Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Mới đây, nữ sinh trung học 17 tuổi Bạch Mạch đã trở nên nổi tiếng trên mạng. Cô gái mặc trang phục cổ xưa, giữa lông mày và đôi mắt luôn có chút sầu ai nhè nhẹ, khi ánh mắt chuyển động, cô ấy trông giống hệt Lâm muội muội bước ra từ “Đại quan viên”. Tất cả những ai từng xem những bức ảnh của cô trong trang phục cổ xưa đều thốt lên: “Lâm Đại Ngọc” đã chuyển sinh lần nữa!

“Lâm Đại Ngọc” chuyển sinh trở về

Năm 1987, đạo diễn Vương Phù Lâm đã dành thời gian ba năm tinh tâm để sản xuất bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng”, được khán giả đón nhận nồng nhiệt ngay khi lên sóng, tạo hiệu ứng cháy vé. Trần Hiểu Húc, người đóng vai Lâm Đại Ngọc, trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Mọi người đều nói rằng cô ấy chính là Lâm Đại Ngọc bước ra từ trong sách, cô ấy đơn giản là Lâm Đại Ngọc chuyển thế. Thật không may, Trần Hiểu Húc đã qua đời năm 2007 ở tuổi 41. Mọi người vừa thương cho cô, cũng vừa tiếc nuối, dù sao Lâm muội muội cũng không phải là người trần thế, không thể ở lại lâu.

Trong những năm qua, không ít người đã mô phỏng vai diễn “Lâm Đại Ngọc” do Trần Hiểu Húc thủ vai, nhưng cùng lắm họ chỉ có thể giống cô về ngoại hình, chứ không giống về cái thần của nhân vật. Bởi vì Trần Hiểu Húc có sẵn khí chất bẩm sinh, tao nhã và thanh lạnh, rất khó bắt chước. Chính vì khí chất độc đáo này mà cô đã lọt vào mắt đạo diễn Vương Phù Lâm.

Điều hiếm thấy là Bạch Mạch cũng có khí chất thanh lạnh hiếm thấy ở những cô gái ở độ tuổi này, rất giống Trần Hiểu Húc. Điều trùng hợp hơn là Trần Hiểu Húc qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2007, và Bạch Mạch thì oa oa chào đời vào ngày hôm sau. Cư dân mạng thốt lên, lẽ nào đây là Trần Hiểu Húc chuyển thế trở về, “Lâm Đại Ngọc” tái hiện tại nhân gian?

Trên thực tế, không lâu sau khi Trần Hiểu Húc qua đời vào năm 2007, những câu chuyện về kiếp trước và kiếp này của cô đã được lan truyền trên Internet. Trong số đó, một nhà ngoại cảm cho rằng cô ấy đã đầu thai làm người. Vậy thì, Bạch Mạch rốt cuộc có phải là cô ấy không?

Câu chuyện kiếp trước của Trần Hiểu Húc

Đầu tiên hãy giới thiệu một bài đăng được lan truyền rộng rãi trên Internet vào năm đó. Tác giả nói rằng ông có thể nhìn thấy vài lần chuyển thế của Trần Hiểu Húc trong các kiếp trước, cũng có thể những gì ông nhìn thấy không hoàn toàn là chân tướng, nhưng mọi người có thể nghe nó như một câu chuyện.

Ở một triều đại nào đó thời cổ đại, không rõ thời gian cụ thể, có một vị tri phủ đại nhân mặc lễ phục màu đỏ thẫm, đội mũ gạc màu đen. Vị tri phủ cả đời chính trực, đối đãi với trăm họ rất tốt. Một năm nọ, địa hạt của ông phát sinh hạn hán, đồng ruộng không có thu hoạch, người dân lưu vong tứ xứ. Ông đã dùng hết gia tài của mình để cứu trăm họ, tổng cộng đã cứu được trên nghìn người.

Hoàng đế rất thích ông, thăng ông lên chức quan lớn tổng đốc. Nhưng vì bản tính cương trực, không biết uốn mình xử sự, nên ông đã vô tình đắc tội với anh trai của hoàng hậu. Vị quốc cữu đại nhân này rất thâm thù, mấy năm sau phát hiện ra một lỗi của ông, đã buộc ông phải bãi quan về nhà, còn lục soát nhà ông. Hai người họ từ đó đã kết thành nợ nghiệp.

Sau khi tổng đốc qua đời, vì đã cứu bách tính, tích được đại công đức, nên linh hồn của ông được thăng về thiên đường ở tầng gần nhất với con người để hưởng phúc, đồng thời chờ đợi luân hồi lần sau. Còn vị đại quốc cữu kia thì sống lâu hơn ông mười năm, sau khi chết bị phạt xuống âm gian chịu khổ. Trải qua ba đến năm trăm năm như vậy, một người đã hưởng xong phúc xong, người kia cũng đã xong hình phạt, cả hai lại luân hồi chuyển sinh làm người.

Kiếp này, tổng đốc trở thành con trưởng của một gia đình giàu có, và là người thừa kế duy nhất tài sản của gia tộc, tiền tài như nước, thê thiếp thành bầy. Còn vị quốc cữu kia thì trở thành quản gia của ông.

Nhưng vị quản gia này tay chân không được sạch sẽ cho lắm, ă trộm đồ cổ trong nhà, rồi bị chủ nhân phát hiện. Ông chủ không nói không rằng, thẳng tay đánh đập, kết quả là, quản gia bị đánh chết. Tuy là nô bộc của gia đình, nhưng mạng người trọng đại, ông chủ phải tốn rất nhiều tiền tài mới giải quyết được sự việc. Tuy nhiên, đôi khi tiêu tiền cũng không nhất định có thể tiêu nạn. Khi báo ứng xuất hiện, thân thể ông bắt đầu dần dần suy bại, mới 50 tuổi đã qua đời. 

Vài năm trước khi qua đời, ông nghe theo lời khuyên của một vị cao tăng, đã làm rất nhiều việc thiện để tạo phúc cho trăm họ, còn tu sửa tu viện, thờ tượng Phật, cúng dường tăng nhân trong tu viện. Nhưng có lẽ vì dụng ý chữa cho mình khỏi bệnh chứ không phải từ nội tâm kính Phật, chỉ vì một chút sai lệch thôi, mà những hảo sự ông làm vẫn không kéo dài được tuổi thọ, tuy nhiên, nó vẫn khởi một tác dụng nào đó ở kiếp sau.

Sau khi chết, ông đến âm gian và gặp lại vị quản gia. Cả hai lại song song chuyển sinh. Lần này, ông là thân nữ, sinh ra trong gia đình phú quý, và kết hôn với một tú tài đương địa. Một năm nọ, vị tú tài phải đến Bắc Kinh để dự thi, người vợ nói, em cũng nên về nhà bố mẹ đẻ để thăm thân. Ai ngờ trên đường về nhà bố mẹ, cô lại đụng phải bọn thổ phỉ. Sau khi bị thổ phỉ dâm ô, cô đã tự sát. Mà tên thổ phỉ ô uế cô chính là tên quản gia bị đánh chết ở kiếp trước. Mặc dù đã thành thổ phỉ báo thù kiếp trước, nhưng dù sao cũng liên quan đến một mạng người, vài năm sau, báo ứng đã đến. Những tên thổ phỉ đã bị quan phủ bắt giữ, toàn bộ kết án tử hình.

Về phần người phụ nữ tự sát, do thọ mệnh của cô ấy vẫn chưa hết, nên dù thân xác đã chết, nhưng linh hồn cô không còn nơi nào để nương tựa, trở thành cô hồn dã quỷ, phiêu đãng trong vô minh, sau hàng chục năm chịu khổ, cô mới được quay về âm gian, chờ đợi chuyển thế.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo giảng lục đạo luân hồi, chính là nói, không phải ai trong mỗi kiếp cũng có thể chuyển sinh làm người. Đôi khi phải chuyển sinh thành động vật, thậm chí nhập đạo ác quỷ chịu khổ. Vốn dĩ cô không có cơ hội chuyển sinh làm người, nhưng Diêm Vương tra ra kiếp trước cô đã thờ Phật, nên cho phép cô đầu thai làm người một lần nữa, hy vọng rằng cô sẽ tiếp tục hoằng dương Phật pháp.

Sau khi tái sinh, cô vẫn là thân nữ, trở thành vợ của một người đàn ông giàu có. Nhưng không biết có phải là vì kiếp trước cô từng là một cô hồn dã quỷ, trong tâm tích lũy oán khí quá thịnh hay không, mà đời này tính cách của cô rất bất hảo, tâm hẹp hòi đố kỵ rất mạnh, cũng rất thù dai. 

Sau khi kết hôn, cô không thể có con trong một thời gian dài. Người ta nói bất hiếu có ba thứ, trong đó thứ lớn nhất là không có con. Để nối dõi tông đường, người chồng đã cưới một người vợ lẽ. Sự ghen tuông trong lòng người vợ cả bùng cháy như ngọn lửa thảo nguyên, cô coi người vợ lẽ như cái gai trong mắt, cái gai trong thịt, hành hạ người vợ lẽ bằng mọi cách. Cuối cùng, khi người vợ lẽ có thai, người vợ cả lo sợ sau này sẽ chiếm lấy vị trí của mình, nên tìm lý do để đánh đập người vợ lẽ một cách dã man. Kết quả là người vợ lẽ không chịu nổi đã qua đời, nhất tử lưỡng mạng. Trong cơn giận dữ, người chồng đã ly dị vợ cả.

Người phụ nữ này sau đó đã tỉnh ngộ, dành những năm cuối đời trong một am ni cô ở gần nhà để khổ đọc Kinh Phật, sám hối tội nghiệp của mình. Tuy nhiên, vì tâm quỷ trong luân hồi sinh mệnh quá mạnh, nên cô đời này vẫn không lĩnh ngộ được nhân quả của Phật Pháp, không thể nào giải thoát. Trước khi chết, cô đã quỳ trước tượng Phật trong am ni cô và phát nguyện, cầu nguyện với Đức Phật rằng kiếp sau cô muốn tu trì Phật Pháp, giải thoát luân hồi. Sau khi về phòng không lâu, cô đã qua đời.

Tôi là Lâm Đại Ngọc

Kiếp sau của cô, chính là cuộc đời của Trần Hiểu Húc.

Ngày 29 tháng 10 năm 1965, Trần Hiểu Húc sinh ra trong một gia đình nghệ thuật ở An Sơn, Liêu Ninh. Cha cô, Trần Cường, là đạo diễn của Đoàn kịch An Sơn Bắc Kinh, còn mẹ cô, Vương Nguyên Tịch, là một giáo viên dạy múa. Khi mẹ cô đang mang thai cô, bà mơ thấy một ngày nọ có một ông già tóc trắng đến thăm, nói rằng bà sẽ sinh một bé gái. Ta đã chọn cho bà một cái tên, đó là “Ye 芬”. Chữ “Ye” này là từ “dã 也” ở dưới chữ thảo.

Sau khi tỉnh lại, Vương Nguyên Tịch kể với chồng mình là Trần Cường, Trần Cường cũng cảm thấy chuyện này khá kỳ diệu. Nhưng chữ “Ye” không có trong từ điển. Nó rốt cuộc là ý tứ gì? Sau này, một nhà biên kịch ở rạp phía nam nói với ông rằng đây là tên một loại cỏ ở miền nam, mảnh mai và yếu đuối, giống với Lâm Đại Ngọc.

