Trong phần kết cuốn “On the Origin of Species” (Về nguồn gốc các loài), xuất bản lần đầu tiên năm 1859[1], Darwin tuyên bố:
“Cách nhìn nhận này về sự sống là vô cùng quan trọng, rằng sự sống, với một vài sức mạnh của nó mà gốc gác là do Chúa truyền hơi thở cho một hay một số dạng thể và rằng trong khi hành tinh này cứ vận động mãi xung quanh quy luật cố định là trọng lượng thì từ những dạng thức ban đầu vô cùng đơn giản đã và đang không ngừng hình thành những dạng thể đẹp và tuyệt vời nhất”.
Tuyên bố ấy chứng tỏ Darwin vốn là người hữu thần, tin rằng Chúa đã tạo ra sự sống đầu tiên, rồi mới tiến hóa. Nhưng ông đã dần dần thay đổi quan điểm, ngả theo chủ nghĩa tự nhiên, cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh có sẵn trong một “cái ao nhỏ ấm áp” (warm little pond) nào đó, do ông tưởng tượng ra, hoàn toàn không dựa trên bất cứ một dữ liệu thực tế nào mà ông chứng kiến. Nói theo ngôn ngữ dân dã, “cái ao nhỏ ấm áp” của Darwin chỉ là chuyện đoán mò, không đáng gọi là một giả thuyết khoa học. Hoàn toàn không cường điệu nếu nói rằng toàn bộ các “lý thuyết” của Darwin đều là chuyện đoán mò.
Ông đoán mò rằng: loài này có thể biến đổi dần dần thành loài khác, điều không ai chứng kiến trên thực tế. Đoán mò này chỉ dựa trên một quan sát rất tầm thường trên đảo Galapagos – nơi ông thấy nhiều giống chim sẻ khác nhau, và ông đoán chúng cùng một tổ tiên nhưng rồi biến hóa thành những giống khác nhau. Rồi ông đem áp dụng bừa vào các loài, nghĩ rằng các loài cũng chung một tổ tiên, nhưng rồi biến đổi tiến hóa thành các loài khác nhau. Tại sao nói đây là đoán mò?. Vì sau khi dự đoán, phải kiểm chứng lại. Chỉ khi nào dự đoán được kiểm chứng xác nhận là đúng thì mới có giá trị, nếu không thì chỉ là đoán mò.
Ông đoán mò rằng: sinh vật đầu tiên có thể đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh trong một cái ao nhỏ có sẵn các vật liệu cần thiết cho sự sống. Đoán mò này tương tự như đoán mò rằng, một con khỉ ngồi trước piano nghịch ngợm gõ phím đàn ngẫu nhiên thành bản Romance của Beethoven (!!!).
Ông đoán rằng: tất cả các tế bào trong một sinh vật đều có khả năng thải ra các hạt nhỏ mà ông gọi là “gemmules” (hạt ngọc), có thể lưu thông khắp cơ thể và cuối cùng tập trung lại ở tuyến sinh dục. Những hạt này sau đó được truyền sang thế hệ tiếp theo và chịu trách nhiệm truyền các đặc điểm từ cha mẹ sang con cái. Nếu bất kỳ tế bào nào của bố mẹ trải qua những thay đổi do thay đổi môi trường, thì chúng sẽ truyền các viên ngọc đã được sửa đổi cho con cái của chúng, vì thế sự tương tác với môi trường có thể làm thay đổi sự di truyền, nhờ đó mà có sự tiến hóa. Toàn bộ chuyện đoán mò này không dựa trên một thí nghiệm nào cả, không ai tìm thấy một “hạt ngọc” di truyền nào như Darwin nói. Đó là cái được gọi là “Pangenesis” – học thuyết di truyền của Darwin.
Riêng về “lý thuyết” nguồn gốc sự sống của Darwin, mỉa mai thay, tất cả chỉ gói gọn trong mấy dòng thư gửi cho một người bạn thân của ông là Joseph Dalton Hooker ngày 01/02/1871, rằng:
“Nhưng nếu (ôi, một cái “nếu” to tướng) chúng ta có thể hình dung trong một cái ao nhỏ ấm áp nào đó với đủ loại muối ammonia và phosphoric, ánh sáng, nhiệt, điện, rằng một hợp chất protein đã được hình thành về mặt hóa học, sẵn sàng trải qua những thay đổi còn phức tạp hơn…”[2].
Mấy chữ trong ngoặc đơn rằng, (ôi, một cái nếu to tướng), cho thấy Darwin ý thức được rất rõ ràng rằng điều ông trao đổi với bạn ông chỉ là một chuyện đoán mò 100%, không dựa trên bất cứ một sự thật nào cả. Ấy thế mà nó đã khai sinh ra cả một hệ thống lý thuyết mới của thuyết tiến hóa, đó là Thuyết tự sinh (Abiogenesis) – học thuyết cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên và tự phát từ vật chất vô sinh.
Những ai nắm vững lịch sử sinh học sẽ thấy ngay rằng, Thuyết tự sinh do Darwin khởi xướng thực chất chỉ là một dị bản hiện đại của “học thuyết sự sống hình thành tự phát” (doctrine of spontaneous generation of life) do Aristotle nêu lên từ thời Hy-lạp cổ đại. Nói cách khác, Darwin chỉ phát biểu lại tư tưởng của Aristotle bằng ngôn ngữ của hóa học trong thế kỷ 19, còn cốt lõi tư tưởng thì không thay đổi rằng, sự sống đầu tiên đã ra đời một cách tự phát và ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh. Nếu Aristotle đúng thì Darwin cũng sẽ đúng. Nhưng Aristotle đã bị chứng minh là SAI. Kể từ thế kỷ 17, nhiều nhà khoa học ở Âu Châu đã chỉ ra sai lầm của Aristotle, trong đó người đóng vai trò quyết định là Louis Pasteur.
Câu hỏi đặt ra là: khi Darwin “sáng tác” ra câu chuyện “cái ao nhỏ ấm áp” (1871), liệu ông có biết chỉ vài năm trước đó, Louis Pasteur đã làm thí nghiệm bình cổ cong thiên nga nổi tiếng rồi đi tới kết luận khẳng định rằng: “sự sống chỉ ra đời từ sự sống” không?. Liệu Darwin có biết Viện hàn lâm khoa học Pháp đã trao tặng giải thưởng cho Pasteur, vì công trình bác bỏ học thuyết sự sống hình thành tự phát không?.
Ngày nay, kết luận của Pasteur rằng: “sự sống chỉ ra đời từ sự sống”, được gọi là Định luật Tạo Sinh (The Law of Biogenesis). Định luật này là kết quả của rất nhiều thí nghiệm, trong đó thí nghiệm nổi tiếng nhất là “Thí nghiệm bình cổ cong thiên nga” (Swan neck flask experiment) do Pasteur tiến hành năm 1861. Thí nghiệm này đã đi vào lịch sử khoa học như một trong những thí nghiệm tài tình nhất.
Liệu Darwin có biết những thành tựu vang dội của Pasteur không? Mặc dù vào giữa thế kỷ 19 thông tin liên lạc còn rất kém (so với bây giờ), nhưng Pasteur là nhà khoa học lừng lẫy thế giới, nước Anh của Darwin và nước Pháp của Pasteur là hai quốc gia phát triển hàng đầu thế giới đương thời, chỉ cách nhau eo biển Manche rộng chừng 20km, khó tin rằng Darwin không biết Pasteur. Nhưng nếu biết Pasteur thì tại sao Darwin vẫn cố gắng làm sống lại tư tưởng của Aristotle, mặc dù tư tưởng này đã bị đập tan bởi định luật tạo sinh?. Phải chăng Darwin không tin vào định luật đó? Nếu đúng như thế thì trực giác của Darwin kém quá. Ông không có khả năng đánh hơi đúng sự thật. Bởi cho đến hôm nay, Định luật tạo sinh vẫn đứng vững và ngày càng đứng vững, nhờ sự ủng hộ bởi Di truyền học Mendel.
Điều mỉa mai là ở chỗ mặc dù “cái ao nhỏ ấm áp” hoàn toàn vô căn cứ nhưng nó vẫn tạo cảm hứng để nhiều kẻ hậu bối lao vào như con thiêu thân, bày đặt ra hàng đống giả thuyết và thí nghiệm nhằm chứng minh Darwin đúng: nào là giả thuyết “nồi súp nguyên thủy” (primordial soup) hoặc “nồi súp tiền sinh thái” (prebiotic soup), “thuyết tiến hóa hóa học” (chemical evolution), “thí nghiệm Urey-Miller”, … Nhưng sau hơn 150 năm tốn tiền tốn công, tất cả các giả thuyết và thí nghiệm của Thuyết tự sinh vẫn chỉ có thất bại và thất bại, … làm mất uy tín cho thuyết tiến hóa, đến nỗi TS Don Boys đã phải thốt lên: “Thuyết tiến hóa là một trò hề, một trò lừa, một trò giả mạo, một niềm tin” (Evolution: A Farce, A Fraud, A Fake and A Faith)[3].
Stewart Kauffman, Giáo sư Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania, một chuyên gia về nguồn gốc sự sống, tuyên bố không úp mở: “Bất cứ ai nói với bạn rằng, họ biết sự sống bắt đầu như thế nào khoảng 3,4 tỷ năm trước đều là kẻ ngốc hoặc kẻ gian xảo. Không ai biết” (Anyone who tells you that he or she knows how life started some 3.4 billion years ago is a fool or a knave. Nobody knows)[4].
Tóm lại, cả Lamarck lẫn Darwin đều chỉ nhìn thấy cái “vỏ” của sự sống – đó là cái thân xác vật chất, không phải bản chất của sự sống. Vì hiểu sai như thế nên mọi dự đoán của các ông về sự sống sẽ SAI. Có thể nói toàn bộ lý thuyết của Darwin đều sai:
Darwin dự đoán SAI về sự tiến hóa biến đổi loài.
Thực tế không hề có biến đổi loài. Chỉ có biến đổi trong loài. Các nhà sinh học tiến hóa ngày nay hy vọng “đột biến gene” sẽ dẫn tới thay đổi bộ gene, biến loài này thành loài khác. Đó là hy vọng hão huyền nhắm cứu vãn thanh danh cho Darwin và cho thuyết tiến hóa. Thực tế cho thấy “đột biến gene” chỉ dẫn tới thoái hóa và cái chết, không hề có bằng chứng cho thấy “đột biến gene” dẫn tới tiến hóa. Sự tuyệt đối vắng bóng hóa thạch các loài chuyển tiếp là bằng chứng hùng hồn bác bỏ cái gọi là tiến hóa biến đổi loài.
Darwin dự đoán SAI về nguồn gốc sự sống, vì vật chất không bao giờ có thể kết hợp lại thành sự sống nếu không có mã DNA. Sinh học theo kiểu Darwin đang bế tắc trước câu hỏi “mã DNA từ đâu mà ra?”.
Darwin dự đoán SAI về sự di truyền theo lý thuyết di truyền “Pangenesis”, sự sống không hề sản xuất ra các “hạt ngọc” di truyền như Darwin đoán mò.
Mọi cái sai của Darwin đều có thể thông cảm, vì ông thừa hưởng cái SAI của Lamarck, và hầu như không biết gì về các khám phá của Pasteur và Mendel – những khám phá cho thấy vật lý và hóa học không đủ để giải thích sự sống. Cơ chế chi phối sự sống không phải là “chọn lọc tự nhiên” (một khái niệm mù mờ), mà là chương trình kiến tạo và duy trì sự sống, tức mã DNA.
Có thể nhiều người sẽ sửng sốt khi biết rằng Darwin từng nói: “Càng suy nghĩ người ta càng cảm thấy sự dốt nát vô biên đáng thất vọng của con người” (The more one thinks, the more one feels the hopeless immensity of man’s ignorance)[5].
Nếu học thuyết Darwin đúng thì câu nói trên của ông sẽ có giá trị. Nhưng tiếc thay, học thuyết của ông hoàn toàn SAI, vì thế việc ông chê người đời là dốt nát có thể phản lại chính ông. Thật vậy, trong mắt Darwin, ai là kẻ dốt nát? Phải chăng đó là những người chống thuyết tiến hóa Darwin?
Nhưng có ba người sống cùng thời với Darwin thể hiện quan điểm chống thuyết tiến hóa Darwin rõ rệt là Louis Pasteur, Gregor Mendel, và Lord Kelvin. Cả ba đều là những nhà khoa học vĩ đại bậc nhất mọi thời đại, cống hiến cho nhân loại những giá trị vĩnh cửu, thay vì những lý thuyết vô bằng chứng gây tranh cãi như Darwin. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này trong những phần tiếp theo của chủ đề “khoa học về sự sống”, công bố vào ngày mai và những ngày tiếp theo.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
[1] Nguyên văn tiếng Việt trích từ “Ngôn ngữ của Chúa”, Francis Collins, NXB Lao Động, 2007, trang 127 > Nguyên văn tiếng Anh: “There is grandeur in this view of life, with its several powers, having been originally breathed into a few forms or into one; and that, whilst this planet has gone cycling on according to the fixed law of gravity, from so simple a beginning endless forms most beautiful and most wonderful have been, and are being, evolved” > https://www.goodreads.com/author/quotes/12793.Charles_Darwin#
[2] But if (and oh what a big if) we could conceive in some warm little pond with all sort of ammonia and phosphoric salts,—light, heat, electricity present, that a protein compound was chemically formed, ready to undergo still more complex changes… > https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2745620/#
[3] http://www.cstnews.com/Code/FaithEvl.html
[4] https://viethungpham.com/2022/08/06/spontaneous-life-dead-in-the-water-hoc-thuyet-su-song-tu-phat-chet-cung/
[5] https://www.azquotes.com/quote/1379579
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Xem thêm: