Hãy dành một chút thời gian hình dung cảnh tượng này: Bạn đã chết. Bạn không còn thở. Tim bạn ngừng đập. Hoạt động điện não đồ của bạn biến mất. Mọi dấu hiệu của sự sống không còn. Nhưng đột nhiên, bạn nhận ra, bạn tỉnh giấc và có thể quan sát mọi người xung quanh, thậm chí nhìn thấy “thi hài” của chính mình.
Quả là một viễn cảnh đáng sợ. Nhưng nó chính là điều đã xảy đến với rất nhiều người trên thế giới. Họ đã trải qua một trạng thái gọi là “trải nghiệm cận tử”.
Tiến sĩ Sam Parnia, giám đốc khoa hồi sức cấp cứu thuộc trường y Langone trực thuộc Đại học New York tại thành phố New York và nhóm của ông đã tiến hành phân tích các trường hợp tim ngừng đập, nhưng sau đó được cứu sống lại. Nói cách khác họ đã bị chết lâm sàng. Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất loại này từng được thực hiện.
Kết quả cho thấy, ý thức và tâm trí của rất nhiều người chết lâm sàng vẫn tiếp tục hoạt động sau khi cơ thể họ đã mất đi các dấu hiệu của sự sống. Nói cách khác, họ vẫn “tỉnh táo sau khi chết”.
Họ vẫn “tỉnh táo sau khi chết”.
TS Parnia cho hay, cái chết được xác định tại thời điểm trái tim ngừng đập. Khi đó máu sẽ không tuần hoàn đến não, các chức năng não bộ sẽ dùng lại gần như tức thì. Bạn sẽ mất tất cả các phản xạ gốc của não bộ, bao gồm phản xạ họng (phản xạ hầu), phản xạ đồng tử.
Một số người được cứu sống trở lại nói rằng họ thậm chí đã nghe được âm thanh và nhìn thấy mọi thứ diễn ra xung quanh, thậm chí sau khi họ được nhìn nhận là đã chết.
Họ thậm chí có thể nghe thấy các bác sĩ báo tin về cái chết của họ cho gia đình.
Những trường hợp này đã được xác minh bởi y tá và bác sĩ có mặt tại hiện trường lúc đó.
Như chúng ta có thể thấy, khi cơ thể vật lý của những người này tiến vào trạng thái chết lâm sàng, hay chết tạm thời, tâm trí hay ý thức của họ vẫn rất tỉnh táo, có thể quan sát và nhận thức rõ ràng các sự việc diễn ra xung quanh. Vậy phải chăng định nghĩa về cái chết, vốn hạn cuộc vào cơ thể vật lý này, là một định nghĩa có phần hơi hạn hẹp?
Vậy phải chăng con người không thực sự chết khi cơ thể xác thịt của họ chết đi?
Đồng thời, trong trạng thái chết lâm sàng, khi mà não bộ của họ ngừng hoạt động, khi mà cơ quan thị giác (để nhìn) và thính giác (để nghe) của họ ngừng hoạt động, họ vẫn có thể nghe và cảm nhận rất rõ ràng các sự việc xảy ra xung quanh. Thậm chí họ có thể nhìn thấy chính cơ thể của họ.
Vậy không rõ dưới dạng thức tồn tại nào của sự sống họ có thể làm được những điều này?
Đây là một câu hỏi hiện vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Nhưng nếu tham khảo các tư liệu tín ngưỡng, tâm linh và tôn giáo của hầu khắp các nền văn hóa trên thế giới, chúng ta sẽ bắt gặp một khái niệm khá giống với trường hợp được miêu tả trên đây – linh hồn. Và trạng thái khi những người đó xuất ra để quan sát thế giới xung quanh được gọi là “thoát xác”, hay “linh hồn ly thể”.
Dưới phạm trù khoa học, hiện tượng này được gọi là “trải nghiệm cận tử (Near-death experience)”, và đây là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Lấy ví dụ, hãy xem những thông số được thống kê ở Mỹ dưới đây vào năm 1992:
– 774 trường hợp NDE được ghi nhận ở Mỹ mỗi ngày, theo kết quả điều tra năm 1992 của Viện thăm dò dư luận Gallup, được trích dẫn bởi Tổ chức Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử.
– 13 triệu người dân Mỹ, hay 5% dân số nước này, đã trải nghiệm hiện tượng NDE trong năm 1992, cũng theo kết quả điều tra trên.
Quả thật, những trường hợp như vậy, với số lượng rất nhiều, được báo cáo ở khắp nơi trên thế giới, trong nhiều nền văn hóa khác nhau qua nhiều năm, hẳn sẽ khiến chúng ta phải xem xét lại định nghĩa về sự sống và cái chết, rằng rất có thể sự sống không thật sự mất đi sau khi cơ thể xác thịt bị phân hủy, rằng rất có thể sự sống vẫn tồn tại dưới một dạng thức nào đó sau khi người ta chết. Và những điều này, ở trên một phương diện nào đó, lại có một sự tương đồng kỳ lạ với những điều được giảng trong tín ngưỡng, tâm linh, hay tôn giáo các nền văn hóa nhân loại.
Quý Khải