Năm 1977, một con tàu đánh cá của Nhật đã bắt được xác một con vật khổng lồ bí ẩn tại vùng biển ngoài khơi New Zealand. Họ nghi ngờ đây có thể là cá thể sống hiếm hoi của một loài quái ngư nổi tiếng đã tuyệt chủng thời tiền sử.
Trong phần 1, chúng ta biết sau khi xác con vật được kéo lên boong tàu, nhà sinh học Yano đã chụp ảnh hiện trường và thu thập mẫu sừng cứng ở vây trước, sau đó thả xác con vật trở về đại dương. Sau khi trở về đất liền, ông đã rửa ảnh, tiến hành xét nghiệm trên mẫu sừng cứng, và thu được kết quả sơ bộ. Do tuyên bố có phần mù mờ, công chúng đã hiểu nhầm kết quả khẳng định đây là loài quái vật tuyệt chủng cùng thời với khủng long là plesiosaur.
Plesiosaurus, như nhiều người biết, là một loài động vật sống vào thời đầu kỷ Jura, cùng thời với khủng long. Với thân hình cồng kềnh và cư ngụ chủ yếu dưới nước, Plesiosaurus được ví như “khủng long biển”. Khi vụ việc tiểu hành tinh va chạm Trái Đất theo giả thuyết xảy ra, chúng đã cùng khủng long đi đến bến bờ tuyệt chủng, không thể tồn tại cho đến tận ngày nay. Do đó, việc một con plesiosaurus còn sống sót đến thời cận đại, là một phát hiện có tầm cỡ trọng đại, nó đặt dấu hỏi lớn cho lịch sử tiến hóa sinh vật như chúng ta biết ngày nay.
Không phải quái vật tiền sử, mà là cá mập khổng lồ ?
Việc xác định danh tính vẫn chưa ngã ngũ, các nhà khoa học Nhật Bản đã thành lập một tổ nghiên. Tháng 7/1978, một tập hợp khoảng 9 bài viết trình bày kết quả nghiên cứu của tổ được đăng tải. Nhận định chung, đây là xác của một con cá mập bị phân hủy thời gian dài, nhiều khả năng là cá nhám phơi nắng.
Cá nhám phơi nắng là loài cá mập lớn thứ hai ngoài đại dương (chỉ sau cá nhám voi). Loài cá này có thể phát triển chiều dài đến trung bình hơn 9 m, thậm chí người ta từng tìm thấy mẫu vật dài đến hơn 12 m. Dẫu sở hữu thể hình to lớn, nhưng loài cá mập này hoàn toàn vô hại với con người, nó chỉ tiêu hóa các loài sinh vật phù du (chủ yếu tôm cua nhỏ) với cái miệng mở rộng thường trực.
Quá trình “lột xác” kỳ diệu?
Nhiều người có thể băn khoăn, một con cá nhám to đùng mập mỡ như vậy, làm sao có thể phân hủy thành một cái xác gầy nhom, dơ xương , với cái cổ dài ngoẵng và cái đầu quá nhỏ so với thân mình như thế.
Một số nhà khoa học, dựa trên hiểu biết của mình về quá trình phân hủy xác ướp cá nhám, cho biết như sau. Khi thi thể loài cá nhám này phân hủy, phần hàm và phần mang cá gắn lỏng lẻo bến dưới sẽ rụng trước, để lại phần hộp sọ phía trên, cùng một cái đầu nhỏ và cái cổ dài (hình dưới). Một phần hoặc toàn bộ phần đuôi (đặc biệt phần nửa đuôi dưới vốn không có cột sống hỗ trợ) và phần vây lưng sẽ bị bong tróc và mất trước phần vây ngực và vây khung chậu, khiến tạo cảm giác giống một con plesiosaur.
Một số người gọi những di thể loại này là “quái thú plesiosaur giả” , số khác thì gọi chúng là “cá mập giả”.
Kết quả xét nghiệm mẫu sừng cứng
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành xét nghiệm trên các mẫu “sợi sừng” cứng, dài, màu vàng được Yano thu thập từ chóp đầu các vây (hình dưới).
Kết quả phân tích thành phần amino acid tổng trong các sợi sừng ăn khớp với thành phần elastoidin ở cá nhám, đây là một loại protein collagen tìm thấy trong vây cá mập.
Ngoài ra, một số đặc điểm giải phẫu khác cũng gợi ý đây là một con cá nhám phơi nắng.
Bí ẩn kết thúc, phải chăng đây chỉ là một màn “lột xác” đơn thuần từ một con cá mập khổng lồ thành một loài quái thú tiền sử cùng thời với khủng long, nhờ quá trình phân hủy tinh diệu. Không đơn giản như vậy. Trong báo cáo, tuy rằng nhận định phổ biến là đây là một con cá nhám phơi nắng, nhưng báo cáo cũng trích dẫn nhiều điểm nghi vấn, những đặc điểm dị loại không có ở cá mập.
Nghi vấn
Lớp da lông cứng bao phủ
Bề mặt thi thể con động vật này có màu trắng, được bao phủ bởi lớp lông tơ cứng đan xen nhau, tương tự như ở cá voi hay các loài động vật có vú khác, nhưng không mềm yếu như ở các loài cá khác (bao gồm cá mập). Trên thực tế, dường như rất ít người biết cá mập sở hữu lớp lông phủ ngoài, bởi chúng rất mềm và ngắn.
Lớp mỡ dày – không thấy có ở cá
Trái với suy nghĩ của nhiều người, một số loài như cá voi, cá heo, hải cẩu, hải mã. v.v… tuy là động vật biển, nhưng không được xếp vào phân loại cá. Thực chất chúng là các loài động vật có vú, và là động vật máu nóng (hay động vật đẳng nhiệt). Tương tự con người, các loài động vật này duy trì một mức nhiệt độ cố định (đẳng nhiệt, hằng nhiệt). Tại môi trường sống giá lạnh trong lòng đại dương hoặc ở những nơi vĩ đạo cao như ở gần vùng cực, để duy trì thân nhiệt và giữ ấm, cá heo, cá voi, hay các loài tương tự sẽ phải tích tụ lượng mỡ dự trữ cho cơ thể, để khi cần sẽ đốt cháy lượng mỡ đó nhằm sinh ra nhiệt năng. Do được thiết kế để dự trữ lượng lớn mỡ dự phòng khi “trời lạnh”, nên những loài động vật này thường có thể hình to lớn. Chúng khá mập mạp.
Trái lại, các loài cá khác (bao gồm cá mập) thì được xếp vào phân loại cá, chúng là các loài động vật biến nhiệt (hay động vật máu lạnh), nhiệt độ cơ thể chúng sẽ thay đổi phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Do đó cơ thể chúng không có khu vực tích trữ mỡ đặc thù. Tuy nhiên theo quan sát của Yano, trên xác con vật có một loại chất dinh dính giống mỡ. Nếu là cá mập, thì sẽ không thể có một lớp mỡ dày dưới da. Có lẽ đây là một loài động vật biển có vú.
Thiếu vắng mùi phân hủy đặc trưng của cá mập
Khi được vớt lên, cái xác không bốc mùi amô-ni-ắc, vốn là đặc trưng của thịt cá mập khi phân hủy. Một số cho rằng có thể do quá trình phân hủy thời gian lâu (thời gian tử vong ước tính khoảng 1 tháng trước đó) và tiếp xúc với nước biển trong thời gian dài, nên cái xác đã được gột rửa đi cái mùi đặc trưng đó. Tuy nhiên, tại thời điểm được vớt lên boong, các nhân chứng cho biết cái xác có một “mùi hôi thối” và vẫn đang phân hủy, nhưng không hề ngửi thấy mùi amô-ni-ắc. Điều này một lần nữa đặt dấu hỏi cho danh tính của con vật này.
Phần đầu khá cứng, không giống đầu cá
Như có thể quan sát trong ảnh chụp, phần đầu con vật khá cứng, lộ rõ phần sọ, trông khá hoàn chỉnh. Và cấu trúc hộp sọ có sự khác biệt so với đầu cá.
Lỗ mũi nằm ở phía trước hộp sọ – khác với cá mập
Ở cá mập, hai lỗ mũi nằm ở phía trước, nhưng ở phần dưới hộp sọ.
Trong khi như có thể thấy trên hộp sọ con quái vật, hai lỗ mũi nằm ở phía trên.
Ở Pleisosaur, hai lỗ mũi cũng nằm ở phía trước, và ở bên trên, tương hợp với con vật.
Bốn cái vây
Theo lời các thủy thủ kể lại, họ khẳng định rằng con vật này có bốn chi – hai vây trước và hai vây sau – và chúng có kích thước bằng nhau . Điều này cũng ăn khớp với bản vẽ phác họa của Yano .
Đặc điểm này rất khác với cá mập, vốn có hai vây trước lớn hơn, tuy vậy lại khá giống với Pleisosaur.
Sự khác biệt vi tế ở amino acid trong cấu tạo các sợi sừng
Như đã nói ở trên, kết quả phân tích thành phần amino acid tổng trong các sợi sừng ăn khớp với thành phần elastoidin ở cá nhám , đây là một loại protein collagen tìm thấy trong vây cá mập. Nhưng lại có sự khác biệt đáng kể giữa sợi sừng và elastoidin trong các liên kết ngang (amino acid đa chức năng từ lysine – hiểu đại khái là thành phần amino acid ở cấp độ rất nhỏ, vi quan hơn cấp độ bề mặt ). Lấy ví dụ, mức độ phóng xạ của chất tritium trong sợi sừng là 110 cpm, mức này chỉ bằng 1/7 so với trong elastoidin.
Sự thiếu hụt vây lưng
Các loài cá mập đều có một cái vây lưng, nằm ở vị trí xương sống.
Tuy nhiên, như có thể quan sát trong ảnh chụp, dọc khắp xương sống của con quái thú, lớp thịt đỏ và mỡ được phân bố rất đều, không có dấu hiệu nào cho thấy tại một vị trí nào đó từng được gắn một bộ phận như vây lưng. Không hề có vết thịt đứt, không có phần thịt thừa còn sót lại nào xung quanh nơi mà đáng nhẽ ra là phần gốc của vây lưng cá mập.
Với các nghi vấn nêu trên, việc xác định danh tính xác con quái thú trở nên không còn dễ dàng. Các đặc điểm tương khớp với cá nhám phơi nắng là có, nhưng cùng lúc các đặc điểm dị biệt cũng tồn tại, thậm chí không hề nhỏ. Do đó, cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể đi đến kết luận chắc chắn về danh tính thật sự của con vật này.
Pleisosaur – loài quái vật tiền sử thời khủng long có thể vẫn ngự trị?
Với kết luận nêu trên, giả thuyết về plesiosaur lại được bật đèn xanh. Trên thực tế, đây không phải trường hợp duy nhất làm dấy lên nghi vấn về sự tồn tại thời hiện đại của loài “khủng long biển đã tuyệt chủng” này. Đã có một số báo cáo dọc bờ biển New Zealand và nước láng giềng Australia, một bài viết còn trích dẫn hình phác họa của thổ dân bản địa Úc về một con quái vật với cổ dài và những cái vây lớn, khá tương đồng với hình vẽ mô phỏng loài plesiosaur ngày nay.
Các giả làng bộ lạc Kuku Yalanji từ một bang phía bắc Australia, có kể lại các sự tích về Yarru, một loài sinh vật cư ngụ tại các đầm nước trong rừng nhiệt đới. Lưu ý rằng, khác với cá, plesisaur là một loài thằn lằn thở bằng phổi, có thể di chuyển lên đất liền.
Hình trên miêu tả một loài động vật có hình dạng rất giống plesiosaur. Hình vẽ thậm chí còn miêu tả rõ đường tiêu hóa, ám chỉ loài động vật này có thể từng bị bắt và mổ thịt.
Một bức hình miêu tả một con plesiosaur, được gọi là quái vật Cảng Bynoe, đã xuất hiện trên một tờ báo tại thành phố Darwin sau nhiều lần bị ngư dân bắt gặp vào năm 1998. Một thổ dân đã thuộc nằm lòng rất nhiều bài hát của bộ lạc anh (gọi là ‘kudjika’), sau khi nhìn thấy bức hình trên tờ báo, liền ngay lập tức nhận ra trong lời hát của một kudjika có miêu tả một loài quái vật giống với plesiosaur.
Việc một con plesiosau còn sống sót đến thời cận đại, là một phát hiện có tầm cỡ trọng đại, nó đặt dấu hỏi lớn cho lịch sử tiến hóa sinh vật như chúng ta biết ngày nay.
Thanh Tước