Đại Kỷ Nguyên

Lần đầu tiên chụp được cảnh tượng một hành tinh ra đời

Kính thiên văn mạnh nhất từng được chế tạo lần đầu tiên cho chúng ta chứng kiến ​​khung cảnh một hành tinh được sinh ra như thế nào.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà thiên văn học chụp được hình ảnh một hành tinh “non” đang được hình thành. Theo Dailymail, bức ảnh được chụp bằng kính thiên văn cực lớn của ESO ở sa mạc Atacama của Chile và được cho là cách Trái đất 370 năm ánh sáng. Họ đặt tên cho hành tinh mới chào đời này là PDS 70b do nó hình thành và bay quanh ngôi sao chủ PDS 70.

Khối lượng của hành tinh khổng lồ này gấp vài lần Sao Mộc – hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, quỹ đạo của nó quanh sao PDS 70 là khoảng 22 au, xa hơn khoảng cách Sao Thiên Vương với Mặt Trời đôi chút. Để quay hết một vòng quanh ngôi sao trung tâm của mình, nó phải mất 120 năm Trái Đất. Nhiệt độ bề mặt của PDS 70b là 1.200 Kelvin, cao hơn bất cứ hành tinh nào trong Hệ Mặt Trời (nóng nhất là Sao Kim với 737 Kelvin).

Bức ảnh hành tinh đang hình thành do kính thiên văn cả ESO ghi được (Ảnh: ESO)

PDS 70b còn bị bao phủ bởi một lớp bụi dày, thay đổi bức xạ phát ra từ lõi hành tinh. Ngôi sao này dù không phải là một ứng cử viên hình thành sự sống, nhưng hành tinh này là bằng chứng đầu tiên về quá trình ra đời của một ngôi sao. Một khám phá quan trọng trong ngành thiên văn học.

 Khi một ngôi sao mới hình thành, sẽ có một dải bụi dài bay theo quỹ đạo quanh ngôi sao ấy. Các nhà khoa học gọi đó là “protoplanetary disc”, tạm dịch là đĩa nguyên hành tinh. Nó là một đường vòng gồm bụi và khí gas quanh đường xích đạo của ngôi sao. Nhưng khi mà những hạt vật chất này va chạm với nhau, tính hấp dẫn của chúng sẽ tăng lên, chúng sẽ gộp dần lại và biến thành một hành tinh.

Dải bụi dài bay theo quỹ đạo quanh ngôi sao sẽ hình thành các hành tinh non (Ảnh: SciTechDaily)

Năm 2012, các nhà khoa học phát hiện ra một đĩa nguyên hành tinh tại xích đạo của PDS 70. Nhờ khám phá này, Viện Thiên văn Max Planck MPIA và Đài Quan sát Nam Âu ESO đã tập trung vào đây để kiếm tìm một hành tinh non.

“Những cái đĩa vũ trụ bao quanh các ngôi sao trẻ sẽ là nơi sinh ra các hành tinh, nhưng trước đây, ta chỉ có một vài quan sát cho thấy những hành tinh non có thể được hình thành”, nhà khoa học Miriam Keppler từ MPIA cho hay.

Một phần hệ thống kính lọc tìm kiếm hành tinh SPHERE của đài thiên văn ESO (Ảnh: Science alert)

PDS 70 có vài yếu tố để trở thành một điểm tìm kiếm đáng theo dõi. Đĩa nguyên hành tinh của nó rất lớn, bán kính rơi vào khoảng 130 đơn vị vũ trụ (astronomical unit – au, khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, khoảng 149.597.871 km).

Ngôi sao này là một sao lùn cam, khối lượng nhỏ hơn Mặt Trời và không quá sáng, rất thích hợp để theo dõi. Tuy nhiên, vẫn cần một số tấm lọc đặc biệt để bỏ đi những bước sóng ánh sáng đặc trưng, nhằm đưa về một hình ảnh rõ ràng hơn.

Dựa vào quang phổ của hành tinh này, các nhà khoa học hiện đang tiến hành phân tích thêm các dữ liệu quang phổ thu thập được để có thêm các hiểu biết về hành tinh này và quá trình hình thành của nó.

Hoài Anh

 

Exit mobile version