Các nhà thiên văn vừa có một khám phá mới giúp hé lộ hình dạng chính xác của thiên hà chứa hành tinh nơi chúng ta đang tồn tại.
Theo Iflscience, phát hiện đáng kinh ngạc này, được công bố trên tạp chí Science, khi các nhà khoa học đã lần đầu tiên thành công trong việc đo được khoảng cách đến một nhóm các ngôi sao ở phía đối diện của thiên hà mở ra triển vọng cho phép con người thiết lập tấm bản đồ chi tiết cho toàn bộ Dải Ngân hà.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng VLBA, một tập hợp gồm 10 kính thiên văn phân bố rộng khắp Bắc Mỹ để đo khoảng cách tới một vùng hình thành sao xa gọi là G007.47 + 00.05 và vùng xoắn ốc Centaurus của thiên hà.
Được gọi là parallax, kỹ thuật này cho phép họ đo khoảng cách tới các ngôi sao bằng cách ghi nhận sự thay đổi góc tới các vị trí xa xôi khi Trái đất ở phía đối diện của mặt trời. Góc càng nhỏ thì khoảng cách càng lớn.
Nhìn thấy phía bên kia của thiên hà là một việc rất khó khăn vì bụi giữa các vì sao che khuất ánh sáng quang học. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã có thể theo dõi các chuyển động của methanol và các phân tử nước trong khu vực của các ngôi sao xa.
Kết quả cho thấy khoảng cách là vào khoảng 66.000 năm ánh sáng, dựa trên các quan sát được thực hiện trong năm 2014 và 2015.
Alberto Sanna thuộc Viện thiên văn vô tuyến Max-Planck (MPIfR) ở Đức, tác giả chính của nghiên cứu, nói với Iflscience: “Phương pháp đo lường này tương ứng với việc có thể đo được kích cỡ một quả bóng chày trên Mặt Trăng. Về cơ bản chúng ta đo khoảng cách tới một vật thể nằm ở phía bên kia của thiên hà so với mặt trời”.
Phát hiện này được thực hiện như là một phần của một cuộc khảo sát rộng hơn được gọi là BASSAL. Mục tiêu chính của việc này là đo khoảng cách tới các khu vực hình thành sao xuyên qua Dải Ngân hà và mục tiêu cuối cùng là tái tạo lại thiên hà của chúng ta từ một triệu năm ánh sáng.
Hoài Anh