Đại Kỷ Nguyên

Không phải bom nguyên tử, đây mới chính là nguyên nhân khiến đế quốc Nhật đầu hàng

Nhiều cuộc thảo luận về chủ đề: “tại sao Nhật Bản lại đầu hàng trong Thế Chiến II” liên tục được tổ chức bởi các học giả hàng đầu thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, tuyên bố đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945 của người Nhật là kết quả của việc hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy đây không phải là nguyên nhân căn bản.

Có thể việc bị tấn công bởi hai quả bom nguyên tử đã buộc Nhật hoàng Hirohito phá vỡ bế tắc trong Hội đồng Chiến tranh Tối cao, và chấp nhận các điều khoản đầu hàng một cách vô điều kiện, được soạn thảo bởi lãnh đạo của quân đồng minh vào ngày 26 tháng 6 năm 1945. Tuy nhiên diễn biến trước đó mới là nguyên nhân căn bản.

Nhật Hoàng Hirohito chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. (Ảnh: pdfsecret)

Trong tuyên bố của quân đồng minh, có một điều khoản là “sẽ phá hủy nhanh chóng và triệt để” nếu như quân đội Nhật không đầu hàng. Sau đó, vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được sử dụng, thiêu trụi một khu vực rộng lớn ở Hiroshima và Nagasaki, đồng thời cảnh báo rằng, việc tiếp tục chiến tranh là vô nghĩa.

Sự can thiệp của Nhật Hoàng là điều tối quan trọng cho chiến thắng của quân đồng minh trước những người lính Nhật thà chết không chịu đầu hàng. Về phương diện này, sự ra đời của công nghệ hạt nhân đã mang lại hòa bình. Nó cũng giữ thể diện cho các tướng lĩnh quân đội Nhật, vì họ có thể nói rằng, họ không thua cuộc chiến trên chiến trường, họ đầu hàng là để tránh thương vong cho người dân Nhật Bản.

Bom nguyên tử phát nổ ở Hiroshima ngày 6/8/1945 (Ảnh: blueplanetheart.it)

Điều này cũng có nghĩa là quân đội Nhật phải từ bỏ chiến lược Ketsu-go, Chiến Lược Giáng Đòn Quyết Định tiêu diệt lực lượng hải quân Hoa Kỳ trên biển, để Hoa Kỳ không thể đổ bộ Nhật Bản.

Mục đích của chiến dịch này là làm giảm yêu cầu của Mỹ đối với việc đầu hàng của người Nhật, không phải đầu hàng vô điều kiện, mà có thể đàm phán hòa bình. Hơn nữa, điều này cũng bảo vệ Nhật Hoàng, và quân đội khỏi bị truy tố như những tội phạm chiến tranh.

Chiến lược này đã được thông qua vào tháng 6 năm 1945 khi trận chiến đẫm máu tại Okinawa đang bùng nổ. Quân tiếp viện đã được chuyển về từ Mãn Châu để tăng cường phòng thủ cho khu vực Kyushu, nơi quân Mỹ dự định sẽ tấn công.

Vào tháng 2 năm 1945, Joseph Stalin đã gặp lãnh đạo quân đồng minh ở Yalta, hứa rằng sẽ tấn công Nhật Bản ba tháng sau khi người Đức đầu hàng. Quân Liên Xô đã tấn công Mãn Châu vào rạng sáng ngày 9 tháng 8, trước khi Nagasaki bị ném bom vào cùng ngày hôm đó. Điều này đã gây sốc cho các lãnh đạo Nhật Bản, những người đã cố gắng trong suốt tháng 7 năm đó để thuyết phục Liên Xô làm trung gian trong một hiệp ước hòa bình với quân Đồng Minh.

Cuộc gặp của lãnh đạo quân Đồng Minh tại Yalta, Joseph Stalin bên phải cùng. (Ảnh: br.printerest)

Việc Liên Xô tham chiến là một diễn biến bất ngờ đối với các tướng lĩnh quân đội, những người thề sẽ quyết chiến để bảo vệ Nhật Hoàng. Lúc này, số phận của Nhật Hoàng nằm trong tay của quân cộng sản, đồng thời giấy lên nguy cơ chiếm đóng của quân Liên Xô, cũng làm ảnh hưởng tới các dự tính đầu hàng.

Trước đó, vào tháng 2 năm 1945, quân đội Nhật đã thực hiện một cuộc khảo sát và đưa ra kết luận rằng, Nhật Bản không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nhưng các tướng lĩnh quân đội đã không lo nghĩ cho số phận của người dân Nhật Bản – tại thời điểm đó, hơn 60 thành phố của Nhật đã bị bom đạn tàn phá dữ dội, người dân phải di dời, bị thương vong và hàng trăm ngàn người đã chết.

Hơn 60 thành phố của Nhật Bản bị tàn phá nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 1945. (Ảnh: TheAtlantic)

Tướng lĩnh quân đội không thể chịu được sự nhục nhã của việc đầu hàng, vì vậy họ đã buộc nước Nhật phải tiếp tục chiến đấu, cuộc chiến mà họ đã bại, đưa người Nhật vào cảnh đau khổ tồi tệ mà họ lẽ ra đã có thể kết thúc sớm hơn rất nhiều.

Nhà sử học Tsuyoshi Hasegawa, trong cuốn sách xuất bản năm 2005 của ông có tiêu đề “Racing the Enemy” (tạm dịch: “Đua với quân địch”), đã đưa ra chứng cứ thuyết phục rằng, cuộc chiến ở Thái Bình Dương đã kết thúc bởi sự can thiệp của quân Liên Xô, chứ không phải việc ném những quả bom nguyên tử. Việc nếm mùi sự thất bại trong tay người Xô Viết hai lần vào cuối những năm 1930, trong hai lần đụng độ tại biên giới Mãn Châu, các tướng lĩnh biết rằng, tại mặt trận mới, kháng cự thêm là vô ích.

Cuốn sách Racing the Enemy. (Ảnh: amazon)

Sheldon Garon, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ đã bất ngờ trước sự đầu hàng của người Nhật, bởi vào ngày 19 tháng 8 năm 1945, bởi khi đó Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng 3 quả bom nguyên tử và còn 6 quả đang trong quá trình sản xuất – họ đã không dự đoán rằng sẽ có một kết thúc nhanh chóng.

Theo Garon, quân đội Nhật quan ngại sâu sắc về các diễn biến ngày càng tồi tệ ở Nhật Bản, các nỗ lực chiến tranh đã bị phá hủy. Ví dụ, các nhà chức trách đã chuẩn bị cho sự di tản của hàng trăm nghìn học sinh để cứu họ khỏi sự tàn phá trong thành phố, nhưng đã không thể ngờ về cuộc di cư lớn của những người trưởng thành, những người đã từ bỏ, bởi họ biết rằng quân đội không thể bảo vệ họ. Những con đường ở Tokyo đã bị tắc nghẽn bởi những người chạy nạn: 8,5 triệu người đã chạy khỏi các thành phố của Nhật Bản trong vòng 5 tháng cuối cùng của cuộc chiến, làm tê liệt mạng lưới giao thông.

Cảnh người Nhật chạy đi tị nạn làm tắc nghẽn giao thông năm 1945. (Ảnh: TheAtlantic)

Chiến lược chạy thoát thân ra các vùng nông thôn có nghĩa là, những người công nhân mất tinh thần đã từ bỏ nhà máy, làm cho tình trạng thiếu thốn các sản phẩm liên quan đến chiến tranh càng tồi tệ hơn.

Theo Garon, những hành động đó cũng có nghĩa là một xã hội đã không còn nghe theo mệnh lệnh, đó là những dấu hiệu cho thấy một thất bại đang đến gần. Đáng buồn là, nhiều người chạy nạn không may đã chạy đến các thành phố nhỏ hơn, và vì vậy trở thành mục tiêu ném bom “bất đắc dĩ” của Hoa Kỳ, bởi họ đã chuyển sang các mục tiêu “mức 2”, tức là các thành phố nhỏ hơn, để tránh thương vong cho các thành phố lớn. Hoa kỳ đã rải truyền đơn cảnh báo trước về các cuộc tấn công sẽ xảy ra, việc này gây nên sự sợ hãi cho người Nhật, đồng thời làm lung lay niềm tin của người dân với chính phủ Nhật.

Ngay cả các quan chức cũng mất tinh thần trước sự đầu hàng của quân Đức và không khó để nhìn ra viễn cảnh tồi tệ mà đất nước thân yêu của họ sẽ phải gánh chịu nếu kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng như Adolf Hitler đã làm.

Thành phố Berlin tan thương trong trận đánh cuối cùng với quân Đồng Minh (Ảnh: twitter.com)

Garon phát hiện rằng, người Đức đã chiến đấu như những sa-mu-rai, họ hy sinh tất cả, thậm chí khi họ biết rằng đó là thất bại. Trong khi nhiều tuyên truyền nói rằng phụ nữ và trẻ em Nhật chống lại những người Mỹ xâm lược bằng gậy tre, Garon nhấn mạnh rằng, không có ai làm như vậy, mà ngược lại, Đức đã dùng các biện pháp tuyệt vọng này, huy động toàn lực lượng, triển khai những người không được huấn luyện ra chiến trường, nhiều người đã chết và bị thương.

Các nhà ngoại giao của Nhật Bản tại Châu Âu thì sốc trước sự hủy diệt đối với nước Đức, họ đã thể hiện sự lo ngại về chiến lược “chiến đấu đến cùng” của Hitler. Họ đã khuyên chính phủ của mình rằng không nên bắt chước người Đức, ngụ ý rằng nên đầu hàng vì lợi ích quốc gia. Việc tìm kiếm một cái kết với tự trọng đã được chứng minh là rất khó khăn.

Garon cho rằng, việc trì hoãn sự đầu hàng là bởi sự ngoan cố của quân đội và sự bất lực ngoại giao, việc chần chừ đã khiến Nhật Bản phải chịu sự tàn phá không cần thiết.

Đại diện đế quốc Nhật ký kết văn kiện đầu hàng phe Đồng Minh (Ảnh: VOV)

Cuối cùng, khi Liên Xô vào cuộc và cộng thêm là sức tàn phá của 2 quả bom nguyên tử ném xuống đã dẫn đến một sự đầu hàng vội vã. Nhưng đó là hệ quả sau này, bởi vì dấu hiệu của sự thất bại, bao gồm các chuỗi thất bại ở hậu phương đã được tích tụ lại trong một thời gian: bị ném bom không ngừng, thiếu thốn lương thực, các gia đình bị bỏ rơi, nhiều người phải tha hương đi nơi khác, không ai nguyện ý chịu chung số phận như Phát xít Đức và một viễn cảnh tồi tệ của đất nước sau cuộc chiến vô nghĩa này.

Đường Chính

Exit mobile version