Năm 1903, anh em nhà Wright thử nghiệm thành công chiếc máy bay bay được đầu tiên trên thế giới. Đó là kiến thức phổ biến nhất hiện nay.
Tuy nhiên, nếu xét trên nhiều phương diện, trước anh em nhà Wright đã có rất nhiều người nghĩ ra ý tưởng về một cỗ máy có thể bay lượn trên không trung và thử chế tạo loại phương tiện này. Dưới đây là danh sách các “ứng cử viên” nổi bật nhất cho vị trí “nhà phát minh máy bay đầu tiên” cũng như chi tiết các ý tưởng của họ.
1. Kiến trúc sư, họa sĩ… Leonardo da Vinci
Thông qua hàng trăm ghi chép của thiên tài toàn năng người Ý này, ta có thể thấy rõ ước muốn được chao liệng trên bầu trời của ông. Vào năm 1485, ông đã phác họa bản thiết kế một chiếc máy bay dựa trên cấu tạo của chim và dơi.
Chiếc máy này bao gồm đôi cánh rất to gắn với một khung gỗ. Người lái sẽ phải nằm sấp xuống phía bên trong và điều khiển đôi cánh chuyển động lên xuống bằng một tay quay gắn với nhiều que và ròng rọc.
Tuy nhiên, chưa có ghi chép nào chứng thực là ông đã dựng được chiếc máy bay này. Hơn nữa theo các chuyên gia ngày nay thì vì không có động cơ, chiếc máy bay khó có thể nào cất cánh. Và nếu Leonardo thử bay xuống từ trên cao, rất có khả năng ông sẽ không còn lành lặn.
2. Kỹ sư người Pháp – Clément Ader
Sau 4 năm lên ý tưởng và nghiên cứu tài liệu, vào năm 1886, kỹ sư người Pháp – Clément Ader (1841 – 1925) đã thiết kế chiếc máy bay có hình thù nửa dơi, nửa máy hơi nước mang tên Éole.
Khi được vận hành thử vào năm 1890, nó đã bay lên được một vài mét nhờ động cơ hơi nước trọng lượng thấp.
Sau đó, Ader bắt đầu chế tạo một chiếc máy bay mới mang tên Avion II. Dù Ader nói rằng ông đã bay thử nó vào năm 1892, nhưng rốt cục không ai tin ông cả, và cũng không có bằng chứng chứng minh điều này. Thậm chí, người ta cho rằng dự án này đã bị bỏ giữa chừng.
3. Nhà thiên văn họcSamuel Langley
Vào năm 1891, nhà thiên văn học người Mỹ – Samuel Langley (1834 – 1906) bắt đầu bắt tay vào thiết kế mô hình máy bay vận hành bằng động cơ hơi nước và xăng.
Đến năm 1896, ông hoàn thành và đặt tên cho chiếc máy bay không người lái này là Aerodrome số 5. Sử dụng hệ thống hơi nước một xi-lanh, nó đã bay được 1 km phía trên dòng sông Potomac sau đó hạ cánh xuống nước.
6 tháng sau, anh em của nó, Aerodrome số 6 thì bay được đến 1,5 km.
Lại nói về Clément Ader. Học hỏi từ Langley, Ader đã cho ra mắt chiếc máy bay đời thứ 3 của ông, có tên gọi Avion III. Được lên ý tưởng từ năm 1982, nó có hình dáng to, đẹp và ra dáng loài dơi hơn Éole. Nhưng vào năm 1897, dù chưa cất cánh, nó đã gặp sự cố và hư hỏng nặng; từ đó Ader không còn thiết tha với việc chế tạo máy bay nữa.
Và thế là Langley trở thành người dẫn đầu ngành hàng không thế giới. Nhờ các mối quan hệ chính trị của mình, ông được Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ và Viện Smithsonian trao tặng 70.000 đôla (hơn 1,5 tỷ đồng theo tỉ giá hiện tại) để tiếp tục nghiên cứu và chế tạo máy bay.
Với số tiền đó, năm 1898, Langley bắt tay vào chế tạo một chiếc máy bay mới mang tên 50-hp Aerodrome A. Sau hai lần chạy thử, một phần của nó đã bị kẹt vào máy phóng và chìm luôn xuống sông. Tóm lại là thất bại!
4. Nhà phát minh người Đức – Karl Jatho
Cũng vào năm 1897, một nhà phát minh người Đức tên Karl Jatho (1873 – 1933) đã dựng nên một chiếc máy bay ba lớp, nhìn vào giống như người lái bị mấy lớp đĩa kẹp vậy. Dù không có hệ thống điều khiển, nó đã bay được lên khoảng 1m và di chuyển được 18m.
Vào năm 1903, chiếc máy bay mới chỉ có hai lớp của ông đạt được độ cao 3m và đi được 60m nhưng vẫn chưa có hệ thống điều khiển. Jatho thừa nhận rằng, máy bay của ông chỉ đơn giản là quá yếu nên không thể bay cao và nhanh hơn được.
Máy bay cổ đại của… các nền văn minh xưa?
Một số vết tích khảo cổ tiềm năng, bao gồm tượng điêu khắc, thư tịch cổ, … có niên đại rất xa xưa đã đề cập đến các phương tiện hàng không “mang dấu ấn máy bay hiện đại”. Và chúng xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Sẽ là võ đoán nếu cho rằng đây là bằng chứng cho thấy người cổ đại sở hữu công nghệ hàng không tiên tiến, nhưng một điểm thú vị đáng lưu ý là, những đặc điểm của máy bay được mô tả trong các thư tịch, hình dáng những mô hình máy bay cổ đại và những đường băng, v.v… có điểm tương đồng rất lớn với ngành hàng không hiện đại.
Quang Khánh