Đại Kỷ Nguyên

Lần đầu tiên trong lịch sử, thiên thạch rơi trúng người gây tử vong?

Một thiên thạch có đường kính 10 m sẽ có động năng tương đương với 5 đầu đạn hạt nhân, bằng với quả bom được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến II. (Ảnh:Comfreak via Pixabay/ CCO 1.0)

Các nhà chức trách tại bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ cho hay một mảnh thiên thạch rơi xuống đã làm một tài xế xe buýt tử vong và 3 người khác bị thương, để lại một hố va chạm trên mặt đất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử người ta ghi nhận trường hợp tử vong do thiên thạch rơi.

Tuyên bố

Các nhà chức trách thông báo nguyên nhân cái chết là do một vụ nổ. Vụ nổ cũng đã khiến 3 người khác bị thương, và làm vỡ nhiều ô cửa kính trong khu vực lân cận. Ban đầu, đây được cho là do một vụ nổ bom, tuy nhiên, các chuyên gia tư pháp và bom mìn đã không thể tìm thấy bất kỳ dấu vết của chất nổ nào sau khi khám nghiệm hiện trường.

Một phát ngôn viên cảnh sát đã nói trên tờ The Hindu : “Chúng tôi có thể loại trừ khả năng xảy ra khủng bố hoặc âm mưu phá hoại, vì chúng tôi không thể tìm thấy dấu vết của bất kỳ loại chất nổ nào tại hiện trường. Chúng tôi ngờ rằng đây có thể là một vụ thiên thạch rơi”.

Vụ va chạm đã để lại một hố sâu 1,2 m, và hiện đang được nghiên cứu bởi các nhà khoa học. Tuy nhiên, các nhà chức trách địa phương đã thu hồi được một vật thể màu xanh dương từ hiện trường vụ va chạm, với kích thước nhỏ hơn bàn tay của một người lớn.

Hai ngày sau vụ va chạm, Thủ hiến bang Tamil Nadu, ông Jayalalithaa Jayaram cho rằng vật thể không xác định trên là một thiên thạch, từ đó làm dấy lên một làn sóng tranh luận quốc tế.

Giáo sư G.C Anupama từ Học viện Vật lý Thiên văn Ấn Độ (Indian Institute of Astrophysics – IIA), đã gửi một nhóm các nhà khoa học đến điều tra vật thể lạ, và thông báo rằng cho đến nay nhóm nghiên cứu vẫn chưa tiến hành xong cuộc điều tra của họ.

Trưởng học viện, GS Anupama, trao đổi với kênh AFP: “Nhóm nghiên cứu đã nhận được một mẫu vật từ cảnh sát địa phương phụ trách điều tra sự việc. Bản chất của vật thể này chỉ có thể được xác định rõ sau khi được phân tích kỹ lưỡng bởi các chuyên gia.”

Giáo sư G.C. Anupama. (Ảnh: Internet)

Windows shattered due to Meteor impact at Naatraampalli, Vellore. Just like russian meteor impact . pic.twitter.com/5ioJdNBV1c

Hiện vẫn chưa rõ người đàn ông được xác định là Kamaraj đã bị thiệt mạng do vụ va chạm ban đầu, hay do xung chấn của nó.

Phản ứng của NASA trước vụ việc

Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA bày tỏ sự hoài nghi, khi cho rằng vụ việc này không thể được gây ra bởi một thiên thạch, đồng thời gợi ý rằng chắc hẳn phải có một nguyên nhân nào khác.

Dwayne Brown, một phát ngôn viên của NASA, đã nói trong một tuyên bố: “Tuy rằng có thêm nhiều thông tin đang được đưa ra bởi các nhà khoa học địa phương, nhưng đây khó có thể là thứ gì đó bắt nguồn từ trong không gian. Để tạo ra một hố va chạm với kích thước như trong các bức ảnh chụp được đăng lên mạng internet, thì thiên thạch đó sẽ phải có khối lượng lên đến ít nhất vài kilôgam.

Trong một email gửi đến trang Live Science, NASA nhận định: “Các kết quả đánh giá ban đầu, dựa trên những bức ảnh chụp được đăng lên mạng internet, là không tương thích với một vật thể bắt nguồn từ trong không gian. Các thiên thạch nhỏ sẽ không gây cháy hoặc phát nổ khi rơi xuống mặt đất”.

Những phát hiện mới

Các nhà khoa học từ Ấn Độ hiện đã phủ thêm một lớp màn bí ẩn lên cuộc thảo luận  với một bản báo cáo sơ bộ bởi Cơ sở Đo lường thuộc Đại học Quốc gia Ấn Độ (National College Instrumentation Facility- NCIF). Báo cáo cho rằng xung chấn gần như chắc chắn đã được gây ra bởi một thiên thạch.

Trang The Indian Express báo cáo rằng kết luận này đã được đưa ra sau khi phân tích các mảnh vụn của vật thể được cho là một thiên thạch gần khu vực va chạm, vốn đã cho thấy sự “hiện diện của đá chondrite chứa cacbon”.

TS Anbarasu, một nhà địa chất học và hiệu trưởng của Trường Đại học Quốc gia tại Tiruchirappalli, nhận định:

“‘Chứa cacbon’ có nghĩa là chứa nguyên tố cacbon hoặc các hợp chất của nó, còn ‘đá chondrite’ ám chỉ những thành phần phi kim của thiên thạch có chứa các hạt khoáng vật nhỏ”.

Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng đây không phải là một loại thiên thạch “phổ thông”. Tảng thiên thạch đã được đặt tên là BEC 1, theo sau Trường Cao đẳng Kỹ thuật Bharathidasan (Bharathidasan Engineering College), nơi nó được phát hiện.

GS Adimurthy, một nhà khoa học kỳ cựu tại Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, đã trao đổi với tờ The Indian Express rằng những khám phá này là “cực kỳ quan trọng”, đồng thời nói thêm rằng: “Báo cáo này có thể đang tự mình xác nhận các chứng cứ. Những phát hiện này nên được chia sẻ với các chuyên gia trong ngành khoa học vật chất khác”.

Nhà khoa học vẫn còn hoài nghi

Phó giáo sư Dipankar Banerjee từ Học viện Vật lý Thiên Văn Ấn Độ đã trao đổi với tờ The New Indian Express, rằng ông nghĩ có thể chính rác vũ trụ, chứ không phải một thiên thạch, đã gây ra vụ việc này.

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một sự việc như thế này xảy ra do một trận mưa thiên thạch, vì thông thường mưa thiên thạch có thể được truy rõ nguồn gốc, và có thể được dự đoán trước. Tuy nhiên, không hề có một dự đoán trước như vậy trong trường hợp này”.

Vậy xác suất tử vong do thiên thạch rơi là bao nhiêu?

Theo một bức email của Lindley Johnson, giám đốc Cơ quan Phối hợp Phòng vệ Hành tinh (Planetary Defense Coordination Office) trực thuộc NASA, gửi đến Live Science: “Sự việc này rất hy hữu, chưa từng có một báo cáo nào từng được khoa học xác nhận về một ai đó bị thiệt mạng do một vụ va chạm thiên thạch trong các tư liệu lịch sử”.

Từng có các báo cáo về các vụ chấn thương, nhưng ngay cả những trường hợp như vậy cũng là cực kỳ hy hữu trước khi xảy ra sự kiện sao băng rơi Chelyabinsk ở Nga vào 3 năm về trước.

Hầu hết các thiên thạch bằng đá với đường kính lên đến khoảng 10 mét sẽ bị tiêu hủy trong những vụ nổ nhiệt khi chúng tiến nhập vào bầu khí quyển Trái Đất. Tuy nhiên, có một số mảnh vụn sẽ không rơi xuống mặt đất.

Những mảnh vỡ thiên thạch này được biết là sẽ thỉnh thoảng gây nên các thiệt hại về tài sản. Ngày 9/10/1992, người ta đã nhìn thấy một quả cầu lửa xé ngang bầu trời từ Kentucky đến New York. Khi được phát hiện, nó có trọng lượng khoảng 12kg, và đã đâm thủng một lỗ trên một chiếc xe hơi đang đậu. Có những ghi chép của người Trung Quốc cổ đại về các tảng thiên thạch gây nên các trường hợp tử vong ở người; tuy nhiên không có bất kỳ trường hợp tử vong nào từng được báo cáo trong vòng 1000 năm trở lại đây.

Tuy không gây tử vong, nhưng thiên thạch rơi đã từng gây thương tích cho một số người, bao gồm bà nội trợ Ann Hodges từ bang Alabama, Mỹ. Bà đã choàng tỉnh giấc trên ghế sofa sau khi một tảng thiên thạch nặng 1,4 kg rơi đâm xuyên qua nhà bà, và làm hông bà bị thương.

Các trường hợp thiên thạch rơi khác bao gồm một phòng ăn ở Connecticut và một phòng ngủ ở Alabama, vốn đã được báo cáo khá rõ ràng.

Video của kênh DNews về khả năng một thiên thạch có thể rơi trúng người bạn:

Sức công phá

Một thiên thạch với đường kính 10m điển hình sẽ có động năng tương đương với 5 đầu đạn hạt nhân, tức là có sức công phá ngang với quả bom được thả xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II. Tuy nhiên, xung chấn nó tạo ra có thể gây nên những thiệt hại đáng kể ngay cả khi chỉ còn lại những mảnh vỡ nhỏ hơn đâm xuống mặt đất (rất nhiều mảnh vỡ, do ma sát với không khí tại các mức vận tốc cực đại, sẽ bị bốc cháy và tiêu hủy trong không trung trước khi có cơ hội rơi xuống mặt đất). Những sự kiện như vậy thường xảy ra cứ khoảng một lần trong mỗi một thập kỷ, nhưng hầu hết chúng thậm chí không được ghi nhận vì xảy ra ở ngoài biển hay trong những vùng xa xôi hẻo lánh như ở châu Nam Cực.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2013, một thiên thạch bay qua dãy núi Ural ở Nga đã phát nổ, tạo ra một xung chấn làm bị thương 1200 người, và gây thiệt hại cho hàng nghìn ngôi nhà.  

Cảnh tượng thiên thạch tại tỉnh Chelyabinsk, Nga vào ngày 2/2013. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
Cảnh tượng thiên thạch tại tỉnh Chelyabinsk, Nga vào ngày 2/2013. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)

Video quay cảnh thiên thạch rơi tại Nga vào ngày 2/2013:

Trong một bài viết với tựa đề: “Xác suất các vụ va chạm [thiên thạch] với Trái Đất”, JPL nhận định: “Khả năng ai đó thiệt mạng do một vụ thiên thạch rơi là thấp, tuy nhiên nguy cơ này sẽ tăng tỉ lệ thuận theo kích thước của sao chổi hay tiểu hành tinh va chạm”.

Tác giả; Troy Oakes, Vision Times.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc tại đây.
Thạch Khánh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version