Đại Kỷ Nguyên

Lần đầu hội thảo về vai trò và sứ mệnh lịch sử của Định lý Gödel tại Việt Nam

Lần đầu hội thảo về vai trò và sứ mệnh lịch sử của Định lý Gödel tại Việt Nam

(Ảnh chụp màn hình Youtube/Người Nổi Tiếng)

Ngày 15 và 16/2 tới, tại TPHCM, Viện Triết học Phát triển với chức năng nghiên cứu cơ bản về các nguyên lý phát triển và Tổ chức Thiện nguyện Việt Nam sẽ đồng tổ chức chuỗi hội thảo “Tuyên ngôn về sứ mệnh lịch sử của Định lý Gödel và Tiên đề Thứ tự trong khoa học và đời sống”.

Định lý Gödel, tức “Định lý Bất toàn” (Incompleteness Theorem) do Kurt Gödel (1906-1978) – một nhà toán học nổi tiếng người Áo, được Tạp chí Times bình chọn là nhà toán học lớn nhất trong thế kỷ XX công bố năm 1931, là một định lý logic toán học được giới khoa học so sánh ngang với thuyết tương đối của Einstein và nguyên lý Bất định của Heinsenberg. Về ý nghĩa triết học của định lý này, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã nói rằng: “Cái đúng của toán học phải tìm ngoài toán học”.

Định lý Bất toàn về logic toán học của Kurt Gödel mô tả về giới hạn tự thân của những hệ thống có đủ sự phức tạp, có thể biểu diễn bằng những thuật toán cơ bản của số tự nhiên, có tính nhất quán và được tiên đề hóa một cách hiệu quả.

Nhà lịch sử toán học Phạm Việt Hưng, Giám đốc Trung tâm Triết học về Toán và Khoa học máy tính – Viện Triết học Phát triển, một trong những diễn giả của chuỗi hội thảo này, đã chỉ ra và phân tích rõ lý do vì sao một trong những thành tựu vĩ đại của nền văn minh nhân loại là Định lý Gödel lại được ít người biết đến để vận dụng trong khoa học và đời sống trong suốt thế kỷ XX và cho đến tận ngày nay.

Trong tác phẩm: “Định lý Gödel: Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại”, Nhà xuất bản Tri thức, 2019, tác giả Phạm Việt Hưng đã trình bày nhiều luận cứ và bằng chứng thuyết phục về các lý do này.

Trước hết, trong thế kỷ XX, tồn tại hai xu hướng tư tưởng lớn, cả trong khoa học nói chung lẫn toán học nói riêng, là chủ nghĩa duy lý và tinh thần phê phán chủ nghĩa duy lý, với sự thắng thế nghiêng về chủ nghĩa duy lý.

Thứ hai, đó là do tầm ảnh hưởng cá nhân quá rộng lớn và dài lâu của Giáo sư toán học người Đức David Hilbert (1862 – 1943), người thuộc chủ nghĩa duy lý trong khoa học và toán học. Hilbert được ghi nhận như là một trong những nhà toán học uy tín nhất thế giới của giai đoạn cuối thế kỷ IXX và nửa đầu thế kỷ XX.

Một trong những ứng dụng rất quan trọng ngày nay của Định lý Gödel trong khoa học máy tính là sự khẳng định rằng không có thuật toán nào có thể giải quyết được các “Bài toán dừng”. Hồi kết của câu chuyện “Sự cố dừng” trong khoa học phần mềm đã từng bước chỉ ra rằng, hóa ra logic hình thức không phải là ngôn ngữ đặc trưng của con người, và cũng không phải ngôn ngữ đặc trưng của toàn bộ toán học, mà là ngôn ngữ đặc trưng của… máy tính.

Cuộc cách mạng trong nhận thức này về vai trò và chức năng của logic hình thức chính là một bài học quan trọng về nhận thức luận dành cho tất cả những ai quan tâm tới sự khác biệt giữa bản chất tư duy của con người và “suy nghĩ” của computer.

Ngày nay chúng ta đã rõ, “trật tự” hai số 0 và 1 trong khoa học điện toán – chứ không phải bản thân hai con số 0 và 1 trong điện toán – chính là thông tin. Tương tự như vậy, trên không gian TOPO di truyền học cũng hàm chứa những “trật tự” mang tính bản chất, có giá trị bản thể như “tiền thông tin”.

Việc phát hiện ra “trật tự tiền thông tin” như một tiên đề sinh học đã được công bố vào năm 2014, bởi TS. Vũ Như Ngọc (bút danh Hữu Như), nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khoa học Hạt nhân – Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Triết học Phát triển, trong quyển sách “Tiên đề Thứ tự và không thời gian sinh học”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Tiên đề Thứ tự” từ góc nhìn sinh học – như một trong những phương pháp luận nhận thức căn bản, đã được bổ sung vào trong khoa học và đời sống như là một trong những lăng kính vũ trụ học đương đại và hiệu quả để quan sát thế giới.

Là một trong những diễn giả của chuỗi hội thảo này, TS. Vũ Như Ngọc chia sẻ ý nghĩa triết học của công bố khoa học của mình: “Tiên đề Thứ tự và tư duy thứ tự sẽ là chiếc cầu nối logic hình thức và biện chứng nội dung”.

Từ những nghiên cứu cơ bản trong toán học với Định lý Gödel và trong sinh học với Tiên đề Thứ tự và rút ra mối liên hệ nhân quả đi từ logic hình thức đến biện chứng nội dung của các nguyên lý khoa học và thực tiễn, Ban Tổ chức chuỗi hội thảo hết sức quan tâm và tập trung nhiều nhất sự cố gắng cho mong muốn biến kết quả hội thảo khoa học này thành những sản phẩm tiêu dùng thiết thực như là những ứng dụng hàng ngày trong khoa học và đời sống đến các thành viên tham dự hội thảo.

Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển, đơn vị đồng tổ chức chuỗi hội thảo bày tỏ: “Sử dụng các nguyên lý trong toán học và sinh học để mô tả về các ứng dụng trong triết học đời sống và khoa học máy tính sẽ là các giá trị và sản phẩm thiết thực mà chuỗi hội thảo này sẽ mang lại cho xã hội và cộng đồng”.

Phát triển hài hòa trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những yêu cầu rất lớn của thời đại. Ngày nay, trong điều kiện phân hóa xã hội đang ngày càng có xu hướng doãng ra mạnh hơn, bên cạnh những giải pháp kinh tế – xã hội, nhằm bảo đảm giữ gìn và phát huy mạnh mẽ mối quan hệ ổn định tiên quyết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, thật sự cần thiết đặt các nhân tố phát triển và thiện nguyện thành các mắt xích kết nối có mối liên hệ cơ hữu và bền vững.

Do đó, trong những điều kiện hoàn toàn khác biệt, mới lạ về công nghệ và bối cảnh thời đại của cuộc cách mạng 4.0, sự tìm kiếm và thể nghiệm các mô hình thiện nguyện tích cực và hiệu quả liên quan đến công nghệ 4.0 là rất điều cần thiết. “Tổ chức Thiện nguyện Việt Nam là tổ chức đang tiên phong và bước đầu thành công trong việc hệ thống hóa từ lý luận thiện nguyện, tổ chức hội thảo thiện nguyện quốc tế, xuất bản sách về “Hành trình đến thiện nguyện đỉnh cao và thiện nguyện quốc tế” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2019) cho đến các hoạt động kết nối ứng dụng lý luận thiện nguyện vào thực tiễn xã hội và đời sống”, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh đã chia sẻ trước chuỗi hội thảo.

Được biết, Viện Triết học Phát triển và Tổ chức Thiện nguyện Việt Nam sẽ triển khai một chương trình thiện nguyện vì tài năng khoa học máy tính trong thập kỷ bùng nổ của công nghệ thông tin tại Việt Nam trong năm 2020. Theo TS. Nguyễn Huỳnh Thanh: “Tôi rất ủng hộ, nhất trí và đồng hành với các ý kiến gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng rằng Việt Nam cần thiết và xứng đáng được điểm tô ngày càng rõ nét hơn trên bản đồ các quốc gia dẫn đầu nền công nghệ thông tin thế giới”.

Ngoài ra, nhằm tao thêm nhiều thuận lợi trong hành động, tăng tính khả thi và hiệu quả cho quá trình chuyển tiếp đi từ những nghiên cứu cơ bản đến các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai, trong các nội dung chương trình của mình, chuỗi hội thảo cũng sẽ cố gắng hướng đến một thông điệp mang tính tuyên ngôn trong thực tiễn và hành động nhằm hội tụ tinh hoa và nguyên khí của xã hội và cộng đồng trong sứ mệnh vẻ vang của thời đại chúng ta vì một Việt Nam hùng cường và phát triển, từ những hệ quả ý nghĩa và giá trị thực tiễn của Định lý Gödel và Tiên đề Thứ tự trong khoa học và đời sống.

Mô hình hoạt động có đặc điểm gắn liền một cách hữu cơ, xuyên suốt và hiệu quả giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai như một phương thức hoạt động căn bản, bền vững, tiềm chứa nhiều năng lực khai phóng và sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như Viện Triết học Phát triển và Tổ chức Thiện nguyện Việt Nam đang làm là một mô hình đáng được nghiên cứu, nhân rộng.

Hy vọng rằng, mô hình này sẽ tạo nguồn sinh khí mới và góp phần hỗ trợ góc nhìn triết học nói chung cũng như triết học đời sống nói riêng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động thiện nguyện vì phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới trong bối cảnh thôi thúc mạnh mẽ và những đòi hỏi mang tính bước ngoặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thư mời hội thảo: Triết học đời sống dưới góc nhìn của toán học và sinh học

Thư mời hội thảo: Sứ mệnh lịch sử của định lý Gödel trong toán học và đêm trước cuộc cách mạng đương đại trong khoa học máy tính

(Ảnh: chinhphu.vn)

(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/Người Nổi Tiếng)

Exit mobile version