Đại Kỷ Nguyên

Kính áp tròng có thể biến đổi ‘bộ gen thứ hai’ của nhãn cầu

"Nghiên cứu của chúng tôi đã rõ rằng việc đưa một dị vật ngoại lai như kính áp tròng lên mắt không phải là không gây hại”, theo nhà vi trùng học Maria Gloria Dominguez-Bello. (Ảnh: Internet)

Việc xét nghiệm di truyền các microbiome [1] ở người có thể lý giải nguyên nhân tại sao những người mang kính áp tròng thường bị nhiễm trùng mắt, nhà vi trùng học Maria Gloria Dominguez-Bello nói.

Microbiome là một hệ sinh thái gồm hàng trăm ngàn tỷ vi sinh vật gồm vi khuẩn, virút, nấm, động vật nguyên sinh… đang sinh sống và bao phủ mọi ngóc ngách cơ thể. Chúng cực kỳ bé nhỏ, gần như vô hình dưới mắt thường, sống cuộc đời tưởng chừng nhàm chán (ăn, lớn lên và sinh sản) nhưng lại tác động rất lớn đến sức khỏe con người. Các nhà khoa học gọi chúng là “microbiome”, tức toàn bộ hệ gene của cộng đồng các vi sinh vật đang cư ngụ ở trên và bên trong cơ thể.

Khi đào sâu cách thức microbiome giao tiếp với hệ nội tiết và hệ thần kinh, nhiều bằng chứng còn cho thấy microbiome thậm chí ảnh hưởng đến tâm trạng, mức độ căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Vì vậy, nếu một người đang cảm thấy vui vẻ, nhiều khả năng là do hoạt động của các vi khuẩn trong microbiome. Microbiome tác động rất lớn đến sức khỏe mỗi người, thậm chí lớn hơn cả các đặc điểm di truyền ta thừa hưởng từ gene bố mẹ. Đó là lý do khoa học còn gọi microbiome là bộ gene thứ hai của con người”. Cùng với tên gọi này, những nghiên cứu mới về microbiome đang cho phép định nghĩa lại khái niệm “chăm sóc sức khỏe” theo cách hoàn toàn mới.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Langone của Đại học New York cho biết họ đã xác định được một tập hợp đa dạng các vi sinh vật có trong mắt của những người hàng ngày đeo kính áp tròng. Tập hợp này tương đồng hơn với nhóm các vi sinh vật trên mí mắt của người đeo kính áp tròng so với trên mắt người không đeo.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy bề mặt mắt, hay kết mạc, có mức độ đa dạng vi khuẩn cao hơn một cách đáng kinh ngạc so với vùng da ngay bên dưới mắt, đồng thời ghi nhận được gấp 3 lần tỷ lệ thông thường các loại vi khuẩn Methylobacterium, Lactobacillus,  Acinetobacter và Pseudomonas trên mắt của 9 người đeo kính áp tròng so với trên kết mạc của 11 người khác không đeo kính, bao gồm cả nam lẫn nữ.

Khi được đo đạc và phác họa biểu đồ, các chỉ số biểu thị sự đa dạng của vi khuẩn cho thấy ở trong những người đeo kính áp tròng, microbiome mắt của họ có kết cấu tương tự hơn so với microbiome trên da.

Dị vật ngoại lai

“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ rõ rằng việc gắn vật thể ngoại lai như kính áp tròng lên mắt không phải là không gây hại”

– Maria Gloria Dominguez-Bello, nhà nghiên cứu cấp cao và nhà vi sinh vật học tại Trung tâm Y tế Langone thuộc trường Đại học New York.

“Chúng tôi hy vọng các thí nghiệm trong tương lai sẽ cho biết những thay đổi trong microbiome mắt của người mang kính áp tròng là do tiếp xúc với các ngón tay (dụi mắt), hay do áp lực trực tiếp từ tròng kính đã tác động và thay đổi hệ thống miễn dịch trong mắt, đồng thời chỉ ra loại vi khuẩn nào bị ức chế hoặc tạo điều kiện sinh trưởng”, Dominguez-Bello, phó giáo sư tại trung tâm Y tế Langone thuộc trường Đại học New York, phát biểu.

“Những phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn một vấn đề kinh niên là tại sao những người mang kính áp tròng lại dễ mắc nhiễm trùng mắt hơn so với những người không mang”, bà Dominguez-Bello nói tiếp.

“Đã ghi nhận được xu hướng gia tăng các ca viêm loét giác mạc kể từ khi kính áp tròng được giới thiệu ra thị trường vào những năm 1970”, theo giáo sư Jack Dodick, đồng tác giả nghiên cứu và trưởng khoa mắt tại Đại học New York.

“Pseudomonas là một chứng bệnh phổ biến có liên hệ trực tiếp. Nghiên cứu này cho thấy vì các vi sinh vật gây bệnh dường như bắt nguồn từ lớp da (biểu bì), nên cần phải quan tâm nhiều hơn đến mí mắt và việc vệ sinh bàn tay để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng bệnh nghiêm trọng này”, ông nói.

Các mẫu xét nghiệm mắt

Trong cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã thu thập hàng trăm mẫu xét nghiệm từ những bộ phận khác nhau của mắt, bao gồm kết mạc, cũng như dọc theo vùng da ngay bên dưới mắt. Sau đó cả mẫu xét nghiệm lẫn tròng kính đã qua sử dụng sẽ được đưa đi phân tích di truyền trong phòng thí nghiệm để xác định các thành phần vi khuẩn hiện hữu.

Tuy thành phần vi khuẩn trong mắt của những người mang kính áp tròng là khá tương đồng với thành phần vi khuẩn trên da, nhưng khoảng 5.245 dòng và phụ loại vi khuẩn đặc thù đã được xác định trong kết mạc của những người những người mang kính, và 5.592 dòng vi khuẩn đã được xác định trong mắt của những người không mang kính.

Có 2.133 dòng và phụ loại vi khuẩn đặc thù nhưng khác biệt về thành phần cũng đã được xác định trong vùng da ngay bên dưới mắt của những người mang kính áp tròng, trong khi 3.849 loại vi khuẩn đặc thù đã được xác định ở những người không mang kính.

Nhưng điều đáng kinh ngạc là, có nhiều vi khuẩn Staphylococcus, vốn cư trú phổ biến trên da và là tác nhân gây nên các chứng nhiễm trùng mắt, đã được tìm thấy trong mắt của những người không mang kính, và các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được cách giải thích hợp lý cho sự khác biệt này. Các đánh giá có phần khác biệt, nhưng nhiều trường hợp mắc chứng viêm giác mạc gây sẹo tiềm tàng, hay viêm mắt, cũng như các trường hợp nhiễm trùng kết mạc thường xảy ra ở những người mang kính áp tròng.

Nghiên cứu đã được công bố vào ngày 31/05 tại cuộc họp của Hiệp hội Vi trùng Học Hoa Kỳ (American Society for Microbiology) ở New Orleans.

Nguồn kinh phí hoàn thành nghiên cứu trong 2 năm đã được cung cấp bởi Quỹ tài trợ Nghiên cứu Chống Mù lòa (the Research to Prevent Blindness Foundation).

Tác giả: David March, Đại học New York
Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Long biên dịch

Exit mobile version