chính của Cao Gia Trang, chính là thôn trưởng ở đây. Ông ở thôn này đã làm thôn trưởng rất nhiều năm, ái hộ cư dân, thanh liêm kỷ luật, không bao giờ hà khắc với bách tính. Có thể nói ông kiếp trước là một thôn quan tốt hiếm có.
Rồi ông sinh bệnh. Khi ông hôn mê, ông nhìn thấy hai người đàn ông mặc y phục màu xanh giống như công sai đến bên cạnh. Họ bảo ông nhắm mắt lại, rồi trong tích tắc họ lôi ông bay lên. Ông chỉ nghe thấy bên tai tiếng gió rít u u không ngừng. Một lúc sau, người mặc đồ xanh bảo ông mở mắt, ông phát hiện bản thân mình đang nằm trong một gian phòng nhỏ, có hai nữ bộc bên cạnh giúp đỡ, còn người mặc đồ xanh không thấy nữa. Ông cảm giác chân tay mình không thể điều khiển được, và thậm chí không thể nói được.
Hóa ra ông đã được chuyển sinh thành một đứa trẻ. Cuộc sống của ông với tư cách là Thiệu Sĩ Mai bắt đầu. Vì kiếp trước ông sống tốt với mọi người, và làm rất nhiều việc thiện, nên kiếp này ông sống rất thuận lợi, sinh ra trong một gia đình giàu có, được học hành tử tế từ nhỏ, đến tuổi thì kết hôn, vợ chồng yêu thương nhau, gia đình hạnh phúc mỹ mãn.
Nhưng thật đáng tiếc, vợ ông đã sớm rời đi. Trước khi chết, bà nắm tay ông, nói rằng họ sẽ là vợ chồng ba kiếp. Ở kiếp sau, bà sẽ chuyển sinh vào nhà Đổng gia ở quận Quán Đào, là nhà thứ ba ở bên sông. Vợ ông đã dự ngôn Thiệu Sĩ Mai tương lai sẽ làm quan, nhưng ông sẽ bị cách chức và sẽ sống một mình trong chùa Tiêu dịch kinh Phật. “Lúc đó hãy đến với em!” Người vợ nói xong liền nhắm mắt.
Sau khi vợ qua đời, Thiệu Sĩ Mai quả nhiên làm quan tri huyện của huyện Ngô Giang. Nhưng trước khi bị bãi quan, ông đã cáo bệnh từ quan. Sau khi trở về quê hương, ông không có gì để làm, chỉ đến thăm bạn bè ở quận Quán Đào, và sống trong một ngôi chùa gần đó. Tên của ngôi chùa là chùa Tiêu. Ngày hôm đó, khi ông đang dịch sách trong lầu Tàng Kinh, thì đột nhiên những gì vợ ông nói khi đó hiện lên trong đầu ông, Quán Đào, chùa Tiêu, lầu Tàng Kinh — tất cả đều khớp từng cái một. Lẽ nào vợ ông đã chuyển sinh ở gần đây? Thiệu Sĩ Mai vội vã bước ra bên sông, quả nhiên ở ngôi nhà thứ ba bên bờ sông đã tìm thấy cô nương nhà Đổng gia là vợ mình chuyển thế, sau này vui mừng cưới vợ về nhà.
Thật không may, hơn mười năm sau, Đổng thị vợ ông lại lâm trọng bệnh. Khi hấp hối, nàng nói kiếp sau sẽ chuyển sinh vào nhà Dương Vương gia, trụ bên bờ sông, trước cửa có hai cây liễu, dặn Thiệu Sĩ Mai lúc đó đến tìm nàng lần nữa.
Thiệu Sĩ Mai sau này quả nhiên đã tìm thấy người vợ chuyển sinh của mình, Vương thị, ở Tương Dương, quả quyết cưới cô ấy về nhà. Hai người chung sống hạnh phúc sau hôn nhân, sinh được hai người con.
