Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng “đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6” đang diễn ra ở đây, với tỷ lệ các loài động vật biến mất nhanh gấp 100 lần so với đợt tuyệt chủng trước đó, các nhà khoa học đã cảnh báo trong một báo cáo mới công bố gần đây.
Báo cáo cũng nói rằng loài người có thể là một trong những nạn nhân đầu tiên của đợt tuyệt chủng này.
Trong nhiều năm qua, những người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường vẫn luôn cảnh báo rằng sự tuyệt chủng hàng loạt đang xảy ra khi con người hủy hoại và làm thoái hóa môi trường sống. Nhưng trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Advances gần đây, các tác giả đã nói rằng “ngay cả khi sử dụng những con số biểu thị tỷ lệ tuyệt chủng khiêm tốn nhất, thì tỷ lệ các động vật có xương sống đã biến mất vĩnh viễn vẫn cao hơn rất nhiều so với 5 đợt tuyệt chủng hàng loạt trước đây”.
“Chúng tôi cảm thấy kinh ngạc trước tình hình nghiêm trọng hiện nay”, tác giả chính của nghiên cứu, TS Gerardo Ceballos từ trường Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (National Autonomous University of Mexico), nhận định. “Kết quả này rất đáng buồn bởi chúng tôi đã sử dụng những tỷ lệ khiêm tốn nhất, và ngay cả như vậy tỷ lệ đó vẫn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tuyệt chủng bình thường, từ đó cho thấy chúng ta đang thực sự phải đối mặt với một tình trạng biến mất hàng loạt của các loài động thực vật”.
Nhà nghiên cứu từ trường Đại học Oxford cảnh báo đợt tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra:
Paul Ehrlich, đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Ngành nghiên cứu dân số sinh học tại Viện Môi trường Woods trực thuộc trường Đại học Stanford, đã kêu gọi hành động khẩn trương để bảo tồn những loài sinh vật, quần thể, môi trường sống đang bị đe dọa, và ông cũng cảnh báo rằng “cửa sổ của cơ hội [bảo tồn] đang khép lại nhanh chóng”.
Nghiên cứu “cho thấy rõ ràng rằng chúng ta đang bước vào sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6”.
Dù chủ yếu được biết đến với chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu dân số loài người, GS Ehrlich cũng đã thực hiện nghiên cứu bao quát về các đợt tuyệt chủng trong cuốn sách được viết vào năm 1981 của ông với tựa đề Tuyệt chủng: Nguyên nhân và hệ quả của sự biến mất các loài (Extinction: The Causes and Consequences of the Disappearance of Species). Từ lâu ông đã gắn liền công việc nghiên cứu của mình với lĩnh vực đồng tiến hóa, với sự bình đẳng chủng tộc, giới tính và kinh tế, và với hiện tượng mùa đông hạt nhân (nuclear winter) trong vấn đề biến mất quần thể động vật hoang dã và các chủng loài, theo tạp chí Science Daily.
Biểu đồ: Số lượng các loài sinh vật bị tuyệt chủng theo thời gian
Theo một báo cáo của trường Đại học Stanford, các nhà khoa học đã nhất trí rằng tỷ lệ tuyệt chủng đã đạt tới mức độ không gì sánh kịp kể từ khi loài khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm về trước. Tuy nhiên, một số nhà khoa học không đồng tình với giả thuyết này, vì họ cho rằng những số liệu ước tính trước đó đều dựa trên các giả định vốn đã phóng đại tính chất của cuộc khủng hoảng.
“Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, sự sống sẽ cần nhiều triệu năm để phục hồi, và những chủng loài sinh vật sẽ biến mất trong lương lai không xa”, TS Ceballos cảnh báo.
TS Ceballos cho biết nghiên cứu của ông đã vận dụng những kiến thức tốt hơn về tỷ lệ tuyệt chủng tự nhiên, hay tỷ lệ tuyệt chủng bình thường. Ông nói rằng, nhưng con số này khá khiêm tốn vì nó chỉ bao hàm các loài sinh vật đã chính thức bị tuyên bố tuyệt chủng. Do trải qua những quy định xét duyệt nghiêm ngặt, nên có trường hợp các loài sinh vật chỉ bị tuyên bố tuyệt chủng sau nhiều năm, theo tờ The Guardian.
Ai sẽ sống sót trong đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 này?
Theo kênh RT của Nga, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature – IUCN) đã ủng hộ tin tức cảnh báo, đồng thời cung cấp một mức độ đe dọa lên đến 26% đối với động vật có vú, 41% đối với các loài lưỡng cư—GS Elrich gọi những loài sinh vật tạo nên số liệu đó là “xác sống” (the walking dead).
“Điều này thực sự đang báo hiệu rằng chúng ta đã bước vào đợt tuyệt chủng thứ 6, và nguyên nhân là con người”, TS Ceballos cho hay.
Tuy nhiên, vẫn có một lối thoát, theo GS Ehrich và các đồng nghiệp: “Để ngăn chặn đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6, thì sẽ đòi hỏi những nỗ lực tăng cường đáng kể và gấp rút nhằm bảo tồn những loài động thực vật hiện đang bị đe dọa, đồng thời giảm bớt áp lực đối với quần thể của chúng—nhất là vấn đề mất môi trường sống, tình trạng khai thác quá mức vì lợi ích kinh tế cũng như tình trạng biến đổi khí hậu”.
Tác giả: Troy Oakes, Vision Times
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch
Xem thêm: