Rải rác trên thế giới là một số địa điểm huyền bí – nơi những chiếc ô tô dường như có thể trôi ngược lên dốc, hay những người đi xe đạp phải vật lộn để đẩy mình xuống chân đồi.
Những nơi mang những đặc điểm trên được gọi là “đồi phản trọng lực”, và có hàng chục quả đồi kiểu này trên khắp thế giới. Bạn có thể bắt gặp chúng tại Mỹ, Anh, Úc, Brazil, và Ý. Trong đó, hai ngọn đồi nổi tiếng nhất phải kể đến là đồi Confusion ở California và đồi Magnetic ở Canada – nơi phát khởi cho những tin đồn về ma thuật phù thủy hay những mỏ nam châm khổng lồ. Điểm chung của tất cả những địa điểm này là, nếu bạn dừng xe tại chân đồi rồi thả phanh, nó sẽ tự lăn ngược lên dốc.
Trong một video được đăng tải trên Youtube, một thanh niên đã ghi lại hình ảnh một quả bóng lăn ngược lên đỉnh đồi, sau khi anh ta đặt nó trên một con đường dốc ở Pennsylvania (Mỹ).
Vậy điều gì đang xảy ra ở đây? Phải chăng tại những nơi này các định luật vật lý không còn hiệu lực? Thực ra không phải vậy. Các hiện tượng tự nhiên kì quặc này chỉ là một dạng ảo ảnh quang học phức tạp và tinh vi – không dễ để nhận ra nó nếu không có sự trợ giúp của các thiết bị thích hợp.
Chẳng hạn, nếu bạn có một thiết bị khảo sát hay thiết bị định vị GPS, bạn sẽ phát hiện ra rằng “chân” dốc thực ra lại là “đỉnh” dốc, nghĩa là chúng ngược lại với những gì chúng ta quan sát được bằng mắt.
“Bộ não khiến bạn cảm giác mình đang đi lên dốc. Nhưng thực ra, bạn đang đi xuống dốc”, nhà vật lý Brock Weiss từ Đại học Pennsylvania cho hay.
Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân nằm ở đường chân trời. Hoặc nó bị che khuất tại khu vực có ngọn đồi phản trọng lực, nên mắt chúng ta không có một điểm tham chiếu thích hợp, hoặc đường chân trời nằm ở đó, nhưng nó che khuất hay làm mờ trạng thái dốc của ngọn đồi trong sự tương quan với khung cảnh xung quanh. Kết quả là, bộ não đưa ra nhận định sai lầm.
Năm 2003, một nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của việc thiếu vắng đường chân trời đối với việc nhận thức không gian đã được tiến hành trong phòng thí nghiệm với sự trợ giúp của một số tình nguyện viên.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Padova và Pavia ở Italy đã xây dựng mô hình một số ngọn đồi phản trọng lực trên thế giới, và các tình nguyện viên sẽ nhìn chúng thông qua một cái lỗ.
Sau đó họ tùy chỉnh vị trí đường chân trời trong mô hình để xem xem điều này sẽ tác động thế nào đến nhận thức của người quan sát đối với hướng dốc (dốc lên vs dốc xuống) của quả đồi.
Họ nhận thấy nếu không nhìn thấy đường chân trời, các cột mốc (điểm tham chiếu) thay thế như cây cối, tảng đá, biển báo…thực sự có thể làm sai lệch nhận thức về không gian của người quan sát.
“Chúng tôi nhận thấy hướng dốc (lên hay xuống) cảm nhận được phụ thuộc rất nhiều vào chiều cao của đường chân trời nhìn thấy được; cái bề mặt nghiêng thường bị đánh giá thấp so với mặt phẳng nằm ngang, đặc biệt khi được đi liền phía trước, theo sau hay cắt bên sườn bởi một đoạn dốc xuống khá lớn, một đoạn hơi dốc xuống sẽ bị lầm tưởng là dốc lên.
“Trải nghiệm thị giác và tâm lý trong mô hình thí nghiệm khá giống với trên thực địa. Sau mỗi lần thí nghiệm chúng tôi lại thả một cuộn băng dính nhỏ lên mô hình và khi chứng kiến cuộn băng dính di chuyển ngược lên dốc, phản ứng của các tình nguyện viên khá thú vị: bất ngờ pha chút nét sợ hãi”- trích báo cáo tham luận của nhóm nghiên cứu.
Hoài Anh