Các nhà khoa học vừa chính thức xác nhận sự tồn tại của hai “Mặt Trăng ẩn” xung quanh Trái Đất, hay chính xác hơn chúng là các đám mây bụi, được phát hiện lần đầu năm 1961 bởi nhà thiên văn Kazimierz Kordylewski.
Thông tin này bắt nguồn từ một báo cáo thiên văn do trường Đại học ELTE Eötvös Loránd, Hungary xuất bản hồi đầu tháng 9/2018 và đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên nhiều diễn đàn khoa học.
Theo báo cáo này, các nhà khoa học đã chính thức xác nhận sự tồn tại của hai đám mây bụi, vốn được phát hiện từ năm 1961 bởi nhà thiên văn Kazimierz Kordylewski.
Hai đám mây bụi này thầm lặng bay quanh Trái Đất sau bao thế kỷ, đồng thời vị trí của chúng được xác định đang trôi nổi tại hai điểm nằm giữa Mặt Trăng và Trái Đất, có ký hiệu là lần lượt là L4 và L5 trong hình minh họa dưới đây.
Sự tồn tại của những đám mây Kordylewski (được đặt tên theo người tìm ra chúng) được giới chuyên môn đánh giá là một trong những khám phá thiên văn vĩ đại. Mặc dù vậy, chúng không được coi là Mặt Trăng thứ hai như nhiều người vẫn hy vọng.
Nguyên nhân là do các đám mây Kordylewski nằm trong vùng không gian chịu nhiều tác động từ lực hút của Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời nên những hạt bụi theo chu kỳ sẽ bị phân tán hoặc đi lệch ra khỏi quỹ đạo; khiến hình dáng và mật độ của đám mây thay đổi thất thường.
Trong vài năm gần đây đã có nhiều quan điểm trái chiều về việc có nên liệt đám mây bụi Kordylewski vào danh sách các vệ tinh tự nhiên của Trái Đất hay không. Tuy nhiên, do không thể nhin thấy bằng mắt thường và hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn nào quy định về tên gọi, nên các nhà thiên văn thường gán cho chúng biệt danh “vệ tinh giả” hay “Mặt Trăng ẩn” trong hầu hết các đề tài nghiên cứu công bố về sau này.
“Thật thú vị khi biết Trái Đất của chúng ta có các Mặt Trăng ẩn bụi bặm tồn tại song song với Mặt Trăng thật.” – Judit Slíz-Balogh, đồng tác giả đã biên soạn bài báo hồi tháng Chín vui mừng chia sẻ.
Quan trọng hơn, mặc dù được gọi là đám mây bụi nhưng bên trong Kordylewski cũng ẩn chứa vô số khối thiên thạch có kích thước không nhỏ. Chúng đóng vai trò quan trọng trong chuyến bay khám phá vũ trụ do là nơi lý tưởng để đỗ phi thuyền và đặt kính viễn vọng. Không những vậy, các nhà khoa học còn có ý tưởng sẽ xây dựng một “cao tốc” nối liền chúng với Trái Đất trong tương lai không xa, không khác gì các tựa phim khoa học viễn tưởng của Hollywood.
T.Vũ (Tổng hợp)