Đại Kỷ Nguyên

Khoa học lý giải tại sao nhiều người không thích những cái ôm từ người khác

Nếu bạn là người không thích việc bị người khác ôm, bạn chắc hẳn sẽ gặp phải rất nhiều tình huống khó xử. Bạn sẽ không lường trước được việc ai đó quen biết tiến đến bạn với cánh tay rộng mở để trao cho bạn một chiếc ôm thân mật. Bạn có thể né tránh, cũng có thể nhanh chóng đưa tay ra để bắt tay hoặc đơn giản là chấp nhận cái ôm đó một cách không mong muốn.

Vậy đâu là nguyên do khiến một số người thích được trao và nhận những cái ôm trong khi những người khác lại ghét chúng? Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể là do cách bạn được nuôi lớn như thế nào. 

Giáo sư Suzanne Degges-White thuộc Đại học Bắc Illinois, Hoa Kỳ chia sẻ:

“Chúng ta có khuynh hướng liên lạc vật lý; dù là ôm, vỗ lưng hay khoác tay với bạn bè, chúng thường là kết quả của quá trình trải qua tuổi ấu thơ của mỗi người. Một nghiên cứu năm 2012 được xuất bản trong cuốn Tâm lý học toàn diện (Comprehensive Psychology) cho thấy, những người được nuôi dưỡng bởi bậc cha mẹ có thói quen ôm ấp, có nhiều khả năng trở thành những người thích ôm ấp ở tuổi trưởng thành. Nghiên cứu kết luận rằng “ôm là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy tình cảm của trẻ.”

Những đứa trẻ thường được bố mẹ ôm ấp khi còn nhỏ có xu hướng thích ôm khi trưởng thành. (Ảnh: Thế giới trẻ thơ)

Ngược lại, Degges-White nói rằng đối với những người được nuôi dưỡng bởi các bậc phụ huynh không thường xuyên ôm ấp, ý nghĩ ôm ấp có thể khiến họ không thoải mái. Trong một gia đình thường không thể hiện cảm xúc bằng việc tương tác vật lý, những đứa trẻ có thể lớn lên và làm theo cùng một khuôn mẫu với con cái của chúng.

Tuy nhiên, cô cũng ghi nhận các trường hợp ngược lại khi mà một số trẻ em không nhận được các liên lạc vật lý như ôm ấp từ cha mẹ chúng nhưng khi lớn lên, chúng vẫn trở thành người có xu hướng tương tác vật lý với người khác như ôm hay chạm vào vai…

Darcia Narvaez, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Notre Dame nói rằng có hai cách chính mà việc không được tương tác vật lý từ thủa ấu thơ có thể ảnh hưởng đến cơ thể đang phát triển; nó có thể dẫn đến dây thần kinh phế vị kém phát triển – đây là một bó dây thần kinh chạy từ tủy sống đến vùng bụng.

Nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm khả năng thân mật hay động lòng trắc ẩn của con người và còn có thể khiến hệ thống oxytocin kém phát triển, các tuyến tiết ra hóc môn oxytocin có thể giúp con người hình thành liên kết với người khác. 

Khi cha mẹ quá mải miết với chiếc điện thoại hay công việc mà không quan tâm đến con cái cũng khiến chúng trở nên trầm cảm và ngại tiếp xúc với mọi người. (Ảnh: sciencedaily.com)

Với những ai không có hooc môn này, có thể sẽ khó khăn hơn cho họ để nhận các tín hiệu xã hội để hòa đồng hơn. Vì vậy, việc ôm và tiếp xúc vật lý là cực kỳ quan trọng đối với những đứa trẻ. 

Degges-White cho biết: “Những người cởi mở hơn trong việc tiếp xúc với người khác thường có mức độ tự tin cao hơn. Những người có mức độ lo lắng xã hội cao có thể do dự khi tiếp xúc với những người khác, bao gồm cả bạn bè. Nỗi sợ ấy đôi khi khiến họ rất không thoải mái khi phải tiếp xúc vật lý với người khác.”

Vậy những người có thói quen ôm người khác nên phải làm gì với những người không thích bị ôm?

Học viện Emily Post gợi ý bạn nên bỏ qua cái ôm xã giao trừ khi bạn thân thiết với họ. Những người thích được ôm người khác cũng nên lưu ý ngôn ngữ cơ thể của đối phương: khi ai đó giơ tay của họ thay vì tiến đến ôm lại bạn thì bạn nên nhận ra tín hiệu của họ. Nếu bạn đang ôm hôn và nhận thấy một cái nhăn mặt hoặc một cái nhìn kinh khủng trong mắt người đó, bạn có thể xem xét việc dừng cái ôm đó lại ngay!

Những lợi ích khoa học của việc ôm

Có một lý do rất thực tế để bạn thử ôm người khác nhiều hơn: nó có thể làm cho bạn ít có khả năng bị bệnh.

Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà nghiên cứu từ Đại học Carnegie Mellon đã xem xét các hiệu ứng mà những cái ôm và những hình thức tình cảm khác có thể tác động đến hệ miễn dịch. Cụ thể, các nhà nghiên cứu muốn biết liệu những người cảm thấy được yêu thương có ít nhạy cảm với cảm lạnh thông thường hơn không. Kết quả là việc ôm giúp tăng 32% khả năng miễn dịch.

Một cái ôm nhẹ thôi cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần. (Ảnh: The Conversation)

Nghiên cứu kết luận: “Những người nhận được nhiều cái ôm hơn được bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng”.

Nếu những ai không thích bị ôm vẫn chưa thấy thuyết phục, họ có thể tìm hiểu về một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí American Journal of Infection Control cho thấy việc đấm tay là hình thức vệ sinh hợp lý nhất – một giải pháp thay thế cho những cái ôm.

Video:

Nhật Quang

Exit mobile version