Đại Kỷ Nguyên

Khoa học thân thể người: Các nhà sư Tây Tạng có bí quyết gì?

Muốn cơ thể ấm lên thì cần tăng cường vận động, tăng cường trao đổi chất để giải phóng nhiệt năng. Đây là điều mà khoa học hiện đại có thể kiểm chứng và có thể lý giải được. Đối với các nhà sư Tây Tạng thì ngược lại, họ không vận động, thậm chí là bất động, cường độ trao đổi chất giảm xuống, nhịp tim và huyết áp đều giảm… nhưng họ có thể phát ra nhiệt sưởi ấm xung quanh. Vậy bí quyết của họ là gì?

Kết quả này nằm trong nghiên cứu được công bố năm 2002 bởi bác sĩ, phó giáo sư Herbert Benson của trường Đại học Y khoa Harvard, Mỹ. Khi ấy, ông Benson đã có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu về thiền định, và là chủ tịch Viện Y học Tâm & Thân thuộc Trung tâm Y Khoa Beth Israel Deaconess (Boston).

Ở một tu viện tại miền Bắc Ấn Độ, các nhà sư Tây Tạng mặc đồ mỏng ngồi lặng lẽ trong căn phòng có nhiệt độ là 40 độ F (tương đương 4 độ C). Họ bước vào trạng thái thiền sâu và một nhà sư khác khoác lên họ một tấm vải ướt nhúng lạnh. Trong điều kiện này, một người bình thường sẽ rùng mình mất kiểm soát và sự sụt giảm nhiệt độ cơ thể thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, không lâu sau đó hơi nước đã bắt đầu bốc lên từ những tấm vải ướt lạnh đã khoác lên các nhà sư. Kết quả là, nhiệt tỏa ra từ cơ thể họ trong khi thiền đã “sấy” khô các tấm này sau khoảng 1 giờ. Tấm vải đã khô được bỏ ra, và thay vào đó một tấm khác, cứ như vậy họ sấy khô 3 tấm vải sau khoảng vài giờ.

Điều này diễn ra ngược lại hẳn với những gì mà khoa học hiện đại vẫn dạy chúng ta. Muốn sưởi ấm cơ thể trong điều kiện đó thì cần tăng cường vận động, khi đó nhịp tim tăng lên, huyết áp tăng lên, trao đổi chất cũng tăng lên và nhiệt sẽ tỏa ra. Nhiều thí nghiệm khác đã ghi nhận các nhà sư Tây Tạng có thể ngồi thiền qua đêm trong điều kiện thời tiết giá lạnh khắc nghiệt mà không bị bất cứ tổn thương nào.

Thiền định vốn có nguồn gốc từ rất lâu đời, gắn liền với các môn tu luyện cổ xưa trong lịch sử nhân loại. Chỉ xét đến những hiệu quả tích cực lên sức khỏe, khả năng chữa bệnh khỏe người thì khoa học hiện đại ngày nay mới chỉ đang ở mức ghi nhận một số hiện tượng diễn ra ngoài bề mặt, mà chưa thể đi vào giải thích bởi vì có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ và không theo các nguyên lý thông thường.

Bác sĩ Herbert Benson phát biểu với báo Gezette của Đại học Harvard: “Các tín đồ Phật giáo cho rằng hiện thực mà chúng ta đang sống không phải là cảnh giới cuối cùng. Còn có một cảnh giới khác, thứ không thụ nhận cảm giác và ảnh hưởng từ thế giới hiện thực này. Các tín đồ Phật giáo tin rằng loại cảnh giới này có thể đạt được thông qua sự hy sinh vì người khác và thiền định”.

Ông Benson cho biết nhiệt năng phát ra từ thân thể các lạt ma Tây Tạng chỉ là sản phẩm phụ của việc ngồi thiền đả tọa.

Nếu xét từ quan niệm vật chất hiện đại, cơ thể con người được cấu thành từ những tế bào, tế bào được tổ hợp từ 108 nguyên tố hóa học cơ bản. Nó cũng phù hợp với học thuyết ngũ hành của phương Đông từ xa xưa, rằng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) cấu thành nên vạn sự vạn vật (bao gồm cả thân thể người). Tuy nhiên, 2 trường phái này có những lý thuyết và phương pháp phòng bệnh, trị bệnh khác nhau, đôi khi sự khác biệt rất lớn thậm chí đến mức đối ngược nhau.

Ngày nay, các vấn đề sức khỏe của con người dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của khoa học hiện đại, có rất nhiều loại thuốc mới, nhưng cũng có rất nhiều bệnh mới xuất hiện. Vấn đề này chưa được giải quyết xong thì đã phát sinh thêm vấn đề khác. Đó cũng là điều thôi thúc nhiều người đặt chân lên hành trình về phương Đông, tìm hiểu những điều huyền bí vô tận.

Minh Thành

Xem thêm:

Exit mobile version