Câu chuyện về cuộc hôn nhân ba kiếp của Thiệu Sĩ Mai đã được lưu truyền rộng rãi thời nhà Thanh. Mọi người cảm thán nói, tam sinh thạch thượng, duyên phận đã định, quả đúng là như thế. Thời đó cũng có một câu chuyện luân hồi khác được lưu truyền rất rộng rãi, đó chính là truyền kỳ duyên cố lưỡng thế của Chúc Hải Xuân.
Chúc Hải Xuân, kiếp sau chúng ta vẫn làm vợ chồng
Chúc Hải Xuân là một thần đồng, chàng đã học xong mười ba bộ kinh điển của Nho giáo khi mới tám tuổi, thi đỗ năm mười bốn tuổi. Thiếu niên sáng chí, bà mối sớm tìm đến cửa. Có đủ các cô nương ngoan ngoãn, nhưng Chu Hải Xuân vẫn không ưng ai.
Phụ mẫu đều là người có kinh nghiệm, nên nhanh chóng đoán được đứa trẻ đã có người yêu, sau nhiều lần kiểm tra chéo, Chu Hải Xuân đã kể lại một câu chuyện khó tin.
Thì ra mười mấy năm qua, chàng vẫn luôn nhớ tới tiền kiếp của mình. Ở kiếp trước, chàng là Đinh Thời Hương đến từ Hà Trạch, Sơn Đông, xuất thân gia thế. Vợ chàng là Chân thị xinh đẹp và đức hạnh, hai người tình cảm thắm thiết. Đáng tiếc, năm mười tám tuổi chàng vì nỗ lực khắc khổ học tập, bị nôn ra máu mà chết. Trước khi chết, hai người đã thề rằng kiếp sau sẽ vẫn là vợ chồng. Chu Hải Xuân xắn tay áo lên và nói, vết bớt màu đỏ trên cánh tay mình là do người vợ tiền kiếp Chân thị năm đó đã tạo ra trên thân ông để đánh dấu. Chân thị lúc đó mới mười bảy tuổi.
Cha mẹ quá sốc không nói nên lời. Ngay cả khi câu chuyện này là sự thật, thì năm nay Chân thị đã ngoài 30. Xét về tuổi tác, nàng đáng tuổi mẹ của Chu Hải Xuân. Bên cạnh đó, rất khó để một phụ nữ xuất thân từ gia đình quyền quý đồng ý tái giá, để giữ danh tiết. Cha mẹ nói, con có nghĩ lại cho chín chắn không? Chu Hải Xuân nói, xin hãy cử người đi điều tra trước. Nhưng cha mẹ đã không làm theo lời chàng nói.
Vào mùa xuân năm thứ hai, Chu Hải Xuân lên kinh đô tham dự kỳ thi, trên đường rẽ một khúc quanh, đi đến ngôi nhà kiếp trước của mình ở Sơn Đông. Cha mẹ kiếp trước rất vui mừng ra mặt gặp con, nhưng Chân thị trốn biệt trong nhà không ra, chỉ sai tỳ nữ mang một phong thư ra. Chu Hải Xuân không nói lời nào, lặng lẽ viết tám chữ “Nguyện kiếp sau lại đến làm phu phụ” cho vào phong bì.
Chân thị vừa nhìn thấy đã bật khóc. Hóa ra đây chính là lời thề mà Đinh Thời Hương năm đó đã viết khi hấp hối. Năm đó nàng điểm cho chồng một nốt ruồi chu sa, và chàng đã để lại cho nàng tám chữ này, hẹn kiếp sau lấy đó làm bằng chứng để nhận ra nhau. Giờ chàng đến như đã hứa, còn nàng, sao không đồng ý?
Sau khi Chu Hải Xuân trở về, chàng đã nhờ một bà mai làm mối, cha mẹ Chu cũng không ngăn cản, vui mừng rước Chân thị về nhà. Sau khi kết hôn, tình cảm của hai người rất tốt đẹp.
Nếu câu chuyện của Thiệu Sĩ Mai khiến mọi người cảm thấy thần kỳ, thì câu chuyện của Chu Hải Xuân lại thật cảm động. Có quá nhiều lời thề non hẹn biển trên đời này, nhưng có mấy ai giữ được lời ước hẹn?
Michael: Vợ con kiếp trước tên là Dawn
Cuối cùng, hãy để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện từ Mỹ. Cậu bé Michael đã bất ngờ có cuộc gặp gỡ với người vợ tiền kiếp của mình. Họ có tiếp tục mối tiền duyên không?
Câu chuyện này được đề cập trong cuốn sách “30 Most Convincing Cases of Reincarnation” (30 trường hợp thuyết phục nhất về luân hồi). Tác giả của cuốn sách, nhà nghiên cứu luân hồi người Đức Trutz Hardo, cho biết câu chuyện đã được người bạn ngành xuất bản Tag Powell kể lại cho ông. Vì những lo ngại về quyền riêng tư, ông không thể tiết lộ tên của cha mẹ cậu bé, nhưng nội dung của câu chuyện được bảo chứng là có thật.
Ngay từ khi còn nhỏ, Michael đã khăng khăng rằng mình là Sunny Ray. Khi lớn hơn một chút, cậu nói rằng cậu có một người vợ tên là Dawn, và cả hai đều sống ở Texas. Họ cũng có một con chó cưng màu trắng tên là Willie.
Tuy nhiên, cha mẹ Sunny không bao giờ để ý đến những gì con trai nói, cho rằng đó chỉ là trí tưởng tượng tuyệt vời của một đứa trẻ. Mãi cho đến khi đứa trẻ lên 7, hai vợ chồng đến Texas để tham dự một cuộc hội thảo, gặp một người phụ nữ tên là Dawn Ray thì họ mới nghiêm túc nhìn nhận sự việc. Bởi vì Dawn nói rằng cô ấy đã góa chồng được 8 năm, và chồng cũ của cô ấy tên là “Sunny”.
Nhìn thấy Dawn, người mà con trai mình luôn tâm tâm niệm niệm, đang đứng ngay trước mặt, cha mẹ của Michael đột nhiên minh bạch, rằng rất có thể con trai họ chính là chuyển thế của Sunny. Sau đó, họ hẹn Dawn nói chuyện vào buổi tối, kể cho cô ấy nghe về Michael và con chó tên Willie của họ. Dawn vạn phần kinh ngạc khi nghe chuyện đó. Hai vợ chồng họ khi đó tình cảm thắm thiết. Sunny có thể trở lại thì quả là một niềm vui lớn. Nhưng điều này có thể là thật không? Dù sao thì Dawn cũng đồng ý gặp nhỏ Michael.
Michael bay qua ngày hôm sau. Không nói bất cứ điều gì với cậu, bố mẹ cậu đưa cậu đến nhà của Dawn. Ngay khi cậu bé nhìn thấy Dawn, cậu gọi tên cô, và lao về phía cô. Sau đó như người rất thân quen, cậu xin chiếc máy ảnh cũ, chiếc đồng hồ Rolex quý giá của Sunny, và thậm chí xin cả cây đàn cũ của Sunny để chơi, mặc dù Michael chưa bao giờ học đàn. Ba người lớn trong phòng nhìn nhau, không thể không tin rằng cậu bé trước mặt họ thực sự là Sunny ở tiền kiếp.
Dawn sau đó đã bán nhà và chuyển đến California để sống cùng gia đình Michael và giúp chăm sóc đứa trẻ. Sau đó, Dawn chuyển đến New York. Michael nhớ cô ấy kinh khủng. Khi Michael 14 tuổi, cậu chuyển đến sống với Dawn với sự cho phép của cha mẹ cậu.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch