Đại Kỷ Nguyên

Kinh Thánh là có thật? Tìm thấy nhà ba tông đồ của Chúa Jesus tại thị trấn Bethsaida

Kinh Thánh là quyển sách được xuất bản và đọc rât nhiều trên thế giới. Các chi tiết trong đó bị giới khoa học bác bỏ vì tính huyền hoặc và ảo tưởng. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ và Thần học không ngừng khai quật và khám phá ra rất nhiều chi tiết trong sách là có thật. Vậy đó chỉ đơn thuần là câu chuyện được Thần thánh hóa, hay là sự thật được ghi chép không sai một chi tiết nào? Mời bạn đọc theo dõi loạt bài khám phá về Kinh Thánh của Đại Kỷ Nguyên.

Các nhà khảo cổ cho biết họ đã tìm thấy nhà của ba trong số các tông đồ của Chúa Jesus tại thị trấn Bethsaida được nhắc đến trong Kinh Thánh, nằm ở bờ biển phía bắc Biển hồ Galilee.

Ba tông đồ Peter, Andrew và Phillip được cho là đã từng cư ngụ tại thành phố La Mã thất lạc Julias, vốn được biết đến trước kia với cái tên ‘làng Bethsaida’.

Nhà của ba tông đồ của Chúa Jesus là Peter, Andrew và Philip có thể đã được tìm thấy.

Trong sách Phúc âm John trong Tân Ước thuộc Kinh Thánh, chương 1 dòng 44 có viết Bethsaida là nhà của cả ba vị tông đồ. Sách Phúc âm Luke, chương 9 dòng 10-17 miêu tả Bethsaida là nơi Chúa Jesus hóa phép biến năm ổ bánh mì và hai con cá ra gấp nhiều lần để 5000 người được ăn no nê, và Sách Phúc Âm Mark, chương 8 dòng 22-26 cho biết đây là nơi Chúa Jesus chữa lành mắt cho một người mù.

Theo Kinh Thánh, vào thời Chúa Jesus nơi đây là một làng chài nhỏ, và Jesus đã chữa lành mắt cho một người mù ở đây. Sau này, người La Mã xâm chiếm nơi này và đổi tên thị trấn thành Julias.

Nhà sử học người Do Thái Josephus Flavius là người đầu tiên chỉ ra sự tồn tại của thành phố La Mã này vào thế kỷ 1 SCN, mà ông cho rằng đã được xây dựng bên trên hay gần làng chài Bethsaida của người Do Thái.

Vua Phillip, con trai của Vua Herodes Cả trong Kinh Thánh, đã xây dựng thành phố này và đặt tên nó là Julias, theo sau tên của mẹ Hoàng đế La Mã Tiberius là Julia Augusta.

Trong vài thập kỷ, thị trấn đã phát triển thành một thành phố nhỏ, nhưng sau này nó đã bị bỏ hoang, nhiều khả năng do lũ lụt dâng lên từ sông Jordan.

Cảnh tượng chụp từ trên không của khu vực khai quật tại miền bắc Israel.

Các nhà khảo cổ đã cố gắng xác định thị trấn thất lạc Bethsaida trong Kinh Thánh trong nhiều năm, nhưng không dễ để tiến hành khai quật do tình trạng bất ổn chính trị trong khu vực.

Hiện một nhóm các nhà khảo cổ từ Viện Khảo cổ học Galilê trực thuộc ĐH Kinneret College (Israel) và ĐH Nyack College ở New York (Mỹ) vừa tuyên bố họ đã xác định được địa điểm quan trọng trong Kinh Thánh này.

Tại di chỉ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các đồng xu và di vật từ thời Đế quốc Đông La Mã, các hiện vật bằng gốm và đồng xu La Mã, có niên đại từ thời Hoàng đế Nero vào thế kỷ 1 SCN. Họ cũng phát hiện thấy tàn tích của một bồn tắm La Mã, cho thấy khu vực này từng là một đô thị.

ĐH Kinneret College cho biết cuộc khai quật khảo cổ cũng phát hiện ra một nhà thờ từng tọa lạc trên nơi sinh của Thánh Peter, Thánh Andrew và Thánh Philip.

Nhóm khai quật tại khu vực khai quật ở miền bắc Israel.

“Việc phát hiện hàng chục bức tranh khảm kính màu vàng trong đợt khai quật lần trước và lần này đã chứng minh một thực tế, rằng nhà thờ này là một nơi quan trọng và cao quý”, trường cao đẳng nhận định trong một tuyên bố.

Theo GS Steven Notley từ ĐH Nyack College, các nhà khảo cổ cần tiếp tục khai quật để xác nhận và làm rõ, nhưng cho đến nay dựa trên các phát hiện có được, có nhiều lý do để cho rằng đây là một trong những nơi thất lạc được đề cập trong Kinh Thánh.

Quý Khải (theo Ancient Pages)

Xem thêm:

Exit mobile version