Khi vợ chồng Trần Cường nghe thấy tên Lâm Đại Ngọc, họ cảm thấy không vui. Tại sao? Đại Ngọc tuy xinh đẹp, nhưng lại có vận mệnh bất hảo, cả đời yếu đuối bệnh tật, khóc nhiều hơn cười, và qua đời khi tuổi còn trẻ. Họ không muốn con gái mình phải trải qua cuộc đời như vậy. Hai vợ chồng bàn bạc, không nghe theo gợi ý của ông già tóc trắng. Vì đứa trẻ được sinh ra trước bình minh, nên họ đặt tên cho đứa trẻ là “Hiểu Húc”.

Tuy nhiên, bản thân cô bé Hiểu Húc lại có tình cảm đặc biệt với Lâm Đại Ngọc. Khi cô bé mười ba mười bốn tuổi, khi những cô bé khác vẫn đang nhảy dây chun, Trần Hiểu Húc bắt đầu đọc cuốn sách “Hồng lâu mộng” và không thể đặt nó xuống. Cô đã đọc nó nhiều lần và sao chép bài thơ của Lâm Đại Ngọc vào nhật ký của mình. Sau đó, khi biết đoàn làm phim Hồng Lâu Mộng đang tuyển người, cô liền chạy đi xin vai và tự tin nói với đạo diễn: “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc.” 

Đạo diễn Vương Phúc Lâm cảm thấy cô không phải là giống Lâm Đại Ngọc, mà chính cô là Lâm Đại Ngọc, bởi mọi cử động, ánh mắt đều là cách thể hiện tốt nhất của Lâm Đại Ngọc, nên vai diễn này nhất định phải là của cô.

Đạo diễn Vương quả nhiên có nhãn quang. Sau khi phiên bản “Hồng lâu mộng” năm 1987 được phát sóng, “Lâm Đại Ngọc” của Trần Hiểu Húc đã trở thành kinh điển không bao giờ có thể vượt qua, đồng thời cô cũng trở thành Lâm muội muội vĩnh viễn trong lòng khán giả, thậm chí con đường nghệ thuật sau đó của cô cũng bị hạn chế rất nhiều, không có ai đến với cô nữa, bởi vì dù cô có diễn vai gì thì mọi người cũng sẽ coi cô là Lâm Đại Ngọc. Trần Hiểu Húc sau đó đã thay đổi nghề nghiệp, mở một công ty quảng cáo. Không ngờ công ty quảng cáo này nhanh chóng trở nên nổi tiếng, chỉ trong thời gian ngắn, cô đã có tài sản hàng trăm triệu.

Cao nhân có thể nhìn thấy kiếp trước của Trần Hiểu Húc nói rằng sự giàu có của cô ở kiếp này là do cô đã cứu được vô số mạng người trong kiếp làm tổng đốc, còn có phúc báo mà cô tích lũy được sau này bằng cách thành tâm kính Phật, vì vậy cô đời đời kiếp kiếp đều là người giàu. Đây cũng là thể hiện trực tiếp nhất của “thượng Thiên có đức hiếu sinh”. Nếu bạn cứu ai đó trong một kiếp, phúc báo của bạn có thể kéo dài trong nhiều đời.

Có lẽ cô vẫn còn nhớ những lời nguyện bản thân đã lập trước Đức Phật ở kiếp trước, Trần Hiểu Húc rất có Phật duyên. Cô bắt đầu quy y cửa Phật từ năm 1999, sau đó luôn nhiệt thành làm từ thiện. Vào tháng 2 năm 2007, cô thậm chí còn chính thức cắt tóc làm ni cô, xuất gia tu hành khiến xôn xao dư luận.

Trong các cuộc phỏng vấn, cô thường nói về số phận, nói rằng cô có được cơ hội đóng vai Lâm Đại Ngọc giữa hàng vạn đối thủ, điều này chỉ có thể nói là duyên phận nhân quả. Công ty của cô phát triển lớn một cách tự nhiên, cô tự nhiên nhận được nhiều đơn đặt hàng mà không phải lao tâm khổ tứ. Cô chỉ sử dụng lý luận trong kinh Phật để hướng dẫn nhân viên cách xử thế. Sau đó, nhiều nhân viên trong công ty của cô bắt đầu học Phật dưới sự ảnh hưởng của cô.

Có lần cô chia sẻ một sự việc xảy ra từ thời thơ ấu của mình, kể rằng có một cô gái thường xuyên bắt nạt cô. Cô thường nhìn lên các vì sao và cầu xin các ngôi sao và mặt trăng giúp mình thoát khỏi khốn cảnh. Một ngày nọ, cô gái kia thực sự đã đến làm hòa với cô, thái độ rất chân thành. Cô nói: “Từ đó trở đi, tôi bắt đầu tin rằng có một sức mạnh phi thường bất khả tư nghị ở cõi bên kia đang chủ tể hết thảy.”

Ý nghĩa chân chính của “Hồng lâu mộng” là gì?

Sự sùng đạo của Trần Hiểu Húc đối với Phật Pháp cũng mang đến cho cô một cách giải thích khác về “Hồng lâu mộng” so với những người khác.

Vào tháng 3 năm 2006, Trần Hiểu Húc đã nói trong một bài phát biểu tại Đại học Bắc Kinh, rằng chủ đề “Hồng lâu mộng” đều có trong bài thơ “Hảo liễu ca” ở phần đầu. Chúng ta hãy xem “Hảo liễu ca” nói gì.

Tham khảo bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng (thivien.net) 

Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào vậy,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Người đời đều cho thần tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây!
Ngày ngày những mong chất cho đầy,
Đầy rồi lại nhắm mắt xuôi tay!

Người đời đều cho thần tiên hay!
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ân tình thuyết cả ngày,
Lúc chết liền bỏ người đi ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!
Chỉ có con cháu lòng không khuây!
Si tâm cha mẹ xưa nay vậy,
Con cháu thảo hiền ai thấy đây!

Công danh phú quý, các loại tình duyên trong cuộc đời kỳ thực đều là ràng buộc, cuối cùng bất quá đều là phù vân. Trần Hiểu Húc nói rằng Đại Ngọc là người duy nhất có thể nhìn xuyên thấu nó trong “Hồng lâu mộng”.

Cô nói rằng Đại Ngọc nhất định đã hiểu rằng cô đến cuộc đời này là để thực hiện tâm nguyện của mình, dùng cuộc đời đầy nước mắt để báo đáp ân tình của Giả Bảo Ngọc. Vì thế sau khi thực hiện được tâm nguyện của mình, nhất định cô ấy sẽ có cảm ngộ. Sau khi cô ấy đã nhìn thấy cái tình này, sẽ mang theo tâm giải thoát mà trở về Thiên thượng. Nếu để cho cô viết “Hồng lâu mộng” hồi thứ 40, thì Lâm Đại Ngọc cuối cùng tuyệt đối sẽ không mang theo oán hận và tiếc nuối mà rời xa nhân thế.  

Nguyên lai Lâm Đại Ngọc là một loại cỏ tiên màu đỏ thẫm ở bên bờ sông Linh Hà và đá Tam Sinh. Giả Bảo Ngọc là Thần Anh thị giả của cung Xích Hà. Khi chàng đang đi dạo trên bờ sông Linh Hà, chàng phát hiện loài cỏ rất duyên dáng dễ thương, tâm sinh luyến tiếc, nên mỗi ngày chàng lại mang nước cam lồ đến tưới cho nó mỗi ngày. Cỏ tiên được tưới mát bằng nước cam lồ đã huyễn hóa thành hình người, trở thành Giáng Châu tiên tử. Nàng tiên muốn báo đáp ân tình, nên đã theo Thần Anh hạ phàm, dùng hết nước mắt trong đời để báo đáp ân tình của chàng.

Đây là khởi nguyên của toàn bộ câu chuyện “Hồng lâu mộng”. Tất cả những thị phi nơi nhân gian, mọi yêu hận tình thù, đủ mọi sự tình tra tấn con người, cuối cùng bất quả chỉ là chút tình tích, hoàn trả là xong, không còn thống khổ cũng không còn phiền não, không cần phải quá coi trọng, cũng đừng quá thâm nhập kịch tình.

Có lẽ đây là cách giải thích của Trần Hiểu Húc đối với “Hồng lâu mộng”.

Điều bất ngờ là một năm sau, chính Trần Hiểu Húc cũng qua đời ở tuổi 41, nối bước Lâm Đại Ngọc. Trong khi mọi người đều cảm thấy đau buồn nhưng không khỏi ngạc nhiên. Dù cha mẹ của Trần Hiểu Húc đã đổi tên cho cô, nhưng có vẻ như vẫn không cách nào thoát khỏi vận mệnh chết trẻ như Lâm Đại Ngọc.

Chuyển thế trở về?

Không lâu sau khi Trần Hiểu Húc qua đời, có người đăng tin lên mạng, nói rằng một nhà ngoại cảm nhìn thấy cô đã được chuyển thế lần nữa, lần này lại đầu thai làm người, thông tin cụ thể không tiện tiết lộ, nhưng nhân duyên rất tốt. 17 năm sau, Bạch Mạch, người giống Trần Hiểu Húc đến 90%, xuất hiện. Chúng ta không có cách nào biết được liệu Trần Hiểu Húc có thực sự chuyển thế trở về hay không, nhưng dù thế nào đi nữa, Lâm muội muội xuất hiện sống động trước mặt mọi người, đây có thể là một niềm an ủi đối với đa số người hâm mộ “Hồng lâu mộng”.

Trên thực tế, Trần Hiểu Húc không phải là người duy nhất trong “Hồng Lâu Mộng” phiên bản 1987 mà đời thực có quỹ đạo tương tự như nhân vật. Trương Lị do Tiết Bảo Sai đóng sau này ra nước ngoài kinh doanh bất động sản, đã sớm trở thành một đại gia giàu có, có thể nói là tài mạo song toàn. Tuy nhiên, cô đến nay vẫn chưa lập gia đình. Khi phóng viên hỏi lý do, cô lịch sự đáp lễ rằng cô vẫn chờ Bảo ca ca trong đời. Diễn viên Cơ Ngọc, người đóng vai ni cô Diệu Ngọc mang tóc tu hành, cũng quy y cửa Phật trong đời thực, cũng mang theo mái tóc của mình tu hành, tự xưng là cư sĩ Diệu Âm.

Điều ý vị là đại bộ phận các diễn viên chính trong phiên bản 1987 của “Hồng lâu mộng” dần biến mất khỏi mắt công chúng sau khi kết thúc vai diễn trong bộ phim truyền hình này. Vì nhiều lý do, họ không tiếp tục sự nghiệp diễn xuất của mình, như thể đời này họ chỉ là vì vai diễn này mà đến. Giống như cuộc đời của Trần Hiểu Húc, cả trong kịch và trong đời chỉ vì để diễn giải vai Đại Ngọc mà đến.

Có lẽ, như Trần Hiểu Húc đã nói, có một lực lượng nào đó đang điều khiển hết thảy, mượn ngòi bút của Tào Tuyết Cần để viết nên kịch bản “Hồng Lâu Mộng”, đồng thời cũng mượn những diễn viên này để hoàn thành vở đại hí “Hồng Lâu”. Và chúng ta, những người đã xem chương trình, có thể hiểu được bao nhiêu?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch