Kim tự tháp Khufu, hay còn gọi là Đại Kim tự tháp Giza, là một trong những công trình lâu đời nhất và duy nhất còn tồn tại trong số Bảy Kỳ quan Thế giới Cổ đại. Theo ước tính của các nhà khoa học, người Ai Cập phải dùng khoảng 2,4 triệu khối đá, trung bình mỗi khối nặng từ 2-4 tấn; thậm chí một số khối đá có trọng lượng lên tới 15 tấn.
Giữa mênh mông biển cát, làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể vận chuyển các khối đá để xây dựng nên những kim tự tháp khổng lồ như vậy? Nhiều giả thuyết và suy đoán khác nhau đã được đưa ra để giải thích cho bí ẩn này. Mặc dù đó là những phương pháp khả thi, nhưng vẫn đòi hỏi tiêu tốn không ít sức lực và thời gian. Và nếu nhìn từ góc độ kiến trúc và xây dựng, phương pháp ấy có lẽ vẫn chưa thật sự tối ưu…
Là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, Chris Massey đã nhìn thấy điểm hạn chế trong giả thuyết truyền thống. Ông tin rằng các kiến trúc sư vĩ đại của Ai Cập chắc chắn có cách làm hợp lý hơn những gì chúng ta vẫn tưởng tượng.
Mọi chuyện bắt đầu từ kỳ nghỉ của Chris Massey tại Ai Cập vài năm về trước. Ông đã có buổi tranh luận với hướng dẫn viên du lịch về những khối đá khổng lồ trên các kim tự tháp. Không hài lòng với câu trả lời của hướng dẫn viên và những gì viết trong sách du lịch, Chris Massey quyết tâm tự tìm cho mình câu trả lời.
Từ đặc điểm của địa lý Ai Cập và những người bản địa từ thời cổ đại, Chris Massey đã đưa ra một giả thuyết mới và hoàn toàn bất ngờ, trả lời cho câu hỏi mà chúng ta vẫn đặt ra bấy lâu nay: Làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể xây dựng nên những kim tự tháp vĩ đại và khổng lồ ấy? Điều này được thực hiện như thế nào trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và kỹ thuật thô sơ của hơn 4500 năm về trước?
Những câu hỏi này được giải đáp tỉ mỉ và chi tiết trong cuốn sách của Chris Massey, mang tên “The Pyramids Of Egypt – How Were They Really Built?” (tạm dịch: “Những kim tự tháp của Ai Cập – Chúng thật sự được xây dựng như thế nào?”). Cuốn sách được đánh giá là đã “viết lại” lý thuyết về các kim tự tháp Ai Cập và giải đáp nhiều ẩn đố trong lịch sử.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không có con tàu thời gian để quay trở lại quá khứ và kiểm chứng xem những gì Chris Massey tin tưởng có là sự thật hay không. Vì vậy, hãy coi đây chỉ là một phán đoán để chúng ta cùng suy ngẫm.
Theo Chris Massey, bí quyết của các kiến trúc sư Ai Cập là: Tận dụng nguồn nước từ sông Nile, phát huy lợi thế từ cây cói giấy (vốn là loại cây được dùng rộng rãi từ thời Ai Cập cổ đại), và sử dụng các tấm da động vật để việc xây dựng trở nên đơn giản hơn.
Vậy, ba yếu tố nói trên đóng vai trò cụ thể nào?
Người Ai Cập coi sông Nile là món quà vĩ đại từ thiên nhiên. Họ tôn kính dòng sông cũng như một vị thần linh thiêng. Họ dựa vào con sông huyền năng này để canh tác, trồng trọt, phát triển chăn nuôi. Nhờ đó mà cuộc sống ở nơi thung lũng sông Nile đạt đến một nền văn minh rực rỡ. Nhưng không chỉ có vậy, có lẽ, con sông huyền thoại này còn đóng góp vào việc xây dựng các kim tự tháp vĩ đại.
Dọc hai bờ sông Nile là các cây cói (Cyperus Papyrus) – nguyên liệu để làm giấy và chiếu từ xa xưa. Cây cói có khả năng nổi trên mặt nước. Và nếu bạn buộc đủ lượng cói vào các hòn đá, hòn đá ấy cũng sẽ là là trôi theo làn nước mà không bị chìm xuống đáy.
Ngoài ra, những tấm da động vật thường được người cổ đại sử dụng để đựng nước uống trên sa mạc. Nếu thổi đầy không khí vào trong những chiếc bao da đó, chúng sẽ nổi trên mặt nước mà không bị chìm xuống đáy.
Kết hợp những điều trên, Chris Massey đưa ra giả thuyết người Ai Cập sử dụng cây cói và tấm da động vật để giúp các khối đá nổi trong nước, thông qua các kênh dẫn từ sông Nile để vận chuyển đá vào công trường xây dựng kim tự tháp. Cách làm này khiến quá trình thực hiện trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc kéo lê từng tảng đá trên nền cát.
Chris Massey đã mô tả tỉ mỉ cách thức thực hiện ấy trong cuốn sách của ông, chúng ta hãy cùng xem.
Các kênh đào được xây dựng nối từ bến cảng sông Nile vào công trường xây dựng. Đây chính là con đường nước giúp vận chuyển các khối đá nặng.
Nhiều năm về trước, một số học giả đã phát hiện các kênh đào (có thể là kênh dẫn nước) tại khu vực kim tự tháp. Đây cũng có thể là một bằng chứng cho thấy kênh đào đóng một vai trò trong quá trình xây dựng.
Nhờ có “túi nổi” (bao khí) và cói, các tảng đá sẽ dễ dàng nổi trong nước.
Không mất nhiều công sức, người thợ vẫn có thể di chuyển khối đá theo dòng sông Nile để vào các kênh dẫn nước. Đây là kênh vận chuyển từ bến cảng vào công trường kim tự tháp.
Bạn có thể nghĩ: OK, cứ giả sử người Ai Cập sử dụng các kênh dẫn nước. Điều này có thể khả thi ở nơi địa hình bằng phẳng hoặc dốc xuống thấp. Nhưng với kim tự tháp, làm thế nào để nâng các khối đá lên độ cao tương ứng? Đừng quên là có những kim tự tháp cao đến hàng trăm mét!
Đúng vậy. Nếu kênh dẫn nước được thiết kế như một đường ống kín và có các cửa đóng-mở theo từng chặng độ cao, thì vấn đề đó sẽ được giải quyết. Hãy tham khảo hình vẽ minh họa dưới đây:
Cửa khẩu đầu tiên sẽ được mở ra để các khối đá di chuyển vào trong kênh dẫn nước. Sau đó, nó sẽ được đóng lại. Lúc này các khối đá vẫn nổi và di chuyển theo hướng tiến lên trên. Khi tới độ cao thứ hai, cửa khẩu tiếp theo sẽ được mở ra. Cứ như vậy, các khối đá sẽ được đưa lên bất cứ độ cao nào mà con người mong muốn.
Và đây là thí nghiệm của Chris Massey minh họa cách thức các khối đá di chuyển trong kênh dẫn nước:
Nếu áp dụng nguyên lý này, người Ai Cập có thể vận chuyển các khối đá nặng lên đỉnh kim tự tháp theo cả 4 hướng.
Tại đây có các rãnh nước giúp điều hướng khối đá đến vị trí cần thiết.
Quá trình di chuyển khối đá được thực hiện bằng cách tháo hoặc làm đầy nước trong các đường rãnh.
Người nô lệ chỉ cần tháo bỏ các bao khí và dây trói, khối đá sẽ hạ xuống an toàn.
Như vậy, nhờ khéo léo tận dụng sức nước, những kiến trúc sư vĩ đại của Ai Cập có thể xây dựng các kim tự tháp khổng lồ mà không tiêu tốn quá nhiều công sức. Giả thuyết này, nếu đúng là những gì từng diễn ra hơn 4500 năm trước đây, sẽ thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về lịch sử các kim tự tháp ở Ai Cập.
Trên thực tế, các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng những công trình cổ đại như đền Angkor Wat ở Campuchia cũng từng được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của các kênh đào. Theo đó, người Khmer đã lợi dụng kênh đào để vận chuyển 5 triệu tấn sa thạch bằng cách làm chúng nổi trên bè gỗ và di chuyển theo sông, hồ, và kênh đào để đến địa điểm xây dựng. Điều này giải thích tại sao ngôi đền cổ có thể hoàn tất trong vòng 35 năm thay vì vài trăm năm như ước tính của các nhà khoa học.
Trở lại với câu chuyện về các kim tự tháp Ai Cập nhiều ngàn năm về trước, tác giả Chris Massey không chỉ “tiết lộ” bí quyết xây dựng mà chúng ta đã tìm hiểu bên trên, mà còn mô tả và giải thích chi tiết toàn bộ quá trình đó qua những hình ảnh 3D sống động. Dưới đây là toàn bộ các bước thực hiện theo minh họa của Chris Massey:
Dù dựa trên các cơ sở khoa học và có thí nghiệm thực tế chứng minh, nhưng dẫu sao, đó vẫn chỉ là một giả thuyết được Chris Massey đưa ra để chúng ta cùng tham khảo. Cũng không thể phủ nhận rằng giả thuyết của Massey có thể làm dấy lên nhiều nghi ngờ cũng như thắc mắc trong những người theo dõi. Và nếu bạn có ý kiến đóng góp nào khác, vui lòng chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.
Hồng Liên
Xem thêm: